• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Thanh Lương- Một mùa vàng nắng trải…
Ngày xuất bản: 19/01/2021 2:08:09 SA

Ký của Nguyễn Thị Thanh

Con đường quanh co uốn lượn quanh các sườn đồi, đèo núi đưa tôi về với các huyện thị phía Tây tỉnh Yên Bái. Anh lái xe mở băng ca nhạc, lời bài hát "Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?" cất lên bồi hồi, xao xuyến… Tới đỉnh dốc Thái Lão, cánh đồng Mường Lò hiện ra trước mắt khiến lòng tôi xốn xang…

 Mường Lò- Nghĩa Lộ đây rồi! Một thị xã nhỏ nhắn, đằm thắm như bông hoa ban bừng nở giữa khoảng trời Tây Bắc, được du khách trìu mến gọi với những cái tên yêu thương và đầy tin tưởng: "Miền gái xinh", "Xứ sở thần tiên", "Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa", "Về miền ẩm thực hương rừng", "Nơi thức dậy những tiềm năng"… Xe dừng lại, tôi chạy xuống dang tay hít thở và như nuốt từng giọt hương thơm của đất trời, của hương lúa Mường Lò, của bạt ngàn sắc xanh ngô đông, rau màu gối vụ, của ửng hồng những chùm cà chua đang vào độ chín, của sắc vàng hoa cúc xen sắc đỏ hoa hồng trên những ruộng hoa tươi mới. Tôi như muốn ôm trọn vào lòng cả cánh đồng màu mỡ. Chợt muốn viết cho bạn bè gần xa những cảm nhận về một miền quê như được ngỏ lời yêu trước nàng sơn nữ yêu kiều ấy… Và câu hát "Đêm xòe Thanh Lương xao xuyến hội mùa…" cứ vang vọng. Tôi quyết định rẽ vào Thanh Lương, một xã mới được sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ từ tháng 2 năm 2020.

Thanh Lương, một xã thuần nông đang chuyển mình vươn dậy! Đi qua những đoạn đường bê tông rộng mở, cũng là những đường hoa rực rỡ như vẫy chào du khách, tôi đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Không thể không ngỡ ngàng trước một tòa nhà ba tầng khang trang, sạch đẹp. Văn phòng tiếp dân được bài trí khoa học, gọn gàng, có hệ thống máy đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Anh Hà Văn Đoàn Chủ tịch xã, thế hệ 7X trẻ trung, năng động đang chuẩn bị cùng đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân đi kiểm tra kết quả thực hành những việc cụ thể theo ý kiến cử tri. Dù bận rộn nhưng Chủ tịch vẫn niềm nở trao đổi về cái được, cái chưa được của địa phương theo đánh giá của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân sau một năm triển khai thực hiện nhiệm vụ và hồ hởi nói đến những dự định trong niềm khát khao về một mô hình nông thôn mới. Trong 35 chỉ tiêu Hội đồng nhân dân xã đề ra đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, đứng đầu là chỉ tiêu thu ngân sách, chỉ tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Tôi mê mải đi trên mỗi ngả đường hoa dẫn về các thôn bản. Tự bao giờ, phong trào trồng hoa hai bên đường làng đã tô đẹp cho một miền quê núi vốn yên bình nay hồn hậu đón bước chân du khách. Đây, tuyến đường trồng hoa Ban đã rợp bóng từ bản Đồng Lơi lên bản Khinh. Kia, những tuyến đường hoa cúc, hoa cánh bướm vàng tươi vào Bản Khá 1, Bản Khá 2, Bản Lý, Bản Lào… Tiếng trẻ thơ đọc bài vang đều dưới mái trường đã đạt chuẩn quốc gia. Giờ ra chơi, tiếng trống mang âm điệu của nhịp xòe rộn rã, các em nhanh chóng xếp thành những vòng tròn, những cánh hoa, tay nắm tay trong từng điệu xòe uyển chuyển. Được biết ngành giáo dục thị xã phát động phong trào gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đưa các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ của địa phương vào chương trình giáo dục, vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong đó Thanh Lương là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả phong trào này.

Nhộn nhịp ngày mùa - Ảnh: Chiến Thắng

 

Thanh Lương cũng đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Chủ tịch xã dẫn tôi qua những ruộng ngô đông phủ kín bờ đang ngập tràn một màu xanh óng ả. Những bắp ngô nếp tròn căng ngày ngày nối nhau ra thị trường, được các chuyến xe chở ra thành phố Yên Bái hay về những miền xa, mang theo hương thơm của đất, vị ngọt từ nước của cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc như một niềm tự hào, kiêu hãnh! Chúng tôi qua những ruộng dưa hấu, dưa lê… Đồng chí Chủ tịch say sưa nói về gần 22 héc ta đất chuyển đổi cơ cấu, trong đó có hơn 11 héc ta trồng dưa hấu, năng suất mỗi vụ đạt 25 tấn/ha, sản lượng đạt 277,5 tấn. Dưa lê trồng được 1,97 héc ta, năng suất 20 tấn/ha, sản lượng 39,4 tấn. Bà con nông dân rất phấn khởi vì thu nhập kinh tế từ dưa hấu cao gấp 6 đến 7 lần so với trồng lúa. Với phép tính nhanh, nếu cấy giống lúa Séng cù đạt năng suất 10 tấn/1.000m2/năm, thu nhập 13 triệu đồng thì 1.000 mét vuông dưa hấu cho thu hoạch tới 60 triệu đến 70 triệu đồng/vụ/năm. Tôi ngần ngại hỏi về vấn đề đầu ra cho dưa? Đồng chí nói ngay "Đầu ra thì không lo, cứ đến vụ dưa là xe của thương lái đến tận ruộng. Họ nói dưa của Thanh Lương và Phù Nham đặc biệt ngọt, thơm hơn hẳn so với các vùng khác, có thể do thổ nhưỡng, khí hậu, giống như giống nếp tan Tú Lệ được cấy ở Tú Lệ ấy. Vì vậy bán rất chạy!". Lòng tôi nhẹ nhõm, thở phào trong lâng lâng một niềm vui khó tả. Bởi điệp khúc "Được mùa- Rớt giá" đối với người nông dân bấy nay luôn đeo đẳng họ ở đâu đó. Phía chân đồi là gần 4 héc ta mía, trong đó 1,8 héc ta mía trồng trên đất lúa do chân ruộng cao cũng cho thu nhập hơn trồng lúa. Xã còn đang thử nghiệm hơn 1 héc ta trồng giống ớt xuất khẩu sang Nhật, cứ 1.000 mét vuông trồng ớt thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm. Thử nghiệm 1 héc ta trồng cỏ ngọt và dành gần 1 héc ta trồng hoa… Riêng ngô đông tăng vụ trên 98 héc ta đạt 117,65% kế hoạch giao, sản lượng 392 tấn, đạt 100,26% kế hoạch giao. Đó quả là những con số biết nói về sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ và nhân dân các dân tộc nơi đây. Lớp lớp những lứa cây trồng cho thu nhập cao đã khẳng định quyết tâm của những người nông dân "Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta". Họ đã bắt đất nhả vàng và đất đã không phụ lòng người. Trên mỗi bản làng có rất nhiều ngôi nhà mới khang trang được dựng lên, nhiều cửa hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, dịch vụ cưới hỏi, dịch vụ chăn, ga, gối, đệm, cơ khí, vật liệu xây dựng… Diện mạo của một nông thôn mới sầm uất này sẽ góp phần xây dựng nên một thành phố Nghĩa Lộ trong tương lai không xa.

Thanh Lương vốn nổi tiếng về phong trào văn hóa văn nghệ, mỗi thôn bản đều có đội văn nghệ do Hội Phụ nữ phụ trách. Ngày lao động miệt mài, tối ca múa mê say. Nhiều nghệ nhân trong xã được mời đi truyền dạy các điệu múa dân gian cho các câu lạc bộ, các trường học trên địa bàn thị xã. Được lãnh đạo xã giới thiệu về một số mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi, tôi tìm đến gia đình ông Đinh Văn Phương ở thôn Đồng Lơi, tuy đất đai không rộng lắm nhưng ông đã mạnh dạn làm chuồng trại chăn nuôi gà, mỗi lứa có tới 2 nghìn con gà, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, các nhà hàng trên thị xã đặt hàng định kỳ, đảm bảo chất lượng "gà sạch" nên thu nhập rất ổn định. Ông Phương lại giới thiệu sang nhà ông Đinh Văn Bằng, một cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ thôn. Chủ nhà đi vắng, tôi được cụ bà hơn 90 tuổi nhưng còn minh mẫn ngồi tiếp chuyện ngay dưới sàn. Cụ vừa nói vừa nhanh tay tách từng nắm lá cây chuẩn bị cho hươu ăn. Không để phí thời giờ, tôi đi quanh khu chuồng trại ghi lại những bức hình sinh động về đàn hươu sao vừa mới cắt lộc nhung, về đàn lợn đen bản địa béo tròn mũm mĩm, về đàn chim bồ câu bay nháo nhác dưới vòm lưới khi có người lạ đến thăm, bên dưới là một đàn gà ri lũn cũn chạy tới như mong chờ được vãi cho nắm thóc. Ôi… Một cuộc sống vừa yên bình, vừa náo nức khiến lòng tôi chộn rộn niềm tin yêu với những người dân vùng cao thuần chất, biết bắt nhịp tư duy kinh tế trong thời kỳ đổi mới.

Trở về trụ sở Ủy ban tôi gặp đồng chí Lường Văn Xuân, Bí thư Đảng ủy xã. Anh cũng hồ hởi nói về kế hoạch nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, về mong ước của nhân dân là sẽ xây một cổng chào xã để giới thiệu và thu hút tiềm năng du lịch. Anh nói về mục tiêu xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Bản Lào. Điểm sáng về xây dựng phong trào mũi nhọn, có trọng tâm, trọng điểm đây rồi! Như bắt được vàng mười, tôi liền xuống thôn bản. Bản Lào nằm dọc theo bờ Nam dòng suối Thia huyền thoại. Nhà văn hóa của bản có cổng chào sáng đẹp nổi lên giữa bạt ngàn những ruộng ngô đông, những vạt dưa vừa trồng vụ mới. Nhà nào cũng rộng rãi, căng tràn sức sống bởi hầu hết người lao động ở đây đã biết tận dụng thời gian nhàn rỗi đi làm nghề thợ xây. Trưởng bản tươi cười và hóm hỉnh tỏ ra am hiểu lịch sử rồi nói trong niềm tự hào "Trước ông cha ta thời đánh giặc thì có khẩu hiệu "Ngụ binh, ư nông" tức là binh lính khi đánh giặc xong thì làm ruộng lấy thóc nuôi quân, nay chúng tôi vận dụng khẩu hiệu "Ngụ nông, ư nề", tức là lúc việc nông nhàn rỗi thì cùng nhau đi xây lấy tiền mua sắm, dựng nhà, nâng cao cuộc sống". Tôi phấn chấn bắt tay trưởng bản với niềm khâm phục về sự liên tưởng, so sánh rất biện chứng. Ở đây, thanh niên đa số được qua trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề của huyện để bổ túc về nghề xây dựng, cơ khí. Nhiều tốp thợ có tay nghề cao nhận thầu cả công trình xây dựng lớn. Điều đặc biệt là không một ai đi làm ăn xa ở các tỉnh khác. Bà con nhận thức rằng cho thanh niên đi xa kiếm việc cũng tốt, nhưng nếu không có lập trường dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội; hoặc nhiều cặp vợ chồng trẻ phải gửi con cho ông bà để đi làm ăn, ruộng nương cho thuê thầu và không làm được vụ đông. Đằng này làm việc gần nhà sẽ có điều kiện chăm lo cho con cái, chăm sóc bố mẹ già, ruộng vườn lúc nào cũng xanh tốt. Đồng chí Bí thư Đảng ủy cho biết, để kích cầu cho đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Bản Lào, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, giúp vốn mua sắm máy trộn bê tông cho các đội xây dựng, giúp quảng bá thương hiệu và tạo việc làm cho người lao động trong bản cũng như trong xã. Đồng chí còn khẳng định, Bản Lào từ một thôn bản khó khăn nhất của xã nay đã trở thành điển hình là thôn bản có kinh tế phát triển nhất. Đặc biệt là không có người mắc tệ nạn xã hội, các tiêu chí về nông thôn mới đều đạt được. Bà con trong bản luôn tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới. Vừa qua có 16 hộ đã tự nguyện hiến 1.191 mét vuông đất để mở rộng con đường từ Bản Lào nối sang xã Phù Nham. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đang đề nghị cấp trên khen thưởng thành tích toàn diện năm 2020 cho thôn Bản Lào.

Điểm lại những kết quả đạt được của Thanh lương, ông Lường Văn Xuân cho biết thêm về công tác chăn nuôi. Với một xã diện tích nhỏ nhất so với các xã trong lòng chảo Mường Lò, nhưng tổng đàn gia súc hiện nay vẫn có 1.182 con; gia cầm có gần 20.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng đạt 72 tấn, gia cầm đạt 68 tấn. Trên địa bàn xã thành lập được 11 tổ hợp tác về trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó xã còn chỉ đạo thâm canh 6.4 héc ta chè, sản lượng năm 2020 đạt gần 130 tấn chè búp…

Tạm biệt Thanh Lương, trong tôi in đậm hình ảnh bức tranh đa sắc màu về một vùng quê trù phú, đầy hứa hẹn những tiềm năng kinh tế. Ánh nắng trải dài trên từng thôn bản hòa với sắc vàng của lúa của hoa, sưởi ấm những mùa bội thu trên quê núi đang từng ngày, từng giờ vươn mình trỗi dậy. Âm hưởng của bài hát "Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?" cứ âm vang mãi… Vâng, tôi đã về Nghĩa Lộ, về với Thanh Lương xao xuyến hội mùa và sẽ còn đến với nhiều địa danh khác của Mường Lò- Nghĩa Lộ để được tận hưởng những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống mới nơi đây, được trải nghiệm về một miền đất như câu ca được nhiều người nhắc đến "Mường Lò gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó, lòng không muốn về!".

                                                                                         

 

  N.T.T.

 

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter