Thành Trung
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ mới. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử của cả nước nói chung và của Yên Bái nói riêng đang ở bước thứ tư của quy trình hiệp thương là tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú cho những người được giới thiệu ứng cử đại biểu.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân, ngay từ những ngày đầu năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử trong toàn tỉnh. Theo số lượng, cơ cấu và thành phần, tỉnh Yên Bái được phân bổ tổng số 6 đại biểu tham gia Quốc hội khóa XV, trong đó cư trú và làm việc tại địa phương 4 đại biểu, do Trung ương giới thiệu 2 đại biểu. Đối với số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương dự kiến được phân bổ theo cơ cấu định hướng là 3, trong đó có 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; 1 đại biểu chuyên trách; 1 đại biểu MTTQ. Đại biểu phân bổ theo cơ cấu hướng dẫn là 1 đại biểu do địa phương giới thiệu. Đại biểu cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu gồm người dân tộc thiểu số ứng cử 6 người, phụ nữ giới thiệu ứng cử 4 người, đại biểu tuổi trẻ (dưới 40 tuổi) 1 người, đại biểu tái cử 2 người.
Trong cuộc bầu cử này, số đại biểu dự kiến sẽ bầu tham gia vào HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026 là 56 người (trong đó có 31 đại biểu thuộc cơ quan cấp tỉnh và 25 đại biểu ở địa phương). Về cơ cấu kết hợp, đại biểu nữ được giới thiệu ứng cử là 20 người, chiếm 35,7%; đại biểu người dân tộc thiểu số là 23 người, chiếm 41,1%; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 13 người, chiếm 23,2%; cơ cấu ngoài Đảng 06 người, chiếm 10,7%; đại biểu tái cử 20 người, chiếm 30,7. Trước khi bước vào hiệp thương lần thứ Nhất, Ủy ban Bầu cử đã hoàn thiện hồ sơ giới thiệu cho 11 đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 112 đại biểu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, trong đó số lượng người ứng cử thuộc cơ quan cấp tỉnh là 62 người, số lượng người ứng cử ở địa phương là 50 người. Sau 2 lần hiệp thương, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn lập danh sách sơ bộ cho 10 người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó: dân tộc thiểu số 6 người, đại biểu nữ 4 người, tuổi trẻ (dưới 40 tuổi) 1 người; 107 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026; 599 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 7.419 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Triển khai công tác bầu cử, ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ Trung ương (tháng 7/2020), Ban Thường vụ cấp ủy, Chính quyền các cấp đã tổ chức trên 200 hội nghị quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; ban hành, quán triệt các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn của địa phương; tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho Ủy ban Bầu cử các cấp; thành lập 01 Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, 09 Ban Chỉ đạo cấp huyện và 173 Ban Chỉ đạo công tác bầu cử cấp xã; thành lập 02 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội tại 2 đơn vị bầu cử, 15 Ban Bầu cử đại biểu HĐND tỉnh tại 15 đơn vị bầu cử, 60 Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện tại 60 đơn vị bầu cử và 998 Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp xã tại 998 đơn vị bầu cử. Số đơn vị bầu cử ở mỗi địa phương được bố trí căn cứ theo số lượng đại biểu được bầu theo đúng quy định của luật bầu cử. Cụ thể: Thành phố Yên Bái có 02 đơn vị bầu cử để bầu 8 đại biểu HĐND tỉnh, 06 đơn vị bầu cử để bầu 30 đại biểu HĐND cấp huyện; huyện Yên Bình có 02 đơn vị bầu cử để bầu 8 đại biểu HĐND tỉnh, 07 đơn vị bầu cử để bầu 35 đại biểu HĐND cấp huyện và 147 đơn vị bầu cử để bầu 515 đại biểu HĐND cấp xã; huyện Lục Yên có 02 đơn vị bầu cử để bầu 8 đại biểu HĐND tỉnh, 07 đơn vị bầu cử để bầu 35 đại biểu HĐND cấp huyện và 151 đơn vị bầu cử cấp xã để bầu 502 đại biểu HĐND cấp xã; huyện Trấn Yên có 02 đơn vị bầu cử để bầu 7 đại biểu HĐND tỉnh, 07 đơn vị bầu cử để bầu 35 đại biểu HĐND huyện và 110 đơn vị bầu cử cấp xã để bầu 430 đại biểu HĐND cấp xã; huyện Văn Yên có 02 đơn vị bầu cử để bầu 8 đại biểu HĐND tỉnh, 07 đơn vị bầu cử để bầu 35 đại biểu HĐND huyện và 157 đơn vị bầu cử cấp xã để bầu 549 đại biểu HĐND cấp xã; huyện Văn Chấn có 02 đơn vị bầu cử để bầu 8 đại biểu HĐND tỉnh, 07 đơn vị bầu cử để bầu 35 đại biểu HĐND huyện và 142 đơn vị bầu cử cấp xã để bầu 515 đại biểu HĐND cấp xã; huyện Mù Cang Chải có 01 đơn vị bầu cử để bầu 03 đại biểu HĐND tỉnh, 07 đơn vị bầu cử để bầu 33 đại biểu HĐND huyện và 68 đơn vị bầu cử cấp xã để bầu 295 đại biểu HĐND cấp xã; huyện Trạm Tấu có 01 đơn vị bầu cử để bầu 03 đại biểu HĐND tỉnh, 06 đơn vị bầu cử để bầu 30 đại biểu HĐND huyện và 50 đơn vị bầu cử cấp xã để bầu 229 đại biểu HĐND cấp xã; thị xã Nghĩa Lộ có 01 đơn vị bầu cử để bầu 03 đại biểu HĐND tỉnh, 06 đơn vị bầu cử để bầu 30 đại biểu HĐND huyện và 80 đơn vị bầu cử cấp xã để bầu 297 đại biểu HĐND cấp xã.
Thực hiện bước thứ tư của quy trình hiệp thương, Ủy ban Bầu cử từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã, thôn bản đều nhanh chóng tiến hành hướng dẫn và tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú cho những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, tổ dân phố, khu phố, khối phố mà không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn; do Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị. Lấy ý kiến cử tri nơi cư trú là bước rất quan trọng và cần thiết vì họ chính là những người sâu sát nhất, có đầy đủ thông tin nhất về đạo đức, phẩm chất chính trị cũng như năng lực của người ứng cử. Người ứng cử sẽ không thể trở thành người đại biểu của nhân dân khi chưa được sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Cũng chính vì vậy nên đối với những người dù được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử thì đến bước thứ tư của quy trình hiệp thương vẫn phải tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.
Bước thứ năm, cũng là bước cuối cùng của quy trình hiệp thương chính là tổ chức hội nghị hiệp thương lần thương lần thứ ba để lựa chọn và lập danh sách chính thức cho những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ở bước này, Ủy ban Bầu cử các cấp dựa trên kết quả việc lấy ý kiến và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú, trả lời về các vụ việc phải xác minh của cơ quan, tổ chức đơn vị, coi đó là những căn cứ quan trọng để lựa chọn và lập danh sách cho người ứng cử. Sau đó, MTTQ gửi danh sách chính thức đến Ủy ban Bầu cử- Hội đồng Bầu cử để công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử. Kể từ ngày công bố danh sách chính thức, công dân, cử tri có quyền khiếu nại tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử; Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Các đơn vị nhận được tố cáo, khiếu nại phải ghi vào sổ và giải quyết trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai công tác bầu cử đến nay, Ủy ban bầu cử các cấp, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái chưa tiếp nhận bất cứ một đơn, thư khiếu nại tố cáo của tập thể, cá nhân nào liên quan đến công tác bầu cử. Cũng trong bước này, những người có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tiến hành vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri về những dự kiến, kế hoạch, trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội; đại biểu HĐND. Việc vận động bầu cử được tiến hành công khai dân chủ, bình đẳng và đúng luật.
Khi bước thứ năm hoàn thành cũng là lúc ngày bầu cử đã ở rất gần (theo kế hoạch, thời gian thực hiện bước thứ năm diễn ra từ ngày 28/4/2021 đến 21/5/2021 và ngày bầu cử đã được ấn định là ngày 23/5/2021). Cùng với việc lựa chọn giới thiệu được những người thực sự đủ đức, đủ tài, xứng đáng để cử tri tin tưởng bầu chọn thay mặt cho nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thì vào thời điểm này, những công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử đã được chuẩn bị một cách đầy đủ và chu đáo nhất. Việc còn lại cuối cùng cũng chính là phần việc quan trọng, mang tính quyết định làm nên thành công của cuộc bầu cử chính là cử tri cần khẳng định, nâng cao trách nhiệm và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình. Trách nhiệm đó không chỉ thể hiện ở việc tham gia bỏ phiếu bầu, mà còn là sự nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; là sự hiểu biết luật bầu cử, nắm vững quy trình bầu cử. Hiểu biết những quy định về bầu cử do luật pháp quy định là nội dung quan trọng có tính chất quyết định chất lượng bầu cử của cử tri. Từ năm 1946 đến nay, bầu cử Quốc hội ở Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Thể hiện tính toàn dân và toàn diện của bầu cử, bảo đảm sự khách quan, không thiên vị, để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử; đồng thời lựa chọn ra người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Xã hội ngày càng phát triển cùng với hệ thống luật được hoàn thiện, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng, quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được bảo đảm. Nhân dân đã ý thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của cử tri trong tìm hiểu và chấp hành pháp luật. Thông hiểu pháp luật là cơ sở để cử tri thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình trong đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu. Cùng với đó, bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm trong đánh giá nhân sự, đặt lợi ích của cộng đồng, xã hội lên trên hết của những người cầm lá phiếu cũng là một yếu tố mang tính quyết định chất lượng bầu cử của mỗi cử tri. Vững vàng về bản lĩnh chính trị, cử tri sẽ tin tưởng vào danh sách hiệp thương của MTTQ các cấp, tiến hành bầu cử đảm bảo đúng định hướng, không hoang mang dao động trước những tác động tiêu cực bên ngoài. Đồng thời, tích cực đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động lợi dụng, mua chuộc, phá hoại cuộc bầu cử của những kẻ cơ hội chính trị và các thế lực thù địch, cử tri cũng cần phê phán, uốn nắn những biểu hiện mất dân chủ, chống những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bầu cử, để cuộc bầu cử tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thắng lợi của cuộc bầu cử sẽ không chỉ là tiền đề để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Bởi vậy, đây chính là lúc mọi công dân cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trước sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, thực sự trở thành ngày hội lớn của non sông.
T.T