Truyện ngắn của Phan Long Định
Đoàn tàu vào ga sau một cú lắc mạnh ghê người mới dừng lại. Tiết trời cuối năm thật lạ lùng. Lúc Minh lên tàu trong Sài Gòn trời chang chang nắng, anh chỉ mặc chiếc áo cộc tay mỏng. Ra miền Bắc lúc này ngoài trời cơn mưa phùn với những hạt mưa nhỏ xíu rơi xiên ngang trong không gian. Từng hồi gió rít kéo theo cái lạnh tê tái ùa cả vào trong toa tàu. Nhìn xuống sân ga ẩm ướt, đoàn người tấp nập xô đẩy í ới gọi nhau. Trong toa tàu cũng lục tục nháo nhào không kém. Minh soạn lại đồ đạc, mặc lồng thêm cái áo thu đông cho đỡ lạnh. Anh đeo chiếc ba lô lên và choàng cái ni lông qua bên ngoài. Nhìn lưng Minh như bướu của một con lạc đà trên sa mạc. Tay xách theo con búp bê làm quà cho đứa cháu, Minh lần ra cửa để xuống tàu. Ánh sáng của ngọn điện cao áp luồn qua mấy cái lá bàng lơ thơ sót lại, hắt xuống sân ga lấp loáng như run rẩy trong cái rét. Sau bốn ngày ngồi rã rời trên toa tàu ngột ngạt đi dọc chiều dài đất nước, Minh bước xuống đất và hít một hơi dài khoan khoái.
Len ra khỏi dòng người chật chội, Minh đến trước quán nước nhỏ bên đường. Trong quán một bà cụ khoác cái áo bông cũ sờn nhiều chỗ, ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Tựa như đang ngủ gật, thấy bóng người trước quán cụ tỉnh táo mời chào:
- Ôi! Trời mưa rét quá, anh bộ đội vào uống chén nước chè nóng cho ấm bụng nào.
- Dạ vâng! Cụ cho con chén nước- Minh đáp lời bà cụ.
- Bộ đội đánh Mỹ về phép hay về phục viên đấy? Từ hôm giải phóng đến giờ nhiều bộ đội về phục viên lắm. Vui quá. Tuần trước thằng con trai tôi cũng vừa về đấy- không để Minh trả lời bà cụ liến thoắng kể- Bỗng bà kêu lên:
- Ôi trời ơi! Sao cái ni lông rõ đẹp mà lại rách một vạt đằng lưng thế kia?
- Ni lông rách?
Minh cởi cái ni lông quấn quanh người và hạ cái ba lô xuống. Nhìn cái ni lông rách đúng vào nơi nhô lên của ba lô. Minh kiểm tra cái ba lô, anh chột dạ khi sờ thấy cái túi cóc lép kẹp.
- Lúc xuống tàu cháu mới quàng ni lông lên, sao lại rách thế này nhỉ?- Minh ngạc nhiên.
- Khổ quá, tiên sư cái bọn trộm cắp nó rạch đấy cháu ạ!- Bà cụ căm phẫn trả lời Minh.
- Bà cho cháu gửi đồ ở đây nhé!
Minh chẳng để bà cụ trả lời, anh chạy lại phía cửa ga. Dòng người vẫn chen chúc nhau đi qua cái cửa hẹp. Minh chăm chú nhìn dòng người tuôn ra và tỏa đi các hướng. Không thấy gì, anh thất thểu đi về phía quán bà cụ. Thấy Minh đến bà cụ vội hỏi:
- Có mất nhiều thứ không? Sao cháu hớ hênh quá.
- Dạ! Mấy thứ lặt vặt thôi nhưng mà bực quá, sắp đến nhà rồi mà còn bị mất.
Đợt nhập ngũ năm ấy, xã Minh có cả thảy mười anh em. Huấn luyện xong, biên chế vào Nam chiến đấu chỉ có anh và Lễ ở cùng tiểu đội trinh sát của trung đoàn. Hơn bốn tháng ròng rã hành quân trên rừng Trường Sơn các anh đã vào đến chiến trường. Trước khi vào các trận chiến đấu, tiểu đội trinh sát của Minh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Góp phần cho trung đoàn tiến công địch trong những trận đánh lớn. Nhưng càng vào sâu phía trong, địch càng bố trí nhiều lực lượng và canh phòng cẩn mật hơn.
Đợt ấy chuẩn bị cho trận đánh vào chốt bảo vệ vòng ngoài của địch. Tạo bàn đạp cho cả sư đoàn đánh sâu xuống vùng đồng bằng. Tiểu đội Minh được trung đoàn cử đi trinh sát trận địa của địch. Trời tối đen như mực, tổ của Minh gồm ba người luồn sâu qua ba lớp hàng rào. Sau khi đã nắm vững cách bố phòng của địch, cả tổ trinh sát bò trở ra. Chỉ còn hàng rào ngoài cùng, anh tổ trưởng khẽ thì thào:
- Cẩn thận với hàng rào ngoài cùng nhé, địch bố trí rất nhiều ống pháo sáng đấy!
- Vâng!- Minh cũng khẽ trả lời.
Cả ba người bò thành một hàng dọc, chỉ còn hơn một mét nữa là các anh thoát ra ngoài. Bỗng nhiên tay Minh vướng vào sợi dây kim loại. Chưa kịp rụt tay lại thì phía trái các anh cách đó khoảng mười mét những tiếng xèo xèo phát ra. Hàng loạt ống pháo sáng của địch phụt lên chói lòa. Ngay tức khắc các loại hỏa lực trong chốt địch bắn về phía tổ trinh sát. Ba anh em nằm im mặc cho các loại đạn địch chiu chíu quanh người. Hơn mười phút không thấy động tĩnh gì, tiếng đạn thưa dần. Tổ trinh sát tiếp tục bò ra ngoài.
Ba anh em cúi đầu đứng trước trung đoàn trưởng. Ông nai nịt gọn gàng, hai tay chắp sau lưng, trầm ngâm bước đi bước lại trước mặt ba người. Mãi sau trung đoàn trưởng lên tiếng:
- Như vậy là các cậu không hoàn thành nhiệm vụ.
- Dạ! Báo cáo lỗi là ở em sơ suất…- Minh ân hận và lí nhí thưa.
- Vấn đề không phải là nhận lỗi lúc này. Cái chính là các cậu làm lộ, chúng sẽ “ngửi” thấy ta đang chuẩn bị đánh, chúng sẽ cảnh giác và bố trí lại gây khó cho ta gấp bội.
- Dạ! Em xin đi trinh sát lại…- Minh tiếp tục ngập ngừng.
- Thì đương nhiên phải trinh sát lại chứ không thì đánh đấm cái gì nữa!- Trung đoàn trưởng bực bội trả lời.
Đúng như dự đoán của trung đoàn trưởng. Địch đã cảnh giác nên chúng bắn cầm canh liên tục mấy đêm liền. Hơn một tuần sau, trung đoàn cho tổ chức trinh sát lại. Khi mọi thứ chuẩn bị đã hoàn tất thì tự nhiên Minh đùng đùng lên cơn sốt rét. Cả buổi chiều anh nằm trên võng, đắp cái vải dù kín mít từ đầu đến chân mà người anh cứ run lên bần bật. Khi được y tá tiêm một mũi thuốc quinin vào mông đau điếng, Minh thấy đỡ rét hơn, nhưng người anh vẫn lẩy bẩy, môi khô, cổ rát vào ho khù khụ. Thấy Minh tiếp tục xung phong đi trinh sát, trung đoàn trưởng gạt đi:
- Cậu thì đi thế nào được, ho như chim cuốc kêu ấy, vào để nó bắn cho vỡ sọ ra à? Thôi để cậu Lễ đi thay.
Minh lại lẩy bẩy nằm lên võng, anh ân hận về tính hậu đậu của mình với hàng nước mắt chảy dài trên má.
Tổ trinh sát của Lễ xuất phát. Địch vẫn bắn cầm canh, nhưng thưa thớt hơn mấy đêm trước. Các anh đã luồn sâu vào trận địa của địch. Sau khi nắm kỹ tình hình, tổ trưởng cho rút ra ngoài. Vượt qua tất cả các hàng rào của địch một cách an toàn, tổ trưởng ra lệnh cho đội hình vận động nhanh qua bãi đất trống. Ba người lom khom chạy, bỗng một ánh chớp chói lòa kèm theo tiếng nổ ụp của quả đạn cối địch bắn ra trước mặt. Lễ loạng choạng và ngã vật xuống. Sau quả đạn nổ, không gian trở lại im ắng. Hai người cùng bò nhanh về phía Lễ.
Nghe tin Lễ bị thương nặng, Minh bật dậy khoác trên mình tấm khăn dù. Anh run rẩy lần từng bước trong đường hào đi về phía hầm quân y. Dưới ánh sáng của ngọn đèn bão Minh ngó vào hầm thấy Lễ nằm trên chiếc cáng. Ngực Lễ quấn mảng băng lớn thấm đầy máu. Cạnh đó là trung đoàn trưởng và anh bác sỹ quân y đang thì thào bàn bạc. Minh đứng thập thò ngoài cửa hầm, cậu y sỹ bưng cái khay đầy bông băng dính máu đi ra nói nhỏ với anh:
- Nặng đấy! Một mảnh găm vào sườn vẫn nằm trong phổi.
Nghe vậy Minh như sắp khụy xuống. Cùng lúc đó hai chiến sĩ tải thương khiêng cái võng vào hầm để chuyển Lễ lên bệnh xá sư đoàn. Minh cũng nhào vào hầm giúp chuyển Lễ lên võng. Lễ đau đớn, thở một cách khó nhọc. Khi nhận ra Minh, Lễ thều thào:
- Minh ơi!… Chắc tớ… tớ… không… qua… khỏi đâu. Cậu… giữ… quyển… nhật… ký… lá… lá thư gửi đến… bố… mẹ tớ và Lan… nhé!
- Lễ! Cậu không sao cả, chuyển lên bệnh xá sư đoàn cậu sẽ khỏi mà!- Minh vội vàng nói.
Hai chiến sĩ tải thương và anh bác sỹ quân y khiêng Lễ đi như chạy về phía chân đồi.
Trận đánh lô cốt địch bảo vệ vòng ngoài của trung đoàn thắng lớn. Chưa kịp vui mừng thì Minh nghe tin Lễ hy sinh. Mấy anh em trong tổ trinh sát và trung đoàn trưởng vội vã chạy lên bệnh xá sư đoàn. Đứng trước mộ Lễ, Minh khóc như một đứa trẻ. Vừa khóc, Minh vừa vật vã đấm vào ngực mình:
- Lễ ơi! Tại tớ mà cậu phải hy sinh… hãy tha lỗi cho tớ nhé!
Trung đoàn trưởng đến bên vỗ vai Minh. Mặt ông rắn rỏi, giọng nói trầm đục:
- Thôi! Cậu Minh, chiến tranh mà! Chỉ một sơ suất nhỏ cũng thành chuyện lớn. Cậu phải vững vàng lên, sắp giải phóng miền Nam rồi!
Theo lời trăng trối của Lễ trước lúc hy sinh, Minh đã giữ quyển nhật ký hết sức cẩn thận. Quyển nhật ký được xếp gọn trong cái hộp đuyara vuông vức do Lễ kỳ công gò từ mảnh xác máy bay địch. Trong đó còn có lá thư Lễ gửi cho bố mẹ và cho người yêu. Sau mỗi trận đánh, Minh lại giở cái hộp ra xem và có cảm giác như Lễ đang dõi theo bước chân của anh và của cả trung đoàn. Anh thầm hứa sẽ giữ gìn để thống nhất đất nước sẽ chuyển về gia đình Lễ những kỷ vật thiêng liêng này.
*
Trước khi phục viên, Minh đến thắp hương trước mộ Lễ. Mới hơn năm năm thôi mà anh phải định hình mãi mới tới được khu rừng Lễ yên nghỉ. Rừng cây um tùm, dây leo chằng chịt che lấp cả những đường giao thông hào cũ. Cuối cùng anh đã đứng trước nấm mồ cô đơn của Lễ nằm trên lưng chừng đồi. Chắp hai tay trước ngực, Minh thì thầm khấn bạn. Nước mắt Minh chảy dài lẫn cùng mồ hôi mặn chát nơi khóe miệng. Anh thầm hứa với vong linh Lễ sẽ thực hiện ước nguyện của bạn trước lúc hy sinh.
Ấy vậy mà chỉ còn hơn hai chục cây số nữa thì Minh về đến quê nhà. Anh sẽ đến thăm bố mẹ Lễ với hộp kỷ vật cuối cùng của bạn. Thế nhưng tên trộm đã rạch đúng vào nơi anh để cái hộp. Minh bực với chính sự hớ hênh của mình. Tại sao một kỷ vật thiêng liêng đến thế mà anh lại chỉ để trong túi cóc ba lô được. Trong khi nhiều thứ khác không có gì quan trọng anh lại nhét tận đáy ba lô. Hộp kỷ vật của Lễ đã theo anh dong duổi qua bao nhiêu đường đất, qua bao nhiêu trận đánh ác liệt. Anh thầm hứa với vong linh bạn dù anh có chết thì hộp kỷ vật sẽ vẫn còn và về đến tay người thân của bạn. Anh mong sao cho tên trộm sẽ vứt món đồ vật không có giá trị gì với nó quanh đâu đó. Thế là hơn một ngày trời Minh lần tìm trong khu vực ga tàu. Anh đã bới tung những đống rác, những rãnh nước, bụi cây đầy mùi xú uế nhưng vẫn bặt vô âm tín. Minh đành thất thểu ra bến xe để về quê. Trong lòng nặng trĩu vì sự thất hứa với bạn.
*
Về nhà chưa được một tháng thì ông Tư Bí thư Đảng ủy gọi Minh lên xã. Minh đang băn khoăn thì ông Tư điềm đạm nói:
- May quá, cháu về thật đúng dịp. Huyện vừa chỉ định cậu Bí thư Thanh niên xã đi học. Đảng ủy dự kiến cháu thay thế cậu ấy, ý cháu thế nào?
- Dạ! Cháu mới về, không biết có làm nổi không nữa- Minh tần ngần đáp.
- Thì đấy! Cháu là bộ đội đã trải qua chiến đấu, lại là đảng viên được kết nạp ở mặt trận. Nên đảng ủy mới phân công việc này cho cháu mà.
Trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, Minh đáp:
- Thưa bác! Hoàn cảnh gia đình cháu khó khăn quá, bố mẹ già yếu, các anh chị đã xây dựng gia đình cũng khó khăn, đứa em cháu đang học cấp ba. Cháu dự định tập trung phát triển kinh tế một thời gian nữa rồi mới…
Không để Minh nói hết, ông Tư chen ngang:
- Ai chả khó khăn cơ chứ, cả hơn chục anh chị em cán bộ xã đều thế cả, ngay bác đây cũng thế. Phải khắc phục, vừa công tác xã hội, vừa tranh thủ phát triển kinh tế gia đình chứ cháu. Trước đây chiến tranh khổ gấp bội mà vẫn vượt qua, nay hòa bình thì điều kiện sẽ khác. Cũng vẫn khó đấy, nhưng quan trọng là lòng quyết tâm, là ý chí, bản lĩnh thậm trí cả niềm tin của chúng ta nữa.
Nghe ông Tư nói một hồi dài, Minh chợt như bừng tỉnh. Anh nhẹ nhàng nói:
- Dạ vâng! Nhưng cháu cứ thấy… Thôi thế cháu xin nhận nhiệm vụ, các bác phải giúp đỡ cháu đấy nhé.
- Có thế chứ, cứ yên tâm đi!- Ông Tư nheo nheo mắt nhìn Minh cười vui vẻ.
*
Chiếc xe ô tô Hải Âu giảm tốc độ từ từ tiến vào cổng sư đoàn. Bên trái thành xe là tấm băng đỏ với dòng chữ màu vàng “Đoàn đại biểu Cựu chiến bình Sư đoàn X… thăm lại chiến trường xưa”. Dưới sân các chiến sĩ vệ binh mặc quân phục màu ô lưu nai nịt gọn gàng, đầu đội mũ kê pi, tay đeo tất trắng hướng dẫn cho chiếc xe tiến vào. Đến sân sư đoàn bộ, chiếc xe dừng bánh. Trên xe hơn hai chục người như bừng tỉnh sau chặng đường dài. Mọi người cùng đứng dậy lố nhố, người thì vươn vai, người tìm tư trang và gọi nhau í ới. Cửa xe ô tô bật mở. Người đầu tiên bước xuống là trưởng đoàn, nguyên là phó chính ủy sư đoàn. Ông cũng mặc bộ tiểu lễ phục mùa hè màu ô lưu, vai đeo quân hàm đại tá, những tấm huân huy chương lấp lánh lẫn vào chòm râu bạc trước ngực. Với độ tuổi trên bảy mươi, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, giơ tay lên vành mũ kê pi chào rất điều lệnh. Tiếp theo ông, mọi người cùng hồ hởi bước xuống. Khác với trưởng đoàn, thành viên trong đoàn ăn mặc đủ các kiểu quần áo lính qua các thời kỳ. Nhưng có điểm chung đó là người nào trên ngực áo cũng đeo đầy huân huy chương các cỡ. Xuống xe sau cùng là Minh. Anh mặc bộ quần áo Tô Châu thời chống Mỹ được sơ vin gọn ghẽ, chiếc ba lô trên lưng với cái túi cóc thủng do kẻ cắp rạch trộm ngày xưa, nay đã được khâu lại khéo léo.
Nằm trong chương trình tham quan của đoàn, ấn tượng nhất là việc thăm nhà truyền thống của sư đoàn. Sự xúc động bao trùm thông qua những bức ảnh, những hiện vật, những thước phim tư liệu cùng với lời giới thiệu của anh cán bộ tuyên huấn. Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của sư đoàn được tái hiện đậm nét. Minh đang xem những tấm ảnh phóng to, khá nét treo trên tường. Bất chợt nhận ra một tấm ảnh anh và Lễ đang tắm dưới dòng suối của rừng Trường Sơn. Thực ra anh cũng chẳng biết phóng viên chiến trường đã chụp vào thời điểm nào nữa. Minh vội tiến đến trước mặt anh cán bộ tuyên huấn rồi chỉ vào bức ảnh và nói:
- Đây là ảnh tôi và anh Lễ trên đường hành quân vào Nam đấy. Anh Lễ là bạn rất thân của tôi, rất tiếc anh ấy đã hy sinh trong một lần đi trinh sát… - Minh nói trong sự bồi hồi.
- Dạ, vậy bác là bạn của liệt sĩ Lễ. Nếu không nhầm thì liệt sĩ Lễ còn có một hộp kỷ vật ở đằng kia nữa ạ. Mà chúng cháu vẫn chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ nữa kia- Anh cán bộ tuyên huấn vừa nói, vừa đưa tay chỉ về phía chiếc tủ kính phía góc nhà.
Mọi người cùng Minh và anh cán bộ tuyên huấn đi nhanh về phía chiếc tủ kính. Minh như sắp khụy xuống khi nhìn thấy chiếc hộp đuyara cùng quyển nhật ký và hai lá thư của Lễ được bày gọn ghẽ bên cạnh. Minh ngạc nhiên hỏi anh cán bộ tuyên huấn:
- Sao? Sao các đồng chí lại có những thứ này?
- Dạ! Chúng cháu nghe kể năm 1976, một đồng đội của liệt sĩ đã bị kẻ cắp rạch ba lô lấy mất hộp đuyara ở ga tàu. Mấy hôm sau có bà cụ lượm ve chai nhặt được ở đống rác. Bà cụ ve chai kể với bà cụ bàn hàng nước ở cổng ga tàu. Thế là hai cụ nộp lên huyện đội và được chuyển về lưu giữ tại đây gần bốn mươi năm rồi ạ- Anh cán bộ tuyên huấn kể trong sự chăm chú của mọi người.
- Người đánh mất kỷ vật này là tôi đấy- Minh ân hận trào nước mắt, khẽ nói- Và tôi biết vị trí an táng của liệt sĩ.
Ngay trong buổi sáng hôm sau hài cốt của Lễ đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ sư đoàn. Trong làn khói hương cuộn tròn trước mộ Lễ, Minh gạt nước mắt thì thầm với bạn:
- Lễ ơi! Tớ có lỗi với cậu và gia đình nhiều lắm. May mắn đợt này về lại sư đoàn, tớ và mọi người đã tìm được cậu và kỷ vật của cậu. Lễ tha lỗi cho sự hậu đậu của mình với. Bố mẹ cậu già lắm rồi, nhưng các cụ còn rất khỏe. Sau đợt này tớ sẽ cùng Lan và các em cậu đến đón cậu về quê nhé.
Một cơn gió thổi mạnh làm bát hương trên mộ Lễ cháy bùng lên. Minh thở phào như trút được gánh nặng trên vai lâu nay anh vẫn mang trên mình.
P.L.Đ