Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm
Ngày đắp đập thủy điện, dân bản tôi dắt díu nhau về nơi ở mới, đi được một đoạn mọi người lại ngoái lại, nhìn mồ mả tổ tiên lần cuối bởi chưa kịp di rời, rồi nhìn cánh đồng ruộng mênh mông, bời bời trên phù sa, nhìn vườn cây trĩu trịt quả, những ao cá lấy nước từ sông Chảy về trong vắt, cá còn quẫy nước lấp lóa, lòng ai cũng nặng trĩu không muốn rời. Nhưng đi thôi, nhường đất để đổi lấy nhiều thứ lớn lao hơn, tất cả cũng vì lợi ích của dân mình, vì tương lai tốt đẹp của bản mình. Đi thôi.
Cả bản tôi vén vào một khu đất xuôi xuôi chân núi Ngàng được gọi là khu tái định cư, phía trước, tháng nữa sẽ đầy nước, phía sau, núi đá trùng trùng điệp điệp. Người nọ nhìn người kia, chẳng ai nói với ai nhưng trong lòng ai cũng lo, nỗi lo mơ hồ về những ngày dài trước mặt. Mỗi nhà được hơn một sào ruộng, làm sao đủ gạo để ăn? Nhà cách nhà gần thế thì nuôi con gà, con vịt, trồng rau, trồng cây ăn quả thế nào? Không có suối thì đào ao ở đâu? Con trâu, con bò quen ăn ở đồng cỏ giờ phải lùa lên núi đá thì sống làm sao? Từng ấy tiền đền bù đầu tư làm gì để duy trì và phát triển kinh tế? Hay chỉ qua một mùa giáp hạt là hết. Mọi người lùi lũi bước, mỗi người một suy nghĩ riêng.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Những ngày đầu ở khu tái định cư thật tất bật, tất cả cùng nhau làm nhà, làm chuồng gà, chuồng trâu, khoan giếng, rào vườn, cấy lúa. Mọi thứ hoàn tất thì nước hồ đã dâng lên đến chân ruộng, chân cọc rào vườn. Nhà tôi sát mép nước. Bố tôi đào một cái hố sâu chừng một mét để nước hồ ngấm vào, coi như nước được lọc qua đất, đấy là giếng. Tôi theo lũ trẻ con cùng lứa lấy can, lấy cây nứa ra hồ bám vào tập bơi, nước mới ăn vào các kẽ chân, kẽ tay gãi đến xước da, chảy nước, vẫn thích. Một thời gian, mọi người dần quen với nước, với núi đá, cằn cỗi, chật chội, chỉ cảnh túng bấn thì luôn khó chịu. Được sự vận động của chính quyền xã, người bản tôi khai khẩn thêm diện tích đất dưới cốt để trồng lúa nước, nghĩa là phần đất ven hồ trơ ra vào mùa nước rút, trồng một vụ, thu hoạch xong nước lại ngập trắng đồng. Nhà tôi khai khẩn được thêm hai sào, nâng tổng diện tích lên ba sào, thành nhà nhiều ruộng nhất bản. Thế nhưng ruộng dưới cốt ngay sát nước đấy mà khô nứt nẻ bởi không có nước nguồn, phải bơm nước từ hồ lên. Nhà nào không có máy bơm thì tát nước bằng gầu, gặp ngày nắng gắt, tát nước cả buổi, hai hôm sau ruộng lại cạn nhe. Vất vả là thế, nhưng có những năm nước hồ lên xuống thất thường, ruộng chưa kịp gặt đã ngập trắng, coi như công không. Tôi nhớ, vụ thứ ba nhà tôi làm ruộng dưới cốt, đến lúc lúa chín thì nước hồ dâng cao, nhấn chìm tất cả, bố tôi phải lặn xuống nước cắt từng nắm lúa, mẹ tôi bơi thuyền, người ướt sũng. Mỗi vụ lúa đối với người dân bản tôi là một canh bạc giữa trời, được mất còn tùy may rủi.
Bố mẹ tôi bàn đi, bàn lại vẫn chưa tìm ra hướng làm ăn. May có đồi đất sau nhà, ít đá hơn những quả đồi khác nên vẫn trồng được cây. Bố tôi làm đơn xin khoanh được năm ha, phát ra trồng keo với bạch đàn mô. Trâu bò vào phá, bố mẹ chặt tre về rào. Rào xong trâu lấy sừng bẩy hàng rào lên, bò xông phi qua hàng rào vào. Bố mẹ đào hào chặn. Sau một năm cây vươn xanh cùng biết bao hy vọng. Sau hai năm cây bắt đầu thối rễ và chết. Sau ba năm cây chết sạch do không hợp đất. Bố mẹ nhìn nhau ngán ngẩm. Bố tôi phát hết đồi cây chết, đốt đi, lấy cây trẩu về trồng. Trẩu là loài cây bản địa, có bộ rễ chùm khỏe ăn phần đất màu bên trên nên phát triển rất nhanh. Mọi nhà trong bản nhìn đồi cây nhà tôi mà phát thèm. Cuộc sống nghèo khó không hẳn do dân lười, dân bản tôi vốn tính cần cù, nhà nào cũng chăm chỉ làm lụng. Bản đua nhau trồng ngô, bới từng hốc đá, vun từng nắm đất màu mà trồng, đến vụ ngô lên leo ngoeo, quả bé tẹo; bản đua nhau trồng sắn, cứ chỗ nào có đất là trồng, mùa thu hoạch, sắn to hơn ngón chân cái, chỉ như một sợi rễ dài. Mấy năm về khu tái định cư, bản tôi vẫn luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo.
Dâng nước được vài năm, hồ bắt đầu có tôm, cá. Đàn ông, con trai trong bản đua nhau đóng thuyền, đi đánh rọ tôm. Việc nhà, việc đồng áng giao tất cho đàn bà, con gái. Bố tôi cũng đóng một chiếc thuyền cốt tre, trát xi măng bên ngoài, vừa rẻ vừa nhanh. Thuyền có chiếc sạp cùng chiếc mui xinh xinh có thể ngủ được hai người. Bố tôi mua năm trăm chiếc rọ tống, loại rọ buộc dây để thả. Lần đầu tiên thấy thuyền, tôi thích lắm, đòi bằng được bố cho đi đánh rọ cùng. Mặt trời gác núi, bầy chim ríu rít gọi nhau về tổ là lúc những chiếc thuyền đánh rọ của bản tôi lặng lẽ ra hồ. Tôi háo hức lên thuyền, cùng bố hòa vào dòng người đi đánh rọ. Trời sầm sập tối, gió thông thốc thổi. Lúc ấy tôi nghĩ, người dân bản tôi chẳng khác gì lũ cò, vạc đi ăn đêm. Mỗi chiếc rọ thả xuống mang theo biết bao hy vọng về một cuộc sống no đủ. Ven bờ, các nhà trong bản lên đèn, từng đốm nhỏ lập lòe, thưa thớt. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền ì oạp, tiếng chó sủa vọng về hoang vắng. Tất cả quen thuộc mà lạ lẫm, đầy háo hức đối với tôi. Đêm ấy tôi thức thật muộn. Bố tôi có vẻ khó ngủ, cứ lật bên này, quay bên kia, lúc lâu lại dậy châm đóm hút thuốc lào, nét mặt gầy gầy trầm tư mịt mờ trong khói thuốc.
Về khu tái định cư, sợ nhất là mùa mưa bão. Chưa bao giờ người bản tôi lại chứng kiến bão lớn và nhiều đến thế, có thể do bản tôi ở cao, cũng có thể do mặt hồ mênh mông không có gì ngăn sức gió. Bão lật mái nhà, bão đổ chuồng trâu, bão gẫy đồi cây, bão nát hoa màu. Sau bão là mưa, mưa sầm sập, mưa sạt núi, lở đá, thối đất, bạc rừng. Trận bão này chưa kịp khắc phục, trận bão khác lại ập tới. Vào mùa mưa bão, người lớn lo lắng, tiếc nuối những thứ bị mất đi, có lẽ chỉ tôi và Sương là hí hửng, không phải hí hửng xem bão mà là sau bão mùa cá vật sẽ bắt đầu. Mưa dứt, nước hồ dâng lên ngùn ngụt. Chỗ các đám ruộng dưới cốt, chỗ có nhiều bụi cỏ, nước xâm xấp hoặc chỗ có nước mới từ khe đổ xuống, cá thi nhau lên vật đẻ. Chao ôi, cá nhiều vô kể, nhìn mà sướng mê. Nhiều nhất là cá chép, đuôi vàng choé, sống lưng nhô lên cả mặt nước, có con nặng những tám, chín cân, sau là cá dưng, cá diếc từng đôi, từng đôi một bám theo nhau, kéo nhau lên thi nhau đập nước ầm ầm. Bố tôi bắc thang tre lên gác bếp lấy cái nơm đã bám đầy bồ hóng xuống. Tôi cũng có một chiếc nơm nhỏ nhỏ, xinh xinh. Tôi đòi bố làm thêm một cái nơm mới nữa cho Sương. Trời tang tảng sáng, tôi vác nơm chạy đi trước bố, sang gọi Sương. Sương thích lắm, mắt nhắm mắt mở cầm cái nơn mới lon ton chạy theo. Ra đến bãi cá vật ven hồ, hễ cứ thấy tiếng quẫy nước ở đâu là bố tôi lao tới, đánh rầm. Tôi và Sương cũng cò rò theo sau bố như một tay nghề thực thụ. Bỗng một con cá ở đâu lao tới đâm khịch vào chân Sương, làm Sương chới với suýt ngã. Tôi hét: “Cá đấy!” và vung nơm đánh rào. Tôi và Sương cùng đè cả người lên. Con cá nằm gọn trong nơm, vùng vẫy khua nước loạn xị, chúng tôi hét vang trời. Khi mổ thịt con cá, bố cắt cái đuôi vàng choé xoè ra như cái quạt bảo tôi mang ra dán lên cột nhà sàn để làm kỷ niệm. Mùa cá vật, cái hũ lớn đặt trên thích nước nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp cá. Mẹ tôi mang cá ra chợ bán. Chợ xa, đôi dậu trên vai mẹ kĩu kịt, để khi về lại có bao nhiêu là quà. Đó là thời gian ấm cúng nhất gia đình chúng tôi quây quần cùng nhau bên nồi cá bung ấm sực. Ngày, tôi cả Sương chỉ loanh quanh ngoài bãi cá vật. Úp được nhiều cá, tôi mang về cho mẹ mang ra chợ bán, còn Sương đem về cho bố mổ ra, treo đầy dưới xá, cá khô lại, để ăn dần trong mấy tháng. Nhìn tôi và Sương quấn quýt bên nhau, bố mẹ tôi cười tủm tỉm: “Nhìn chúng nó cứ như hai anh em ruột ấy nhỉ”.
Sương là con chú Khảnh, sát cạnh nhà tôi, hai nhà sâu nhất khu tái định cư. Ở bản cũ, nhà Sương cách nhà tôi những cây số. Chú Khảnh với nhà tôi chẳng có anh em họ hàng gì. Về bản mới, ở cạnh nhau, cả bản đều như anh em họ hàng, bố tôi và chú Khảnh vẫn thường góp công hoặc đổi công nhau khi nhà có việc quan trọng. Chú Khảnh là người duy nhất trong bản được học hành tử tế, nhưng chẳng hiểu sao mãi người ta vẫn chưa xếp được việc cho chú. Chú cao, to, mặt vuông chữ điền, mắt xếch, đẹp trai, ăn nói khôn khéo, hát hay. Có đám hát pựt hay hát khắp nào, giọng chú Khảnh cất lên là tất cả lặng phắc. Sương ít hơn tôi một tuổi, da trắng hồng dù phơi nắng suốt ngày, đôi mắt tròn to, đen láy. Sương học lớp bảy, tôi học lớp tám. Tôi vẫn thường gọi Sương đi học, con đường đi tắt qua cánh đồng cỏ may, vượt qua một quả đồi đầy hoa mua tím là đến trường.
Người bản tôi đi đánh rọ tôm không giàu lên được. Chỉ thấy nét khắc khổ sâu hơn, bàn tay bợt bạt nhặt về chút tôm, cá ít ỏi. Cái đói, cái nghèo vẫn luẩn quẩn trong bản. Cái đói, cái nghèo khiến cho nhưng tăm tối và thói ích kỷ có dịp nảy mầm. Bản có người trộm gà, vịt mang lên thuyền ra hồ đánh rọ; bản có người trộm dê, chó đem xuống thị trấn bán. Hôm trước nhà ông Sàng mất một góc nương ngô, hôm nay nhà ông Tọng mất một nửa ruộng lạc. Người trong bản ngày ngày chạm mặt nhau, ai như thế nào đều biết cả, chỉ có vài kẻ thôi, là ai, có thể đoán ra, mỗi tội không bắt được tận tay, day tận trán. Mùa tôm ăn ở vùng nước sâu, bố tôi đi đánh rọ xa và ít về hơn. Kẻ trộm biết nhà tôi chỉ có hai mẹ con nên lấy mất gần hết đàn vịt. Một đêm trăng sáng, tôi đang tắm ngoài thích nước thì thấy một bóng đen vụt qua vườn rồi nấp sau bụi chuối, trong ánh sáng mờ mờ tôi vẫn nhận ra hai con vịt bị bẻ quặt cổ ra đằng sau. Tôi chạy vào gọi mẹ. Mẹ tôi cầm cái nỏ đã chuẩn bị sẵn tên, chạy xuống bãi. Phựt, phựt, phựt! Ba phát nỏ mẹ tôi bắn về phía bụi chuối. Bóng đen vụt đi, chân phải giật cà nhắc, có lẽ đã trúng tên. Tôi nói: “Mai con bảo bố mua cái bẫy hổ về đặt ở cửa chuồng vịt”. Mẹ tôi bảo: “Trẻ con chỉ cần chơi và học, đừng để ý những chuyện đó làm gì, vài năm nữa bản giàu lên sẽ hết trộm thôi”. Tôi hỏi: “Khi nào bản mình giàu?”. Mẹ tôi lặng im.
Một tuần bố tôi về một lần, ngủ nhà một đêm, lấy gạo, thức ăn rồi lại đi. Đêm nào bố cũng thức muộn, ngồi bên cửa sổ, vai vác cái điếu cày phả khói liên tục. Có lần mẹ tôi buột miệng: “Ước gì như bản cũ...”. Bố tôi gắt: “So gì bản cũ bản mới, trách là trách ở con người...”. Bố mẹ tôi ngồi nói chuyện với nhau, nhìn như hai bức tượng gỗ mun phát ra tiếng nói trong ánh đèn dầu tù mù. Mẹ tôi lại bảo: “Ước gì bản có điện! Nhà mình thắp ra vài cái bóng thì trộm đâu dám đến”. “Hôm nọ họp, chú Lình trưởng bản bảo bản mình ở tách biệt, lại ít hộ dân, kéo điện đến thì xa và tốn kém lắm...”. Bản tôi ở trên cao, nhà tôi lại ở lưng chừng đồi nên từ cửa sổ chỗ bố ngồi có thể bao quát tất cả. Phía dưới kia là hồ nước, dưới xa nữa là thị trấn huyện lung linh ánh điện. Gần chục năm nhường bờ xôi ruộng mật, mồ mả tổ tiên để làm thủy điện, giờ nhìn ánh điện lung linh phía xa xôi người bản tôi khao khát bao nhiêu thì tủi thân bấy nhiêu. “Rồi sẽ có điện thôi! Người ta đang triển khai... phải biết nhường cho lợi ích lớn trước chứ...”.
Tôi vẫn cùng Sương đi học, chiều cùng lũ trẻ trâu trong bản chơi đủ trò trên đồi mua. Chơi chán đến khi trời dịu nắng, tôi và Sương lại đi riu tép. Thời gian này tôi thấy Sương có vẻ xanh xao và mệt. Có hôm đang riu tép, Sương lảo đảo khụy xuống. Tôi hốt hoảng dìu Sương lên bờ. Sương nằm trên bãi cỏ, mắt nhắm nghiền. Tôi run run đặt tay lên ngực Sương xem tim Sương còn đập không thì Sương tỉnh, em bảo: “Em chỉ bị choáng tí thôi”. Chú Khảnh mua cho Sương một cái xe đạp, chiếc xe màu hồng thật xinh. Những chiều không đi riu tép Sương rủ tôi tập xe đạp. Chúng tôi đi lòng vòng trên đồng, hoa cỏ may găm đầy quần, áo. Tôi hỏi: “Bố Sương lấy đâu ra nhiều tiền thế!”. Sương bảo: “Bố em đi lên rừng tìm cây thuốc để bán đấy. Bố đi sớm lắm, đi từ khi em chưa dậy cơ”.
Đồi cây nhà tôi sắp đến tuổi khai thác, những cây to có thể bán tỉa được đều bị cắt trộm. Mẹ tôi rình trộm cả ngày, cây vẫn bị mất. Tên trộm thật tinh vi, mỗi lần hắn chỉ cắt độ hai, ba cây, đâm xuống dốc phía bên kia đồi rồi lấy cưa cắt ra, cho lên xe máy chở ra xưởng gỗ ngoài trung tâm xã bán, phi tang rất nhanh. Bố tôi ức lắm, nghỉ đánh rọ một tuần quyết rình bắt bằng được tên trộm cây. Trời chưa sáng rõ, tôi tỉnh dậy bởi tiếng lục cục và tiếng bố gọi mẹ: “Mình ơi, ra mà xem mặt tên trộm này!”. Tôi tung chăn chạy xuống cầu thang. Trước mắt tôi, chú Khảnh bị bố trói quặt tay ra đằng sau. Trời ơi, sao lại có thể thế được. “Tên trộm cây đấy, mình xem, lạ lắm phải không. Con hổ vằn ngoài, con người vằn trong mà! Tôi phải đưa lên công an xã cho ra chuyện”. Mặt chú Khảnh cúi gằm. Giọng chú trở nên lý nhí: “Trước khi bị bắt giam, em xin anh chị đừng để cái Sương nhà em biết, em vẫn nói dối nó là đi tìm cây thuốc để bán. Hãy để nó nghĩ bố nó luôn là người tốt. Để ký ức tuổi thơ của nó chỉ có những điều tốt đẹp. Để sau này nó khác bố nó...”. Vai chú Khảnh rung lên, chú khóc, tiếng khóc chỉ khục khục trong ngực. “Cái Sương nhà em bị bệnh tim, phải mổ. Bần cùng quá anh ạ. Em đang chờ việc ở xã, bao nhiêu năm vất vả học hành... nếu em bị truy tố thì chẳng còn cơ hội đi làm nữa...”. Bố mẹ tôi lặng nhìn nhau. Bố tôi lại bên chú Khảnh, nhẹ nhàng cởi dây trói.
Mây đen kìn kìn kéo về, rồi mưa. Mưa sầm sập cả tuần liền. Nước hồ dâng đầy các chân ruộng dưới cốt. Tôi lấy cái nơm xuống, thấp thỏm đợi trời tạnh mưa. Mưa ngớt, tôi vác nơm chạy qua nhà Sương gọi to: “Sương ơi cá vật rồi!”. Không có tiếng trả lời. Tôi chạy lên nhà Sương. Ngôi nhà trống hoác. Chú Khảnh đã đưa vợ con bỏ bản đi lúc nào, đi đâu, không ai biết. Tôi vác nơm về, nước mưa hòa trong nước mắt. Sương ơi! Ngoài kia, mùa cá vật đã bắt đầu.
N.Q.K