Truyện ngắn của HOÀNG ANH TUẤN
Từ ngày mẹ mất, Tùng vẫn thường mơ thấy mẹ về. Mẹ về giữa giấc trưa ngắn ngủi khi vừa chợp mắt hay trong giấc đêm dằng dặc canh trường. Mẹ vấn khăn vành dây bỏ tóc đuôi gà, mặc yếm đũi hồ thủy, áo cánh sồi mỡ gà, bên ngoài khoác hờ tứ thân may nhiễu tam giang buông chùng dải thắt lưng hoa lý, tay cầm nón ba tầm quai hồng, chân xỏ hài cong thêu đôi chim loan phượng. Thế mà mẹ chưa kịp già đã vội vã bỏ Tùng mà đi thế hở mẹ. Tùng trông thấy mẹ rõ lắm, gần lắm. Khuôn mặt búp sen, đôi mắt lá răm, sống mũi dọc dừa, làn môi hoa ngâu. Mẹ nhìn Tùng nở một nụ cười, để lộ hàm răng nhuộm phèn đen, cánh kiến nhưng nhức hạt na. Mùi trầu quế cay nồng thoảng ra từ nụ cười đỏ thắm của mẹ khiến Tùng thấy ấm áp, dễ chịu quá, tưởng như ngày còn thơ bé mẹ khẽ khàng cúi xuống khi Tùng hãy còn ngủ trên võng mà thơm lên má Tùng. Mẹ đang bước trên triền đê sông Diêm Hộ. Mưa bụi phơi phới bay trên mái đầu, trên tà áo mẹ nhưng không hề ướt đầu, ướt áo. Ôi thứ mưa giêng hai là sương hay khói. Mỗi bước mẹ đi cỏ non bật mầm nhoi nhói dưới chân. Nhìn dải thắt lưng bay theo gió thổi, Tùng cứ tưởng mẹ thắt cả đôi dòng Diêm Hộ bên lở, bên bồi, bên nhớ, bên thương. Đây là đường rẽ xuống bến đò Vô Hối, luồn giữa bãi dâu xanh biếc, ven đường người ta cắm hai hàng cờ ngũ sắc, mặc cho gió từ dưới sông thổi mạnh nhưng những lá cờ ngấm mưa ướt sũng vẫn ủ rũ gục đầu. Con đò gối bãi ông lái buộc vào gốc dâu cổ thụ. Bên kia sông là làng Thái Giang, nơi mẹ đã gặp thầy vào một đêm định mệnh để Tùng có mặt trên đời, dù rằng Tùng chưa bao giờ cất lời gọi một tiếng thầy. Con đò đã buông sào. Tùng quờ tay muốn nắm tà áo hay dải thắt lưng của mẹ mà níu lại nhưng không làm sao với tới được. Tùng chạy theo gọi mẹ nhưng mẹ không nghe thấy, không một ai nghe thấy. Con đò đã ra giữa sông Diêm Hộ bằng cái lá tre trên mặt ao thu. Tùng khóc như một đứa trẻ khát sữa. Gió nổi lên như bão và mưa bắt đầu nặng hạt. Tùng ngồi phệt xuống cỏ, không biết là bao lâu, chỉ biết gió đã thổi khô mưa trên áo và nước mắt trên má Tùng. Trời đã bắt đầu tối, và sông Diêm Hộ chảy lững lờ giữa bãi dâu đen thẫm vươn những bàn tay lên nền trời chạng vạng. Một lúc, Tùng chỉ nghe thấy tiếng sóng ngoạm bờ ì oạp và tiếng lá dâu vẫy gió xào xạc. Các nhà bên kia sông đã lác đác lên đèn, hột sáng lọt qua khe vách lúc mất đi lúc lại hiện ra. Một sợi khói đem theo mùi cơm gạo tám xoan, mùi canh cua mồng tơi, và cả mùi cá rô kho khế. Tùng nuốt nước bọt, cổ họng đắng ngắt nhưng Tùng không thấy đói. Có tiếng trống chèo đêm xuân vọng lại. Đúng là tiếng trống chèo thật, Tùng không thể nhầm được. Tùng mở to mắt, há miệng nghe như muốn uống từng tiếng trống chèo rộn rã phía thôn xa. Tùng muốn đi theo mẹ, đi theo tiếng trống chèo đang ngân lên giục giã. Sao mẹ nỡ bỏ Tùng mà đi theo tiếng trống chèo thế hở mẹ? Mẹ chẳng từng bảo Tùng là tiếng trống chèo của cuộc đời mẹ đó sao?
*
Hôm nay nhà hát có sô diễn ở làng Thái Giang, đó là làng giáp với quê Tùng - làng Thụy Phong được ngăn cách bởi con sông Diêm Hộ bốn mùa đỏ nặng phù sa như yếm thắm và tuôn dài như dải thắt lưng xanh của cô đào lệch. Bến đò Vô Hối đã nối liền hai làng duyên nợ. Quê Tùng không có chợ, nên ngày trước mẹ vẫn đi đò Vô Hối sang bên kia sông mỗi buổi chợ phiên để bán trầu cau, rau củ vườn nhà để mua mắm muối, dầu đèn.
Mấy lần Tùng định gõ cửa phòng trưởng đoàn để xin hoãn không đi sô diễn này, nhưng nghĩ mãi không ra lý do, chẳng lẽ lại bảo người mệt hay con ốm, trong khi chiều qua Tùng còn tổng duyệt hăng say với đoàn và con trai thì vẫn khỏe mạnh học ở trường, với lại làm sao mà giấu vợ Tùng được, cô ấy làm cùng nhà hát. Làng Thái Giang cũng đâu phải quê Tùng mà không dám về, mà quê thì càng phải về chứ. Nhưng ai biết được những nỗi niềm đang giày vò, giằng xè trong ruột gan Tùng. Nỗi niềm ấy như cục than hồng mà tuổi thơ đã nuốt phải, để bây giờ ruột gan Tùng như bị thiêu đốt cho bỏng rát mỗi khi ai đó nhắc đến làng, đến quê.
Xe của nhà hát về đến nơi khi trời vừa tảng sáng. Tiếng gà gáy eo óc trong sương sớm nghe thật mơ hồ. Các nhà trong làng đã bắt đầu trở dậy nấu cơm ăn để kịp ra đồng. Khói bếp vương trên mái ngói gặp sương sớm quẩn lại thành từng đám như mây vấn vít vào những cành nhãn, cành mít cúi thấp la đà. Hoa bưởi vườn nhà ai trắng ngần đang đưa hương ngan ngát. Tùng hít một lồng ngực căng đầy mùi hương. Ao trong phẳng lặng như gương, một con chim bói cá xanh biếc sà xuống từ bụi tre gai đậu trên cọc rào nghiêng ngó. Mặt nước thơm thơm, rung rinh, nhè nhẹ loang ra từng vòng sóng. Đàn trâu thung thăng gõ móng xuống mặt đường ướt. Nhịp mõ lốc cốc và giọng người vác cày lùa trâu huầy huầy làm tan màn sương sớm. Lác đác bóng những người đàn bà thôn quê trùm khăn đội thúng đi chợ qua cầu Vô Hối, tiếng cười chen tiếng nói rơi lao xao xuống dòng sông Diêm Hộ. Khung cảnh quen thuộc mà Tùng thấy thương mến quá, trong lòng dâng lên một nỗi xúc động khó tả. Tùng bước qua cầu Vô Hối, bến đò xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm, rồi đi tắt ngang cánh đồng vào nghĩa trang. Cánh đồng nằm thảnh thơi ở cữ giữa ngày rộng tháng dài sau vụ mùa phôi thai khó nhọc. Khi nào mưa phùn xuống những hạt rau khúc ngủ vùi trong đất ấm vừa cày ải rủ nhau đồng loạt hé mắt ra nhìn. Mẹ sẽ cắp rổ đi hái lá rau tráng bạc về làm bánh khúc. Ôi, chõ bánh khúc dẻo thơm của mẹ đã đưa anh em Tùng đi qua những ngày giáp hạt đói deo đói dắt. Dáng mẹ bước thấp bước cao trên bờ ruộng mấp mô lẫn trong màn mưa mù mịt và tiếng cuốc kêu tiếc mùa xuân khắc khoải. Nghĩa trang yên ắng quá. Nấm mộ của mẹ đây rồi, đơn sơ và mộc mạc như hồi mẹ còn sống. Vừa qua tiết thanh minh, cỏ trên mộ đã được dọn sạch nhưng gặp sương móc nên những mầm cỏ đang lên xanh như mạ. Vài ba chân hương đỏ quạch gầy guộc cắm chỏng chơ trước tấm bia đá bạc phếch thời gian đề dòng chữ mới được quét lại bằng sơn vàng. Nhìn tên mẹ, Tùng gọi thảng thốt “Mẹ ơi…” rồi nghẹn lại trong cổ họng và bật ra thành tiếng khóc nức nở như trẻ con, tưởng chừng như Tùng không bao giờ có thể nín được nữa. Tùng run rẩy bày mấy quả xoài lên đĩa nhựa và lập cập bật lửa châm vào giấy báo để đốt hương. Gió to quá, lửa xòe lên rồi tắt ngấm. Gió bỗng nổi lên như bão xung quanh người, nhưng chỗ Tùng ngồi tự dưng gió lặng. Khói hương an nhiên vân du khắp cánh đồng bát ngát.
Có lẽ cái Phương đã sửa mộ mẹ vào dịp tiết thanh minh, vết đắp vẫn còn mới và thoảng mùi bùn. Lâu lắm rồi, Tùng không gặp em gái. Phương vẫn ở trong ngôi nhà của mẹ, đã lấy chồng là một cậu giáo trường làng và có hai đứa con trai đẹp như tranh vẽ, sống một đời chẳng bon chen danh lợi, thế là đã yên phận nó. Ngày cưới em gái, Tùng cũng không về, dù rằng nhà chỉ có hai anh em khúc ruột trên dưới. Hồi còn bé, Tùng thường dắt em ra ngõ ngóng mẹ về chợ. Quà chợ của mẹ là bánh đa, bỏng ngô, kẹo bột, tò he, cũng có khi là con mèo tam thể giương đôi mắt ngọc bích lạ nhà ở dưới tấm vỉ buồm đậy cái thúng lau. Tấm vỉ buồn cất giấu những điều bí mật tuổi thơ mà suốt đời Tùng không thể nào quên được. Tùng thương em gái, bao giờ cũng chia quà cho Phương phần hơn. Phương hay hờn dỗi và khóc nhè, Tùng dỗ em rất khéo, chỉ một lúc là em nín ngay, mắt ướt long lanh đã cười toe toét khoe hàm răng sún. Phương cũng rất quý anh, đòi theo anh đi bắt sâu khoai để câu cá đòng đong cho con mèo tam thể mới đẻ. Tùng có thể bỏ đánh khăng, đánh đáo với bọn thằng Trưởng, thằng Quang để cả buổi chiều ngồi chơi chuyền, chơi chắt với em gái, mặc kệ tiếng hò reo của bọn nó từ cánh đồng vọng lại. Tùng nhớ có lần, vì mải chạy sang nhà ông Cả Ngũ xem phường chèo tập vở mới đến nỗi để nồi cơm bị khê. Dượng đi cày về, mở vung ra liền vơ cái đũa cả lao về phía Tùng định nhằm đầu mà đập. Phương trông thấy vội đẩy anh ra. Tùng tránh được nhưng cái đũa cả ác nghiệt ấy vung lên nhằm trúng vào trán Phương giáng xuống, máu chảy bê bết. Bây giờ, vệt sẹo trên trán Phương vẫn còn bé bằng cái móng tay mờ như một mảnh trăng khuyết. Mẹ bảo đặt tên cho con gái là Phương, vì mẹ thường sắm vai Thị Phương trong vở chèo Trương Viên, mong cho con gái lớn lên làm kiếp đàn bà trong cõi trần ai biết chịu thương, chịu khó mà vun vén, lo toan phúc lộc nhà chồng. Phương may mắn không giống Thị Phương phải chịu bao đắng cay, tủi nhục nhưng đã đỡ hộ anh trai một nỗi đau trong bao nhiêu nỗi đau đòn roi mà tuổi thơ Tùng đã nhận từ bố dượng. Tùng còn nhớ, hội làng mở vào rằm tháng giêng năm ấy, đến tối phường chèo diễn vở Quan Âm Thị Kính. Mẹ sắm vai Thị Kính, còn cô đào Nguyệt sắm vai Thị Mầu. Phấn sáp, áo khăn đã biến những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn thành những đào, kép, lão, mụ, hề để mà khóc cười, vui buồn với số phận nhân vật trên chiếu chèo sân đình. Những làn điệu chèo đa đoan, phong tình cứ bay lên phơi phới như tà áo tứ thân xác pháo phải lòng gió xuân theo Thị Mầu lên chùa. Người xem chen nhau đứng ngồi vòng trong, vòng ngoài đông hơn mắc cửi vì muốn được ăn no bụng trống, uống say giọng chèo. Tùng và em Phương ngồi dưới xem mẹ diễn với niềm háo hức lạ kì. Đang xem thì Tùng buồn đi giải nên vòng ra sau đình. Trăng mười rằm giữa trời sáng tỏ như ban ngày chảy qua từng kẽ lá đề gặp gió reo lên như lời hát xuống sân gạch Bát Tràng đỏ ối như son. Tùng nhìn thấy gì thế kia. Tùng không tin vào mắt mình nữa. Tùng đang nằm mơ chăng. Tùng cấu vào tay mình một cái đau điếng. Tùng dụi mắt mấy lần để nhìn cho rõ. Dưới bóng trăng bên gốc cây đề, một đôi trai gái đang say sưa tình tự. Tùng nghe rõ cả tiếng thở hổn hển lẫn trong tiếng reo xào xạc của cây đề. Tùng giẫm vào một chiếc lá đề rụng, chiếc lá khô giòn vỡ ra dưới chân. Người đàn ông quay đầu lại. Tùng bỏ chạy. Quả tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tùng bỏ lại một vùng áo khăn, cờ quạt. Tiếng trống chèo rầu ruột cả canh khuya. Trước khi chạy Tùng kịp nhận ra người đàn ông đó là dượng, còn cô gái hốt hoảng buộc lại dải yếm trễ nải vừa xổ tung là cô đào Nguyệt, nữ lệch có ánh mắt sắc như dao cau sắm vai Thị Mầu trong tích cổ. Trong khi đó trên chiếu chèo, mẹ Tùng sắm vai Thị Kính đang hát điệu ru kệ, bế hài nhi đi xin sữa “Âu là kiếm be sành một chiếc/ Đi ăn mày ráo sữa mười phương”. Có phải Thị Mầu đã bước từ sân khấu ra cuộc đời để táo rụng sân đình không ai nhặt. Năm sau cô đào Nguyệt lấy chồng bỏ phường chèo. Mẹ có tuổi cũng chẳng còn sắm vai Thị Kính nữa. Dượng vẫn nhìn Tùng vẻ mặt đầy hăm dọa. Tùng cất giấu bí mật đó cho riêng mình, như chiếc quạt chèo nan xương đã gãy, khép lại rồi chẳng còn muốn mở ra…
*
Cô giáo vừa dứt lời giảng cuối cùng thì tiếng trống trường đã điểm. Tùng thấy trong lòng rung lên muôn tiếng trống chèo vọng về từ những đêm hội làng xa lơ xa lắc thuở giêng hai. Mỗi khi tan học Tùng muốn vội vàng thu dọn sách bút rồi chạy về thật nhanh hoặc chần chừ nán lại rồi đi về cuối cùng. Thế mà những thằng bạn nghịch ngợm cùng lớp vẫn đuổi theo hoặc chờ bằng được Tùng để trêu chọc. Có lần cái Dinh cầm chìa khóa lớp phải đuổi khéo “Cậu về đi để tớ còn khóa cửa, à nhớ mai đến phiên chúng mình trực nhật đấy nhé” thì Tùng mới lững thững ra về. Dinh là cô bé hàng xóm, ngồi cùng bàn với Tùng. Bài giảng trên lớp chỗ nào chưa hiểu, Tùng thường hỏi Dinh. Dinh là con gái nhưng lại học giỏi môn Toán nhất lớp. Còn Tùng, Tùng chỉ thích môn Văn của cô giáo Sợi, thỉnh thoảng Tùng còn làm thơ vào trang vở cuối cùng, tất nhiên là giấu kín không cho ai biết. Vườn nhà Tùng trồng đầy cây táo, quả táo lúc chín ửng hồng một bên có nắng như má Thị Mầu, đến mùa, mẹ vẫn sai Tùng hái táo chín đưa qua rào cho Dinh đem về gọi là chút thơm thảo nghĩa láng giềng, với lại Tùng biết con gái hay thích của chua. Tùng nhìn Dinh, má Dinh cũng ửng hồng như má táo. Trước kia Dinh hay qua rủ Tùng đi trực nhật rồi cùng nhau về, nhưng từ hôm thấy hai đứa đi đôi thì bọn thằng Tú, thằng Bình đặt vè rằng “Thằng Tùng mà lấy cái Dinh/ Đêm nằm gõ trống tình tình cả đêm…”. Tùng thì chẳng sao, nhưng Dinh thì xấu hổ, má đỏ bừng. Từ đấy, Dinh không dám rủ hay đợi Tùng như trước nữa.
Tùng mải nhìn theo cái bím tóc hai bên của Dinh phất phơ đi phía trước thì vừa đến ngang ngõ nhà bà lang Đoan. Mấy thằng cùng lớp nấp sau giậu cúc tần ùa ra như sẻ lạc đàn, mặt đứa nào đứa ấy hớn hở “Lêu lêu… hai vợ chồng kìa chúng mày ơi, lêu lêu…”. Tùng bước tiếp coi như không nghe thấy gì thì thằng Tú con ông Tài chủ tịch xã, nhà giàu nứt đố đổ vách nhất làng Thụy Phong hét lên “Mày bị điếc hả thằng con hoang kia”. Tùng bặm môi lại, thấy người nóng rực, liền vứt cặp sách xuống đất lao vào thằng Tú trong tiếng hò reo vang trời của lũ trẻ “Cố lên, cố lên…”. Hai thằng vẫn chưa chịu buông nhau ra nếu không có tiếng bà lang Đoan từ trong nhà chạy ra “Con cái nhà ai mà đánh nhau thế này, để tao gọi bố mẹ chúng mày ra mà dạy…”. Tức thì lũ trẻ bỏ chạy tán loạn như ong vỡ tổ. Tùng sưng trán, áo bị đứt mất mấy cái cúc, còn thằng Tú chảy máu cam như người bị sặc trầu thuốc, trước khi về nó còn giơ nắm đấm lên “Nhớ mặt tao”. Tùng không sợ vằn mắt nhìn lại. Tùng ra nhặt cặp sách đã thấy Dinh đứng đấy từ bao giờ. Dinh đưa hai cái cúc áo vào tay Tùng rồi khẽ nói “Về nhờ mẹ đơm cho”. Tùng nói “Tớ không muốn đánh nhau, nhưng thằng Tú bảo tớ là…” - Tùng trở nên ngập ngừng. “Tớ biết rồi, thôi mình về đi”- Dinh ngắt lời. Tùng về đến nhà thì Phương kể, mẹ thằng Tú vừa sang đây mách mẹ vì Tùng đánh nó chảy máu cam. Tùng bảo “Nhưng nó chửi anh trước, anh ức lắm”. Phương hỏi lại “Thế nó chửi như nào?”. Tùng ngước nhìn mẹ không nói gì. Mẹ chợt cúi đầu đi xuống bếp. Một lúc sau, mẹ bưng ra cái chậu đồng rồi giục Tùng đi rửa chân tay. Tùng xuống sân giếng cởi áo, hơi nước muối theo khói bốc lên mặn chát. Bây giờ thì Tùng mới khóc, khóc thầm thôi, không một ai biết ngoài mẹ. Nước mắt Tùng mặn hơn nước muối. Mẹ nói từ bé Tùng đã hay khóc thầm. Người ta bảo ai hay khóc thầm thì khổ, phải thương vay khóc mướn cho đời.
Tùng muốn có bố lắm, cho dù bố có làm chủ tịch xã hống hách như bố thằng Tú bị cả làng ghét hay làm thủ cống nát rượu như bố thằng Bình, cứ dăm bữa lại đuổi đánh mẹ nó thâm tím mặt mày. Bố vẫn là bố mà không ai có thể thay thế được. Những lúc như thế này Tùng muốn chạy về mách bố kể cả có bị một trận đòn quắn đít cũng được. Nhìn những cái súng phốc, hay con quay trên tay bọn nó, Tùng cũng ước ao được bố làm cho, dù chỉ một lần. Dượng thấy Tùng tự gọt đẽo chạc súng, con quay thì giơ con dao đang vót nan lên sừng sộ “Mày cứ đi chơi lắm, ông chặt chân” khiến Tùng tái mặt. Có lúc Tùng muốn hỏi mẹ, nhưng nhìn khuôn mặt mẹ lúc nào cũng buồn rười rượi, Tùng lại thôi, sợ chạm vào nỗi đau của mẹ- nỗi đau của vết thương đã lên da non nhưng ai biết có sưng tấy bên trong.
Người ta đồn rằng bố Tùng là ông Nhiêu nhà bên làng Thái Giang chuyên làm nghề hoạn lợn. Ông Nhiêu đã có vợ và ba con gái. Bọn bợm rượu trong lúc trà dư, tửu hậu thường mượn lời các cụ bảo đẻ rặt một lũ vịt giời thì ăn cỗ phải ngồi chiếu dưới bếp chứ không được lên phản trên nhà, nghe chửa. Các cụ nào dạy thế, tiên nhân nhà chúng nó chứ. Ông Nhiêu ức lắm, cơ mà vợ ông yếu người nên triệt sản từ hồi sinh con bé út, bà lang Đoan còn dặn, đẻ nữa là chết toi cho nên dù có khát thằng con trai lắm, ông cũng chẳng dám tơ hào gì. Chẳng hiểu thế nào mà cô đào Xuân xinh đẹp nhất làng Thụy Phong lại tư tình với ông Nhiêu hoạn lợn vợ con đề huề rồi sinh ra Tùng. Bà ngoại khi ấy khóc cạn nước mắt khi nghe ông ngoại chửi mẹ là đồ mất nết rồi chỉ tay tuyên bố từ mặt con gái. Lúc giận thì ông ngoại nói vậy, chứ ngày mẹ đẻ Tùng, ông chặt cây tre làm cáng võng rồi sai các cậu ra tận trạm xá đón hai mẹ con Tùng về. Có đồng quà, tấm bánh chợ phiên bà ngoại thường mang qua nhà cho anh em Tùng. Tùng thích ngủ ở nhà bà ngoại, để nghe bà hát ru bằng những làn điệu chèo cổ. Làn điệu nào bà cũng thuộc, bà bảo đây nhé, điệu Cấm giá của Thị Mầu lên chùa trong Quan Âm Thị Kính, điệu Trần tình của Thị Phương cắt thịt cánh tay nuôi mẹ chồng trong Trương Viên cháu ạ. Bà còn kể chuyện cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh và thuộc làu các truyện thơ như Nhị độ mai, Phan Trần nên những làn điệu, tích chuyện ngấm vào máu thịt, tâm hồn Tùng từ tấm bé để sau này lớn lên Tùng cất lên tiếng hát, hóa thân vào những vai diễn để phục vụ khán giả yêu mến nghệ thuật chèo. Mẹ thừa hưởng nhan sắc và giọng hát trời cho của bà ngoại. Tùng suốt đời đem theo dáng bà, dáng mẹ và hình bóng quê nhà trong những làn điệu chèo nhiều niềm trắc ẩn và lắm nỗi đa đoan này.
Có lần Tùng thấy ai đó treo trước cổng một bị cói, mẹ thấy thế mở ra, bên trong đựng một nải chuối chín cuốc, chục trứng gà và một bọc dái lợn. Mẹ biết là ai gửi, nén một tiếng thở dài, rồi ném bọc dái lợn vào trong nồi cám đang sôi trên bếp. Ông Nhiêu không có con trai nối dõi, muốn nhận Tùng nhưng lại nhu nhược, cũng bởi vợ ông ghê gớm, nanh nọc không bao giờ chịu lép vế chồng. Một buổi chợ phiên, bà ta làm như không biết cố tình va phải mẹ Tùng, rồi chửi đổng “Tổ sư con nào ăn cắp nải chuối, quả trứng của con tao thì cả nhà nó chết hộc máu mồm ra nhé”. Mẹ Tùng đội thúng cúi đầu lầm lũi bước thật nhanh trong tiếng chửi rủa vừa giận dỗi, vừa hờn mát của bà ta.
*
Năm Tùng thi đỗ vào trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình cũng là năm mẹ mất vì căn bệnh ung thư vú quái ác. Trước đấy, mẹ bị cắt mất một bên ngực phải, hẳn là mẹ đã đau lắm. Tùng thương mẹ quá, mẹ chẳng còn bao giờ mặc yếm và áo tứ thân được nữa. Trước khi mất, mẹ đã biết Tùng sẽ trở thành một nghệ sĩ chèo chuyên nghiệp để chắp cánh ước mơ suốt đời của mẹ. Mẹ bỏ Tùng đi nhanh quá, chẳng kịp trăng trối điều gì. Tùng ngồi cạnh giường nắm lấy bàn tay mẹ, bàn tay gầy guộc, làn da mỏng manh nổi rõ từng đường gân xanh vất vả, với những ngón thon dài. Bàn tay mẹ từ nay không còn cầm quạt mà múa chèo Cấm giá hay bồng con mà Ru kệ nữa rồi. Quả tim ấy đã ngừng đập trong lồng ngực lép, sau lần áo nâu như tiếng trống chèo đã lặng giữa đêm xuân tịch mịch, mẹ ơi.
Sau ba ngày mẹ mất, Tùng thu dọn quần áo lên trường nhập học. Dượng bóng gió mát mẻ “Con nhà người ta thì học bách khoa, xây dựng, còn con nhà này thì học chèo, tuồng. Rõ vô phúc”. Tùng vặc lại “Học chèo, tuồng thì sao ạ”. “Thì là loại xướng ca vô loài chứ sao nữa”- Dượng vằn mắt như hai cục than nhìn như muốn thiêu đốt Tùng thành tro. “Xướng ca vô loài có gì là xấu chứ”- Tùng trống không đáp trả rành rọt. Đây là lần đầu tiên Tùng cãi lại dượng sau bao nhiêu năm tháng nhịn nhục đòn roi. Dượng sấn lại vung tay lên đánh Tùng. Tùng nắm lấy tay dượng hất mạnh khiến dượng lảo đảo ngã chúi xuống đất. Dượng vùng dậy chỉ tay vào mặt Tùng quát to, bọt trắng phòi ra hai mép treo như bọc trứng ếch “Mày dám đánh lại tao, thằng mất dạy. Mày cút đi cho khuất mắt tao. Cút…”. Tùng đeo ba lô lên và đi. Phương chạy theo gọi “Anh Tùng ơi…” nhưng Tùng không ngoảnh lại. Ngôi nhà thơ ấu có em gái nhỏ đã mờ dần trong ký ức Tùng. Tùng nuốt nước mắt và uất ức vào trong lòng. Tháng mười, cánh đồng đã qua vụ gặt còn trơ gốc rạ. Gió bấc thổi khói rạ nhà ai vừa đốt khiến Tùng cay mắt quá. Cây gạo đứng một mình giữa đồng, chĩa cành khô khẳng khiu lên nền trời chiều đông xám xịt, nó cũng cô đơn và buồn bã như Tùng vậy. Tùng phóng tầm mắt nhìn ra xa xôi, cuối cánh đồng là nghĩa trang nơi mẹ yên nằm. “Mẹ ơi, con đi học nhé”- Tùng nói rất khẽ nhưng Tùng tin mẹ sẽ nghe thấy. Và ngoài kia, sông Diêm Hộ vẫn đang chảy ngang trời.
Tùng nhớ hôm thi môn năng khiếu. Tùng hát bài “Bao la tình mẹ” theo điệu Du xuân. Những lời ca cùng nỗi niềm theo nước mắt của Tùng chảy ra làm tan nát ruột gan người nghe, nhưng Tùng nhớ lời mẹ dạy, không được khóc khi đang hát, vì tiếng khóc sẽ làm hỏng tiếng hát, người nghệ sĩ trên sân khấu phải biết làm chủ cảm xúc của chính mình. Tùng khóc nấc lên và ngồi thụp xuống sau khi đã hoàn thành phần thi. Cô giáo ở bàn ban giám khảo bước ra, dìu Tùng vào trong cánh gà. Sau này, mỗi khi đi thu âm hay biểu diễn những làn điệu về mẹ, Tùng cứ khóc thảng thốt và bàng hoàng như thể mẹ vừa mới mất hôm qua.
*
Hai năm học trung cấp, Tùng là học sinh xuất sắc dẫn đầu lớp nên được học bổng của nhà trường. Các môn chuyên ngành như múa chèo, hát chèo, vai mẫu, kỹ thuật biểu diễn, luyện thanh- lồng điệu, phân tích tác phẩm hầu như Tùng đều đạt điểm tối đa. Tùng cùng với vài người bạn trong trường lập nhóm đi chạy sô cho hội nghị, đám cưới, lễ hội nên cũng có tiền để trang trải ăn học, mua sắm, với lại trường văn hóa, nghệ thuật được miễn giảm học phí nên cũng đỡ một khoản tiền. Từ ngày nhập học, Tùng về nhà một lần để thắp hương vào ngày giỗ mẹ. Ngôi nhà từng có hình bóng mẹ không còn là nơi Tùng về nghỉ ngơi sau những ngày học hành vất vả. Chủ của ngôi nhà bây giờ là dượng. Dượng không cho Tùng đồng nào từ khi Tùng đi học và coi như không biết đến sự có mặt của Tùng trên đời này.
Năm cuối cấp, Tùng tham gia hội thi tài năng trẻ sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật toàn quốc. Cả khán phòng lặng đi khi tiếng hát của Tùng cất lên. Sự thăng hoa của cảm xúc và tính điêu luyện trong kỹ thuật biểu diễn đã giúp Tùng giành giải nhất một cách thuyết phục với điệu Tò vò lời cổ. Tùng thổ tận can tràng mà hát như con tằm rút ruột nhả tơ. Bao nhiêu cay đắng, tủi hờn của số phận Tùng gửi vào điệu chèo lời vấn vít tơ vương “Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi mày đi đằng nào?”. Những điệu chèo cổ bay lên hóa thành muôn ngọn gió nồm trên cánh đồng làng Thụy Phong trải ra tít tắp cuối trời. Tùng thấy tâm hồn nhẹ bẫng như con diều, bay trên muôn ngọn gió, trên những điệu chèo, trên cả cánh đồng quê mẹ.
Bà nghệ sĩ nhân dân, Trưởng ban Giám khảo, cũng là giám đốc một nhà hát chèo ở Thủ đô vừa rút khăn khẽ chấm nước mắt. Sau hội thi, bà gặp Tùng và ngỏ ý muốn xin Tùng về nhà hát làm việc ngay khi Tùng tốt nghiệp. Tùng xúc động không nói nên lời, muốn cảm ơn bà một câu mà không nói nên lời. Tùng khóc. Buồn thì khóc nhưng khi vui người ta cũng khóc. Lâu lắm rồi, Tùng mới thấy vui như thế, mẹ ạ. Tùng ngước nhìn lên trời, hình như ở trên ấy, giữa những đám mây, mẹ đang nhìn Tùng và nở một nụ cười đôn hậu. Tùng thành kép chính của nhà hát, học lên đại học, rồi lấy vợ, sinh con. Vợ Tùng cùng nghề nên luôn chia sẻ, thông cảm với công việc và cũng là đam mê của chồng. Hai vợ chồng có một cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Ngày cưới, họ hàng nhà trai là các nghệ sĩ của nhà hát chèo nên vợ Tùng càng thương chồng hơn, Tùng biết ơn vợ vì điều đó.
Trong giấc mơ, Tùng gối đầu lên đùi mẹ, mắt khép hờ nằm nghe mẹ ru “Cái cò mày đi ăn đêm…”. Mỗi lời mẹ hát như bàn tay chai sần xoa dịu những vết thương đau đớn trong lòng Tùng. Những vết thương sâu hoắm được lấp đầy và đang lên da non. Từ chỗ miệng những vết thương sắp kín bỗng mọc lên nhiều mầm rau khúc. Các mầm rau khúc trắng nõn lớn rất nhanh trên da thịt Tùng. Tùng là mầm rau khúc mùa xuân được tưới bằng lời ru à ơi của mẹ.
Tùng sực tỉnh, không biết Tùng đã ngủ gục bao lâu bên mộ mẹ. Hai vai áo ướt đầm sương sớm. Tiếng trống chèo từ đình làng vọng lại náo nức như tiếng trống chèo trong đêm xuân thuở nào. Tùng nhớ ra có sô diễn sáng nay. Hương sắp tàn. Tùng cúi đầu lạy mẹ rồi đi. Mẹ và cánh đồng làng Thụy Phong đã ở lại sau lưng Tùng…
H.A.T