Ký của Nguyễn Hiền Lương
Sau Tết Canh Tý, tôi cùng đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái lên Mù Cang Chải thực tế sáng tác. Đã gần hết tháng Giêng mà hoa đào, hoa tớ zảy vẫn thắm cành như muốn níu mùa xuân ở lại, còn hoa ban, hoa sơn tra, hoa lê, hoa mận, hoa mơ đã dệt trắng các sườn núi, lưng đồi, sân nhà; hoa cải thì rải vàng óng trên các thửa ruộng bậc thang suốt từ La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, tới Mồ Dề, Kim Nọi. Được các chị em Mông đi làm nương về vui vẻ nhận lời mời vào chụp ảnh cùng hoa, tay máy nào cũng mê mải bấm máy cho tới hết nắng mới chợt nhớ tối nay, Huyện ủy, Ủy ban đã hẹn đãi cơm đoàn tại Nhà khách Suối Mơ. Cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Mù Cang Chải tối ấy thân mật như người nhà gặp nhau và vui tươi, phấn chấn như Tết vậy. Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên, hào hứng: Vui lắm! Vui lắm. Năm nay nghệ sĩ Yên Bái xông đất, chụp ảnh đầu năm cho Mù Cang Chải thế này, thể nào huyện cũng được mùa du lịch...- Tôi cụng chén Bí thư, cười bảo: Xem ra Bí thư quan tâm đến du lịch thế này thì chả mấy chốc Mù Cang Chải thành miền đất hứa.- Bí thư Yên bỗng trầm giọng- Không dám nói là nghèo nhất nước, song Mù Cang Chải còn nghèo lắm. Nhưng chả lẽ cứ ngửa tay mãi xin viện trợ của tỉnh, của trung ương? Phải làm cái gì đó để tự cứu mình chứ và chúng tôi đã chọn du lịch như một khâu đột phá...
Tác giả bên bãi đá cổ Lao Chải
Nghe tôi hỏi, Mù Cang Chải chọn sản phẩm du lịch nào làm làm trụ cột? Bí thư Yên trả lời ngay: Chúng tôi phải khai thác những tiềm năng sẵn có, đặc thù để tạo thành sản phẩm du lịch thôi. Các anh biết đấy, Mù Cang Chải có tổng diện tích trên 5.000 ha ruộng bậc thang, phân bố ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Năm 2007, 330 ha ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu Phình đã được xếp hạng là di tích Danh thắng Quốc gia cần được bảo tồn. Cuối 2019, Thủ tướng lại ra Quyết định xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, với diện tích 872,19 ha tại 3 xã đã được công nhận, thêm 3 xã Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải. Vậy không chọn ruộng bậc thang làm sản phẩm du lịch trụ cột thì chọn gì? Ruộng bậc thang nhìn ở khía cạnh sản xuất nông nghiệp thì chỉ là phương thức, tư liệu sản xuất của đồng bào Mông song ở bình diện văn hóa, văn minh nó thể hiện sự sáng tạo trong chinh phục thiên nhiên và trình độ canh tác lúa nước độc đáo của đồng bào Mông. Không những thế, nó còn đẹp như một công trình nghệ thuật có một không hai. Chúng tôi dựa vào tính chất này mà xây dựng thành sản phẩm du lịch. Các anh chụp ảnh nhiều, chắc cũng biết, Mù Cang Chải có hơn 10 điểm ruộng bậc thang cực đẹp: núi Rồng, bản Phình Hồ, xã Zế Xu Phình; bản Hấu Đề, đồi Mâm Xôi xã La Pán Tẩn; bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha; bản Sáng Nhù, Màng Mủ, xã Mồ Dề; bản Háng Bla Ha, Háng Gàng, xã Lao Chải .. Căn cứ vào ưu tế này và theo mùa vụ, xây dựng sản phẩm du lịch khám phá danh thắng ruộng bậc thang mùa nước đổ và mùa lúa chín. Nhân đây cũng xin cảm ơn các nghệ sĩ, tác phẩm của các anh đã góp phần lớn trong việc quảng bá hình ảnh Mù Cang Chải, thu hút khách du lịch giúp chúng tôi. Nên tôi mới nói nghệ sĩ nhiếp ảnh lên Mù Cang Chải đầu năm thế này là điềm vui...
Ngừng một lát, Bí thư lại hào hứng chia sẻ: Song du khách đến Mù Cang Chải còn được thưởng thức nhiều sản phẩm du lịch khác kết hợp với khám phá ruộng bậc thang. Các anh biết đấy, Mù Cang Chải nằm trọn dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, độ cao trung bình trên 1.000m so với mặt biển. Địa hình đồi núi, hiểm trở song lại cho Mù Cang Chải cái mà nơi khác không có. Đó là đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng Việt Nam, cả nước biết tiếng. Đèo vừa dài, vừa quanh co uốn lượn, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh. Đỉnh đèo thuộc bản Trống Tông Khúa, cao nhất trên tuyến Quốc lộ 32 nên được gọi là Khau Phạ, tiếng Thái nghĩa là Sừng Trời. Dưới chân đèo...
Không đợi Bí thư Yên nói hết, tôi đứng hẳn dậy, góp lời hưởng ứng: Tôi hiểu ý Bí thư định nói rồi, là bản Lìm Mông, Lìm Thái đẹp như một bức tranh theo phong cách cổ điển và tầng tầng lớp lớp những triền ruộng từ chân núi xếp thành bậc như chiếc thang lên tới tận trời. Vào dịp tháng 5, tháng 6, đồng bào lấy nước về ruộng, cày bừa, làm cỏ, ngâm ủ, chuẩn bị cho mùa vụ mới, những thửa ruộng bậc thang lúc này lóng lánh nước như những tấm gương nơi lưng chừng núi, phản chiếu ánh nắng rực vàng và bầu trời xanh ngắt của mùa hạ, làm cho không gian như rộng hơn, cao hơn. Vào chính hạ ruộng bậc thang đã mơn mởn màu xanh lúa non như những dải lụa thiên thanh vắt vẻo. Đến mùa thu lại như những nấc thang vàng rực rỡ... Mỗi mùa, ruộng bậc thang lại có một vẻ đẹp riêng nên mùa nào cũng có thể khám phá.
Bí thư Yên bắt tay tôi, tươi cười: Nhà văn nói hay và đúng quá. Nên chúng tôi đã khai thác độ cao của Khau Phạ, kết hợp với mùa vụ lúa của ruộng bậc thang để tổ chức sản phẩm du lịch mới Festival dù lượn, bay trên mùa nước đổ và bay trên mùa vàng. Sản phẩm này mới có vài năm mà đã hấp dẫn du khách lắm. Điểm bay dù lượn Khau Phạ được bình chọn là 1 trong 4 điểm nhảy dù đẹp nhất Việt Nam và bay trên mùa nước đổ, bay trên mùa vàng như ở Mù Cang Chải thì độc nhất, vô nhị. Ngoài kết hợp với Festival dù lượn, khám phá ruộng bậc thang còn được kết hợp với Hội thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp, giã bánh giày, giã cốm, vẽ hoa văn bằng sáp ong, chọi dê, Festival khèn Mông, triển lãm ảnh nghệ thuật "Lung linh sắc màu Mù Cang Chải", chợ phiên vùng cao với các loại hàng đặc sản như sơn tra, mật ong, gạo nếp tan, măng ớt, rượu thóc...
Thấy Bí thư tạm ngưng lời, tôi hỏi- Những cái này chúng tôi đã biết. Còn gì mới không anh?
- Có chứ!- Bí thư Yên giọng đầy cảm xúc- Chúng tôi đã khai trương sản phẩm du lịch Lễ hội "Sắc xuân vùng cao", trên cơ sở khôi phục Hội Gầu tào- Sải sán (cầu phúc- cầu an- chơi núi) đầu năm của người Mông kết hợp với trải nghiệm sắc hoa xuân. Du khách được vui hội, trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian độc đáo của đồng bào và thưởng thức vẻ đẹp các loại hoa tớ zảy, ban, đào, mận, mơ, lê, sơn tra, cải dầu, đua nhau khoe sắc. Ngày Quốc khánh 2/9 vừa rồi, chúng tôi cũng tổ chức thành Tết độc lập kết hợp với khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang và bay trên mùa vàng, diễn ra từ 31/8 tới 25/9/2019, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thu hút trên 128 nghìn lượt du khách; cao điểm là ngày 01/9 trên 17.000 lượt khách; ngày 21/9 lên tới 25.000 lượt khách. Bà con nhân dân, khách du lịch gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống của dân tộc Mông. Vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa tạo không khí vui tươi phấn khởi, tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng lại cũng là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Về sản phẩm du lịch cộng đồngvà du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, Bí thư Yên cũng cho biết, các xã có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng là La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Chế Cu Nha và thị trấn huyện. Hiện đã có 65 hộ gia đình đồng bào Mông, Thái làm homestay. Số lượng khách tối đa trên 2.000 lượt khách/ngày. Du khách ăn, ở cùng đồng bào, trải nhiệm những nét đặc sắc trong sinh hoạt, lao động sản xuất, làm các nghề truyền thống. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú với loại hình du lịch này. Họ phấn chấn, hăm hở khi được tham gia hái sơn tra, thảo quả, gặt lúa, se lanh, dệt vải, nấu các món ăn dân tộc. Du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, huyện đã có Ecologe Nậm Khắt, nằm trên một ngọn đồi giữa cánh đồng Hua Khắt, như một cầu nối đa chiều với các địa danh, thắng cảnh xung quanh. Ngoài nghỉ dưỡng trong bầu không khí sạch, thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, hùng vĩ, du khách còn có thể lựa chọn cho mình cách tham quan, trải nghiệm riêng, như đi bộ leo núi, đi tham quan thắng cảnh bằng xe đạp, xe máy, ôtô. Đặc biệt, năm qua, huyện còn tổ chức chương trình văn nghệ quần chúng vào các tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại sân vận động thị trấn. Nhân dân và du khách cùng hát, cùng thổi- múa khèn, tạo nên "Đêm Mù Cang Chải" ấn tượng, khó quên.
Sáng hôm sau, tôi có dịp làm việc với chị Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách mảng văn xã. Chị cho tôi xem Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch năm 2019 của Mù Cang Chải. Đọc xong, tôi thực sự bất ngờ. Quả là trong một năm, huyện đã tổ chức rất nhiều các sản phẩm du lịch cả thường niên lẫn mùa vụ. Và điều đáng phấn khởi nhất là nhờ những hoạt động đó du lịch Mù Cang Chải đã tăng trưởng cả về số lượng khách lẫn doanh thu. Theo thống kê, lượng phương tiện đến địa bàn trong năm là 41.680 xe ô tô, trên 210.000 xe máy, lượng khách là 250.000 lượt, tăng 160.000 lượt so với năm 2018, trong đó khách quốc tế có 37.200 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 93 tỷ đồng, tăng 48 tỷ so với năm 2018. Như vậy là du lịch Mù Cang Chải đang đi đúng hướng, góp phần làm thay đổi bộ mặt miền ruộng bậc thang này.
Tôi hỏi chị Xuyến, lượng khách du lịch lớn thế, Mù Cang Chải đáp ứng thế nào? được trả lời: Hiện toàn huyện có 91 cơ sở lưu trú, trong đó có 26 nhà nghỉ, 65 Homstay, với tổng số 421 buồng, 501 giường, phục vụ khách tối đa 2.200 lượt/đêm. Ngoài ra, trong thời gian cao điểm còn có trên 40 hộ làm dịch vụ ăn, nghỉ, đáp ứng trên 2.000 lượt khách/ đêm. Trong năm 2020 này, sẽ khai trương Resort Thịnh Đạt, trên địa bàn hai xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, liền kề Quốc lộ 32, gần với thị trấn huyện và đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn. Resort Thịnh Đạt là khu du lịch nghỉ dưỡng- sinh thái cao cấp, được thiết kế theo phong cách hiện đại. Nhà chính có bể bơi vô cực. Các biệt thự mi ni, dành cho gia đình, có kiến trúc độc đáo, lạ mắt, bằng các vật liệu tre, tế thân thiện với môi trường. Đan xen giữa các biệt thự và nhà chính là các loại cây bản địa đặc trưng Mù Cang Chải như tớ zảy, đỗ quyên... Tại đây du khách vừa nghỉ dưỡng, thưởng thức các món ăn từ cá hồi và các món ăn dân tộc lại có thể chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp tự nhiên, nhất là cảnh đẹp của ruộng bậc thang Chế Cu Nha. Resort Thịnh Đạt được kỳ vọng là một điểm nhấn trên bản đồ du lịch Mù Cang Chải trong thời gian tới.
Chị Xuyến cũng chia sẻ với tôi về tương lai du lịch Mù Cang Chải bằng bản Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Mù Cang Chải đến năm 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Xem bản đồ quy hoạch mới thấy tiềm năng phát triển du lịch Mù Cang Chải còn dồi dào lắm. Hang Pú Cang, chiều sâu trên 100m, các nhũ đá, măng đá có hình thù lạ và đẹp mắt, đặc biệt, có các các phiến đá giống những bộ bàn ghế được gia công tinh xảo. Thác Rồng, thuộc bản Háng Cuốn Rùa, Zế Xu Phình, cao 25m, khu vực đổ nước rộng, xung quanh là rừng thông bạt ngàn. Thác Hấu Đề, La Pán Tẩn, cao 30m, hoang sơ, hùng vĩ. Thác Nậm Mơ, Mồ Dề, có 3 tầng liên tiếp nhau đổ nước trắng xóa như mưa bụi. Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Chế Tạo, diện tích 20.108,2 ha, nhiều loại động, thực vật quý hiếm, trong đó loài vượn đen tuyền, có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đỉnh Púng Luông, trên 1.985m so với mực nước biển, cao nhất Mù Cang Chải, cảnh quan đẹp, hấp dẫn với những du khách ưa leo núi, du lịch mạo hiểm... Những tiềm năng này như sơn nữ xinh đẹp đang mơ màng trong giấc ngủ từ ngàn đời chờ chàng tráng sĩ có đủ sức lực, khát vọng tới thức dậy.
Phó Chủ tịch Xuyến cho biết, huyện đã chọn mời gọi đầu tư vào một số dự án có tiềm năng mạnh như Dự án khu nghỉ dưỡng kết hợp với trồng cây dược liệu khu vực Tà Cua Y, nằm giữa Chế Cu Nha và Nậm Có; Dự án khu đô thị sinh thái- du lịch Púng Luông; Dự án khu du lịch- nghỉ dưỡng Cao Phạ; Dự án khu du lịch- thung lũng hoa Zế Xu Phình; Dự án Chợ- Trung tâm thương mại Khao Mang; Dự án khu thương mại- du lịch- thể thao Tây thị trấn, xây dựng thị trấn Mù Cang Chải thành thị trấn du lịch, đô thị loại IV.
Tôi hỏi, huyện đã xác định các giải pháp gì để thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững? Chị Xuyến cẩn thận xếp tập tài liệu ngay ngắn, rồi thong thả nói: Bằng học hỏi kinh nghiệm các địa phương đã làm du lịch hiệu quả và thực tiễn Mù Cang Chải, huyện xác định một hệ thống giải pháp từ cơ sở vật chất tới yếu tố con người. Về vật chất sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, đường điện, truyền thông, nhà nghỉ, nhà hàng tại các điểm du lịch khám phá ruộng bậc thang. Phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng như: Mật ong, sơn tra, gà đen, lợn đen, gạo nếp, chè Shan tuyết, các loại rau, củ địa phương theo tiêu chuẩn VIETGAP, các sản phẩm lưu niệm gắn với nghề truyền thống... vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân vừa đáp ứng nhu cầu của du khách. Về yếu tố con người, vừa đẩy mạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ làm công tác du lịch, tập huấn nghiệp vụ cho các hộ dân làm du lịch cộng đồng, các hướng dẫn viên du lịch, vừa tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; công tác bảo đảm an ninh trật tự, môi trường. Đồng thời với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng tập gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch, kết hợp với tăng cường kết nối các tour, tuyến du lịch với các cơ sở làm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Rõ ràng, qua chia sẻ của Bí thư Yên và Phó Chủ tịch Xuyến, tôi nhận thấy, lãnh đạo Mù Cang Chải đã hiểu, đã thấm nhuần tính chất hoạt động du lịch và khát vọng phát triển du lịch Mù Cang Chải đến như thế nào. Họ đã và đang chuẩn bị kĩ lưỡng hành trang cho du lịch Mù Cang Chải cất cánh. Không muốn làm mất nhiều thời gian của Phó Chủ tịch Xuyến, tôi ngỏ ý muốn tranh thủ đi khám phá bãi đá cổ Lao Chải. Chị Xuyến bảo sẽ bố trí xe đưa. Tôi bảo khỏi cần, cho tôi mượn cái xe máy là được. Chị Xuyến vừa điện gọi lái xe, vừa bảo: Có đưa xe máy anh cũng không đi được đâu. Mà ô tô cũng chỉ tới được Trường Tiểu học Lao Chải. Để tôi gọi xã chuẩn bị xe ôm. Quả đúng như chị Xuyến nói, đường lên bãi đá cổ gian nan, hiểm trở. Ngồi sau tay lái đường rừng vừa can trường vừa dày dặn kinh nghiệm mà vẫn thấy thót tim. Nhưng được nhìn tận mắt, sờ tận tay những nét chạm khắc hình tháp, hình trái núi, hình ruộng bậc thang, chim hạc, ngựa trời trên phiến đá cổ không biết ai tạo ra, và có từ bao giờ, đầy huyền bí, cũng bõ công lặn lội. Anh xe ôm Lao Chải bảo, rải rác trên các nương rẫy ở đây có tới 20 phiến đá mồ côi chạm khắc các hình thù như vậy. Đấy là những bài học trên đá, ông Trời làm ra để dạy cho người Mông cách làm ruộng bậc thang. Không biết có đúng thế không, song quả là đến giờ chưa có nhà nghiên cứu nào đưa ra giả thuyết về xuất xứ và thông điệp của những hình chạm khắc trên đá này. Rời bãi đá cổ tôi cứ tiếc chưa xem hết 20 phiến đá, vì không có đường tới. Giá mà có một tuyến đường lên thì bãi đá cổ này cũng là một sản phẩm du lịch đáng giá đấy chứ.
Chia tay Mù Cang Chải, trên đường trở ra Nghĩa Lộ để vào Trạm Tấu, chúng tôi có một đêm nghỉ tại Nhà nghỉ dù lượn Khau Phạ. Chủ nhà nghỉ là một phụ nữ Thái tên Duyên, nền nã, duyên dáng, quê dưới Nghĩa Lộ. Tôi hỏi đùa: Khau Phạ có gì hấp dẫn mà bỏ thị xã lên đây? Chị Duyên bảo, một lần lên Mù Cang Chải thăm con trai làm công an trên thị trấn, qua Khau Phạ, tự nhiên chị thấy như là có duyên tiền định với Khau Phạ, liền đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo huyện. Được huyện đồng ý, chị về, không ngần ngại bán tất cả cơ ngơi dưới thị xã, vay mượn thêm bạn bè lên đúng đỉnh Sừng Trời này mở nhà nghỉ kèm dịch vụ ăn uống. Chị kể, những ngày đầu cũng vất vả lắm, một mình xoay sở đủ thứ giữa nơi đèo heo hút gió này, cực lắm, đã muốn bỏ cuộc. Rồi nghị lực đã giúp người phụ nữ đảm đang, tháo vát, không ngại khó, ngại khổ đã có được cơ ngơi như hôm nay. Nhà nghỉ làm theo kiểu nhà sàn Thái, tầng 1 có 8 phòng đôi khép kín, tầng 2 là sàn ngủ cộng đồng khoảng vài chục người. Nhà ăn thoáng, rộng nhìn xuống những triền ruộng bậc thang bản Lìm, du khách vừa ẩm thực vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp của ruộng. Khu chăn nuôi lợn cắp nách, gà đồi phục vụ du khách.
Đêm ở Khau Phạ đến nhanh và lạnh hơn trên thị trấn Mù Cang Chải. Phải cắm điện đệm nằm mới bớt giá buốt. Sáng dậy, ra khỏi cửa, mây mù đã bọc kín người, luồn vào từng kẽ tóc, giơ bàn tay ra cảm giác có thể vơ được cả nắm mây. Tôi chạy bộ, rẽ mây lên đỉnh Khau Phạ, nơi dựng tấm bia di tích thành lập Đội du kích Khau Phạ, tháng 10 năm 1946. Chợt nghĩ con đèo này không chỉ nổi tiếng vì độ cao mà còn có giá trị lịch sử. Nơi đây Đội du kích Khau Phạ được thành lập và hoạt động suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Quân số ngày càng phát triển. Ban đầu chỉ có 7 đội viên, trong đó có 2 nữ, vũ khí, chỉ có 3 khẩu súng kíp, còn lại là dao nhọn và cung nỏ, sau phát triển tới 200 đội viên. Ba thế hệ đội trưởng: Giàng Khua Kỷ, Giàng Sống Tu, Lý Nủ Chu, người này ngã xuống, người khác lên thay, dũng cảm phục kích chặn đường tiến quân của địch, khiến chúng kinh hoàng gọi họ là những chiến binh mây mù. Dưới kia là bản Lìm Mông đang chìm trong mây. Nơi ấy có nhà của Đội trưởng Lý Nủ Chu. Giá mà từ đây xuống Lìm Mông có một con đường bê tông, giá mà nhà Lý Nủ Chu năm xưa thành nhà lưu niệm Đội du kích Khau Phạ. Chắc chắn sẽ có nhiều du khách rẽ xuống tham quan, tìm hiểu và du lịch trải nghiệm bản Lìm. Bần thần hồi lâu, tôi mới trở về nhà nghỉ ăn sáng. Bữa sáng, có xôi ngũ sắc ăn với thịt trâu sấy xé nhỏ. Vừa làm "chẳm chéo", chị Duyên vừa tươi cười bảo: Tiếng Thái "chẳm", là thức chấm, "chéo" là mùi thơm của nhiều loại hương vị hợp lại. Ẩm thực Thái có nhiều loại "chẳm", tùy thuộc vào chấm đồ ăn gì mà làm “chẳm” cho hợp, song bắt buộc phải có hạt mác khén và hạt dổi giã nhỏ trộn lẫn. Nhìn chị Duyên bồng bềnh trong mây vờn, nhẹ nhàng mà thoăn thoăt chuẩn bị đồ ăn cho thực khách, tôi có cảm giác như sắp được thưởng thức một bữa tiệc trên Tiên giới. Chợt nghĩ, phải gọi người phụ nữ này là người đàn bà trong mây và nhà nghỉ này cũng là nhà nghỉ trong mây mới đúng. Tôi đùa: Anh ấy không còn, sao chị không gỡ tằng cẩu ra?- Chị Duyên cười bảo: Giờ chỉ tằng cẩu với Khau Phạ thôi.
Trên đường vào Trạm Tấu tôi cứ thẩn thơ nghĩ về du lịch Mù Cang Chải, về hình ảnh Bí thư Yên, Phó Chủ tịch Xuyến nói về du lịch, về những người dân Mù Cang Chải làm du lịch mà tôi đã gặp. Vẫn còn nhiều việc phải làm để du lịch Mù Cang Chải khai thác hết tiềm năng, thế mạnh và mang tính chuyên nghiệp. Song từ vùng đất theo nghĩa tiếng Mông là "Đất gỗ khô" (Mù, đọc chệch của Mồ nghĩa là rừng gỗ; Cang, đọc chệch của Căng, nghĩa là khô; còn Chải có nghĩa là đất) có được như hôm nay tôi nghĩ đã là một kì tích. Đặc biệt kì tích ấy có được, bởi trong cái khó những người lãnh đạo Mù Cang Chải đã ló cái khôn, kiên đinh, táo bạo với phương châm: “Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả, về địch sớm” trong công tác chỉ đạo.
Với những gì được chứng kiến, tôi nghĩ du lịch Mù Cang Chải đã cất cánh. Đôi cánh đại bàng núi ấy sẽ còn bay cao, bay xa...
N.H.L