• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Giá trị văn hóa của cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng
Ngày xuất bản: 29/09/2023 8:28:07 SA

THÀNH NGUYỄN

Là loài cây sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên tại các vùng núi cao Tây Bắc, nơi có độ cao trên 1.000 nghìn mét so với mực nước biển, quanh năm được mây mù bao phủ và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất đặc biệt; cây chè cổ thụ Shan tuyết được ví như “vàng xanh” và có ở nhiều nơi như Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Suối Giàng, Sùng Đô (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La),… Trong đó, Suối Giàng từ lâu đã trở nên nổi tiếng, được mệnh danh là “Đệ nhất kỳ quan trà” không chỉ bởi số lượng, tuổi đời của những cây chè cổ thụ và hương vị đặc trưng không vùng chè nào sánh được, mà còn bởi những giá trị văn hóa và sự gắn bó mật thiết của cây chè cổ thụ với đời sống tâm linh, văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào Mông nơi đây đã làm nên bản sắc văn hóa vùng chè riêng có, khác biệt so với nhiều vùng chè của cả nước. 

Trong dân gian, đồng bào Mông ở Suối Giàng còn lưu truyền câu chuyện truyền thuyết về sự hình thành của cây chè Shan trên vùng đất này. Chuyện kể rằng, từ thuở xa xưa, ở vùng đất hoang sơ quanh năm mây mù bao phủ, một nàng tiên nữ trong lúc dạo chơi qua đây đã tình cờ gieo xuống một loại hạt. Không lâu sau, những hạt ấy nảy mầm và mọc thành những cây xanh tốt, tán cây ngày càng rộng, búp cây ngậm sương trắng như tuyết, lá cây xanh thẫm to bằng nửa bàn tay. Khi ấy, một nhóm người Mông do chiến tranh loạn lạc phải di cư khỏi vùng đất phương Bắc đi về phía Nam. Bởi đường xa, thiếu thức ăn, nước uống lại bị bệnh sốt rét hoành hành nên khi đến đây họ đã phải nghỉ chân. Trong lúc tìm kiếm thức ăn, nước uống, họ bắt gặp một con suối rất trong và một loài cây rất lạ mọc xanh tốt giữa chốn non cao, liền hái lá cây ăn. Lạ thay sau khi ăn xong, thấy trong người tỉnh táo, khỏe khoắn lạ thường, họ liền lấy lá cây đun với nước suối để uống và tắm. Chỉ sau vài ngày, mọi người đều hết sốt và khỏe mạnh. Cho là có trời cứu giúp, thấy nơi đây cũng là mảnh đất lành, trời đất giao hòa lại có loài cây quý nên họ quyết định dừng chân định cư ở đây và đặt tên nơi này là “Suối Giàng” (tức suối của họ Giàng- dòng họ cư trú đầu tiên và Giàng cũng có nghĩa là trời nên cái tên cũng có nghĩa là suối của trời).

Thực tế cho đến nay, vẫn chưa ai xác định được cây chè Shan ở Suối Giàng xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cây chè Shan tuyết đã cùng đồng hành với bao thế hệ người Mông nối tiếp nhau sinh sống an cư trên mảnh đất này; dưới tán những cây cổ thụ, cùng với tiếng khèn, điệu múa, đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu về chè ở Việt Nam và thế giới đã chỉ ra rằng, ở Suối Giàng có rất nhiều cây chè Shan tuyết trên 100 năm tuổi. Trong đó có nhiều cây lên tới 200 năm, 300 năm tuổi. Là loài cây sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên trên vùng núi cao, khí hậu lạnh giá; rễ cây trà cắm sâu xuống đất, hấp thụ nước, chất dinh dưỡng của núi đồi để nuôi cây; thân cây chống chọi với cái giá lạnh và sương mù, mây phủ quanh năm. Giữa điều kiện sống khắc nghiệt, những cây trà cổ thụ vẫn vươn mình chống chọi và không ngừng chắt lọc, hấp thụ tinh hoa của đất trời. Bởi vậy, trên những thân cây khẳng khiu, xù xì, mốc thếch luôn là những chiếc lá trà dày, to bản, xanh thẫm; những búp trà mập mạp được bao phủ bởi một lớp lông tơ mịn trắng như tuyết và cho ra thành phẩm là những chén trà ngon hội tụ đầy đủ tinh túy, dưỡng chất và giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 1960, Viện sĩ K.M. Djemmukhatze thuộc Viện Sinh hóa A. Ba Cu- Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (trước đây) khi đến Suối Giàng, được thưởng thức trà Shan tuyết đã từng nói lên cảm nhận của mình: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng. Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới”. Trải qua thời gian phát triển và gắn bó lâu đời với đồng bào Mông ở Suối Giàng, với chất lượng đã được khẳng định và diện tích hơn 500ha chè Shan tuyết cổ thụ, năm 2013 sản phẩm chè Suối Giàng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền; ngày 16 tháng 2 năm 2016, quần thể 400 cây chè cổ thụ ở các thôn Giàng A, Giàng B, Pang Cáng và Bản Mới của Suối Giàng đã vinh dự được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản của Việt Nam và cuối năm 2014, trà Suối Giàng đã được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Cùng với những phong tục, tập quán truyền thống, cây chè Shan cổ thụ đã gắn bó và đi vào đời sống tâm linh của người Mông từ bao đời nay. Trong tâm thức của đồng bào Mông ở Suối Giàng, cây chè Shan tuyết là món quà vô cùng quý giá mà ông trời đã ban tặng cho họ. Bởi vậy đã thành thông lệ, cứ vào dịp mở hội đầu xuân hoặc cuối tháng 9 âm lịch (kết thúc vụ chè cuối cùng trong năm) người Mông nơi đây lại tổ chức lễ cúng cây chè tổ (cây chè có tuổi đời trên 400 năm) để tỏ lòng thành kính với trời đất, cảm tạ công lao của cây đã đem đến cho họ cuộc sống ấm no; đồng thời cầu trời, đất, thần chè ban cho họ một năm mưa thuận, gió hòa, những nương chè tươi tốt, bội thu và cuộc sống của họ ngày càng ấm no, hạnh phúc. Lễ cúng cây chè vừa thể hiện nét văn hoá tâm linh, vừa chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên nét đẹp độc đáo của Suối Giàng.

Đón gió, ngậm sương, hứng cái nắng chói chang ban ngày rồi lại căng mình chống lại cái lạnh giá vào ban đêm của núi, những búp trà Shan được bao phủ bởi lớp lông mềm li ti trắng như tuyết, tạo nên màu trắng đặc trưng của búp trà Shan tuyết. Chè Shan tuyết Suối Giàng được đồng bào thu hoạch 3 vụ trong năm- vụ xuân, vụ hè và cuối thu. Trong đó, vụ chè xuân luôn cho ra những loại trà ngon cực phẩm. Để có những búp chè ngon, bà con thường hái  lúc còn sương rồi chế biến theo một quy trình vô cùng nghiêm ngặt, kỳ công và tỉ mỉ. Trước kia, đồng bào chỉ thu hái và chế biến theo một phương thức truyền thống duy nhất (hái búp trà non 1 tôm 2 lá và sao bằng chảo gang trên bếp củi). Nhưng hiện nay, nhờ vào kỹ thuật, công nghệ và sự sáng tạo của những người đam mê, yêu trà, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được chế biến thành rất nhiều sản phẩm trà khác nhau như Lục trà, Hồng trà, Bạch trà, Hoàng trà, tùy vào từng phương thức thu hái và chế biến. Lục trà hay còn gọi là Diệp trà (trà xanh truyền thống), là loại trà phổ biến nhất với người Việt. Lục trà Shan tuyết được thu hái theo quy cách 1 tôm 2 lá, được chế biến tuân theo quy tắc truyền thống (nhiệt độ, các bước chế biến); nước trà thành phẩm có màu vàng sánh, thơm nồng, vị tiền chát hậu ngọt. Bạch trà là loại trà có giá trị cao nhất về vật chất cũng như tác dụng đối với sức khỏe con người bởi nó là sản phẩm yêu cầu cao nhất về nguyên liệu, khó tính nhất về kỹ thuật và thời gian sản xuất. Bạch trà được làm từ nguyên búp, tức là chỉ duy nhất 1 tôm chứ không thêm lá; được thu hái vào mùa xuân, khi những búp chè non xanh bật dậy từ sau giấc ngủ đông dài của cây chè cổ thụ. Bạch trà được chế biến bằng quy trình nghiêm ngặt, được làm khô tự nhiên trong 96 giờ với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm đủ tiêu chuẩn để trà lên men (oxi hóa). Thành phẩm Bạch trà là những búp trà còn nguyên hình dáng và giữ được lớp lông tuyết bao phủ bên ngoài, tạo nên màu trắng đặc trưng và chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe; khi pha nước trà có màu vàng nhạt, có vị ngọt sâu, chát nhẹ, có lớp váng mỏng nổi trên mặt chén. Hoàng trà Suối Giàng được làm từ những búp trà non 1 tôm 2 lá. Sau khi thu hái, trà được đem sao ngay khi chưa ráo nhựa. Qua công đoạn sao và vò, trà sẽ được đem cấp ẩm và ủ trong 1 ngày, 1 đêm với độ ẩm từ 80- 90% để cho lên men rồi mới đem sấy nhẹ cho đến khi thành phẩm. Bởi sự cầu kỳ trong chế biến, sản xuất nên Hoàng trà cũng là loại trà có hương vị đặc biệt và giá trị cao. Hồng trà được làm từ những búp chè non 1 tôm, 1 lá; được lên men tự nhiên qua hơn 46 giờ đồng hồ trong nhiệt độ phòng và độ ẩm ổn định. Ngoài ra, Suối Giàng còn có thêm các sản phẩm trà khác như Hoa trà, được thu hái từ những nụ hoa vừa chớm nở, sao trên nhiệt thấp trong 2 ngày. Thành phẩm là những nụ hoa nguyên vẹn, không bị vỡ, hương thơm nồng, vị chát dịu nhẹ, ngọt đậm, nước vàng sánh như mật.

Văn hoá thưởng trà từ lâu đã được xem là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Phản ánh sự giao thoa tinh tế giữa văn hóa truyền thống và nét đẹp hiện đại, được mệnh danh là “Đệ nhất trà Việt”, trà Shan tuyết của đồng bào Mông ở Suối Giàng giờ đây đang được thực khách tìm đến không chỉ để tận hưởng hương vị tinh tế, thanh ngọt mà còn để thưởng thức cả một nghệ thuật thưởng trà mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi bước từ chuẩn bị trà, pha trà, rót trà và tận hưởng hương vị của chén trà đều phản ánh giá trị văn hoá và nét đẹp truyền thống riêng biệt của dân tộc. Cổ nhân có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Để tận hưởng trọn vẹn hương vị tinh túy của chén trà Shan cổ thụ, từ việc sử dụng nguồn nước, chọn loại ấm, chén như thế nào; nhiệt độ nước pha trà ra sao cho đến việc chế bao nhiêu nước vào ấm, rót bao nhiêu trà ra chén để thưởng thức đều đòi hỏi người pha trà phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng và tinh tế.

Cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa, nhiều năm qua, cây chè Shan tuyết đã trở thành biểu tượng văn hóa, là tài sản vô giá và là nguồn sống chính của đồng bào Mông ở Suối Giàng. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển. Các phương án quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế; quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch khám phá, kết hợp các sản phẩm du lịch, lấy trọng tâm là quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ xã Suối Giàng được tập trung triển khai. Nhãn hiệu trà Suối Giàng được những người yêu trà quảng bá, lan tỏa trên khắp các thị trường trong và ngoài nước. Trà Suối Giàng trở thành thương hiệu nổi tiếng được bạn bè trong và ngoài nước ưa chuộng; nét đẹp về vùng đất, con người, bản sắc văn hóa của người Mông nơi đây cùng những giá trị văn hóa của cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã, đang và sẽ ngày càng thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi tìm về thưởng thức và trải nghiệm.  

                                                                                                     T.N

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter