• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Cây xương rồng trên cát
Ngày xuất bản: 22/11/2023 2:38:49 SA

Ký của HOÀNG KIM YẾN

Tôi đến thăm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoà Cuông huyện Trấn Yên để gặp cô giáo Hiệu trưởng Phạm Thị Kiều Vân trong tiết thu nắng trong như mật. Ngôi trường khang trang ẩn mình giữa đồi, giữa núi nhộn nhịp tiếng nói tiếng cười của 3 thế hệ học trò: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Những đứa trẻ tươi tắn, sáng sủa với những lời chào lễ phép khiến tôi cảm thấy thân thiện và dễ mến. Chị Vân bảo đó thành quả của bao nỗ lực vượt khó của tập thể giáo viên nhà trường. Đầu tiên là lên bản, đến tận nhà học sinh thuyết phục phụ huynh cho con đến trường đều đặn. Có những lúc phải đi giữa trưa nắng gắt, có những khi phải tìm phụ huynh trên nương, cùng với sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn, sau nhiều lần thuyết phục họ mới hiểu vai trò của việc học. Song song với đó, cô nỗ lực đề nghị huyện đầu tư xây phòng học, kêu gọi những nhà hảo tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất khang trang. Để trường học của cô là nơi đáng đến. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như Hội chợ quê, Hội bánh chưng xanh, các lớp học kỹ năng sống để tạo niềm vui, thu hút học sinh yêu trường yêu lớp. Song song với đó, mỗi giáo viên chú trọng quan tâm gần gũi với từng học sinh để thấu hiểu trẻ, để luôn là những người đồng hành cùng trẻ những lúc khó khăn. Rồi trẻ sẽ hiểu, ngoài bố mẹ, chúng còn có các cô sát cánh, yêu thương. Những ngày đầu đưa ra kế hoạch tổ chức ngoại khóa cho học sinh đến cả giáo viên còn không hình dung ra vì trước đây chưa có tiền lệ. Họ thấy, việc này không làm cũng chẳng sao, không ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục mà lại mệt thân. Cô lại phải từ từ giải thích trước giáo viên. Trước phụ huynh cô khẳng định mọi khoản chi phí cô sẽ tìm từ nguồn xã hội hóa, phụ huynh chỉ ủng hộ lá dong và ai biết gói bánh chưng thì lên trường phụ giúp các cô. Bằng mọi cố gắng và nhiều nỗ lực các cô cũng tổ chức thành công. Thành công rồi mọi người lại thấy vui, lại ước năm sau lại tiếp tục tổ chức. Giờ thì hoạt động ngoại khóa ấy trở thành thường niên, phụ huynh cảm thấy mình được coi trọng, cảm thấy mình cũng đang đồng hành cùng các cô để giáo dục các cháu. Các cháu được vui chơi, được ăn tết tại trường, cảm thấy trường là ngôi nhà thứ hai. Tất cả là nguyên cớ để giờ đây 100% học sinh đều được đến trường. Nếu như ở nhiều nơi khác phổ cập giáo dục mầm non bắt buộc đến 5 tuổi. Nghĩa là bắt buộc phải đủ 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đến trường thì ở Trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Cuông đã làm đến phổ cập trẻ mầm non 3 tuổi. Nếu như năm học trước Trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Cuông huy động được 1 lớp nhà trẻ thì năm học này trường đã huy động được 2 lớp, chỉ cần thông báo tuyển sinh là phụ huynh tự giác đến nộp hồ sơ. Nếu như trước kia tổ chức họp phụ huynh, mời 8 giờ thì đến 10 giờ chỉ có 1 phần tư phụ huynh đến dự thì giờ đây, chưa đến giờ họp phụ huynh đã đến đông đủ.

Ngày mới đến nhận công tác mới, thấy học sinh lấm lem, áo quần lem luốc, tóc tai rối bù, chấy nhiều đến trường khiến cô trăn trở. Một cuộc cách mạng bắt đầu từ trẻ được nhen lên. Cô đích thân mua thuốc tẩy, huy động giáo viên cùng thu gom quần áo của học sinh tẩy trắng lại. Động viên học sinh mang quần áo cũ đến trường cô tẩy cho. Rồi cô lại mua thuốc thảo dược ủ chấy, đích thân ủ tóc cho học sinh. Đến tận nhà học sinh tuyên truyền cho phụ huynh cách ăn ở sạch. Những đứa trẻ trở lên sạch sẽ thơm tho. Điều mới mẻ tràn về trong từng ngõ xóm. Xuống với trẻ, cô hiểu hơn những cuộc đời éo le để thương cảm. Những đứa trẻ mất bố, mất mẹ phải ở với ông bà. Có người ông còn khỏe là lao động chính trong nhà lại bị rắn cắn qua đời. Còn lại người bà già cả, không còn ai trông cậy. Có những trẻ do hoàn cảnh chỉ còn 2 anh em bơ vơ trong căn nhà tồi tàn, sập xệ. Và còn nhiều trẻ khó khăn khác. Hoàn cảnh ấy khiến trẻ không còn cơ hội đến trường. Vân đã kết nối với nhiều nhà hảo tâm để hỗ trợ sách vở, tiền ăn cho các cháu, đảm bảo các cháu được đến trường. Những lời cảm ơn tận đáy lòng của người bà, những cái bắt tay chân tình của bậc phụ huynh cho cô thêm động lực để tiếp tục làm nhiều hơn những điều ý nghĩa. Cô lại nhớ đến thời gian còn là Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Đồng. Ở đó cô có một học trò đang ở trung tâm bảo trợ xã hội. Bố mất, mẹ không biết để làm thủ tục khai tử cho bố. Đến khi mẹ mất, em vẫn không được công nhận là trẻ mồ côi. Vì trên giấy tờ, em vẫn còn có bố. Nhìn học sinh ở một mình tách biệt với khu dân cư, trong một căn chòi được làm bằng 4 cái cọc dựa vào taluy, lợp mái lá, cô thương. Tình thương ấy đã khiến cô mất nhiều ngày cạy cục để hoàn thiện hồ sơ. Kể cả khi đã chuyển công tác về trường Hòa Cuông, Vân vẫn quay trở lại để làm thủ tục cho trẻ được vào trung tâm bảo trợ xã hội. Trong vui vẻ, cô Vân khoe, học sinh cũ của cô giờ đang học lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn vừa được giải Ba văn cấp tỉnh. Năm ngoái, trong đội tuyển của cô, em ấy mới được giải Khuyến khích cấp tỉnh thôi. Rồi cô kể những ngày đầu bỡ ngỡ đến đây để vực lại lực học đại trà và nề nếp học tập cho học sinh, cô đã tổ chức dạy miễn phí cho học sinh trong năm học 2019- 2020, 2020- 2021. Mỗi tuần 3 buổi: Văn, Toán, Anh. Trẻ chỉ việc đến học, có các cô đồng hành để bồi đắp thêm những kiến thức khuyết thiếu nơi trẻ. Vân thầm cảm ơn sự chung vai của các giáo viên trong trường, 2 năm học liền, không một đồng thù lao nhưng các cô vẫn miệt mài, trách nhiệm. Nhờ đó chất lượng học tập của các cháu được nâng lên. Song song với đó, Vân lựa chọn học sinh giỏi lập thành đội tuyển, tổ chức cho các em ôn luyện để đi thi. Tìm kiếm những lớp học chất lượng trên huyện để gửi học trò của mình vào đó, giúp các em có cơ hội học hỏi bạn bè, có cơ hội giao lưu, có cơ hội được tiếp cận những kiến thức nâng cao để tiệm cận gần hơn với học sinh thị trấn, sẵn sàng cho những kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Biết rằng học sinh của cô còn nghèo khó, khả năng đầu tư cho con lên huyện ôn luyện là rất khó khăn, Vân đã nỗ lực tìm kiếm nguồn ủng hộ từ xã hội hóa để có phần thưởng cho học sinh, đảm bảo số tiền thưởng đó tương đương với chi phí phụ huynh bỏ ra cho con em họ lên huyện học. Ý tưởng này cô đã tâm sự thật tình với phụ huynh để họ hiểu tâm ý của cô, để họ yên tâm đầu tư cho con đi học vì họ luôn có cô đồng hành, giúp đỡ. Rồi đến khi học sinh được thi cấp tỉnh, cũng vẫn bằng nguồn xã hội hóa, cô chủ động nộp học phí ôn luyện cho các em và trao phần thưởng xứng đáng, đảm bảo không có phụ huynh nào phải chịu gánh nặng khi đầu tư cho con ôn luyện. Chính vì thế mà những năm gần đây, số lượng học sinh giỏi các cấp của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Cuông luôn tăng. Năm học 2021- 2022, trường có 11 học sinh đoạt giải Cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp trường; 1 giải cấp huyện, 1 giải cấp tỉnh (Khuyến khích). Trong cuộc thi học sinh giỏi các cấp, trường có 11 học sinh đạt học sinh giỏi cấp trường, 9 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, 1 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2022- 2023, cuộc thi trạng nguyên Tiếng Việt có 24 học sinh đạt giải cấp trường, 1 học sinh đạt cấp huyện, 1 học sinh đạt giải Nhì trong giao lưu trí tuệ tuổi thơ cấp huyện. Trong cuộc thi học sinh giỏi các cấp, trường có 10 học sinh đạt học sinh giỏi cấp trường, 5 học sinh đạt giải cấp huyện, 2 học sinh đạt giải cấp tỉnh. Năm học 2021- 2022, chất lượng đầu ra về thi trung học phổ thông, trường đứng thứ 4 toàn huyện. Năm học 2022- 2023, chất lượng đầu ra về thi trung học phổ thông trung bình 3 môn Toán, Văn, Anh là 6,06 dẫn đầu toàn huyện. Điều đáng mừng là riêng môn văn đạt điểm trung bình là 6,96. Đó là điều đáng trân trọng ở một trường mới thoát khỏi vùng 3 năm 2021.

Có tiếng chuông điện thoại, cô Vân xin phép tôi nghe. Hình như đó là cuộc điện thoại của cô giáo ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Họ trao đổi gì đó về học sinh cũ của cô và nhờ cô kết nối với phụ huynh để cùng nhau tìm biện pháp giúp cháu học hành tiến bộ. Tôi ngạc nhiên, chẳng nhẽ giờ học sinh ra trường rồi, cô vẫn theo chân chúng để cùng giáo viên trường mới dạy dỗ trẻ. Cô bảo, những em học ở Trường PTTH Lê Quý Đôn hay trường chuyên đều là những học sinh ngoan, có học lực tốt, cô hoàn toàn yên tâm về các cháu. Điều làm cô lo lắng nhất là những em học ở trung tâm giáo dục thường xuyên này. Đó là những em có học lực trung bình, còn nhiều nghịch ngợm. Vì thế cô vẫn thường xuyên kết nối với hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của các em. Có vấn đề gì cô sẽ cùng nhà trường giải quyết hoặc là cầu nối giữa phụ huynh với nhà trường để cùng nhau tìm cách giáo dục các em. Có lẽ vì thế mà bọn trẻ coi cô như người thân, có việc gì nảy sinh chúng đều tìm đến cô tâm sự, nhờ cô tư vấn giúp. Có lẽ đó là những ấm áp mà bọn trẻ đã trao cô để cô có thêm động lực tiếp tục cố gắng trong sự nghiệp trồng người của mình. Những năm học qua cô giáo Vân đã làm rất tốt công tác phân luồng học sinh, đảm bảo không có học sinh tốt nghiệp lớp 9 nào phải ở nhà. Để làm được điều đó, ngay những ngày đầu bước vào lớp 9, cô đã phải bỏ rất nhiều thời gian để làm bạn với học sinh. Thấu hiểu từng hoàn cảnh, nắm bắt từng nguyện vọng, sở trường, từng hạn chế trong mỗi học sinh để tìm cách tư vấn cho các em và cho cả phụ huynh lựa chọn trường phổ thông hoặc trường nghề nào phù hợp. Cô Vân nghĩ đây là điều quan trọng, bởi cô đã chứng kiến nhiều trường hợp các em nghỉ học cấp 3, đi Hà Nội làm. Một thời gian sau trở về tay trắng, muốn đi học tiếp cũng không thể. Vả lại, ở cái tuổi chưa đủ chín chắn này nếu không theo sát, không uốn nắn đúng đường sẽ dễ trượt dài. Sau này trẻ có ân hận cũng đều quá muộn. Vì thế tất cả học sinh của cô, khi rời mái trường trung học đều được đến trường, được học nghề theo sở thích là điều khiến cô yên tâm nhất.

Cô giáo Vân ngừng kể, chỉ lên phía tường, nơi treo rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp ngành trao tặng nói vui, “Ngoài những chuyến đò cập bến, đây là tài sản của chúng em”. Tôi cười. Được biết, năm 2023, cô là một trong 9 nhà giáo của tỉnh được đề nghị Chính phủ tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ở cái tuổi 44 để được phong tặng danh hiệu này với tôi là quá trẻ. Bởi tôi biết tiêu chuẩn để có danh hiệu này không hề đơn giản. Tôi liếc nhanh bản thành tích của cô giáo: 9 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (Từ 2007), 1 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 8 năm liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Từ năm 2011 đến nay có 6 lần được nhận bằng khen: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái các năm học 2011- 2012, 2021- 2022; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2013- 2014; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm học 2014- 2015, và 2 Bằng khen của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái; là cán bộ quản lý cốt cán cấp tỉnh, tham gia dạy đội ngũ cốt cán chuyên môn của Sở Giáo dục và Đạo tạo, bồi dưỡng được 4 học sinh đạt giải cấp huyện, 1 học sinh đạt giải cấp tỉnh. Với vai trò hiệu trưởng, cô cùng giáo viên đưa nhà trường trở thành tập thể luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm học 2020- 2021, trường được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Yên Bái. Năm học 2021- 2022 là tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh, được nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm học 2021- 2022. Được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021- 2022. Trường là điển hình tiêu biểu trong phong trào “Xây dựng trường học hạnh phúc” được huyện Trấn Yên tặng Giấy khen. Tôi thầm cảm phục những cố gắng của cô giáo cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Chợt nhớ đến lời của đứa em cùng làm trong ngành giáo dục huyện “Có những khi chồng bị trầm cảm, tâm tính như một đứa trẻ, lúc nào cũng cần có chị ở bên bầu bạn, chăm lo. Để vẹn cả đôi đường, chị còn đèo cả chồng lên trường để tiện bề chăm sóc. Nỗ lực ấy đã giúp anh dần khỏi bệnh” như một đốm lửa ấm áp nhen lên để tôi hiểu rằng, đâu đó quanh ta vẫn còn có những người như cây xương rồng đang lặng thầm vươn mình trên cát cháy.

 

H.K.Y

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter