• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Rượu đắng
Ngày xuất bản: 18/03/2021 3:00:26 SA

Truyện ngắn của Đào Duy Tuyên 

Dung đẹp. Nước da trắng hồng, gương mặt tròn trịa xinh xắn, đặc biệt là đôi mắt đen nhánh, quê tôi gọi là mắt đen hạt nhãn. Duy có một điều là đôi mắt ấy không biết cười, nó sâu thẳm, xa xăm, ẩn chứa bên trong một điều gì trắc ẩn. Bố mẹ mất sớm, nàng và em gái phải sống với chị gái và anh rể. Công việc hàng ngày của gia đình nàng là nấu rượu, tối đi nhà thờ. Có lẽ chỉ mỗi khi đi lễ, đứng trước Chúa mới là lúc nàng sống thật. Nàng mặc quần lụa, áo cánh nâu cổ tròn bó sát thân hình rắn chắc khỏe khoắn, mái tóc buông xõa ngang lưng, ngước nhìn Chúa, đôi mắt long lanh, thánh thiện, tuy nhiên vẫn không biết cười. Chỉ có những lúc bước vào Nhà thờ đôi mắt ấy mới ngước lên và long lanh như vậy còn hàng ngày không thấy bao giờ nàng ngước mắt lên, kể cả khi nói chuyện với người khác. Hình như nàng sợ, sợ ai đó nhìn thấu tâm can mình, sợ ai đó nhìn thấy điều trắc ẩn trong con tim của nàng. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, cái cửa sổ ấy không treo rèm…

Trong làng có một đơn vị địa chất đóng quân. Trong số đó, Điền hay đến nhà nàng mua rượu, lúc đầu 1 tuần mua 1 lần, sau thì 3 ngày, rồi không biết rượu ngon đến đâu mà ngày nào chàng cũng đến mua. Và mỗi lần như vậy chàng ta nấn ná ở lại rất lâu. Chàng hỏi công thức nấu rượu, bí quyết để có rượu ngon… Có lần chàng hỏi những câu chẳng đâu vào đâu: “Tại sao uống rượu mặt lại đỏ… thực ra chẳng cần rượu, nhiều nguời mặt cũng đỏ đấy thôi?”. Mặt Nàng đỏ dực như quả gấc chín, nàng rót rượu tràn cả ra ngoài. Đón chai rượu nàng đưa, chàng chẳng cầm rượu mà lại cầm vào tay nàng. Chai rượu rơi xuống nền nhà vỡ toang, rượu đổ lênh láng. Hôm đó là một buổi sáng mùa thu, cả nhà đi vắng chỉ có một mình nàng ở nhà, chàng đã ngỏ lời yêu nàng. Nàng ngẩng mặt lên, đôi mắt long lanh, có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất nàng ngẩng mặt lên nhìn người đối diện. Nàng hỏi thoáng qua hơi thở: “Anh yêu em?”.  Bầu trời mùa thu trong trẻo, ngôi nhà trước biển lộng gió, họ ngồi bên nhau tin tưởng và trao gửi, họ nói với nhau nhiều lắm, nhiều đến mức chỉ có thể trời đất, biển và họ mới có thể nhớ hết được…

Minh họa: Lê Trí Dũng

 

Dung về làm dâu nhà Điền, đám cưới thật đơn giản, đơn giản bởi điều kiện kinh tế lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, đường xá lại xa xôi, phương tiện đi lại sang nhất là chiếc xe đạp. Đơn giản còn bởi một lý do nữa, Đông chồng Dung là một người quá hiền lành và thật thà, 24, 25 tuổi nhưng chẳng lấy được vợ. Các cô gái làng đều chê Đông là đần độn và ngốc nghếch, ngốc nghếch đến nỗi, các anh chị em trong nhà luôn bắt nạt Đông, bắt Đông phải làm những việc mà đáng lý ra chị dâu và em gái phải làm như nấu cám lợn, bắt gà bỏ vào chuồng mỗi buổi tối, xay thóc, sàng gạo… Quá đáng hơn là, bà chị dâu, vợ Điền mỗi tối ra sông tắm lại lôi chú em chồng ra đứng trên bờ canh cho chị tắm. Yêu Dung nhưng khổ một nỗi có vợ rồi, Điền đành gán Dung cho em chú mình, thôi thì lọt sàng xuống nia, cá về ao ta…

Sống với nhau được hơn 3 năm, hai người yêu thương nhau, chăm chỉ làm ăn, họ có với nhau một cậu con trai thật kháu khỉnh, tưởng chừng như thế là số phận đã được an bài, trời đất run rủi cho những con người có số phận không được may mắn gặp nhau, để họ cũng có được cuộc sống như mọi người. Nhưng thật trớ trêu, ma xui quỷ khiến thế nào mà năm ấy Dung lại có một quyết định hết sức sai lầm, Dung nói với chồng: “Điều kiện kinh tế khó khăn, quê mình lại nghèo cứ làm ruộng mãi thế này thỉ chẳng biết bao giờ mới ngẩng mày ngẩng mặt lên được”. Dung quyết định để chồng con ở nhà, đi theo vợ chồng đứa em dì ngược xuôi Nam Bắc buôn bán làm ăn. Đông cản mãi nhưng Dung không nghe, Đông bất lực, thôi thì mặc, cô muốn làm gì thì làm. Buôn bán cũng được, vài tuần Dung về thăm chồng con, mang theo ít tiền, vợ chồng con cái hú hí vài ngày rồi Dung lại đi. Lâu ngày rồi cũng quen, tháng về một lần, vài 3 tháng một lần, có lần nửa năm Dung mới về, Đông hỏi: thế không nhớ con à? Dung bảo: nhớ thì có nhớ nhưng cứ ở nhà thì lấy gì mà đổ vào mồm. Thôi bố con cứ chịu khó ở nhà trông nhau, tôi đi làm kiếm tiền nuôi 2 bố con, tôi có đi mất đâu mà sợ. Cũng có điều qua tiếng lại. Hôm vừa rồi cô Tình ở đầu làng đi vào Nam thăm chồng về, vô tình thấy vợ Đông, không biết buôn bán gì mà tàu bè đông như vậy mà cứ ôm lấy người đàn ông cùng ghế ngủ ngon lành, rồi ăn uống, đi lại cứ xoắn xuýt như vợ chồng. Điều này Đông có nghe. Bà mẹ Đông bảo: “Mày xem thế nào gọi nó về chứ tao nghe rát tai lắm rồi”. Vốn bản chất thật thà Đông không tin, lần đi vừa rồi Dung còn thẽ thọt: “Em thương anh lắm, thôi anh ráng chịu đựng hết năm nay em sẽ về hẳn không đi nữa”. Gần tết Dung về thật, Đông vui ra mặt, nhưng niềm vui đó không được mấy ngày, 29 tết Dung nói với Đông năm nay cô cho con về quê ngoại ăn tết. Đông bảo: “Em mới về thôi cứ ăn tết ở nhà, sau tết vợ chồng con cái cùng về ngoại cũng được”. Dung không nghe: “Anh cứ ở nhà, tôi và thằng Cu về ngoại, sau tết tôi lại cho nó ra”. Sáng hôm sau Dung chuẩn bị đồ đạc đưa con về ngoại, Đông năn nỉ hay là anh cùng đi nhé. Dung bảo thôi anh cứ ở nhà, thế là hai mẹ con đi.

Sau tết hai mẹ con về. Dung không buồn cũng không vui, vợ chồng cũng chẳng mặn mà gì. Cô nói: Có lẽ qua rằm tôi sẽ đi. Em đi đâu, sao bảo không đi nữa cơ mà. Đông vặc lại. Vẫn điệp khúc như trước, Dung bảo không đi lấy gì mà đổ vào mồm. Dung đi rồi, hai bố con Đông lại thui thủi ở nhà trông ngóng, 1tháng rồi 2 tháng cũng không thấy tin tức gì, Đông sốt ruột, quyết định về quê vợ để hỏi xem sao. Về đến quê vợ Đông mới vỡ nhẽ, Dung đã cùng chồng cô em dì bỏ đi từ sau tết đến nay, ở quê cũng không biết giờ họ ở đâu. Buồn bã thất vọng Đông bỏ về. Về nhà Đông không nói với ai, bà mẹ có hỏi Đông cũng ừ à qua chuyện. Hai bố con cứ lầm lũi vào ra, mọi người thấy hoàn cảnh cũng thương nhưng chẳng biết làm thế nào. Cuối năm ấy Dung về, cô về vào buổi tối. Thấy vợ Đông bàng hoàng, sao lại thế này, cô có con với thằng nào? Đông rít lên không thành lời: Cô cút đi, cút ngay. Dung quỳ sụp chắp tay xin: Em trót dại anh tha thứ cho em. Thằng bé thấy tiếng động tỉnh dậy nhao ra ôm lấy mẹ, hai mẹ con ôm nhau nước mắt giàn dụa. Dung nói nhiều lắm, nào là hoàn cảnh xô đẩy nào là nó lừa em, nó dụ dỗ em… nhưng cứ nhìn vào cái bụng lùm lùm kia là Đông không thể nào chịu được, nó như chiếc kim chọc vào từng đường gân thớ thịt của Đông. Sáng hôm sau Dung đi sớm, thằng bé không biết mẹ nó sao về lại đi ngay, Đông ôm con vào lòng chua xót: “Nín đi con, mẹ đi làm kiếm tiền mua gạo nuôi con”. Không ai, kể cả bà mẹ Đông cũng không biết được chuyến về và ra đi ấy của Dung. Ê chề, Dung quay về nhà chị gái, nhưng ở đó cũng không còn chỗ cho Dung, không thể chịu được sự gẻ lạnh của mọi người, đặc biệt là từ cô em dì, Dung đành tìm đến nhà một người bà con họ xa ở làng bên xin nhờ vả qua ngày. Thất vọng, lại bị mọi người khinh rẻ, biết không thể ở lại làng được nữa, Dung bỏ vào Nam để tìm người tình, nhưng biết tìm đâu, kẻ bạc tình ấy giờ đây cũng đang không có chốn nương thân. Đau khổ, đói khát, ê chề, Dung không giữ được đứa trẻ trong bụng, cô quyết định một lần nữa quay về may ra nhận được ở Đông sự động lòng tha thứ. Đông không chấp nhận sự quay về của Dung, mọi người trong gia đình cũng không chấp nhận. Điền buồn lắm, đúng là quả báo. Thôi thì một liều ba bẩy cũng liều, Dung đi Lào Cai mong cầu cứu từ người anh cả trong gia đình. Thấy Dung lên, gia đình Long mừng lắm, nhưng sau bữa ăn tối khi nghe Dung kể hết sự tình, Long bàng hoàng, không biết xử lý thế nào, cuối cùng Long quyết định: “Thôi thì thím cứ tạm thời ở trên này rồi tính sau”. Từ ngày vợ Long mất đến nay nhà chỉ có mấy bố con vắng bóng người đàn bà nghe cũng quạnh hiu lắm. Dung chăm chỉ ngày ngày lên nương rẫy cùng anh chồng và mấy đứa cháu, tối về anh em thím cháu lại xì sụp nấu nướng ăn uống. Từ ngày có Dung đến gia đình Long vui hẳn lên, nhất là Long bớt uống rượu hẳn, tối tối cũng không còn la cà hàng xóm, mấy đứa trẻ cũng vui vẻ không lầm lỳ như trước nữa. Tối về nhìn họ quây quần bên mâm cơm chẳng ai bảo đấy không phải là một gia đình hạnh phúc. Nhà có 4 gian, Long có thói quen ngủ trong buồng, 3 gian nhà ngoài trước đây 2 thằng con trai Long tự do quản lý. Từ ngày có Dung lên, 2 thằng cháu trai ngủ chung, nhường thím một giường. Dung nằm giường sát buồng Long, gọi là buồng nhưng chỉ ngăn cách bởi những mảnh ván tận dụng ghép sơ sài, nếu không tắt đèn thì người trong buồng làm gì ngoài nhà nhìn thấy hết. Đêm đêm nghe tiếng trở mình từ trong buồng của người anh chồng khó ngủ Dung lại thấy nhơ nhớ, khao khát, dục tình trong người Dung trỗi dậy. Dung cong người ôm chặt lấy chiếc gối, nhưng cái vật vô tri vô giác ấy cũng chẳng giúp gì được Dung, Dung thấy bụng mình đau quặn, mồ hôi toát ra, chân tay rụng rời bải hoải, Dung ngủ thiếp đi. Nhiều đêm như thế, rồi cả những lần nhìn ánh mắt của anh chồng như sát vào da thịt mình, những lần động chạm vô tình, người đàn bà trong Dung lại trỗi dậy mãnh liệt, nó cào cấu giằng xé làm tình làm tội Dung. Vào một đêm nằm mãi không sao ngủ được, người nóng bừng bừng, cổ họng rát bỏng, Dung trở dậy đi ra ngoài, Dung cứ đi đi lại lại mãi mấy vòng quanh sân nhưng không sao nguôi cơn khát, người nóng ran. Dung lột tung quần áo rồi chạy vội ra phía bể nước vớ lấy cái gáo vục nước dội ào ào lên đầu lên người. Thấy tiếng động Long tỉnh dậy bước ra ngoài, duới ánh trăng mờ mờ, nhìn thân hình người đàn bà lõa lồ, Long không sao kìm chế được. Dung vẫn tiếp tục vục nước dội lên người, dưới ánh trăng thân hình người phụ nữ để trần mới hấp dẫn làm sao, Long tiến về phía bể nước lên tiếng: “Thím làm gì thế?”. Dung hơi bàng hoàng, nhưng không hiểu tại sao đáng nhẽ phải vội vàng che giấu thì lại một lần nữa như ma xui quỷ khiến Dung ôm chầm lấy Long. Chỉ chờ có vậy Long cũng ôm chặt lấy Dung, 2 kẻ tội đồ xoắn xuýt bên nhau, như những kẻ đói khát. Họ vật lộn, quằn quại  … Thế rồi từ đêm ấy Dung chính thức vào buồng thay thế vị trí bấy nay vắng thiếu của chị dâu. Mọi chuyện vẫn tiếp diễn như thế, đến một lần nghe tiếng động lạ trong buồng bố và cả tiếng thở hổn hển lạ lạ, cậu con trai cả tỉnh dậy, nhìn vào buồng thấy bố và thím đang ôm ghì lấy nhau làm chuyện của người lớn, cậu hiểu điều gì đã xảy ra. Cậu không nói với ai chuyện ấy, chỉ có điều là từ lần ấy cậu sao nhãng công việc, hay bỏ nhà đi chơi, có lần cậu bỏ đi mấy ngày mới về, cậu thường tìm cớ để không ngồi ăn cơm cùng gia đình. Thằng em không hiểu sao cũng biết chuyện của bố và thím, mấy lần nó có hỏi thằng anh nhưng thằng anh gạt đi mày biết gì mà nói. Câu chuyện như chiếc kim bọc trong giẻ, lúc đầu là những đứa con sau đó hàng xóm biết, làng nước biết, họ hàng gần rồi họ hàng xa. Mọi người bóng gió khuyên can nhưng Long coi như không nghe, không biết, có phần còn công khai hơn. Thế rồi chuyện lan truyền về tới quê. Nghe được tin bà cụ mẹ Long bức xúc lắm. Cụ bảo phải lên tận nơi cho thằng ngô, con đĩ một trận. Hôm sau cụ tức tốc lên đường. Đến nơi không chào hỏi cơm nước gì, cụ làm ầm lên mặc kệ xóm làng, không gì phải xấu hổ cả bởi họ cũng biết hết cả rồi. Hiếu kỳ, hàng xóm xúm đông xúm đỏ, tưởng chừng hai kẻ tội đồ sẽ sợ sệt xin lỗi bà cụ rồi hứa dừng lại cho cụ nguôi ngoai, Nhưng không, để mẹ nói hết Long trắng trợn tuyên bố: “Cái Dung là vợ tôi, ai ngăn cản tôi chém chết”. Nghe con trai tuyên bố hùng hồn bà cụ nấc lên rồi té xỉu, mọi nguời xúm lại cấp cứu, hô hấp mãi cụ mới tỉnh. Còn Dung thấy bà cụ tỉnh lại, liền đến bên thẽ thọt: “Anh Đông không chấp nhận con làm vợ, con làm vợ anh Long thì trước sau gì vẫn là con của mẹ mà”…

Sự việc hôm đó khiến Long và Dung không tránh khỏi những ánh mắt tò mò, những lời dị nghị công khai. Long già đi trông thấy, tóc tai bơ phờ, nét mặt mệt mỏi. Còn Dung sau nhiều ngày dằn vặt, không chịu nổi dư luận, Dung thu dọn đồ đạc bỏ đi vào một đêm mưa tầm tã mà không nói với ai câu nào.

Cuối năm ấy bà cụ mất. Đám ma cụ đông đủ cả dâu, giai, rể, gái, cháu chắt, đông vô kể. Cụ có những 11 đứa con cơ mà. Đứng đầu hàng lễ tế cụ là Long rồi đến Đông, xếp sau là lần lượt anh em con cháu chắt. Chỉ có Điền là không tham gia trong đám tế ấy. Điền ngồi gục bên chiếc bàn ở góc nhà, tay cầm chai rượu. Bất ngờ Điền đứng dậy tay vung chai rượu vẩy khắp nhà, lên quan tài bà cụ, vẩy đầy vào mọi người đang dự lễ tế. Điền mong rượu sẽ gột rửa những lỗi lầm mà anh em mình đã mắc phải, rượu sẽ giải thoát linh hồn để bà cụ ra đi được thanh thản.

Đ.D.T

                                                                        

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter