• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Văn hóa ứng xử trong cộng đồng của người Mường Tây Bắc
Ngày xuất bản: 21/07/2020 3:25:34 SA

Việt Hoàng

Người Mường vốn là cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa của Việt Nam, có số dân khá đông và định cư tập trung ở hầu khắp các vùng đất thuộc miền núi phía Bắc, dọc từ Nghĩa Lộ, Yên Bái qua các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình đến Thanh Hóa... Đồng bào Mường xưa thường sống nơi thung lũng, rừng núi thấp, quần tụ thành xóm, làng và mường (họ không gọi cộng đồng quần cư của dân tộc mình là bản như các dân tộc thiểu số khác). Người Mường tuy sống tách biệt hẳn với người Kinh (Người Kinh ở dưới chợ, người Mường ở trên mường) và không sống gần các trung tâm cai trị hay triều đình, nhưng họ tự đặt ra cho cộng đồng của mình rất nhiều những luật lệ, khuôn phép, quy ước về mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, con người với cộng đồng xã hội và với thiên nhiên xung quanh mình. Trải qua thời gian, những luật lệ, khuôn phép ấy dần trở thành phong tục tập quán, bản sắc văn hóa giàu chất nhân văn của cộng đồng dân tộc Mường.

Người Mường có câu: “Xá chết một đồng/ Cón hơn khồng một mếnh”- Nghĩa là “Thà chết một đống/ Còn hơn sống một mình”. Đồng bào rất coi trọng cuộc sống cộng đồng, sống gắn bó với cộng đồng, trọng tình nghĩa, chân tình và thiện cảm, luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Trong văn hóa ứng xử, đồng bào Mường quan niệm, đã là con người trong xã hội, trong cộng đồng thì phải tự biết cách ứng xử như thế nào cho có văn hóa, cho đúng khuôn phép. Muốn ứng xử tốt với mọi người, với cộng đồng thì trước hết phải tự ứng xử tốt với chính bản thân mình, từ lời ăn tiếng nói đến việc tự biết tìm cách, chăm chỉ làm ăn, không nên chỉ trông chờ, dựa dẫm vào người khác (Của mình làm ra ăn no/ Của người cho là của ăn nếm). Trong cuộc sống, bản thân mỗi người, mỗi gia đình luôn biết phấn đấu, khi gặp vận may hay đạt thành tựu giàu sang, phú quý thì không lên mặt, kẻ cả với cộng đồng; khi gặp vận khó lại càng không nên chán nản, gục ngã mà phải luôn có niềm tin ở chính mình.

Với cộng đồng, làng xóm, người Mường dù giàu có hay nghèo khổ cũng luôn quan tâm, gắn bó, chia sẻ với nhau. Từ những công việc trong lao động sản xuất hàng ngày đến những việc vui buồn, tang ma, cưới xin... họ đều sẵn sàng tương trọ, giúp đỡ nhau. Người Mường sống chủ yếu bằng kinh tế nông nghiệp, trong đó lúa nước là cây lương thực chính. Từ xa xưa, đồng bào đã có kinh nghiệm làm ăn, thông qua thời tiết để tính toán ra thời vụ. Trước kia, đồng bào chỉ làm một vụ lúa duy nhất mỗi năm và thời điểm tốt nhất để trồng cấy là vào tháng sáu. Để kịp thời vụ, mùa màng được tươi tốt, hễ đến tháng vào vụ là đồng bào tập trung giúp nhau bằng hình thức đổi công hoặc mượn công. Không chỉ giúp nhau mỗi khi vào vụ cấy hay thu hoạch lúa mà đồng bào còn giúp nhau cả trong những việc khác như dẫn nước, đắp bờ hay chia sẻ cho nhau giống cây trồng, vật nuôi.

Làm nhà vốn là việc lớn, việc khó trong cuộc đời mỗi người, bởi vậy mỗi khi có người làm nhà mới hay sửa nhà, đồng bào lại tập trung giúp đỡ cho họ. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và những quy định, tập tục của mỗi địa phương, mỗi mường mà người Mường xưa có những cách thức giúp đỡ, tương trợ nhau làm nhà khác nhau. Với những nơi có điều kiện kinh tế tương đối đồng đều nhau, đồng bào thường lập thành các hội, phe, gọi là phe làm nhà (phe mấn nhá hay phe lá nhá). Đây là một tổ chức cộng đồng tự nguyện, hoạt động theo những quy định nghiêm túc, cụ thể, rõ ràng và có cử người đứng ra làm chủ. Khi trong hội, phe có gia đình có nhu cầu làm nhà, sửa nhà hoặc có nhà bị bão làm sập, bị cháy... thì chủ phe sẽ tổ chức họp bàn, thống nhất mức hỗ trợ và thời gian tổ chức giúp cho gia đình đó. Ở các phe, hội này, cùng với các quy định về mức hỗ trợ, cách thức và thời gian giúp đỡ còn có những quy định về việc ứng xử, đáp lễ của người được giúp đỡ đối với các thành viên trong phe, hội như việc sắm xôi, rượu, thịt. Số lượng thực phẩm gia đình phải chuẩn bị tùy thuộc vào mức hỗ trợ, giúp đỡ của phe. Số thực phẩm này ngoài để chia cho những từng vị trí làm nhà như người điều khiển lợp mái, người sắp nóc, người lợp bốn góc, người đưa tranh lên mái... thì chủ yếu là để mọi người tham gia làm nhà ăn bữa cơm trưa trong ngày lợp mái ngay tại ngôi nhà mới của gia chủ, coi như bữa cơm mừng nhà mới cho gia đình. Ở những nơi đời sống kinh tế khó khăn hơn, hoặc hoàn cảnh giữa các gia đình không đồng đều, nhiều người không có điều kiện để tham gia phe, hội thì họ lại có những cách tương trợ, giúp đỡ khác. Người Mường có câu: “Món cò nhá, ma cò mố”- Nghĩa là: Người có nhà, ma có mồ. Đồng bào quan niệm, nhà rách thì sửa, nhà dột thì dặm, dù là nhà xấu, nhà tạm cũng quyết không để cho ai chết có mồ mà sống lại không có nhà. Bởi vậy, mỗi khi có nhà bị cháy, bị lũ cuốn trôi hay bão sập đổ, chưa cần chủ nhà mở lời nhờ vả, người trong làng, trong mường đã hô hào nhau xúm lại giúp đỡ. Người tự nguyện đi cắt cỏ tranh về lợp mái, người đi kiếm tre, gỗ về dựng cột, ai có gì thì giúp nấy, không tính công, không đòi hỏi, đến giúp xong thì về chứ không ở lại ăn uống hay đòi hỏi trả công nợ. Đây là hình thức giúp đỡ nhau phổ biến và tồn tại trong đời sống của cộng đồng người Mường từ ngàn xưa cho đến nay.

Tang ma, cưới hỏi cũng là những công việc trọng đại của đời người. Nếu như trong việc cưới hỏi là chuyện vui của gia đình, của làng, của mường, đồng bào chủ yếu chia sẻ niềm vui và giúp đỡ nhau về vật chất để tổ chức đám cưới thì trong đám ma, người Mường đặc biệt coi trọng và quan tâm giúp đỡ gia chủ nhiều hơn. Người Mường xưa có câu: “Khi sống là người của một nhà/ Khi chết là ma cả làng”. Khi trong làng có người chết, những người đứng đầu trong làng sẽ cùng nhau bàn bạc, phân công công việc cho mọi thành viên trong làng cùng nhau tập trung lo cho đám tang được chu tất. Từ việc đi thông báo cho anh em, họ hàng của tang chủ ở gần, ở xa; mời ông Mo đến làm lễ; dựng rạp, chuẩn bị thực phẩm nấu nướng; đón khách phúng viếng cho đến việc vạc, đẽo quan tài, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để chôn cất... Không chỉ giúp về công mà bà con còn giúp nhau cả về của như lợn, gà, gạo, rượu để lo đám tang cho gia chủ. Điều đáng trân quý ở đây là dù giúp công hay giúp của, đồng bào cũng không ai bắt phải trả ơn. Việc giúp của cho tang chủ dù sau này có trả lại hay không cũng vẫn được ghi chép lại đầy đủ, tỷ mỉ. Thường thì về sau, các gia đình tang chủ vẫn tìm cách để trả lại cho những người đã giúp đỡ, chia sẻ với mình lúc khó khăn. Người Mường xưa nay có truyền thống trọng người già với quan điểm “Bố mẹ là bố mẹ chung, ai cũng phải lo gánh vác”, nên khi trong làng có người già qua đời, ở nhiều nơi đã như một thông lệ, khi đến đám tang mỗi nhà thường đem đến đám một phần gạo, gà hoặc xôi gà để góp. Có nơi khi đến đám, mọi người còn tự sắm cho mình một chiếc khăn trắng để chịu tang người quá cố.

Với truyền thống trọng người, mến khách nên khi có khách đến thăm nhà, đồng bào Mường không có sự phân biệt đối xử mà luôn thân thiện, trân trọng, vồn vã, lịch sự. Khi khách đến nhà, dù lạ hay quen thì chủ nhà cũng phải chào mời và thăm hỏi tử tế rồi trải chiếu mời khách ngồi. Khi mời nước, mời trầu phải bưng bằng hai tay. Trong nhà có khách, người nhà đi xa về vào nhà chào khách, nếu là nữ đi làm đồng về phải đi vòng ra cầu thang phía sau, rửa sạch chân tay, thay váy áo mới rồi mới ra gian ngoài chào khách. Người Mường xưa có câu: “Khách đến nhà không gà cũng vịt” nên có khách đến chơi nhà, dù giàu hay nghèo cũng phải lịch sự mời khách ở lại dùng cơm. Khi tiếp khách ăn cơm, chủ nhà tuyệt đối không được rời khỏi mâm để khách phải ngồi một mình. Trong bữa ăn, tuyệt đối không bàn chuyện công việc, chủ nhà rót rượu mời khách phải nâng chén ngửa hai tay mời khách uống trước, thường xuyên tiếp cơm, rượu, thức ăn cho khách, luôn chú ý quan sát xem khách cần gì và đặc biệt, chủ nhà không bao giờ được buông đũa thôi cơm trước khách.

Cuộc sống mưu sinh của người Mường xưa vốn không mấy dễ dàng, người sống thưa thớt, thiên nhiên khắc nghiệt khiến đồng bào càng phải xích lại gần nhau, đoàn kết, gắn bó, yêu thương chia ngọt sẻ bùi để cùng nhau tồn tại và phát triển. Giờ đây, khi kinh tế xã hội đã phát triển, tiến bộ vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Sự thay đổi hoàn toàn về bối cảnh sống khiến cho nhiều luật lệ, tập tục cũng theo đó mà mai một, song những quan điểm nhân văn trong văn hóa ứng xử với những con người trong cộng đồng của đồng bào Mường vẫn được giữ gìn và duy trì, làm nên nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường ở Tây Bắc nói riêng và dân tộc Mường ở Việt Nam nói chung.

                                                                                                       V.H

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter