• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Kiêu hãnh Thác Bà
Ngày xuất bản: 01/08/2024 7:28:55 SA

 Ký của NÔNG QUANG KHIÊM

 

Trải qua một hành trình, vượt lên muôn vàn khó khăn để phát triển, thủy điện Thác Bà luôn khẳng định vị trí không thể thay thế là cái nôi của ngành thủy điện Việt Nam. Cùng với nhà máy thủy điện, hồ Thác Bà hình thành, được ví như “Hạ Long trên núi”, mang đến những tiềm năng vô cùng lớn, đặc biệt là tiềm năng thủy sản và tiềm năng du lịch…

 

Kỳ II: Hành trình phát triển

 

Vượt lên khó khăn

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, một lần nữa cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy thủy điện Thác Bà lại dồn sức lực và trí tuệ để hàn gắn vết thương, sửa chữa, hoàn thiện nhà máy. Hoàn cảnh đất nước khi đó rất thiếu điện, nguồn điện của các nhà máy nhiệt điện và thủy điện trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, nên Nhà máy thủy điện Thác Bà luôn phải hoạt động liên tục, hết công xuất, công nhân, kỹ sư làm việc ngày hai, ba ca. Nhà máy chỉ được dừng sửa chữa trong thời gian ngắn vào mùa nước cạn. Trong điều kiện thiếu vật tư, phụ tùng và hầu như không có chuyên gia hướng dẫn, cán bộ nhà máy đã tự mày mò, nghiên cứu sửa chữa, nâng cấp nhà máy. Các cán bộ, kỹ sư nhà máy đã tự thiết kế, lắp đặt hệ thống chuyển đổi chế độ máy phát điện sang chế độ bù đồng bộ, nâng cao được hiệu quả sản xuất của các tổ máy vào những giờ thấp điểm. Năm 1982, nhà máy nâng công xuất các tổ máy từ 108MW lên 120MW. Trong rất nhiều năm, Nhà máy thủy điện Thác Bà luôn đứng vững và phát huy hiệu quả sản xuất. Khi xuất hiện các nhà máy lớn khác như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại… vai trò của Nhà máy thủy điện Thác Bà vẫn không hề giảm sút. Năng lực sản xuất của nhà máy vẫn từng bước được nâng lên, công xuất phát điện cao hơn cả công xuất thiết kế, chế độ hoạt động linh hoạt và ổn định. Năm 1992, nhà máy liên tiếp xảy ra 5 vụ nổ các máy cắt. Nhiều người cho rằng các máy cắt này không đảm bảo tiêu chuẩn vì ta cóp nhặt chúng từ các thiết bị phế thải ở các kho của Ban quản lý công trình điện về sửa chữa, chắp vá lại. Nhưng qua phân tích nghiên cứu, nguyên nhân chính là do hệ thống cung cấp khí nén không đảm bảo độ khô sạch. Các kỹ sư đã cải tạo hệ thống khí nén, lắp thêm bình chứa để khí nén bão hòa có đủ thời gian tách ẩm. Năm 1993, ổ đỡ tổ máy số 2 liên tục bị sự cố cháy Ba bít. Qua nghiên cứu, nguyên nhân được xác định là do mặt gương bị giảm độ bóng từ cấp 9 xuống cấp 6, ma sát ở ổ đỡ đã vượt quá giới hạn cho phép. Việc khôi phục mặt gương phức tạp, tốn kém, lâu dài. Trong tình hình đó, các kỹ sư nhà máy đã mạnh dạn cải tạo kết cấu ổ đỡ khác với thiết kế của nhà chế tạo để tăng bề dày lớp dầu bôi trơn, làm giảm ma sát ở ổ đỡ. Đó là những cách làm sáng tạo đã đem lại thành công và hiệu quả. Khi thiết kế nhà máy, các chuyên gia dự tính tuổi thọ của nhà máy là 150 năm, đó là khi hồ chứa đã bị bồi lấp 0,75 tỷ mét khối đến mực nước chết. Với dung tích còn lại trên 2 tỷ mét khối nước, nhà máy sẽ tồn tại nhiều năm sau đó. Như vậy tuổi thọ của nhà máy là rất dài, vấn đề là qua thời gian, các thiết bị máy móc sẽ già cỗi, xuống cấp, lạc hậu dần, điều đó đồng nghĩa nhà máy phải đầu tư, nâng cấp liên tục và lâu dài. Trong những năm gần đây, nhà máy đã từng bước thay thế một số thiết bị quan trọng như máy cắt SF6 của Đức, tổng đài điện tử tự động của Mỹ… Trong suốt thời gian vận hành, nhà máy hầu như không xảy ra tai nạn lao động chết người nào, đó là điều hiếm thấy ở các nhà máy điện. Việc cảnh giác, tuân thủ quy định, quy trình an toàn luôn được nhà máy đề cao. Chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, nâng cao trình độ quản lý, tiếp thu kỹ thuật khoa học công nghệ mới là việc làm luôn được lãnh đạo nhà máy quan tâm, chú trọng. Vì vậy, thủy điện Thác Bà không chỉ có đội ngũ cán bộ, kỹ sư vững về chuyên môn, tự đảm nhiệm công việc đại tu, sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt thiết bị, không phải thuê chuyên gia nước ngoài, mà còn là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho các thủy điện khác trong cả nước. Đã có tới những 5 giám đốc các nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam trưởng thành từ thủy điện Thác Bà. Từ sự đổi mới quản lý của Nhà nước và ngành điện, nhà máy đã kịp thời vận dụng, xây dựng các quy chế quản lý mới phù hợp hơn trên các lĩnh vực quản lý lao động và phân phối lợi ích. Cũng từ đó trách nhiệm, hiệu quả sản xuất càng được nâng cao. Được sự quan tâm của cấp trên, các kế hoạch sửa chữa, phục hồi, từng bước hiện đại hóa nhà máy được xét duyệt và cấp vốn, nhờ vậy cán bộ công nhân đảm bảo thu nhập ổn định, cuộc sống dần được nâng cao, phúc lợi tập thể ngày một tăng.  Cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, bộ máy của thủy điện Thác Bà ngày một đổi mới. Nhà máy ngày càng khang trang và đẹp hơn. Một dấu mốc đáng nhớ là ngày 30/3/2005, Nhà máy thủy điện Thác Bà được Bộ Công thương quyết định chuyển thành Công ty thủy điện Thác Bà, đơn vị thành viên hạch toán độc lập thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 24/10/2005, Bộ Công thương tiếp tục ra quyết định phê duyệt phương án chuyển Công ty thủy điện Thác Bà thành Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà. Ngày 31/3/2006 Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà chính thức hoạt động theo hình thức cổ phần hóa với số vốn điều lệ là 635 tỷ đồng. Ngày 29/8/2006, cổ phiếu của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà (mã chứng khoán TBC) chính thức được niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Quyền, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà cho biết: “Những bước tiến mới này là kết quả của việc đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo, Hội đồng Quản trị công ty trong công tác điều hành. Đặc biệt từ sau cổ phần hóa, nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt được áp dụng, nhịp độ tăng bình quân hằng năm về tổng doanh thu, lợi nhuận, cổ tức thực hiện luôn ở mức cao và vượt so với phương án cổ phần hóa”. Năm 2023 doanh thu của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà là 571 tỷ đồng. Tỉ lệ trả cổ tức 20%. Sản lượng điện sản xuất hợp nhất là 567 triệu KWh, sản lượng điện giao nhận là 557,6 triệu KWh. Năm 2024, Thủy điện Thác Bà dự kiến doanh thu tăng 22%, lãi ròng tăng 32% so với năm trước. Những thành tích xuất sắc của thủy điện Thác Bà đã được Đảng, Nhà nước, cấp trên ghi nhận bằng các phần thưởng, huân chương cao quý, cùng hàng trăm bằng khen các loại như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Những kết quả này là cả một quá trình gian khổ, cực nhọc, kiên trì, sáng tạo, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, kỹ sư, công nhân thủy điện Thác Bà. Nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình tự hào với công trình thủy điện đầu tiên, góp phần thống nhất và xây dựng đất nước, hơn 50 năm, nhà máy vẫn sung sức, cần mẫn, phát huy hiệu quả sản xuất, không phụ sự hy sinh, lòng tin yêu của nhân dân, Đảng và Nhà nước.

 

Tiềm năng vô tận

Cùng với xây dựng nhà nhà máy thủy điện, hồ Thác Bà được hình thành, là hồ nhân tạo lớn thứ hai của Việt Nam. Với 19.050ha diện tích mặt nước, sức chứa 3,9 tỷ mét khối nước, 1.300 hòn đảo lớn nhỏ và hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong núi đá vôi, hồ Thác Bà được ví như “Hạ Long trên núi”, được công nhận Di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia năm 1996… Ngoài các lợi ích như điều hòa không khí, duy trì cân bằng sinh thái, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt… hồ Thác Bà đã tạo ra những tiềm năng vô cùng lớn khác bên cạnh tiềm năng về điện.

Ngoài sông Chảy, hồ Thác Bà còn có ngòi Hành, ngòi Cát cùng nhiều sông suối nhỏ đổ về cung cấp nước, tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phù du; nguồn nước trong lành, không bị ô nhiễm bởi không có các nhà máy sản xuất công nghiệp, đây là tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn để huyện Yên Bình phát triển nuôi trồng thủy sản. Những năm trước đây huyện Yên Bình chưa có doanh nghiệp liên kết với người dân để đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định; chưa có nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá và chế biến thủy sản... mặc dù vậy nghề nuôi cá ở hồ Thác Bà vẫn hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô ngày càng lớn. Từ năm 2016 đến năm 2020, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình đã mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn, nhờ vậy, số lượng lồng nuôi cá, diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá và tổng sản lượng thủy sản của huyện tăng lên nhanh chóng. Theo khảo sát của Chi cục Thống kê tỉnh Yên Bái, năm 2022, sản lượng thuỷ sản của huyện Yên Bình đã tăng đến 7.820,2 tấn, trong đó sản lượng cá lồng hồ Thác Bà đạt 6.669,05 tấn, đưa giá trị thủy sản hàng năm của Yên Bình tăng bình quân 31,5%, chiếm 21,5% tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Hiện nay hầu hết các cơ sở và hộ nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. Với chủ trương phát triển các sản phẩm có uy tín và giá trị kinh tế cao, đến nay Yên Bình đã có 10 sản phẩm cá hồ Thác Bà được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Huyện Yên Bình đang phấn đấu đến năm 2025 phát triển được trên 2.500 lồng cá trên hồ Thác Bà, sản lượng khai thác đạt trên 9.200 tấn, trong đó 50% sản lượng được qua chế biến xuất khẩu; phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân/ha nuôi trồng thủy sản đạt 300 triệu đồng/năm. Ngoài việc đánh bắt tôm tự nhiên trên hồ bằng rọ, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững của huyện Yên Bình, đem lại cuộc sống ấm no, khá giả cho nhiều hộ dân.

Về tiềm năng du lịch, với diện tích mặt nước rộng, nhiều đảo xanh, thảm thực vật phong phú, hệ thống hang động đẹp, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa nên thơ, bên cạnh là các làng bản với những nét văn hóa đa dạng, độc đáo, đặc biệt là văn hóa phi vật thể và ẩm thực; tiếp đến là các danh thắng, di tích xung quanh hồ… tất cả đang tạo ra những tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch. Trước đây hoạt động du lịch vùng hồ Thác Bà chủ yếu dựa trên việc khai thác các tiềm năng, lợi thế về giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa, trong đó hai mô hình du lịch chủ yếu là khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung và mô hình du lịch cộng đồng. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội, cần theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhiều năm qua, huyện Yên Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá hồ Thác Bà, nhà máy thủy điện, du lịch tâm linh và xây dựng các tour du lịch kết nối khác. Việc khai thác di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ du lịch vùng hồ Thác Bà đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên tiềm năng du lịch hồ Thác Bà vẫn còn nhiều bỏ ngỏ, khai thác chưa xứng với tiềm năng. Thật đáng mừng, ngày 10/05/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Với đặc điểm thuận lợi là khu vực trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, an ninh năng lượng, thủy lợi với các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu, bảo tồn… Quy hoạch được triển khai sẽ thúc đẩy phát triển hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao mở ra cơ hội lớn để đưa du lịch hồ Thác Bà phát triển tầm cỡ quốc gia, quốc tế và là một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Với những giải pháp cụ thể cho từng bước đi, những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, của huyện, hứa hẹn hồ Thác Bà sẽ phát huy hết tiềm năng, đặc biệt là phát triển gắn với triết lý của tỉnh Yên Bái, đó là phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc!...

Thật đáng tự hào, hơn nửa thế kỷ đi qua từ khi hình thành, Thác Bà hôm nay không chỉ là nhà máy phát điện, hồ thủy điện mà đã đã trở thành di tích, danh thắng với vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp sáng ngời từ lịch sử, ý chí, trí tuệ con người.

 

                                                                                                                                  N.Q.K

 

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter