Ghi chép của VI HÀ
Một lần nghe trên đài, thấy nói đến vị già làng ở Lục Yên có tên lạ lạ "Quốc Mong", người từng là Cựu chiến binh Trường Sơn, tôi đem chuyện, trò chuyện với ông Dương Văn Vanh, nguyên Phó Ban thường trực, Ban Nội chính tỉnh. Ông Vanh cười cười:
- Ông già ấy là Dương Quốc Mong, anh ruột tôi. Đúng rồi. Ông Mong, bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ, được vinh danh là "Người có uy tín", đi tham quan nhiều nơi…
Tôi khẽ "à"! Vui, xen lẫn tò mò về vị cao niên có tên nghe như tình yêu. Biết chuyện, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái Bùi Hòa Bình vỗ vai giục:
- Anh lên Lục Yên viết về ông Mong ấy đi!
Tôi gật đầu:
- Vâng.
Nhà ông Dương Quốc Mong nằm ở ven xã Liễu Đô đầu huyện. Trận bão lốc tuần trước quật bay mái xưởng doanh nghiệp hàng xóm. Cây xoài gần ba chục năm tuổi giữa vườn nhà bị vặn vỏ đỗ bật tung rễ nằm sõng soài, chưa kịp thu gọn. Vậy mà nếp nhà sàn ba gian lợp cọ các cụ để lại, ông bà sử dụng, vẫn chững chạc, an vị. Liền vườn, là căn hộ của ông Dương Văn Vanh, em trai. Nhận sổ hưu, ông Vanh tìm hướng về quê cho gần anh em họ mạc chứ không trụ lại thành phố tỉnh lỵ. Khoàng cánh tay nếp nhăn mà rắn chắc chỉ cho tôi ruộng đất ông cha, ông Mong vui vẻ:
- Ngày ở Trường Sơn, mình chỉ mong hết giặc là về, đồi rừng ta trồng cây, ruộng nước thì cấy lúa thả cá. Thế chả sướng à!?
Nhập ngũ tháng 5 năm 1968, vào E232 F360 Phòng không- Không quân. Năm 1970 đi học sửa chữa ô tô kéo pháo. Đầu năm 1973 đơn vị E232 đi B, bổ sung gọn cho F470 Đoàn 559. Tham gia đánh Gia Linh, Dốc Miếu, Tà Cơn… Dương Quốc Mong trở thành thợ kỹ thuật giỏi, xử lý nhiều tình huống không rõ nguyên nhân, kịp thời phục vụ các trận đánh lớn. Giữa năm 1973, Dương Quốc Mong được cấp trên chỉ định phục vụ thủ trưởng đi công tác đặc biệt, ông vừa là kỹ thuật, vừa bảo vệ chính ủy- Đại tá Đặng Tính đi Tây Trường Sơn nghiên cứu chiến trường khu vực Nậm Bạc. Sau chuyến đi, một phần đơn vị cao xạ của ông nhận trọng trách xây dựng lực lượng pháo cho mặt trận này. Là kỹ thuật, Dương Quốc Mong cùng Phạm Văn Quế (quê huyện Yên Bình, Yên Bái) đề xuất tổ chức đi tháo gỡ, thu gom phụ tùng những xe của ta bị bom đạn địch bắn phá dọc đường K (sang Lào) và đường 14, nhờ đó có thêm lượng lớn phụ tùng cơ giới bổ sung.
Tháng 3 năm 1975, ta bất ngờ tấn công Buôn Mê Thuột, đơn vị được lệnh khai hỏa đánh chiếm sân bay Hòa Bình của Sư đoàn 23 ngụy. Khi Dương Quốc Mong và Nguyễn Trung Văn (quê Vĩnh Phúc) vượt qua sân bay ra quốc lộ thì cả đoàn sơn pháo gặp chướng ngại vật- xe tăng địch xoay ngang giữa đường, mặc dù vừa bị thương, nhưng Quốc Mong vẫn nhảy lên buồng lái lôi xác tên lái xe ra ngoài, bẻ tay lái. Chiếc tăng ngụy rung lên rồi vượt khỏi mặt đường. Đoàn xe vận tải và xe tháp pháo của Trung đoàn 232 ầm ầm hướng đến mục tiêu Buôn Mê Thuột. Sau đó nhập vào mũi chiến dịch Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.
Nhìn ông Cựu chiến binh Trường Sơn kể hào hứng, chuyện như vừa mới diễn ra. Tôi chợt hỏi.
- Bác Mong à. Chiến dịch thần tốc thế, xe hỏng, bác sửa thế nào?
- Ấy. Sửa ngay. Sửa bằng được. Nếu biết rõ không thể khắc phục thì quân ta nhảy lên xe tăng, xe tháp pháo của địch. Cắm cờ giải phóng mà tiến quân, không để lạc đội hình.
Nói. Rồi cười ha hả. Ông Dương Quốc Mong bất chợt:
- Có tình huống vui thế này. Tôi cùng Lý Chiến Ngọc, người xã Minh Tiến huyện Lục Yên, đang sửa xe thì bị toán bộ binh ngụy mấy chục đứa chặn quây lại. Tưởng chúng định bắt sống, bọn tôi đã thắt bao xe lựu đạn, hóa ra chúng kéo đến xin tha tội. Mấy anh em tương kết tựu kế, bắn chỉ thiên rồi quát chúng giơ tay lên trời. Cả lũ ngụy người cao nguyên sợ hãi làm theo. Một đứa, chắc là chỉ huy, đưa tôi tờ giấy và cái bút, xin chữ ký để làm tin với quân giải phóng. Tôi ký loằng ngoằng rồi ghi: "Quân giải phóng Tây Nguyên". Bọn địch chắp tay cảm ơn "Việt Cộng!". Lại có lần, mấy người dân đến sân bay Hòa Bình xin xác con (lính ngụy) tử trận. Chỉ huy xe tôi trả lời: "Quân giải phóng đồng ý, nhưng không được để bụng hận thù!". Mấy người dân vâng dạ.
Chiến dịch Tây Nguyên, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh. Dương Quốc Mong đều tham gia từ đầu đến kết thúc. Thành tích đảm bảo kỹ thuật trong trận chiến "thần tốc" của ông đã được ghi nhận bằng tấm Huân chương chiến công giải phóng hạng III, Chiến sĩ thi đua toàn Quân chủng Phòng không- Không quân. Ngoài ra ông còn được tặng nhiều Huân, Huy chương, danh hiệu Dũng sĩ trong những năm tháng quân ngũ ở chiến trường Trường Sơn- Tây Nguyên.
Phục viên, Thượng úy Dương Quốc Mong về với quê hương Liễu Đô, tham gia công tác xã hội trong đó có 20 năm làm Bí thư, Chủ tịch xã. Mới đây, ông còn được đồng đội bầu làm Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyện Lục Yên.
Tôi tìm đến ông Hoàng Đức Vượng, nguyên Giám đốc Sở Lao động Thương binh- xã hội, và là cựu Bí thư, Chủ tịch huyện Lục Yên ngày ông Dương Quốc Mong tại nhiệm cấp ủy xã. Nhấp chén nước chè, ông Vượng biểu lộ trên nét mặt:
- Chà! Ngày đấy (Những năm 80, 90 của thế kỷ trước) Lục Yên có đến hơn tám mươi phần trăm (80%) cấp ủy xã là cựu chiến binh. Nếu không có các anh ấy thì có nhẽ, khó mà giải quyết được những phức tạp xã hội để mà xây dựng huyện.
- Vâng. Tôi xen vào. Những năm tháng Hoàng Liên Sơn sau chiến tranh biên giới. Lục Yên là điểm nóng….
- Nóng, mà vẫn giải quyết nhanh gọn, ví dụ như ở Liễu Đô, ông Dương Quốc Mong biết phối hợp với Bí thư xã Minh Xuân- cựu chiến binh, Trung tá Hoàng Xuân Phụ, dẹp nạn trộm cắp vùng sông Chảy- Thác Bà hoành hành; nạn đào đãi vàng và buôn đá quý bừa bãi. Rồi vận động người dân làm kênh mương thủy lợi, đường nông thôn, thí điểm xây dựng làng văn hóa, thí điểm ứng dụng giống lúa mới ở Liễu Đô theo chỉ đạo của huyện… Có thể nói, Dương Quốc Mong là người miệng nói, tay làm; được dân quý trọng, cấp trên tin tưởng. Cái "chất" của ông Bí thư Mong là chất lính chiến trường có được: Uy tín để tập hợp, và bản lĩnh để giải quyết công việc.
Đồng tình với lời nhận xét của vị cựu Bí thư Huyện ủy, tôi nói thêm:
- Cho nên, thương binh Trường Sơn Dương Quốc Mong được suy tôn là "Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số" của Ủy ban Dân tộc, xứng đáng anh ạ.
Ông Vượng cười gật đầu, đưa tay nâng ly trà tươi tỏa nóng.
V.H