Truyện ngắn của Minh Ngọc
“Chúc ngày Va- linh- tinh vui vẻ!”. Triều với tay mở điện thoại. Mấy người bạn trong nhóm nhắn kèm đóa hồng đỏ rực. Hai ngày liền nằm bẹp, chân tay rã rời, chiếc điện thoại cũng trở nên nặng nề, cô chẳng còn tâm trí dành cho ngày lễ tình nhân huống hồ cảnh một nách hai con bao thứ phải lo toan. Cố dậy sửa soạn đồ đạc chuẩn bị ra chợ, chợt nhớ đến tối qua lúc ngậm viên kẹo ho bỗng nhiên miệng đắng ngắt, chân đau bại như có luồng điện chạy khắp người, cô vòng xe về phía y tế phường mặc cho rổ lòng luộc đang bốc khói nghi ngút. Hai vạch nét căng trên que test nhanh đồng nghĩa với kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Phút chốc chân tay như rụng rời, trong đầu Triều hiện rõ hình ảnh người chết la liệt, dãy dài xác chết không có chỗ chôn, ánh mắt ngác ngơ của những đứa trẻ mất cha mất mẹ. Triều đi tới đi lui một cách vô thức, tay liên tục rút điện thoại ra rồi lại nhét vào túi. Hàng ngày vẫn nghe đài báo thông tin về số ca mắc Covid tăng vùn vụt nhưng cô không hề nghĩ lại có ngày mình là người mắc. Rõ cô đã tiêm phòng đủ ba mũi, đi đâu cũng đeo hai lớp khẩu trang lại còn kèm thêm ít dầu gió bôi ngoài, tan chợ về nhà là đóng chặt cửa không liên hoan, tụ tập thì cớ gì mà cô lại mắc Covid? Vậy mà test lại lần hai vẫn hai vạch. Đúng là ngày Va lung tung chết tiệt, va đúng vào F0. Triều bần thần một lúc rồi lập bập gọi điện nhờ bà Lâm bán hàng cùng chợ đèo giúp thằng Hiếu ra y tế phường. “Mẹ ơi”. Mắt thằng bé sáng lên khi nhìn thấy Triều. Triều ra hiệu bảo con dừng lại và vòng sang bên bàn test. Trong lúc chờ kết quả cô không dám đến gần con, thương thằng bé cứ lơ ngơ đứng giữa nhóm người đi xét nghiệm. Cu Hiếu học lớp bốn, trán cao, mắt sáng lại thêm chiếc miệng tươi nhìn giống mẹ như đúc. Thằng bé chưa được tiêm vaccine nên lúc nào cô cũng lo mình bị Covid sẽ lây sang cho con. May quá thằng bé không sao, còn anh nó bên Nhật mới hôm qua còn điện về báo vẫn bình an vô sự. Giời còn thương mình, Triều thở phào thầm nghĩ.
Nhận quyết định tự cách ly, điều trị tại nhà, việc đầu tiên Triều làm ấy là sắp xếp lại không gian sinh hoạt. Cũng may nhà có hai phòng riêng nên mỗi người một phòng, song nhà vệ sinh chỉ có một. Triều đành nhờ chị Thêu nhà sát bên cạnh cho cu Hiếu sang tắm rửa, vệ sinh nhờ, còn từ buồng trong vào đến vệ sinh chỉ mình cô đi lại để tránh lây nhiễm cho con. Trẻ con nói trước quên sau, lúc nào Triều cũng phải nhắc con đeo khẩu trang, ăn uống đầy đủ thành ra người thêm mệt. Quá trưa đang nằm thiêm thiếp trên giường, Triều nghe cu Hiếu gọi vọng từ ngoài cửa: “Mẹ ơi dậy ăn cơm”. Ngập ngừng một lát, Hiếu nói như có lỗi: “Mẹ ăn tạm đi, giờ con chỉ biết nấu thế này thôi, sau này lớn con sẽ làm thêm nhiều món ăn ngon cho mẹ”. Một luồng hơi đầy từ đâu dồn ứ về ngực, Triều thấy nghẹn nơi cổ họng, nước mắt chực trào ra. “Ừ để mẹ xem con giai nấu cho mẹ thế nào”. Nghe tiếng chân con bước xa dần, Triều cố gượng ngồi dậy ra mở cửa. Một mâm cơm khá “tươm” với rau cải luộc, hai quả trứng luộc, nước rau luộc và bát nước mắm. “Ôi con trai tôi”. Triều thốt lên. Từ ngày bố thằng bé đột ngột mất sau một trận cảm, lúc nào cô cũng cố bù đắp cho sự thiệt thòi của con mà không sao bù đắp nổi. Nhiều lúc nhìn thằng bé lủi thủi ngồi bên bàn học hý hoáy lắp ghép logo chán lại quay ra ném phi tiêu rồi dang chân dang tay ngủ giữa đống đồ chơi lăn lóc mà xót tận trong gan trong ruột. Giờ Triều lại mắc Covid, dù đã được tiêm phòng nhưng vẫn có khả băng biến chuyển nặng, rồi hậu Covid thì thằng bé sẽ ra sao. Mọi ngày cô phải giục mỏi mồm cu Hiếu mới chịu tắt ti vi ngồi vào bàn ăn cơm, làm gì cũng “Mẹ giúp con” mà hôm nay ra dáng người đàn ông bé nhỏ, vừa tự chăm sóc bản thân, lại còn mua bán, nấu nướng cho mẹ. Nuốt miếng cơm mà cổ họng cô đắng ngắt, nhưng cứ nghĩ phải cố ăn để có sức, để mau khỏi bệnh, cô lại cố thêm một thìa, hai thìa, ba thìa cho đến khi gần hết bát cơm. Tiếng Hiếu khấp khởi hỏi vọng vào: “Cơm ngon không mẹ?”. “Ngon lắm con ạ…”. Triều thấy cay xè nơi sống mũi…
Những ngày Triều ốm, chiếc điện thoại trở thành vật bất ly thân. Giờ số ca F0 tăng vọt theo cấp số nhân, những ca F0 thể nhẹ và trung bình đều được hướng dẫn tự cách ly, điều trị tại nhà, mỗi người tự làm bác sĩ cho mình và gia đình. Triều không hiểu lắm nhưng nghe ông anh con nhà bác nói giờ chính phủ đang dần thay đổi tư duy, sắp tới sẽ chuyển từ “Zero Covid” sang việc coi Covid chỉ giống như một thứ bệnh đặc hữu. Hàng ngày sẽ không công bố các ca mắc bệnh. F0, F1 vẫn đi làm bình thường. Chao ôi thế thì… Triều không dám nghĩ tiếp. Bởi chẳng biết thế nào chứ như Triều bây giờ tâm lý hoang mang, sức khỏe kiệt quệ, đầu óc choáng váng, chân tay cứ run lẩy bẩy... Thôi kệ chuyện tương lai, cả ngày cô dán mắt vào điện thoại. Có quá nhiều điều Triều phải biết khi bản thân và con là F0. Từ vệ sinh, ăn uống, thể dục đến thuốc thang, việc gì Triều cũng thấy lạ. Mấy chục năm nay việc của Triều chỉ là dậy sớm, dồi lòng, luộc lòng rồi mang ra chợ bán, có bao giờ để ý đến dinh dưỡng với khoa học bao giờ. Thành ra đôi lúc đọc thì đọc đấy mà cũng chả rõ. Sang ngày thứ tư, Triều mệt lử lả, lướt mấy thông tin cảnh báo trên mạng càng thêm hoang mang thành ra sinh khó ngủ. Quá đêm mà mắt cứ tỉnh như sáo, mãi mới ngủ được thì chập chờn, không yên giấc. Vừa chợp mắt Triều giật mình nghe tiếng con mê sảng, răng nghiến ken két, cô biết ngay thằng bé khó ở. Triều gọi to không thấy con trả lời, lại nghe tiếng thở thằng bé khác lạ, Triều vội vùng dậy đeo hai chiếc khẩu trang, đi ra phòng ngoài. Người thằng bé nóng rẫy, mặt đỏ phừng phừng. Triều kẹp vội nhiệt kế rồi lấy thuốc hạ sốt cho con uống. 39 độ 5. Triều vội vàng gọi taxi đưa con ra y tế phường. Nửa đêm mà người ra người vào rầm rập, cán bộ, nhân viên y tế vã vượi mồ hôi dù nhiệt độ ngoài trời lúc này chỉ trên 100C. Những người cùng đi xét nghiệm nhìn nhau bằng ánh mắt canh chừng, lo âu. Điều mà cô lo lắng nhất cuối cùng cũng đến, cu Hiếu đã dương tính. Nhớ mấy hôm trước ngày nào hai mẹ con cũng ôm nhau nằm xem phim, chuyện trò đến lúc đi ngủ, trong phút chốc Triều thấy mắt hoa lên, mọi thứ trở nên nhòa nhạt. Giá dịch cứ được kiểm soát chặt như trước cho đến khi tụi trẻ từ 5- 11 tuổi được tiêm phủ vác xin rộng rãi rồi mới thả lỏng có phải đỡ khổ cho thằng bé không? Nghĩ thế nhưng Triều biết đâu có thể trách ai. Cô bám tay vào bờ tường, hít một hơi thật sâu rồi thở ra nhè nhẹ, cùng con bước nhanh về phía xe taxi đang chờ sẵn.
Từ lúc về nhà thằng bé sốt liên tục. Vừa cho con uống thuốc, vừa lấy khăn ấm lau khắp người, Triều chỉ cầu mong thằng bé bình an vô sự. Chợt điện thoại réo vang, bà nội thằng Hiếu báo vừa đi xét nghiệm về bị dương tính. Chưa kịp định thần thì em gái Triều gọi báo bố mẹ và chị dâu cũng dương tính. Triều không hiểu điều gì đang xảy ra nữa. Có phải do hôm trước mẹ con Triều về ăn cơm cùng ông bà, làm lây sang ông bà không? Hình như mọi tai ương cứ nhắm vào Triều mà đổ xuống vậy. Mấy ngày liền quay cuồng, vừa chống chọi với những con ho, chống chọi với chứng mất ngủ, chăm sóc thằng Hiếu, lại thêm lo lắng cho ông bà hai bên khiến đầu óc Triều lúc nào cũng căng như dây đàn. Từ ngày bị Covid, mọi sinh hoạt của hai mẹ con bị đảo lộn tùng phèo. Một ngày với Triều chỉ có ăn, uống thuốc, xông lá, khử khuẩn, ngâm chân, tập thở và lên giường. Mọi thứ khác đều không còn quan trọng nữa. Cũng nhờ khoảng thời gian này, Triều mới đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhịp sống của xóm chợ, nơi mà cô và gia đình gần hai mươi năm gắn bó. Triều hướng mắt về ô thoáng duy nhất thông ra khoảnh sân be bé chưa đến mười mét vuông trước khu vệ sinh, cảm nhận rõ mùi thức ăn, mùi tôm, mùi cá, mùi cống hỗn tạp trong không khí. Triều miên man nghĩ, nghĩ đến sự tất yếu và sự may rủi của mỗi người trong cơn đại dịch. Tình thế hiện tại của Triều dù có rối như canh hẹ nhưng vẫn quá hạnh phúc so với những ngày đầu dịch bùng phát trong Hồ Chí Minh, khi người dân chưa được tiêm phòng vaccine. Nhiễm Covid thì chỉ có chết, thở chả xong, sức đâu mà nằm nghĩ ngợi. Nhưng còn sức còn phải nghĩ, còn phải lo. Triều thót ruột chợt nghĩ đến các cụ. Dù cùng tuổi cao thuộc nhóm nguy cơ khi bị mắc Covid nhưng dù sao hai bà cũng đã được tiêm phòng hai mũi, vấn đề chính là chỗ ông. Ông bị tiểu đường, lại huyết áp cao không tiêm được vaccine giờ mắc Covid biết làm thế nào. Triều thấy mình càng như ngồi trên đống lửa. Triều gọi điện cho chị Thêu, nhờ ra hiệu thuốc mua hộ mấy liều kháng vi rút mang sang cho ông bà. Giọng chị Thêu yếu ớt: “Nhà chị cũng bị phong tỏa rồi”. “Sao thế chị?” Triều hỏi gấp. “Mấy hôm thằng Hiếu sang bên này sinh hoạt, chơi cùng thằng Bin suốt. Hôm qua đi xét nghiệm cả hai mẹ con đều dương tính rồi em ạ”. “Ôi... Em xin lỗi chị, chỉ tại em mà chị bị khổ lây”. Tiếng chị Thêu mệt mỏi: “Giờ dịch giã tràn lan, không lây từ em thì cũng từ ai đó thôi mà”. Triều buông thõng điện thoại, thấy mình bất lực hơn bao giờ hết…
Nhà Triều bị căng dây, không được phép ra ngoài. Thằng Thành biết mẹ và em bị Covid nhưng không về được, ngày nào cũng réo rắt điện hỏi. Anh em, bạn bè sốt sắng, người mang gừng xả cho xông, người mang rau sạch, người lại mang cho con cá, con gà mổ sẵn bồi dưỡng những ngày mắc bệnh. Những thứ khác Triều gọi điện cho cửa hàng ship tận nơi nên mọi sinh hoạt cơ bản vẫn đầy đủ. Ngày thường những thứ này đầy ngoài chợ, Triều cần gì nhoắng cái là xong, giờ mới thấy quý giá, nhất là tấm lòng của mọi người dành cho mẹ con Triều. Chỉ qua cái tin nhắn thôi mà Triều cũng thấy thật nhiều điều. Người nhà ngày nào cũng một hai cuộc gọi, tin nhắn hỏi han xem tình hình thế nào, cần gì không để hỗ trợ. Bạn bè thì cách một vài hôm lại nhắn hỏi đã ổn chưa. Nhưng có những người bình thường rõ thân thiết, thậm chí có việc gì Triều cũng nhiệt tình giúp đỡ nhưng suốt những ngày mẹ con Triều ốm tuyệt không một cuộc điện thoại, không một tin nhắn, sau giáp mặt cũng không được một câu. Ngay cả Hưng, lúc nào cũng tỏ ra quan tâm, săn đón, thậm chí còn có ý định cùng Triều đi bước nữa, vậy mà sau một cuộc gọi ỡm ờ, biết hai mẹ con mắc Covid anh ta lặn một hơi mất dạng. Sau này ngẫm lại Triều càng thấy trong khó khăn mới rõ ai thương mình mà càng thêm trân quý.
Khi thằng bé ngắt sốt, cười nói trở lại cũng là lúc Triều thấy mình như kiệt sức, người lúc nào cũng chuếnh choáng, làm gì cũng chỉ được một lúc phải dừng lại thở. Mặc dù đã sang ngày thứ bảy và kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không hiểu sao những cơn ho ngày một kéo dài khiến nửa đêm Triều phải thức giấc. Triều có cảm giác như có con gì đó đang ngọ ngoạy tận sâu trong cổ họng khiến cổ cô ngứa rát, muốn móc ra mà không được. Bao nhiêu loại thuốc cũng không đủ để đẩy lùi những cơn ho. Triều lúc nào cũng cảm giác no vì thuốc, không còn muốn ăn uống bất cứ thứ gì. Triều cứ thấy khó thở, đôi lúc ngực đau như có ai bóp dồn từ hai bên. Càng lúc trong đầu Triều càng hiện rõ hơn cụm từ “Hậu Covid”. Triều sẽ mắc bao nhiêu trong số 200 triệu chứng hậu Covid? Chao ôi, mới nghĩ thôi mà tim Triều đã đập thình thịch. Mai có lẽ Triều phải đi khám lại. Nhìn đồng hồ mới chín giờ tối, Triều điện thoại cho mẹ. “Mẹ thấy người nhẹ hơn, chỉ còn hơi ho thôi”. Mẹ trả lời cô giọng khó nhọc. “Thế bố thế nào rồi ạ?”. “Từ chiều đến giờ bố mày có vẻ yếu đi, không ăn uống được”. “Sao thế mẹ?”. “Mấy hôm trước bố mày uống thuốc kháng vi-rút có vẻ chịu, hôm qua hết thuốc thì bắt đầu thấy sốt, kèm khó thở”. Triều giật mình: “Hôm mẹ cho bố uống thuốc là ngày bố bắt đầu dương tính ạ?”. “Ôi dào, có téc đâu mà biết. Tao cứ đoán tao bị thì kiểu gì bố mày cũng bị nên cứ đưa cho ông ấy uống từ hôm ấy”. “Giời ạ…”. Triều ghìm lại không nói nữa. Gay rồi. Bố không được tiêm, thuốc điều trị vi-rút là cứu cánh duy nhất cho bố nhưng chỉ có tác dụng uống trong vòng năm ngày đầu từ khi có xét nghiệm dương tính, tuyệt nhiên không được uống trước hoặc sau, và cũng không được uống kéo dài quá năm ngày… Bố sốt, kèm đau mỏi khắp người, khả năng giờ mới chính thức dương tính nhưng không dùng thuốc điều trị được, biết phải làm sao?. Triều cố lấy bình tĩnh dặn mẹ: “Mẹ cố gắng thuốc thang cho khỏi hẳn, để ý bố xem thế nào, nếu nặng phải đưa vào viện ngay, không chủ quan được đâu mẹ ạ”. Chưa kịp nghe tiếng “ừ” quen thuộc thì đã thấy mẹ hét thất thanh: “Ông làm sao đấy, tỉnh dậy ông ơi…”. Triều không kịp dặn thằng Hiếu, vội vàng dắt xe ra cửa. Từng đợt gió thốc tới như hàng ngàn mũi kim đâm vào da thịt. Triều co người kéo chặt hai vạt áo, phóng vội dưới làn mưa dầy hạt mặc cho cơn ho dồn dập kéo đến.
Ra giêng mà trời vẫn lạnh như giữa đông, lại thêm mưa gió sập sùi như giữa tháng ngâu. Số ca mắc Covid tăng dựng đứng. Triều nhìn quanh thấy nhà ai cũng giăng dây, dán biển “Địa điểm cách ly phòng chống Covid”. Khu phố Triều ở đỏ rực trên bản đồ dịch tễ. Cứ thế này tránh đâu cho khỏi nắng. Triều thầm nghĩ, lòng vừa ghét cái con Covid vừa thương các cán bộ y tế phường phải quay cuồng trong cơn chống dịch. Nhớ hôm ra phường test lại lần hai đúng vào ngày thầy thuốc Việt Nam, nhìn chị Vân phó trạm hai mắt thâm quầng, người tọp đi dễ đến mấy cân, Triều buột miệng động viên: “Cố gắng lên bác nhé! Em chúc các bác luôn khỏe. Các bác bây giờ là chỗ dựa cho bà con đấy”. Chị Vân chỉ giơ ngón tay cái lên kèm cái gật đầu rồi lại chạy. Triều chợt thấy cái sự dương tính của mình không còn trầm trọng như ban đầu nữa. Giờ chỉ còn lo cho bố. Gần một tháng nằm viện bố đã dần hồi phục trở lại. Lúc khỏe bố lúc nào cũng đầu cuối, lo lắng, dặn dò mọi người giữ gìn sức khỏe. Bố bảo chưa bao giờ mà chiến tranh, dịch bệnh rồi thiên tai lại cùng lúc ập đến như lúc này. Chỉ thương lũ trẻ chưa biết gì mà đã phải trải qua bao thứ. Ký ức tuổi thơ của chúng sau này sẽ ắp đầy lo âu và sợ hãi. Vậy mà giờ bố khác gì cái cây trong bão. Triều nhìn ra khoảnh sân quen thuộc. Những giọt mưa xiên xiên như dầy hơn dưới ánh điện vàng vọt. Cây trầu bà sau nửa tháng hai mẹ con bị bệnh cũng đổ một màu vàng úa. Triều bỗng thấy sinh mệnh con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết…
Ông Kha từ từ mở mắt. Đã nhiều lần ông thấy người mình bay lên rồi trôi mãi, trôi mãi đến nơi vô định. Chưa lúc nào ông có thể tin rằng có ngày mình sẽ tỉnh lại. Vẫn là một màu trắng xóa, mùi thuốc khử khuẩn ngộp trong không khí nhưng sao lúc này ông không còn thấy sợ mà chỉ thấy biết ơn cuộc đời còn cho ông được ngửi thấy, được nhìn thấy những điều bình dị nhất. Ông Kha chăm chú nghe như nuốt từng lời của bác sĩ: “Bác cố lên, hít vào một hơi thật sâu, phồng ngực, phồng bụng lên rồi thở ra từ từ, thở thật từ từ… thở kiệt bụng xuống, nào…”. Ông cố lấy sức hít vào. Dù khó khăn nhưng lồng ngực ông đã bắt đầu nhô lên, oxy đã tràn vào khoang phổi, cơ thể ông như được hồi sinh. Ông cố giữ oxy trong khoang phổi vài giây rồi từ từ đẩy tất cả luồng khí ứ đọng trong cơ thể ra ngoài cho đến khi bụng xẹp lép. Hơi thở dần được điều hòa. Vậy là ông đã chính thức cai thở máy thành công. Triều ôm ghì lấy bố khóc thút thít. Ông Kha khẽ gật đầu, cảm nhận rõ đôi bàn tay gầy gò, gân guốc của con gái đang xiết chặt tay ông. Ông Kha nhìn con, nhìn các y, bác sĩ bịt kín trong lớp quần áo bảo hộ nhưng đầy ấm áp, tin cậy qua ánh mắt và giọng nói. Lòng biết ơn tràn ngập, ông không sao ngăn nổi những giọt nước lăn dọc theo khóe mắt…
Cơn bão dịch qua đi, mọi sinh hoạt đã dần trở về nếp cũ. Cái xóm nhỏ lại rộn lên tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới vào mỗi sớm mai. Tiếng mặc cả, tiếng mời chào, cả tiếng gà kêu quang quác tạo nên bản hợp xướng rất riêng của xóm chợ. Quá trưa, người ra chợ đã thưa dần, Triều tranh thủ dọn hàng rồi mang đĩa lòng còn nóng hổi sang cho bố nhắm rượu. Quay về, đã thấy bà Lâm để sẵn rổ rau thơm trong sân. “Hẵng cứ ở đấy, còn phải cơm nước cho cu Hiếu đã. Đến chiều khắc tao sẽ rửa sạch cho ráo nước rồi sớm mai dồi lòng”. Lần đầu tiên Triều nói chuyện với rổ rau. Đúng là “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Triều tủm tỉm nghĩ đến hôm Triều khỏi ốm đi chợ lại, thay vì xúm xít như trước, mọi người ngồi tại chỗ hoặc đứng cách nhau chừng hai đòn gánh chuyện trò rôm rả. Bà Lâm tiếng oang oang: “Xóm chợ này mà thiếu món lòng của mày thì chán chết… Cánh đàn ông bợm rượu cứ gọi là chẹp miệng liên tục vì nhạt mồm, nhạt miệng đấy!”. Triều thấy lòng phấn chấn, không phải chỉ vì sau cơn hoạn nạn cả nhà vẫn bình an mà quan trọng, Triều thấy cuộc sống này đáng quý biết bao nhiêu…
M.N
Tin khác