Truyện ngắn của Quang Văn
Sáng mùng một Tết, khi cúng gia tiên, thổ công xong, ông Lình ra chuồng tắm rửa cho con trâu sừng vênh sạch sẽ, cho trâu ăn cỏ non, buộc trên sừng trâu chiếc bánh, dán thêm miếng giấy đỏ rồi ông cầm ba thẻ hương lầm rầm khấn. Hôm nay ông làm lễ cúng vía trâu, một lễ cúng đã bị người dân quê ông bỏ quên từ lâu. Cúng xong, ông cho con sừng vênh ăn chiếc bánh cúng. Con trâu gại nhẹ sừng vào người ông, nó vừa ăn vừa nhìn ông. Từ hai khóe mắt của con trâu rỉ xuống từng giọt nước đùng đục. Lâu lắm rồi ông mới nhìn thấy trâu khóc. Người dân quê ông xưa có câu: "Tháng bảy ăn bánh gai trâu cười. Tháng giêng ăn bánh chưng trâu khóc", bởi tháng giêng là tháng bắt đầu mùa vụ mới, trâu phải cày kéo, làm ăn vất vả. Nhưng hôm nay, với con sừng vênh thì khác. Những ngày tháng cơ cực qua rồi, giờ con sừng vênh đã được nghỉ ngơi, vậy thì có gì mà khóc. Thằng Chài con ông bảo: "Khói hương cay làm nó chảy nước mắt, chứ trâu làm gì biết suy nghĩ và vui buồn như người". Tự dưng ông Lình chạnh buồn và suy nghĩ nhiều hơn.
Ông Lình nhớ, ngày thằng Chài lên mười tuổi thì vợ ông bị ung thư, nhà khó khăn, tiền đi viện chạy chữa cạn kiệt gia sản. Lúc ấy tài sản lớn nhất của gia đình là con trâu sừng vênh mới sấn sẹo. Chưa đủ lớn nhưng con sừng vênh đã phải cùng ông cày bừa, hết ruộng của nhà lại đi cày bừa thuê khắp vùng. Làm việc quần quật nhưng đang sức ăn, sức lớn, con sừng vênh vẫn lớn nhanh, phổng phao với cuồn cuộn thịt bắp. Vợ ông Lình mất. Thằng Chài lên cấp ba, rồi nhoằng một cái đã vào đại học. Ruộng liên tục hạn hán, mất mùa rồi lũ lụt. Cuộc sống gia đình ông càng khó khăn hơn. Ông Lình ngoài đi cày bừa thuê lại cùng con sừng vênh đi kéo gỗ thuê cho những chủ buôn gỗ rừng vì đường dốc, công nông không thể vào tận rừng để chở gỗ. Những ngày đi chở gỗ, ông càng thương yêu con sừng vênh hơn. Nó là con trâu rất thông minh, ngoan ngoãn, chăm chỉ và biết thương chủ. Bắt đầu làm việc, con sừng vênh tự biết quỳ xuống để ông đeo ách. Con sừng vênh rất khỏe, mỗi chuyến nó kéo hai, ba cây gỗ lớn. Mỗi lần gỗ xô về một bên, dây kéo vắt ngược qua trên lưng, lật cả ách, con sừng vênh tự biết xoay mình, luồn dây lại như cũ. Mỗi khi kéo gỗ qua đoạn đường dốc, gỗ lao băng băng, con sừng vênh và ông cũng phải lao băng băng đi trước. Nhiều lần gỗ đâm vào chân con sừng vênh, trầy xước, chảy máu, tím bầm. Lũ ruồi thấy mùi máu tanh thi nhau bu kín. Thế nhưng con sừng vênh vẫn cùng ông Lình kéo gỗ đầy cam chịu nhưng với vẻ hùng dũng của một con trâu đực trưởng thành. Có lần đang kéo gỗ băng băng xuống dốc thì bất ngờ một cây gỗ to bị xoắn đứt dây, lao thẳng vào người ông Lình, ông Lình chưa kịp định thần thì con sừng vênh đã xoay ngang, dùng bộ sừng cắm thẳng vào cây gỗ. Cây gỗ lao trượt sang một bên, để lại một vệt sừng dài, ông Lình thoát nạn. Cứ thế ngày tiếp ngày, thằng Chài có tiền học đại học nhờ con sừng vênh.
Học xong đại học, thằng Chài xin việc luôn trên thành phố, nó bảo với ông Lình: "Phải thoát khỏi cái quê núi nghèo nàn mù mịt này mới khá lên được bố ạ". Con thành đạt, cuộc sống vươn lên là ước mơ của ông bấy lâu, nhưng câu nói của thằng Chài vẫn làm ông nghĩ vẩn vơ mấy ngày liền. Ngày trước người dân quê ông du canh du cư trên rừng, nay cuộc sống ổn định lại rủ nhau du cư xuống thành phố, một cuộc du cư cũng ồ ạt không kém. Người được học hành thì ở lại thành phố công tác, người không được học hành thì làm trong các công ty, nhà xưởng, cửa hàng, nhà hàng, có cả người đi làm xe ôm, bán nước. Giờ quê ông chỉ thấy người già và trẻ con. Nhiều đám ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Chẳng còn ai thuê ông cày bừa nữa. Rừng đã khai thác hết, thành ra ông Lình thất nghiệp. May mà thằng Chài con ông ra trường có việc làm, thu nhập ổn định ngay. Đã gần năm nay con sừng vênh không phải làm việc nặng nữa. Thế cũng tốt vì nó đã bắt đầu già, thời gian sung sức đã qua, sức lực nó đã vì gia đình ông mà mất dần. Giờ nó cần nghỉ ngơi, cả ông cũng thế. Dạo này ông Lình thấy mình xuống sức, người hay đau nhức, đi lại nặng nhọc. Thằng Chài lấy vợ trên thành phố, ít về thăm ông hơn. Ông chỉ còn con sừng vênh là bạn, suốt ngày luẩn quẩn bên nhau. Ngày vợ chồng thằng Chài mua được nhà riêng trên thành phố, hai vợ chồng về thuyết phục ông ra ở cùng. Thằng chài bảo: "Cả cuộc đời bố đã vất vả vì con, giờ đã đến lúc bố cần được chăm sóc". Ông Lình cắt ngang: "Bố không đi đâu, ở nhà còn có mồ mả tổ tiên và mẹ con". Vợ thằng Chài nhỏ nhẹ: "Bố lên ở với chúng con, lúc nào muốn về quê chơi bố lại về, ngôi nhà này mình vẫn để đấy, mồ mả còn có các chú chăm sóc". Ông Lình đã nghĩ đến việc này từ lâu, nhưng vẫn lần khần. Tuổi già đang đến dần, ông không thể ở một mình mãi được. Lên phố ư, ông sống ở quê đã quen rồi, xóm giềng, đồi núi, ruộng vườn, bao nhiêu thứ gắn bó, lên phố lạ đường, lạ người, một mình thui thủi trong nhà thì sống làm sao. Một lý do nữa ông chưa muốn lên phố ở vì còn con sừng vênh. Ông đi rồi con sừng vênh ai chăm? Nó sẽ sống ra sao? Ông không thể mang nó theo lên thành phố. Biết bố chưa muốn lên thành phố vì con sừng vênh, thằng Chài bảo: "Mai con gọi thợ, mình bán con sừng vênh, chẳng bao lâu nữa nó sẽ răng rụng, chân run mà chết, bán nó đi coi như là hóa kiếp cho nó, giờ trâu đang được giá". Mặt ông Lình sầm lại, giọng ông như tắc nghẹn, quả quyết: "Không. Không thể bán. Với gia đình ta con sừng vênh là ân nhân, với bố nó là một người bạn". Nói rồi ông Lình bỏ vào buồng trong nằm, trằn trọc thức đến sáng.
Ông Lình bị bệnh hen phế quản từ lâu, trước đây bị nhẹ, ông chỉ khò khè khó thở lúc làm việc quá sức. Giờ bệnh càng ngày càng nặng, ông ho cả đêm, mất ngủ kéo dài làm mặt ông tóp lại, mắt hốc hác, phờ phạc, tóc bạc thêm nhanh. Nhiều lần nửa đêm cơn hen lên, ông tưởng như tắc thở. Vợ chồng thằng Chài nghe tin ông bệnh nặng, vừa được nghỉ Tết là thu xếp về ngay. Đấu tranh tư tưởng cả tuần liền ông Lình mới đồng ý hết Tết sẽ theo con lên thành phố ở. Bệnh thế ở một mình, lại xa trạm xá, bệnh viện, không biết chết lúc nào. Mùng một Tết ông làm lễ cúng vía cho con sừng vênh, tạ ơn nó đã đưa gia đình ông qua hết thời khốn khó và cầu cho nó mạnh khỏe, vào rừng ăn cỏ tự biết tìm gốc cây, búi nứa mà ngủ, tránh mưa, tránh nắng. Cúng xong, chờ con sừng vênh ăn hết chiếc bánh chưng, ông dắt nó lên rừng. Như hiểu được ý chủ, con sừng vênh ngoan ngoãn đi theo. Đến bìa rừng, ông ôm lấy cổ nó, vỗ vỗ vào vai nó thì thầm: "Mày già yếu, tao cũng già yếu, nhưng cuộc sống đổi thay, giờ tao phải xa mày. Mày hãy vào rừng sống tự do. Đừng xuống phá nương, ăn ngô, ăn lúa của người làng. Rồi tao sẽ về thăm". Con sừng vênh lại gại sừng vào người ông rồi lui cui bước vào rừng. Hết Tết, ông Lình theo vợ chồng thằng Chài xuống thành phố ở. Một mình ra ra vào vào, ông Lình luôn nhớ con sừng vênh.
Một lần bệnh hen phế quản của ông Lình phát nặng, thằng Chài phải đưa ông nhập viện. Bệnh đỡ dần, ông thường dạo bộ hành lang viện để đỡ cuồng chân. Một hôm đang dạo bộ thì ông thấy có người vào cấp cứu. Nạn nhân trông vâm váp, khỏe mạnh, bị một vết đâm sâu ở bụng và một vết thương lớn từ vai xuống lưng. Ông Lình giật mình, ông nhớ lại vết sừng con sừng vênh cắm vào cây gỗ để cứu ông hôm nào. Ông Lình vội kéo tay người nhà bệnh nhân hỏi: "Ông ấy bị sao thế?". Người nhà bệnh nhân trông cũng dữ tợn, nhìn ông khó chịu, mặt gườm gườm nhưng vẫn trả lời cộc lốc: "Mẹ kiếp, con trâu đực già, định thịt, chia nhau làm thịt sấy ăn Tết, vừa vung búa tạ lên thì nó húc cho một phát". Trâu là loài sống có tình có nghĩa, không bao giờ phản chủ, sẽ không có chuyện trâu tự dưng húc người. Lòng ông Lình lại thấp thỏm nghĩ về con sừng vênh. Hai hôm sau ra viện, ông Lình bảo thằng Chài đưa ông về quê chơi một chuyến, lại sắp một cái Tết nữa rồi, ông thấy nhớ quê, nhớ anh em, xóm giềng. Còn một lý do nữa ông không nói, đó là ông muốn về thăm con sừng vênh. Không biết bây giờ con sừng vênh ra sao.
Ông Lình về đến nhà ở quê, ngôi nhà nhờ thằng Khủ con ông chú trông nom hộ. Vừa nhác thấy bố con ông Lình, thằng Khủ chạy ra đón. Chào hỏi được mấy câu, Khủ dắt tay ông Lình, chỉ ra cái chuồng trâu cũ: "Bác ra xem, con sừng vênh đã về mấy hôm. Nó sắp chết rồi!". Con sừng vênh nhìn thấy ông Lình, nó vui mừng cố gượng dậy nhưng lại khụy xuống. Hình như chân nó bị gẫy. Ông Lình nhìn kỹ, chân con sừng vênh nhằng nhịt những vết xước do cây đâm, máu rỉ ra đỏ thẫm. Trên cổ, trên lưng con sừng vênh đầy vết lằn đỏ của ách và roi vụt. Thằng Khủ kể: "Con sừng vênh ngoan lắm, nó không phá nương, ăn lúa, ăn ngô nhà ai, nếu ăn thì nó đã chết rồi vì nhà nào cũng phun thuốc trừ sâu. Nó lên tít rừng Đán Khao tìm ăn nhưng trên đó là bãi khai thác đá. Mìn nổ, đá văng làm con sừng vênh bị thương nên nó phải chuyển đi kiếm ăn ở rừng Kháo. Rừng Kháo có nhiều tốp lâm tặc khai thác gỗ. Thấy con sừng vênh là trâu vô chủ nên chúng bắt đi kéo gỗ. Khi khai thác xong, chúng định mổ con sừng vênh làm thịt sấy hun khói thì bị con sừng vênh húc phải đi nhập viện. Vợ chồng cháu làm thuê vắng nhà suốt, hôm thấy con sừng vênh về, sừng còn vết máu và chân bị đánh què, cháu điều tra thì mới biết. Con vật cũng như con người, yêu thương trả bằng yêu thương, bạc ác rồi sẽ bị quả báo".
Ông Lình cúi xuống ôm đầu con sừng vênh vào lòng. Con sừng vênh cố ngóc lên, gại nhẹ vào người ông. Từ mắt nó lại rỉ ra từng giọt nước đùng đục rơi xuống tay ông ấm nóng. Thằng Chài đứng sau ông Lình chợt lên tiếng: "Con xin lỗi bố. Trâu khóc. Không phải vì khói hương cay".
Q.V