Bút ký của NGỌC CHẤN
Mùa xuân đã trở về trên dải đất đai hùng vĩ của núi ngàn Tây Bắc. Hơi thở của mùa xuân căng tràn trên những ruộng bậc thang, đánh thức những bản làng trong màn sương lạnh giá. Những tia nắng mùa xuân bừng nở sắc thắm của hoa đào trên đỉnh non cao. Mù Cang Chải xứ sở của hoa đào san sát đua nhau vươn thẳng lên trời. Cả đất trời nơi đây rực rỡ một màu hoa. Đỏ thắm hoa đào, trinh trắng hoa táo mèo năm cánh bay bay trong gió cùng với sắc vàng rực rỡ của hoa cải trên những tràn ruộng bậc thang đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền ảo lung linh.
Tôi đến với vùng cao Mù Cang Chải sau mùa đông xám lạnh, đất trời đã khoác lên mình sắc màu tươi mới của mùa xuân. Khắp bản làng nơi đây rộn rã đắm say trong các lễ hội truyền thống. Những trò chơi dân gian: Ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ... cùng với các món ăn ẩm thực ở vùng cao như: Gà đen, thắng cố, mèn mén, rượu ngô, cá nướng, đã tạo nên một không gian rạo rực sắc màu. Sắc xuân trên đỉnh non cao không chỉ là những nấc thang lên tới cổng trời, những thung lũng xanh uốn mình bên suối mà còn tươi sáng hơn trong ánh mắt của những cô gái Mông với trang phục truyền thống và nụ cười tươi tắn thấp thoáng trong sương cùng những chàng trai dắt ngựa xuống núi trong tiếng khèn rạo rực tin yêu. Đúng! Tiếng khèn Mù Cang Chải đã neo lòng tôi ở lại thao thức suốt một đêm trong căn nhà sàn đầy ắp tiếng cười, giọng nói của du khách mọi miền tụ hội về đây.
Sáng xuân nay, tôi lại ngược lên Trạm Tấu, nơi mà tôi đã từng tận mắt ngắm nhìn mây bay trên đỉnh Tà Xùa, leo lên đỉnh Tà Chì Nhu ngọn núi cao 2.979 mét so với mặt nước biển. Anh bạn tận Vũng Tàu cùng tôi lên Trạm Tấu lần đầu đến với mảnh đất hoang sơ hùng vĩ này, sau một ngày leo núi và tắm suối nước nóng đã phải thốt lên: “Trạm Tấu thật đẹp, ở giữa rừng thông mà mình cảm tưởng như Đà Lạt vậy.” Đúng là Trạm Tấu mơ màng trong bồng bềnh mây núi, Trạm Tấu cũng là xứ sở của những loài hoa: Đỗ quyên, mật rồng đua nhau khoe sắc làm nên một mùa xuân bất chợt giữa núi rừng Tây Bắc. Trạm Tấu của hôm nay đang đổi mới từng ngày. Chương trình nông thôn mới đã thổi bùng ngọn lửa thâm canh trên vùng đất mới: Điện, đường, trường, trạm y tế đã khai sáng vùng đất bao năm chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Khách du lịch đã đến với Trạm Tấu trên con đường mới thảm nhựa, ngủ lại ở Homestay trong giấc mơ về mây, về núi về hoa, về dòng suối hát.
Mùa xuân Tây Bắc, mùa của những đêm hội giữa cánh đồng Mường Lò rộng thứ nhì Tây Bắc với vẻ đẹp mông lung huyền ảo. Thị xã Nghĩa Lộ, thị xã của văn hóa với điệu xòe của người Thái tinh hoa của suối Ngàn đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Thấp thoáng những nếp nhà sàn bên dòng suối Thia là cả một pho dân ca cổ tích nói về cuộc sống lao động sáng tạo của người dân nơi đây. Vẫn còn đó sắc hoa ban trinh trắng thủy chung trong một mùa lễ hội. Mùa xuân trên đất Mường Lò, du khách được thỏa tầm mắt ngắm nhìn cánh đồng rộng lớn bao la, chìm đắm trong màu xanh của bạt ngàn ngô, lúa. Hương sắc của đất trời thấp thoáng trong sương, nơi đây du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đất núi: Cá sỉnh, xôi ngũ sắc, thịt trâu nướng, rêu suối, gà hấp lá ngoã. Ôi thiên nhiên và tạo hóa đã làm nên một Mường Lò dù đi đâu về đâu vẫn còn nhớ mãi một ngày mai sẽ trở lại đất này.
Cách Nghĩa Lộ không xa, chưa đầy một giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt ở đỉnh cao Suối Giàng, một vùng chè cổ thụ đã trở thành đặc sản của Yên Bái. Mùa xuân, những búp chè non tơ đang vươn cao đón nắng mặt trời. Suối Giàng đã trở thành khu du lịch lý tưởng với những khách sạn, kiến trúc độc đáo, mang nét đặc trưng của miền núi luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Khí hậu mát mẻ, hương chè thơm lan tỏa núi rừng, vùng đá cảnh hoang sơ đã tạo nên bức tranh sống động để du khách trải nghiệm một vùng đất mới.
Từ đỉnh cao suối Giàng trong nắng ấm mùa xuân, tôi trở lại Yên Bái, chứng kiến những đoàn xe nối đuôi nhau chở hoa đào, hoa lê về quê đón tết. Sản phẩm của núi rừng Tây Bắc: Gạo nếp Tú Lệ, lá dong, mộc nhĩ theo quốc lộ 37 về xuôi, bất giác trong tôi tràn ngập một niềm vui như tiếng reo của suối ngàn lan tỏa giữa lòng thung.
Thành phố Yên Bái vừa mới trải qua trận lũ lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, ruộng vườn nhà cửa tan hoang, núi lở đất sạt, giao thông bị tắc nghẽn, hàng chục cây cầu bị hư hỏng phải sửa chữa.
Bão tan, nước rút, người dân Yên Bái đã gồng mình đứng dậy, chung sức đồng lòng khắc phục hậu quả thiên tai. Vừa mới hôm qua, cả thành phố là một công trường, xe chở đất nối đuôi nhau chạy khắp các tuyến đường, phố phường chìm trong khói bụi, nhà hàng, cửa hiệu im lìm đóng cửa. Thế mà trước mùa xuân, thành phố Yên Bái như một phép nhiệm màu., đổi thay kỳ lạ. Cây lại xanh trên những con đường, phố phường rực đỏ cờ hoa. Đường phố sạch tinh khôi như chưa hề có lũ, những cửa hàng cửa hiệu trở lại khang trang, những siêu thị lộng lẫy sắc màu, đầy ắp hàng hóa phục vụ cho người dân vui xuân đón tết. Phiên chợ ngày xuân náo nức lòng người, những đóa hoa tươi, những hàng cây cảnh đã dệt nên sắc xuân của thành phố tương lai. Khi viết bài này tôi nhận được tin vui: Thành phố Yên Bái, hai tuyến đường mới mở nối cầu Bách Lẫm với đường Âu Cơ, nối đường Nguyễn Tất Thành tới cầu Giới Phiên tới cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Hai dự án lớn bên dòng sông Hồng đã khởi công xây dựng: Dự án trung tâm thương mại GO!. Yên Bái thuộc khu vực đô thị mới trên trục đường cầu Bách Lẫm đi cầu Tuần Quán với diện tích gần: 13.000 mét vuông, vốn đầu tư 223 tỷ đồng hoàn thành trong quý 4 năm 2025. Đây sẽ là khu phức hợp mua sắm với các trải nghiệm thú vị đáp ứng nhu cầu của hầu hết các khách hàng với 40.000 sản phẩm bên cạnh khu nhà hàng ẩm thực đa dạng, vui chơi giải trí, nhãn hiệu thời trang.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cách cầu Tuần Quán 3 km nằm trên đất Minh Quân huyện Trấn Yên rộng tới 254.59 ha với vốn đầu tư: 2.184 tỷ đồng do Tổng công ty Viglacera đầu tư xây dựng. Sau 36 tháng hoàn thành dự án sẽ góp phần thay đổi diện mạo một vùng đất hoang sơ, nghèo khó trở thành vùng kinh tế phát triển, tạo động lực để Yên Bái bứt phá đi lên mở ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động.
Thành phố Yên Bái bên bờ sông Hồng đang mở rộng không gian phát triển. Mùa xuân về chở theo thông điệp của ngày mai. Một ngày mai nút giao IC13 nối cao tốc Nội Bài- Lào Cai với Văn Chấn, Trấn Yên sẽ đi vào hoạt động. Kế hoạch 5 năm (2025- 2030), đường sắt cao tốc Lào Cai - Hải Phòng với tốc độ 350 km/h, đi qua Yên Bái, việc đi lại của người dân thuận lợi. Giấc mơ ngày mai về hạnh phúc đang cận kề trước một năm mới. Năm của Đại hội Đảng các cấp. Nghị quyết của Đảng sẽ đi vào cuộc sống để Yên Bái vươn mình hướng tới tương lai.
Ngược sông Hồng lên với Văn Yên thiên đường của cây quế, loài cây đã làm thay đổi diện mạo của vùng đất này. Nơi đây du khách còn được đặt chân đến ngôi đền Đông Cuông vào ngày đầu xuân với phong tục mổ trâu khao quân, lễ rước mẫu sang sông hấp dẫn. Đến Văn Yên trong không khí của ngày xuân bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước tuyến đường rộng mở nối cao tốc Nội Bài- Lào Cai với Văn Chấn- Nghĩa Lộ dài 53 km, và còn nữa, từ Văn Yên đến với vùng đất Ngọc Lục Yên đã có một con đường hơn 900 tỷ đi qua quốc lộ 70 tạo nên vành đai giao thông liên kết Yên Bái- Tuyên Quang- Hà Giang- Lào Cai- Thủ đô Hà Nội.
Miền núi Yên Bái đã thực sự đổi thay. Ngày mới lại bắt đầu nơi vùng xa vùng sâu, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ổn định dân cư để phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững đang là hướng đi của Yên Bái. Hướng đi ấy đã trở thành hiện thực trên vùng đất Lục Yên, nơi tôi đã đến để thả hồn mình chìm đắm trong không gian của lễ hội: Đền Đại Cại, lễ hội chọi trâu, du ngoạn cảnh đẹp vùng quê phố núi, đi chợ đá quý, gặp lại cây cầu Tô Mậu bắc ngang dòng sông Chảy, thấp thoáng trong những vườn cam cháy đỏ dáng chiều để thêm yêu, thêm nhớ: Tân Lĩnh, Mai Sơn, Mường Lai, Minh Chuẩn….
Từ Lục Yên xuôi dòng sông Chảy gặp lại Thác Bà một vùng hồ rộng lớn bao la với 1.350 hòn đảo xanh nổi lên giữa mênh mang sông nước: Hồ Thác Bà đã trở thành: Di tích danh thắng quốc gia. Trong cuộc hành trình du xuân Thác Bà năm nay, tôi đã chọn làng văn hóa Ngòi Tu, trước mắt tôi là những biển chỉ dẫn: Homestay thấp thoáng trong những nếp nhà sàn truyền thống của người Dao quần trắng quây quần bên nhau tạo nên không gian ấm áp thanh bình của người dân đất núi. Thác Bà với những lễ hội tháng Giêng nao nức lòng người: Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội đền Khả Lĩnh, Đền Mẫu Thác Bà, chùa Phúc Hòa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.
Mùa xuân lênh đênh trên sóng nước, biển hồ Thác Bà như thực như mơ, những đảo xanh soi bóng nước, dãy núi Cao Biền hùng vĩ uy nghi. Nơi đây có những làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, đan rọ tôm, làng nghề ấy đã làm nên làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa mô phỏng công việc cấy lúa, làm nương. Tất cả đã làm nên hương sắc mùa xuân tràn ngập núi rừng.
Trước mùa xuân, cả Yên Bái đã bị cơn bão lịch sử đi qua, nhà cửa, ruộng đồng, vườn cây hoa trái bị nhấn chìm trong lũ. Bão lũ đi qua, vượt lên mọi gian khó, hiểm nguy Đảng bộ và nhân dân Yên Bái đã vươn mình đứng dậy trên đôi chân của mình để làm nên những điều kỳ tích. Lúa trải màu xanh trên những cánh đồng, cây trái lại xanh tươi khắp các miền. Nông nghiệp, nông thôn, trụ đỡ của kinh tế đã bứt phá đi lên, những bước đi ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực miền núi phía Bắc.
Mùa xuân gặp lại Yên Bái vẫn tưởng như chưa hề có bão lũ đi qua, tiếng trống trường vẫn vang ngân, tiếng trẻ em vẫn ríu rít đến trường, những ngôi trường mới vẫn khang trang. Bệnh viện trở lại hoạt động bình thường như những ngày chưa bão.
Yên Bái đón một mùa xuân sau bão, gác lại ưu tư để niềm vui nao nức đợi chờ. Nói sao hết về cuộc đời hồi sinh trên con đường rộng mở, vượt qua trở ngại hướng tới tương lai, mãi hòa quyện lòng dân ý Đảng. Yên Bái niềm giao thoa kỳ diệu đất trời trong nắng ấm mùa xuân giữa núi ngàn Tây Bắc.
N.C
Tin khác