Ký của HOÀNG XUÂN LÝ
“Từ chợ Tho xã Nghĩa Tâm cứ đi lên phía UBND xã, đường nhựa rộng lắm, thẳng lắm, có vạch kẻ phân cách hẳn hoi, chỉ vài bốn phút là tới!”
Tiếng anh Bí thư Chi bộ thôn Khe Chì Nguyễn Văn Lâm, qua điện thoại khiến tôi phấn chấn, quên đi quãng đường hơn sáu chục cây số, đường quanh co gấp khúc, trời ngập sương sớm và giá lạnh. Quả thật, vừa tới đầu xã, vèo cái đã thấy mình lướt trên con đường nhựa láng bóng. Qua Chợ Tho, đi thêm một đoạn, bên phải, tôi thấy tấm biển HIỂN CỐNG treo trước ngôi nhà xây hai tầng, nằm thọt lỏn cuối sân. Nửa ngoài, một không gian thoáng rộng, ước tới trên 200 m2. Gia chủ trưng bày đủ các mặt hàng thành phẩm, do chính cơ sở sản suất của anh làm ra. Nào: cống đủ các kích cỡ phục vụ hệ thống cầu đường đến ao, hồ, cống, rãnh; gạch bột đá, gạch ốp lát vỉa hè, công viên. Hình thù đa dạng từ: chữ nhật, dấu ngã đến tứ, lục, bát giác chuẩn theo đơn đặt hàng.
Chủ nhà mà tôi cần tìm đây rồi. Dừng xe, tôi gọi toáng mà chẳng thấy gia chủ hồi âm. Dạo quanh sân, tôi trân trọng vuốt ve từng mẫu vật và gật gật. Cô chủ hàng bánh chưng, mứt kẹo kế bên lên tiếng:
- Anh tìm giám đốc “Cống”?
Tôi gật đầu. Cô hàng bánh chỉ tay về phía cái ngã ba cách đó bốn căn hộ:
- Anh tới đó rẽ trái. Cả nhà ảnh làm việc tại xưởng.
Hóa ra tay cựu chiến binh Hiển “Cống” có cả Xưởng sản xuất cơ đấy. Làm ăn lớn ra trò. Chẳng trách, tiếng tăm Giám đốc “Cống” vang như sấm. Rẽ trái đi vào phía UBND xã, đường nhựa mới trải áp phan rộng thênh thang. Bên phải, sát lũy tre làng, gạch lát vỉa hè màu hồng lịm xếp thành dãy dài hàng trăm mét, chất cao như dãy tường thành thời trung cổ. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ là gạch đỏ đóng kiêu của HTX kinh doanh vật liệu xây dựng Tam Hồng kí gửi.
Đi hết bức “tường thành” là tới cơ sở sản xuất. Bí thư Lâm hồ hởi đón tôi tại đây. Bí thư bảo, giám đốc “Cống” cưỡi xe cẩu đi giao gạch lát từ canh ba, canh bốn. Nghe nói mãi trong thị xã Nghĩa Lộ. Như chủ nhà chính hiệu, Bí thư Lâm dẫn tôi vào thăm tổ đúc cống công trình lõi thép. Tổ có ba người, hai nam, một nữ. Chị tổ trưởng tuổi ngoài ba mươi, đẹp người lại giỏi nghề. Cô kiêm cả kế toán. Hai chàng trai còn lại mới hăm ba, hăm bốn vừa truyển dụng. Nhìn đống cát, sỏi sông Lô vàng ửng, tôi hỏi cô tổ trưởng:
- Vùng này sẵn đá xanh 1-2- 3 mua nhồi rẻ hơn sỏi sông Lô em ơi?
Mắt không rời cỗ máy đảo bê tông, đôi môi hồng nở một nụ cười, em bảo:
- Đá xanh mềm, sắc nhọn, dễ gãy. Kết cấu bê tông có độ kênh. Chắc đâu bằng sỏi. Sỏi, cát sông Lô đạt tiêu chuẩn OCCOP rồi anh ạ!
Dứt lời, em giải thích. Làm nghề gì cũng có cái bí quyết của nó, vừa “gia truyền”, vừa “cổ truyền”. Mỗi cơ sở có một bí quyết, từ nhập nguyên liệu, đến cách pha trộn. Ví như: gạch bột đá xưởng em dùng xi măng P400 Tuyên Quang, tỉ lệ 1-3 mới đạt tiêu chuẩn xây các công trình kiên cố. Cống dùng xi măng P300 Hải Phòng, Bỉm Sơn vừa rẻo lại chết từ từ, tỉ lệ 1 xi- 2 cát- 3 sỏi. Dù gì cũng phải đạt chuẩn chắc bền, vừa lòng khách hàng.
Hóa ra là vậy. Nghề “chơi” với: sắt, xi măng, sỏi, cát…cũng lắm công phu.
Tay xách chiếc máy dung, cô tiếp:
- Công nhân trong cơ sở đều là lãnh đạo tuốt tuột. Mọi người bảo nhau cùng làm, cùng hưởng. Muốn lương cao, phải cày. “Cày” ra thật nhiều sản phẩm chất lượng cao. Trước kia, bọn em chỉ làm cỏn con trong vài tháng cuối năm. Số lượng ít, tiêu thụ chậm. Việc nặng, ngày công thấp tẹt, anh em chán nản bỏ nghề gần hết. Bởi dân mình nghèo. Bây giờ khác rồi, đồng bào Mông từ Nhe Nhao, đồng bào Dao Liên Thành, Khe Thập giàu lên nhờ Chính phủ. Nhà nước cấp giống cây trồng và phân bón, lại có kỹ sư về hướng dẫn. Đất hoang, đồi trọc thành vườn rừng xanh mướt mát. Hoa dại nở tứ mùa. Dân có tiền, họ tậu cả máy múc, gọi đặt cống dưới lòng khe để mở đường khai thác gỗ keo, quế, bồ đề. Dưới thung, đồng bào chặn suối, đào ao thả cá. Nhờ đó mà tổ cống của em làm không đủ bán, phải điều công nhân từ các tổ khác sang cùng làm. Xưởng sản xuất cũng trở thành tổ đổi công. Công nhân trong xưởng việc gì cũng biết làm. Lại thêm đường rộng, hàng hóa thông thương. Xe cẩu hai chân vào tới bản trên, xóm dưới. Chí ít công nông cũng cõng được một bi cống vừa, vào đến ngõ hẻm. Giá cả “mềm”, cống lớn lõi thép công trình, đường kính lòng 1,3 mét triệu mốt một bi; cống tầm trung tám trăm; cống vừa bốn trăm, cống nhỡ hai trăm; cống nhỏ 50 ngàn đồng. Tiền nào cỡ ấy anh ạ! Lương tháng bình quân mỗi người đạt sáu đến tám triệu đồng. Mọi cái đều thuận tiện, bọn em yên tâm bám nghề quanh năm tứ thời. Quên béng cả Tết!
Nghe chị tổ trưởng nói, tôi hào hứng, giục Bí thư Lâm dẫn đi thăm “vườn cống công trình” đặt trong vườn vầu trước xưởng. Thôi thì đủ loại, từ cống lớn đến cống nhỏ. Tôi mạnh dạn gọi tổ tiên nhà cống bằng cái tên âu yếm: cống cụ, cống ông, cống bà; cống cha, cống mẹ đến cống con, cháu, chút, chít nằm la liệt trong lòng nhau dưới tán vầu xanh biếc. Tôi nhẩm sơ sơ cũng vài trăm các loại. Bí thư Lâm cho biết, số cống này đã có chủ. Ăn Tết xong đưa cả lên dốc Diềm, Khe Nhao. Đặc biệt là công trình hồ nước ngọt Đồng Măng bên Trung Sơn, Yên Lập, Phú Thọ. Tôi thán phục Bí thư thôn. Hắn đúng là tay “ma xó” đã lên chức “lão”. Nhà nào, công to, việc nhỏ, gì gì hắn cũng tường. Chẳng trách hắn trúng Bí thư thôn Khe Chì trên sáu nhiệm kỳ.
Chân lâng lâng, chúng tôi bước sang tổ lăng, bia đá. Tổ có hai người đàn ông đứng tuổi. Cả hai nghệ nhân đang hì hụi pha sơn kẻ, vẽ như một họa sĩ chính hiệu. Họ miệt mài làm đẹp cho những người quá cố. Biết ý định của Bí thư Lâm, tôi xua tay để giữ sự bình yên cho các anh làm việc và chuyển sang tổ ép gạch bột đá, gạch vỉa hè. Cuối cùng là phòng phun sơn. Phòng này do vợ giám đốc phụ trách. Đông quân nhất vẫn là tổ gạch ốp lát, có tới 5 người, 3 nam, 2 nữ. Cộng trên đầu ngón tay đã 13 công nhân đang làm việc. Tiếng nói cười, tiếng máy ép, máy doa, máy cắt “thì, thình, thụp, xụp, xòa” hòa quyện, níu kéo đến là vui.
Theo tay chỉ của chị công nhân, tôi thấy một chiếc xe cẩu màu đỏ dừng trước xưởng. Tài xế mở cửa bước xuống. Chân đi có phần cà nhắc. Miệng cười ha hả:
- Toàn người mình cả. Thấy bảo có khách đã tưởng mấy cô ngân hàng Nông nghiệp vào thẩm định cho vay vốn. Ai dè…
- Dè… tới tán chuyện tào lao phải không?- Bí thư Lâm đỡ lời.
- Đâu có. Cô kế toán báo cáo trong điện thoại. “Xưởng có khách tỉnh, khách thôn vào thăm”. Vinh dự quá. Mời các anh vô phòng khách.
Chẳng cần giới thiệu, tôi dám chắc đây là giám đốc “Cống” liền nắm chặt tay anh:
- Giám đốc trẻ quá.
Hiển “Cống” đưa một tay gãi tai:
- Lại được lá phiếu của anh tâng em lên chức rồi.
Tôi tiếp:
- Hàng chất cả núi. Bán khuya về sớm. Vay vốn làm chi nữa chú?
- Nói là nói thế. Cơ sở em ba năm nay không phải vay vốn anh ạ. Mắc vay trả lãi căng lắm. Quay đi, ngoảnh lại đã hết tháng.
Đang vui, Hiển “Cống” khoe: dịp này, ngày chạy ba chuyến gạch lát vỉa hè đi Nghĩa Lộ. Mỗi chuyến năm kiêu. Một kiêu 15m2. Một mét vuông bằng 41 viên. Chủng loại: 10x20x5 nặng 3kg/1 viên. Cộng lại trên 10 tấn hàng/chuyến. Hàng chạy, tiền tươi, giá hiện tại 95 ngàn đồng/1m2. Hàng cẩu xuống, tiền tra vô ví. Gạch vỉa hè cơ sở em trải từ Ba Khe vào Suối Bu, Đồng Khê, Sơn Thịnh… Hiển “Cống” đang hào hứng thì tiếng chuông điện thoại réo. Nghe máy xong, “Cống” cười kha khá:
- Lại đơn hàng nữa mấy anh. Khách đặt 5000m2. Ngay giờ chạy gấp 300m2 lên Homestay Hương Rừng.
Mừng quá, Hiển “Cống” ôm lấy tôi như anh em ruột lâu ngày mới gặp:
- Tết đến, cán bộ vào. Cống, gạch lại đỏ lên. Chiều nay, cẩu gạch lên xe, hai anh đi theo em. Gần đây thôi. Chỉ ba cây số. Ta thăm thú đó đây.
Hiển “Cống”! Tôi kêu hẳn tên húy cho thân tình. Bởi anh chào đời trong lòng chiếc cống làng, tại thôn quê Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình. Chuyện dài lắm, đại loại vào buổi trưa hè nắng tháng 5, mẹ anh theo chồng đi vợt tép trú nắng ngoài đồng. Biết mình trở dạ, bà mẹ trẻ kêu chồng dìu vào lòng cống ngồi nghỉ. Nào ngờ chị vỡ ối rồi cậu bé Hiển tí xíu cất tiếng khóc chào đời. Liền đó, cái tên húy Hiển “Cống” theo anh suốt cuộc đời. Năm 1978, “Cống” theo cha mẹ lên khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới tại HTX Tho. Nay là thôn Khe Chì. Hết cấp III Văn Chấn, Hiển “Cống” nhập ngũ, lên tới chức Tiểu đội trưởng. Trong lần cứu hộ, cứu nạn chống lũ lụt tại Thanh Ba, Hiển “Cống” cứu được cụ bà qua Ngòi Đồng Sâu thì anh trượt chân rơi xuống miệng cống. Dòng nước lớn hút anh qua 10 bi cống đại sang bên kia ngòi. Nhờ bơi lặn giỏi, anh thoát nạn. Vào tới bờ, Hiển “Cống” biết mình dập ống chân trái. Từ Tiểu đội trưởng tiềm năng phất lên, bỗng thành bệnh binh. Sau ba tháng nằm viện, Hiển “Cống” ra quân và xin học nghề lái xe tại Trường lái Quân khu II Bạch Hạc, Vĩnh Tường. Lấy bằng C lái ô tô, anh về quê với bên chân “cà nhắc” mà mắt thường ít ai để ý.
Thầy, u anh- ông Hiền, bà Kếnh đôi uyên ương trời sinh, có tay nghề nhồi đúc cống lão luyện “gia truyền” từ Binh chủng Công binh Trường Sơn. Giải phóng Miền Nam, ông bà nên vợ chồng. Lên núi đành khoanh tay ngồi chờ thời cơ phục nghề. Cho tới năm 1989, nhà nước xóa bỏ bao cấp. Đường giao thông nông thôn mở ra. Xi măng, sắt thép, sỏi, cát vào tới chợ Tho. Ông bà mua xỉ than, trộn xi măng đóng gạch vồ bán lẻ cho bà con xây chuồng lợn, bếp núc... Và về quê Thái Bình đặt khuôn đổ cống. Có cống, ông bà chặn khe suối đắp hồ, ao thả cá. Đồng bào thấy hiệu quả, nhà nhà học làm theo.
Con trai về, có bằng lái xe hẳn hoi. Ông bà Hiền Kếnh rút tiền tiết kiệm, cưới cô con dâu người Tày cùng thôn cho Hiển “Cống”; tậu luôn cái xe công nông bốn bánh. Mở đại lý bán vật liệu xây dựng đầu tiên ở khu vực chợ Tho.
Thầy, u già. Đôi vợ chồng trẻ thừa kế gia nghiệp. Anh, chị có ý định thành lập Công ty với quy mô 15- 30 lao động. Hiển “Cống” tâm sự, có lẽ mình nợ duyên với cống. Sinh ra trong lòng cống. Lớn lên nhờ thầy, u làm cống. Thành bệnh binh cũng chui qua lòng cống. Nay làm chủ cơ sở sản xuất cũng nhờ cống mà nên. Nhớ ngày đầu, vợ chồng chỉ làm cò con giữ nghề, câu khách. Sau thuê một hai người làm theo thời vụ. Dần dàng, hàng có uy tín, chất lượng. Làm ăn ngày một khá. Mình quyết định đầu tư cho nghề. Sản xuất tại gốc, bán tận ngọn. Cống lớn, gạch nặng. Số lượng khủng, mình mua xe cẩu đời mới. Chỉ ngồi trên ca bin điều khiển. Dễ hơn tời nước giếng khơi. Tiện lắm mấy anh ơi! Chỉ cần một người phụ là cẩu cả chục tấn hàng chỉ trong vài ba phút. Chẳng bù cho ngày trước, kê bắp gỗ, tời bằng dây thừng. Thuê bốn người mới đưa được cống lên, xuống xe. Hiện tại cơ sở đang thường xuyên có 14 thợ làm một ca, vào ban ngày. Gia đình thuê cấp dưỡng, nấu cho thợ ăn trưa, còn lại giao khoán thành phẩm. Năm một lần cử công nhân luân phiên về Thái Bình hoặc lên khu công nghiệp An Hòa-Tuyên Quang bổ túc tay nghề cho anh, chị, em. Mọi chi phí, gia đình chi trả hết.
Tôi đưa mắt nhìn ra vườn cống, núi gạch thắc mắc:
- Tại sao hàng có uy tín. Bán chạy như tôm tươi thế này mà chú lại chưa chọn cho mình một thương hiệu?
Hiển “Cống” thật thà:
- Có. Em có ý định và đã làm tờ trình thành lập công ty. Lúc đó, tất cả: gạch, cống, lăng, bia sẽ mang tên “Yên Thái”
Sắp tới, khi được phép thành lập công ty, em sẽ vào thị xã Nghĩa Lộ thuê đất khu công nghiệp Phù Nham, mở phân xưởng II. Cước phí vận chuyển giảm. Khách hàng hưởng lợi. Em chạy đi, chạy lại. Ngoài này giao hẳn cho vợ quản lý. Dứt khoát em sẽ thành công.
Chủ, khách đang nở chuyện thì chị Hương, vợ Hiển “Cống” cùng cô nhà bếp đệ ba mâm cơm lên bàn. Phảng phất mùi thơm của bánh chưng xanh, mùi ngậy của thịt gà đồi luộc nóng hổi, rắc lá chanh. Nào xôi ba màu, thổi bằng lá cơm đỏ, cơm tím, nghệ vàng, gạo ngâm ủ nước lá qua đêm; Nào thịt lợn nướng, luộc, quay; nem chua Tày, làm bằng thịt mông nóng. Mỗi mâm một bát tô tiết canh đông chặt, thả mấy lát gan mỏng, rắc lạc đỏ lật úp không rớt. Tất cả được chế ra từ chú lợn bản kẹp nách. Đồ nhậu, trải lá chuối rừng đổ đầy mâm. Nhìn ba mâm cỗ, tôi đùa:
- Ăn ca mà như này ư. Thưa bà chủ.
Chị Hương nhìn tôi:
- Ngày trước khó khăn. Hăm chín, ba mươi mới được đụng vài kí thịt lợn ăn Tết. Bây giờ thịt ăn quanh năm. Hôm nay các anh tới, xưởng em tổng kết luôn. Chờ mọi người nhấp môi chén đầu. Bí thư Lâm mới nói:
- Dâu Tày mà đảm việc người Kinh đáo để. Khéo nuôi hai con ăn học. Trai lớn lớp 10, gái út học 5. Năm nào chúng cũng rinh về cho bố, mẹ bằng cái giấy chứng nhận học sinh giỏi xuất sắc. Với bà con dân bản, khách hàng mua gì, cô vừa bán, vừa phát lộc về nhà.
Trong suốt bữa cơm tổng kết cuối năm, chuyện cứ nở như pháo hoa. Họ tự “tố” tôi mới biết. Công nhân ở đây nhà nào cũng khá giả. Con ngoan, gia đình hạnh phúc; nhà xây kiên cố, có máy điều hòa, tường treo ti vi. Dưới bếp đặt máy giặt, tủ lạnh hai buồng. Đi làm bằng xe máy, xe điện. Chúng tôi ép nhau ăn. Rượu chỉ nhắp một chút cho đỏ môi.
Chiều muộn, tôi chia tay mọi người. Tình đất, tình người, tình quê sáng trong. Hình ảnh những con người cần cù, sáng tạo, tâm huyết với nghề đã cho tôi cái cảm giác tuyệt vời. Họ là những nụ hoa sơn cước, đang nở dưới trời xuân.
H.X.L