• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Những lễ thức ngày tết gắn với một số dân tộc ở vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 20/01/2021 2:19:54 SA

Hoàng Nguyễn Hoàng

Các lễ thức dân gian các dân tộc thiểu số thường thể hiện đậm nét nhất trong dịp Tết và những ngày hội xuân. Các lễ thức này thường gắn với tập tục và bản sắc mỗi dân tộc, thể hiện quan niệm về nhân sinh, vũ trụ, từ thuở sơ khai, thông qua tín ngưỡng và các hoạt động lễ hội mang nặng dấu ấn của từng dân tộc.

Vùng văn hoá Mường Lò bao gồm miền đất Văn Chấn và các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái) với núi non trùng điệp và cánh đồng lòng chảo Mường Lò màu mỡ, nơi bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng của dân tộc Thái, Mông, Mường, Tày, Khơ Mú, Dao... được thể hiện qua các lễ hội hoa ban, lễ hội lồng tồng của người Thái, lễ "tăm khẩu mảu" của người Tày; lễ hội "gàu tào" của người Mông; "tết nhảy" của người Dao, lễ "đón mẹ lúa" của người Khơ Mú...

Người Thái ở Mường Lò có câu tục ngữ: “Muốn biết lòng chủ nhà thế nào, hãy xem họ mời rượu” (Dooc hú trở tày hươn xưng hư, bấng sẳn mơi lảu). Khách quen đến nhà, người Thái xuống tận chân thang đón, niềm nở dắt tay, đưa lên sàn trải chiếu mời ngồi gia cửa sổ với lời chúc tốt đẹp đầu xuân, lưu khách bằng rượu, nhâm nhi cả buổi hoặc cả ngày để gia chủ lấy may. Nếu là khách quý, có thể mời bà con mường bản và các cô gái đến khắp (hát), xòe (múa), trong âm điệu rộn ràng của nhạc khèn bè và các loại pí (sáo). Đồng bào Thái có nhiều loại pí. Tùy theo tâm trạng của chủ nhân mà họ có thể dùng các loại pí khác nhau: Pí sên, pí pặp, pí ló, pí thiu. Khách được mời vào vòng xòe, vừa xòe vừa được nghe các cô gái hát những giai điệu dân ca miêu tả về cuộc sống, ca ngợi lao động và giới thiệu cảnh sắc quê mình. Khi tan cuộc vui, khách ra về, các cô gái đứng ở cầu thang mời rượu chia tay, hẹn ngày gặp lại, không ai có thể chối từ. Rượu là cái cớ thể hiện tình cảm, người Thái không chuốc rượu say cho bạn bè. Khi bước lên sàn nhà, khách lưu ý không ngồi vào ghế có nệm dành cho chủ nhà và đừng ngồi quay lưng vào bếp, đó là điều kiêng kị. Bởi trong quan niệm người Thái có vua bếp, nơi hội tụ của gia đình và cộng đồng, nơi ấm nồng tình cảm gia đình bằng hữu, không ai quay lưng lại khi đã là bạn. Dịp tháng Giêng, Hai, người Thái có lễ "xên bản, xên mường" ghi ơn tổ tiên khai mở đất đai, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn sự sinh sôi.

Trò chơi leo cột mỡ tại Nghĩa Lộ- Ảnh: Xuân Tình

Người Mường quan niệm "trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm". Khách đã đến nhà thì phải tuân thủ lệ này. Trong nhà người Mường bao giờ cũng sẵn thức ăn là các sản vật tự làm ra. Chủ nhà ân cần trải chiếu hoa bên cửa sổ nhà sàn, trước là uống nước, sau là uống rượu. "Ăn cơm không khen cơm ngon, mất lòng người giã gạo/ Uống rượu không khen rượu ngon, mất lòng người ủ men", câu ngạn ngữ ấy biểu hiện khách chủ hoà đồng. Khách chú ý khi ngồi, khi nằm tránh không quay lưng hoặc gác chân lên cửa voóng, là điều kiêng kị. Chủ và khách luôn từ tốn làm đẹp lòng nhau. Khách quý còn được chủ nhà đón "thầy đang"** đến hát đối đáp. Khách biết "đang" thì càng vui. Khách đường xa khi ra về được chủ nhà gói theo cơm xôi, cá nướng, trứng gà luộc. Sau tết, người Mường có hội xuống đồng (khuông mùa), với các nghi thức ẩm thực và ca múa. Các điệu múa nàng tiên, múa trống tu, múa mơi... cuồng nhiệt, mô phỏng các các động tác gieo trồng cấy hái, mời cơm, mời rượu, săn bắn, bắt cá, trồng bông dệt vải. Đặc biệt là trò chơi đu chà, đu xe, lôi cuốn nam thanh nữ tú đông vui nhất, thể hiện sức sống sinh sôi nảy nở muôn đời.

Người Khơ Mú định cư ở xã Nghĩa Sơn, đáng kể là các lễ hội "đón mẹ lúa" và lễ hội "mùa măng mọc". Người Khơ Mú đón tết không cầu kỳ như các dân tộc thiểu số khác. Tết Nguyên đán (lốt pi mặc chềng pi mị), lễ cúng từ chiều 30 đến mồng 3 tết với nội dung: cúng sang tết, cúng bố mẹ đã chết, cúng tổ tiên. Cỗ cúng chỉ cần thịt lợn, không cúng thịt gà vì gà là vật để cúng ma nhà, ma nương rẫy, ma trời, ma dao cuốc, cày bừa. Ma không cúng lẫn với tổ tiên. Lễ vật thủ lợn miệng ngậm vòng bạc với quan niệm thịt lợn thể hiện sự làm ăn phát đạt, vòng bạc thể hiện mong muốn giàu sang dư thừa. Người Khơ Mú còn tổ chức lễ hội "mùa măng mọc", trang trí cây chuối quấn hoa tươi đủ loại cùng các con giống bằng tre nứa nhuộm màu, cùng các loại ngũ cốc, thể hiện ước mong cuộc sống sung túc, tươi vui. Trong lễ hội mọi người hân hoan trong những điệu dân ca, dân vũ, với các nhạc cụ tăng bu, tăng bảnh, hươn mạy, xe cắp... rộn rã núi rừng.

Tết của người Tày có nét giống người kinh, nhưng có nhiều khác biệt. Bánh chưng Tày dài, tròn và nhỏ hơn bánh chưng tròn của người Thái được chuẩn bị gói, luộc rất cầu kỳ để dâng tổ tiên, để đi lễ tết, để mời khách ngày xuân. Ngoài ra người Tày còn làm nhiều loại bánh: Bánh chuối, bánh tro, bánh nẳng, bánh dợm, bánh rán, bánh còn. Trước Giao thừa, người Tày chuẩn bị các loại rau thơm để nấu nước tắm, để làm nước thơm rửa mặt sáng mùng một tết. Sáng tinh sương ngày mùng một, người phụ nữ trong nhà đi đón nước chảy về ao. Cả đêm bếp lửa cháy ấm và bàn thờ giữa nhà nồng nàn hoa gió bay cùng hương trầm thơm. Cúng giao thừa, cúng ba ngày tết với các lẽ thức dân tổ tiên được thực hiện nghiêm ngặt như một sự tôn kính với tiền nhân. Vui chơi ngày tết của người Tày cũng phong phú không kém các dân tộc thiểu số khác: Tát yến, ném còn, kéo co, dậm thuông (một điệu vũ với đàn tính), hát then, xòe then với những chùm nhạc rộn rã cả một góc trời. Tết người Tày thường đi trả lễ thầy thuốc, thầy giáo với nhiều hình thức tôn kính. Người Tày có lễ hội "tăm khảu mảu" (giã gạo mới) vào tháng 9 tháng 10; sôi động bản làng với tục "gõ đuống" và hát giao duyên. Gõ đuống là  cả một câu chuyện và lễ thức đặc biệt của cư dân lầm nông nghiệp ven các dòng suối. "Tăm khảu mảu" (giã cốm) được bắt đầu từ việc gặt lúa nếp bánh tẻ đem về sấy trên than lửa rồi cho vào đuống giã thành cốm. Mỗi loại tiết tấu giã cốm lại "nói" về một sự tích gắn với thiên nhiên và tình yêu của người Tày. Lễ cúng trang trọng với những lời khấn mong cho làng bản yên ấm, nhà nhà sung túc, trâu lợn gà vịt đầy đàn, lúa đầy ruộng đầy nương. Lễ vật là thủ lợn và cháo cốm thịt vịt. Người Tày còn có lễ hội "lồng tồng" giống người Thái. Lễ hội hàm nghĩa ân đức với tổ tiên, cầu trời, cầu thần linh và các bậc siêu nhiên phù trợ cho mưa thuận gió hòa, thú dữ và sâu bệnh không quấy phá, dân bản làm ăn thuận lợi, mọi người được sống yên vui.

Người Mông tính lịch tết bằng mỗi tháng 30 ngày, mỗi năm 360 ngày, cho nên tết Mông có thể trước hoặc gần với tết âm lịch. Đặc sản của tết Mông là bánh giày. Đó là cơm nếp được cho vào máng gỗ giã nhuyễn rồi nắm lại từng nắm dẹt tròn. Có nhà làm hàng trăm chiếc để ăn dần. Tết Mông kéo dài hàng tuần hàng tháng, với quan niệm "Có rượu cùng uống, có thịt cùng ăn". Ngày tết, các công cụ lao động (cày bừa dao cuốc...) được nghỉ ngơi, dùng giấy màu cuốn lại, đặt sát vách gian giữa nhà. Sau các nghi thức cúng thần linh, cúng ma rừng, ma nhà, cỗ được hạ xuống quanh bếp lửa, mọi người thụ hưởng vui vẻ. Sôi động nhất trong những ngày tết là hội "gầu tào", chọn nơi trời đất khoáng đạt, trồng cây nêu lớn buộc dải vải đỏ trên ngọn, dưới treo giấy bản màu và một quả bầu đầy rượu. Bên cây nêu, mọi người đánh tù lú, ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ, đua ngựa, múa ô, thổi khèn, hát "khâu xìa plềnh"... Các trò chơi tết Mông nhấn mạnh tính thượng võ rất phóng khoáng của cộng đồng.

Người Dao ngoài lễ cấp sắc rất đặc thù, không trộn lẫn với dân tộc nào, còn có lễ tết nhảy "nhiàng chầm đao", lễ cúng Bàn Vương, thuỷ tổ thần thoại, biểu tượng tinh thần của dân tộc. Lễ còn mang ý nghĩa cúng tổ tiên, luyện binh luyện tướng, bảo vệ làng quê, bảo vệ cuộc sống. Mở đầu bằng điệu múa "tam nguyên an ham", có chủ lễ (thày mo) và người múa trang phục cổ phụ hoạ nhằm gọi binh tướng. Kế đó là múa "nhiàng chầm đao" theo nhịp trống, tù và, kèn sô na, và phèng la. Điệu múa diễn tả phát rẫy làm nương, chăm sóc thu hoạch, xay giã giần sàng, nấu nướng. Tiếp đến là điệu múa "bắt ba ba", diễn tả việc săn tìm ba ba, mang về nhà mổ băm, xào nấu dâng lên Bàn Vương. Đó cũng là sinh hoạt văn hoá có tính cộng đồng rất tiêu biểu của dân tộc Dao.

Những lễ thức ngày tết, đón xuân của các dân tộc vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái còn giữ được nhiều nét chất phác, gần gũi với thiên nhiên, thô mộc, khoáng đạt, trữ tình, tạo cho cảnh sắc và con người Mường Lò thêm thân thiện hơn với nhau trong cuộc sống. Ai đã một lần về với Mường Lò, hẳn còn nhớ và cũng mong trở lại. Mường Lò còn nhiều địa danh cổ, gắn với những câu chuyện đi mở đất của Lò Lạng Trượng, ông Tổ người Thái và những tên gọi trong sử sách. Từ những câu chuyện kể trong những trang sách cổ Quắm Tô Mương, đến nay vẫn còn là những giả định đầy thú vị. Đến Mường Lò mỗi mùa xuân về, bạn sẽ thấy mình mới hơn sau mỗi phát hiện về ý nghĩa nhân văn trong các lễ thức mùa xuân của đồng bào.

                                                                                              H.N.H

 *khót khoen: Khoác tay

**Đang mường: Một điệu dân ca Mường

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter