• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tục dán giấy đỏ ngày Tết của người Tày ở Yên Bình
Ngày xuất bản: 16/02/2024 8:41:47 SA

HOÀNG THỊ NA

Dân tộc Tày là dân tộc có dân số đông thứ hai của Việt Nam. Tại Yên Bái, người Tày có 150.083 người; tại huyện Yên Bình, người Tày có 20.465 người (theo số liệu thống kê năm 2019). Người Tày ở huyện Yên Bình tập trung tại các xã: Xuân Lai, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Phúc Ninh, Ngọc Chấn, Xuân Long… bao quanh khu vực ven hồ Thác Bà, gồm hai dòng Tày là Tày gốc đã cư trú lâu đời và Tày di từ nơi khác đến trước Cách mạng tháng Tám. Cộng đồng dân tộc Tày tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có một nền văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, đặc trưng với những bản sắc độc đáo cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Tục ăn Tết Nguyên Đán thể hiện những nét tiêu biểu của văn hóa Tày ở huyện Yên Bình với nhiều phong tục, nghi lễ, diễn xướng, trò chơi… trong đó có tục dán giấy đỏ ngày Tết mang nhiều ý nghĩa, cầu mong một năm mới bình an, may mắn.

Người Tày Yên Bình quan niệm màu đỏ là màu của lửa, gắn với sức mạnh, quyền năng, cũng là màu tượng trưng cho khí dương, ánh sáng, màu thể hiện sự may mắn, bình an, hạnh phúc. Tết Nguyên Đán, người Tày trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ, dán giấy đỏ vào các dụng cụ sản xuất, vật nuôi, cây cối với ý nghĩa đánh thức vạn vật sau một mùa đông lạnh giá. Người Tày còn quan niệm, màu đỏ là màu xua đuổi ma quỷ. Dân gian Tày lưu truyền câu chuyện kể rằng: Ngày xưa, mỗi khi Tết đến, xuân về, bản làng người Tày náo nức mổ lợn, làm bánh. Lũ quỷ thấy vậy liền đến phá hoại đồ đạc, trộm, cướp thịt, bánh vì vậy dân bản luôn phải canh gác ngày đêm. Vào dịp Tết năm nọ, có một gia đình phơi mảnh vải đỏ trước nhà. Lũ quỷ mò đến bản như thường lệ, mới nhìn thấy mảnh vải đỏ từ xa đã vội bỏ chạy. Từ đó mọi người biết quỷ sợ màu đỏ nên cứ vào dịp Tết nhà nhà lại dán giấy đỏ lên các con vật, đồ đạc để xua đuổi quỷ. 

Vào ngày ba mươi Tết, thường phụ nữ sẽ phụ trách việc làm bánh; đàn ông trong gia đình sẽ dậy sớm trang hoàng nhà cửa, lau dọn bàn thờ, trong đó có một công việc quan trọng là gỡ bỏ giấy đỏ cũ, chuẩn bị giấy đỏ mới dán lên bàn thờ, dụng cụ, cây cối, vật nuôi… Giấy đỏ cũ khi gỡ bỏ được đem đốt trước nhà, xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ, tránh giấy đỏ cũ bị gia súc, gia cầm giẫm lên sẽ khiến gia đình gặp xui xẻo trong năm mới. Sau khi quét dọn, lau rửa bàn thờ xong chủ gia đình sẽ trang trọng dán giấy đỏ mới lên bàn thờ tổ tiên. Giấy đỏ dán trên bàn thờ thường có kích thước 60x80cm, được gia chủ nhờ thầy Tào, thầy cúng viết bằng chữ nho, nội dung ghi tên tuổi gia tiên và những lời hay ý đẹp. Ngoài bàn thờ tổ tiên, người Tày Yên Bình còn dán giấy đỏ ở bàn thờ Mụ, bàn thờ thần Bếp, bàn thờ Chất Chỏ (tổ tiên trên bảy đời). Số lượng giấy đỏ được dán phải là số lẻ, thường là: 1, 5, 7. Giấy đỏ dán trên dụng cụ, cây cối, vật nuôi có kích thước nhỏ hơn, khoảng 5x8cm, được cắt hình hoa văn hoặc hình vây cá. Việc dán giấy đỏ lên dụng cụ, cây cối, vật nuôi ngoài ý nghĩa xua đuổi quỷ, tà ma, còn có ý nghĩa đánh thức Đồ vật, cây trồng, vật nuôi sau một mùa đông dài nghỉ ngơi không vận động. Ngoài ý nghĩa đó, dán giấy đỏ còn khẳng định chủ quyền của gia chủ đối với dụng cụ, cây trồng, vật nuôi đó. Việc khẳng định chủ quyền này có hai nghĩa là khẳng định chủ quyền với xóm giềng ở dương gian và khẳng định quyền sở hữu với ma quỷ ở thế giới âm. Trong nhà, những nơi được dán giấy đỏ cỡ nhỏ hình hoa văn hoặc hình vây cá thường là cửa sổ, cầu thang; các dụng cụ được dán giấy đỏ thường là máng nước, cày, bừa, cuốc, xẻng… Với quan niệm vạn vật hữu linh, tất cả đều có linh hồn nên việc dán giấy đỏ còn để đánh thức các dụng cụ, đồ vật dậy ăn Tết cùng con người để chuẩn bị vào một năm, một mùa vụ mới. Giấy đỏ được dán vào cây cối với ý nghĩa đánh thức cây phát triển, ra hoa, kết trái, bội thu. Màu đỏ tượng trưng cho dương khí, ánh sáng, sự ấm áp nên sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Đối với vật nuôi, giấy đỏ thường được dán ở cửa chuồng với cầu mong vật nuôi sẽ khỏe mạnh, sinh sôi.   

Bắt nguồn từ quan niệm xua đuổi ma quỷ, cầu mong năm mới vạn vật sinh sôi, bình an, ấm no, hạnh phúc, hiện nay, tục dán giấy đỏ ngày Tết Nguyên đán vẫn tồn tại trong cộng đồng dân tộc Tày ở huyện Yên Bình. Đó là một trong những thành tố văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc của người Tày ở Yên Bình trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

 

                                                                                                         H.T.N

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter