Tấm lòng quý hơn dược liệu
Ký của DƯƠNG THU PHƯƠNG
Như khi bắt gặp một cảnh đẹp, bạn đưa máy lên chụp ảnh, bạn muốn lưu giữ mãi cảnh đẹp đó với thời gian. Khi nghe kể về cậu ấy, tôi quyết định đi hơn trăm cây số đường nhựa và khoảng 5 cây số nữa đường đất để gặp cho bằng được, không chỉ để ghi lại cho mình mà để lan tỏa về một nhân cách đẹp, một tấm lòng đẹp như thuốc quý. Cậu ấy là Vũ Quyết Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nuôi trồng dược liệu Bình An, xã Cảm Nhân.
Cậu ấy đón tôi trong ngôi nhà sàn nhỏ đặc trưng của người Tày vùng cao Tây Bắc, trong mùi hương thơm dịu ngọt thoang thoảng bay đến từ vùng cây dược liệu quanh nhà. Tôi trả lại cậu bằng vẻ ngạc nhiên thảng thốt. Cậu còn quá trẻ so với những gì tôi tưởng tượng.
Như hiểu ý tôi, cậu ấy bảo “Bây giờ trẻ hóa rồi chị ạ. Người trẻ giàu và giỏi lắm. Em thì có là gì đâu”. Người quê vẫn thế, hồn hậu đến khiêm nhường. Em chưa giàu, chưa giỏi như nhiều người khác, nhưng em là niềm cảm hứng với sức vươn lên mạnh mẽ, với cách nghĩ và tấm lòng nhân văn ít ai có được. Tôi đã tin như vậy.
Kết thúc những năm học phổ thông, chàng trai ấy trở lại quê gốc Nam Định để học lớp Trung cấp kinh tế, mong muốn thoát cảnh quê, thoát cảnh nghèo với mảnh đồi bạc màu và những khuôn ruộng bé tẹo, chân được bước trên những con đường nhựa thẳng tắp, phẳng lỳ thay vì những con đường đất đầy sườn dốc của khu vực vùng III miền núi. Có lẽ vì sợ cái nghèo đeo đuổi nên anh trai, chị gái cũng tìm cách thoát ly. Người lên Sơn La, người đi Hòa Bình lập nghiệp. Tôi ám ảnh quê tôi một thời, thanh niên trai trẻ cứ rời làng, xa nhà, để lại những xóm thôn cô quạnh với người già và trẻ nhỏ. Không chỉ đơn giản là đi lên thành phố mà đôi khi còn vượt biên ra nước ngoài. Đôi khi thứ họ mang về không phải là tiền bạc, sự khôn lớn mà những ước mơ vỡ vụn, thậm chí có những người trở về nhà trong thân xác đông cứng của nhiều ngày nằm trong xe ướp lạnh. Nhưng sao ngăn được dòng người khi cuộc sống vẫn phải mưu sinh.
Với chàng trai này, ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng không thành sự thật. Khi ở quê, kiếm được đồng tiền đã khó, giờ người mẹ lại đau ốm quanh năm, tiền thuốc còn chẳng đủ nữa là tiền cho anh ăn học. Thắng phải bỏ dở việc học đi làm cho các công ty. Sau đó, cậu cũng mày mò, học hỏi rồi mở một cửa hàng thủ công mỹ nghệ nhỏ. Như tay chèo yếu va vào gió mạnh, cậu thanh niên chưa đầy 20 tuổi với quá ít kinh nghiệm quản trị cũng như hiểu biết về ngành hàng và sự phức tạp chốn thương trường nên nhanh chóng thất bại. Cậu trở về quê với 2 bàn tay trắng và nỗi thất vọng lớn. Ở nhà một năm, cùng với thời gian đưa mẹ qua hết bệnh viên này đến phòng khám nọ mà không có kết quả, cậu nói với mẹ “Con sẽ phải tìm được thuốc chữa bệnh cho mẹ”. Lời hứa ấy là hành trang là động lực, là mục đích để Vũ Quyết Thắng rời khỏi nhà lần thứ hai.
Chẳng có gì trong tay ngoài sức khỏe của một cậu thanh niên bẻ gãy sừng trâu, Thắng lên Lào Cai và đạp xích xô. Tôi khá thắc mắc trước quyết định này và được cậu giải thích. “Mẹ em đi chữa chạy thuốc tây đã đủ nơi và đủ đau rồi chị ạ. Thanh niên như em lên Lào Cai đạp xích lô không phải để kiếm tiền. Em hi vọng, vùng đất nổi tiếng về cây dược liệu này sẽ giúp được điều gì đó cho mẹ em. Địa điểm du lịch này cũng sẽ giúp mình gặp gỡ với nhiều người hơn. Nhiều người thì nhiều cách. Có bệnh phải vái tứ phương mà chị”. Khi suy nghĩ để đưa ra quyết định này, Thắng vẫn chưa thật sự lớn. Ngày tôi đến thăm, mẹ em cũng có mặt. Bà chẳng nói gì nhiều chỉ ánh mắt nhìn đứa con trai luôn ẩn chứa tình yêu thương và niềm hạnh phúc. Là người mẹ, tôi hiểu và đồng cảm, chia sẻ với điều này.
Tôi nghe ở đâu đó nói rằng, nếu bạn cố hết sức để làm điều gì đó, cả thế giới sẽ hợp sức giúp bạn. Chí ít là đúng với Thắng lúc này. Với sự quan sát tỉ mỉ trong quá trình chở khách, cậu đã nhận ra một người khách quen là thầy thuốc Đông y. Bằng quyết tâm và niềm mong muốn sớm tìm được thuốc cho mẹ, cậu đã tự học tiếng Trung Quốc, kiên trì thuyết phục và cuối cùng nhận được cái gật đầu để theo ông ấy về Vân Nam học nghề thuốc gia truyền.
Thành quả xứng đáng cho người con hiếu thảo ấy là anh vô tình phát hiện và nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc một loại cây dược liệu vô cùng quý hiếm, có nguồn gốc từ chính mảnh đất đồi núi của anh: Cây Khôi nhung. Nhưng để chắc chắn đảm bảo về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cách chăm sóc ảnh hưởng đến dược tính của cây anh tiếp tục rời Vân Nam xuống Quảng Tây để học hỏi, theo dõi và thử nghiệm, cũng là quá trình tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mà mình sẽ làm về sau này.
“Sau 3 năm lang thang trên các mảnh đất từ khắp Vân Nam, Quảng Tây, em tự tin trở về quê nhà. Mặc dù mình không có tiền, bởi vì em đi học nghề chứ không phải đi lao động như người ta, nhưng em vui lắm. Những tưởng sự chuẩn bị như thế là đầy đủ, từ nay mình đã có một cái nghề, có thể mưu sinh trên chính mảnh đất của mình, có thể chăm sóc cha mẹ…, mọi khó khăn đã ở lại phía sau”. Giọng Thắng run run, không còn là người đàn ông rắn rỏi từng trải trước mặt tôi. Cậu quay mặt muốn giấu đi đôi mắt long lanh. Không phải là một cảm xúc và có nhiều con sóng tựa như đang xô về cùng lúc. Là cảm khái cho rất nhiều ngày bôn ba, là xúc động, cũng có sự hụt hẫng khi nghĩ đến những ngày không như ý sau đó.
Thắng tự ươm cây, rồi trồng hết lên đất nhà mình. Cái khó nhất là nuôi giống đấy chị. Từ vườn ươm ra trồng ở môi trường tự nhiên vẫn chết như thường. Thứ thì cây chết, có nhiều cây lên được khá cao rồi thì bố lại phạt đi. “Trồng keo, bồ đê, mỡ còn chẳng ăn thua nữa là mấy cây này”, ông đã nói thế đấy chị ạ. Nhưng trách làm sao được bố, đến cả xã này khi được em hỏi người ta cũng không biết là cây gì, thỉnh thoảng nghe một vài người nói đó là cây thuốc Nam nhưng chữa bệnh gì, liều lượng như thế nào thì không biết, vậy nên mình muốn trồng bán ai có thể tin mình được. Em nhìn vườn thuốc, khóc nhiều lần, cãi nhau với bố nhiều lần, cuối cùng phải nhờ cậu, vốn là một người buôn dược liệu lên nói giúp thì bố mới để cho em tiếp tục làm công việc này.
Ánh nắng chia nhỏ, xiên đến chỗ chúng tôi đang đứng trong khu vườn ươm. Mấy chị vẫn nhẹ nhàng tưới nước lên các hom cây đã bắt đầu bén rễ. Tưởng như mầm cây cảm nhận được sự ân cần chăm sóc ấy mà sinh sôi.
Thắng vừa tiếp tục mạch chuyện, vừa như giải thích. “Khôi nhung là loài cây ưa ẩm và ưa bóng mát chị à. Những ngày trời xuân nắng nhẹ vườn ươm phủ lớp mành mỏng, sang đến hè thì cả giàn này phủ mành đen dày để tránh nắng. Khi ra trồng ngoài tự nhiên cũng phải trồng dưới cây có tán và đất có độ dốc. Thực sự thiên nhiên nơi đây đã ưu đãi quá nhiều nên so với nhiều cây khác thì trồng và chăm sóc Khôi nhung không quá vất vả. Một lần trồng có thể cho thu hoạch cả chục năm”. Tôi thích cách suy nghĩ của cậu. Lựa chọn nào, ngành nghề nào chẳng có những khó khăn, nhưng luôn nhìn ngắm với thái độ bao dung, biết ơn với niềm tin tưởng và sức cố gắng lớn. Đó có lẽ là thế mạnh của người trẻ. Nhưng cái khó là làm sao để biến sản phẩm thành hàng hóa. Bởi trong nông nghiệp lạ lắm. Làm lớn thì mình chưa đủ sức nhưng nếu làm nhỏ thì không thể trở thành hàng hóa để tiêu thụ, để có thị trường. Vậy là, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm anh đã thành lập Hợp tác xã Nuôi trồng dược liệu Bình An vào tháng 9/2019 trong niềm vui ngỡ ngàng của 7 thành viên vì họ không phải bỏ vốn nhưng được chỉ dẫn kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm, có cơ hội tiếp cận công nghệ mới.
Trong lúc trò chuyện với tôi, cậu vẫn liên tục nhận được các cuộc gọi, là người ta đến giao máy sấy, là trao đổi với các xã viên trong hợp tác xã, là làm việc với đối tác. Tôi chia sẻ với những bận rộn của cậu. Cậu lại nói với tôi đầy vẻ tự hào “cũng may, toàn bộ việc phụ trách kỹ thuật nuôi cấy giống, chăm sóc cây và quản lý, giám sát công nhân, vợ em là người đảm nhiệm hết”.
Công việc phát đạt quá nhỉ? Tôi hỏi cậu khi chúng tôi hướng mắt ra phía nhà xưởng đang thi công. Em cũng không ngờ, chỉ sau 2 năm hoạt động Hợp tác xã từ 7 thành viên đã lên đến 25 thành viên, không chỉ trồng cây Khôi Nhung mà còn trồng thêm cả cát sâm, trà hoa vàng, với diện tích từ 2 ha giờ lên đến hơn 13 ha. Từ lúc trồng cây để giải quyết sinh kế đến doanh thu xấp xỉ 3 tỷ đồng trên một vùng quê nghèo khó nhất của một huyện miền núi. Nó không chỉ mang lại thay đổi trước mắt mà là nguồn thu nhập lâu dài. Ngoài việc tạo thu nhập cao, ổn định cho lao động thường xuyên còn giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động theo thời vụ với mức thu nhập tương đương lao động ở các thành phố lớn, đắt đỏ.
- Đầu tư máy móc nhà xưởng chắc hẳn em có dự định mở rộng vùng sản xuất trong nay mai.
- Vâng thị trường ngành này tiềm năng lắm chị ạ. Nó gắn với việc chế biến sâu nên cũng không lo “được mùa mất giá” như nhiều sản phẩm khác. Hằng năm, Hợp tác xã hỗ trợ miễn phí hai nghìn con giống và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng vùng dược liệu ra các xã có đặc điểm thổ nhưỡng tương tự như Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Mỹ Gia. Việc đầu tư nhà xưởng không chỉ tiết kiệm chi phí nhân công, tăng năng suất mà quan trọng hơn là đảm bảo vệ sinh và dược tính của cây, cây thuốc mà chị. Vui hơn là định hướng phát triển đó luôn được mọi xã viên ủng hộ. Bởi điều đó cũng có nghĩa là thiên nhiên được bảo vệ, cây xanh sẽ ngày càng phủ kín nơi đây, cũng mong muốn khi trở về từ một cuộc viễn chinh nhọc nhằn của cậu.
Khi chúng tôi muốn xin thông tin về một tấm gương tiêu biểu để làm hồ sơ triển lãm “những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, không suy nghĩ nhiều, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường đã giới thiệu ngay anh Vũ Quyết Thắng, một tấm gương nỗ lực, vươn lên, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với một tâm niệm gắn với cộng đồng và bảo vệ môi trường. Bản thân Thắng và các xã viên Hợp tác xã dược liệu Bình An cũng luôn tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của vào các hoạt động của địa phương. Điều đáng quý hơn tôi nhận ra khi góp nhặt qua các câu chuyện là dù cho có lợi thế về ngôn ngữ và có sự quen biết từ trước, cậu có thể bán trực tiếp cho thương lái Trung Quốc với giá cao hơn nhưng cậu vẫn luôn ưu tiên thị thường trong nước để góp phần bình ổn giá cả và có cơ hội hạ giá thành thuốc chữa bệnh cho bà con vì cậu biết thị trường trong nước đang rất thiếu nguyên liệu này.
Chiều hạ nắng phía sau những triền đồi dốc. Gió thổi mang theo hương dịu nhẹ thoang thoảng từ vùng dược liệu, mùi thơm ngào ngạt từ những căn bếp quanh đây, lòng tôi cảm thấy yên bình và no đủ. Và hơn hết, sự bình yên ấy đến từ một tấm lòng quý hơn dược liệu của một người trẻ và khao khát vươn lên. Rồi một ngày không xa mảnh đất nghèo khó sẽ xanh mát và sinh sôi như tình yêu và những điều tốt đẹp luôn được nuôi dưỡng và nhân lên trong con người anh vậy.
D.T.P