Truyện ngắn của Thái Ly
Sương mù giăng kín cả bầu trời, sương trĩu nặng trên từng cành cây, sương sà xuống mặt đất, sương lan vào từng ngõ nhỏ. Thoan tựa vào cửa sổ nhìn ra ngoài, vẫn còn quá sớm để dậy, chị lại chậm chạp đi vào giường. Chị uể oải đưa tay ra kéo chiếc chăn mỏng lên phủ kín cổ và nằm vùi mình trong chăn. Từ đêm qua, trước khi đi ngủ, chị đã tắt điện thoại để tự thưởng cho mình một ngày nghỉ hoàn toàn. Chị quyết định lên Tú Lệ một cách đột ngột. Trưa thứ sáu, sau khi nộp cho trưởng phòng bản thiết kế nội thất cho một thương gia giàu có muốn làm nhà vườn trong xóm để ở, Thoan đã bắt chuyến xe cuối cùng để đi từ thành phố lên với Tú Lệ. Chị dặn người lái xe cho chị xuống một nhà nghỉ hạng bình dân để chị nghỉ lại Tú Lệ hai đêm một ngày. Đến sáng Chủ nhật thì nhờ nhà xe qua luôn nhà nghỉ để đón chị về thành phố. Người lái xe cười hồ hởi, dặn là cứ yên tâm, nhà xe sẽ đưa đón theo đúng ý của chị.
Thoan là một kĩ sư chuyên thiết kế nội thất nhà ở của một công ty xây dựng. Công ty có nhiều mối quan hệ, làm ăn lớn nên lương của nhân viên thuộc hàng cao so với những nơi khác. Tay nghề vững, có duyên với khách hàng và luôn đúng hẹn nên chị được giao nhiều dự án. Trong khi ngoài kia còn vô số người cầm tấm bằng đại học rồi thành ra thất nghiệp, thì với chị, công việc ổn định, được làm đúng công việc mình đã học, kiếm được nhiều tiền chính là điều tuyệt vời.
- Thoan à, anh bảo này! Anh đắn đo mãi mới dám nói với em.
- Vâng ạ, anh cứ nói đi.
- Anh muốn em đi gặp gỡ một người rất quan trọng. Anh muốn nhờ bà ấy làm người đỡ đầu cho công ty. Em là một người sắc sảo, chuyên môn lại rất tốt. Tất cả là nhờ ở em!
Thoan thoáng bối rối rồi đồng ý.
Giám đốc chuẩn bị sẵn một món quà là hai chai rượu ngoại đắt tiền. Anh dặn Thoan bằng mọi cách phải khiến cho người phụ nữ quan trọng đó nhận món quà, sẵn sàng đồng ý với những mong muốn khác của bà ấy. Thoan cười thầm, chắc anh chưa từng tặng quà cho phụ nữ. Tuy nhiên, Thoan vẫn xách món quà mà giám đốc đã chuẩn bị đến chỗ hẹn. Người phụ nữ nhận quà, lại còn lấy số điện thoại của Thoan và hẹn cuối tuần mời Thoan đến nhà chơi. Cuối tuần, Thoan đến nhà người phụ nữ quan trọng. Căn nhà có bề ngoài đơn giản nhưng nội thất vô cùng đắt tiền và xa hoa, một bộ ghế sô- pha màu cà phê nhạt êm ái với chiếc bình cắm hoa li-ly cánh đỏ thơm ngào ngạt. Bữa ăn trưa ngay tại bộ bàn ghế với rượu vang ngoại và những cử chỉ, lời nói thân mật khiến Thoan cảm thấy dễ chịu. Vậy mà giám đốc phàn nàn rằng phải đắn đo mãi mới dám nói với Thoan.
- Tôi muốn mời em ở lại cùng tôi.
Người phụ nữ thay đổi cách xưng hô và nhìn Thoan trìu mến.
Thoan chưa kịp trả lời thì người phụ nữ ngồi sát lại gần Thoan, một tay nắm tay Thoan, một tay vuốt nhẹ lên tóc Thoan. Bà ta nói bằng một giọng vừa ngập ngừng vừa luống cuống lại vừa bối rối:
- Nếu em đồng ý, hãy đến ở chung với tôi. Em vẫn còn trẻ, còn tôi, thật ra... tôi... rất... cô đơn...
Thoan thoáng rùng mình như chạm tay vào nước lạnh. Chị nhớ mình đã thu tay về và từ chối rồi bước ra khỏi căn nhà đó. Chị đi rất nhanh mà không ngoái đầu lại. Chị không hoảng loạn mà cảm thấy đau nhói trong tim. Đời một con người dù có sống trong nhung lụa thì thì hóa ra vẫn rất khổ. Tại sao có người lại cứ ca ngợi những điều kì lạ rồi dạy con cái phải sống đặc biệt, thậm chí phải khác biệt. Sinh ra với một hình hài đặc biệt thực ra rất khổ. Người ta chẳng nên kì lạ, hãy cứ là người bình thường trước đã. Bình thường chính là một đặc ân của tạo hóa. Bình thường thì mới hạnh phúc được. Làm một người bình thường có khi là mơ ước của bao nhiêu người. Đôi khi nhớ lại buổi chiều hôm ấy, chị đã nghĩ, lẽ ra mình không nên bỏ đi nhanh như vậy. Lẽ ra chị nên ở lại thêm vài phút để nghe người đàn bà tâm sự đôi câu. Một vài phút- với thời gian đã qua thật sự đáng tiếc.
- Xin chào chị, chị có phải là Diên không ạ?
- Vâng, tôi là Diên đây ạ!- Thoan trả lời.
- Khoảng hai mươi phút nữa mong chị hãy đến nhà chúng tôi. Mẹ tôi vừa qua đời, thời trẻ mẹ tôi rất đẹp. Mẹ tôi rất hay tô son màu hồng cánh sen...- Giọng người đàn ông nghẹn ngào khi miêu tả về mẹ.
- Vâng ạ. Anh cứ yên tâm, hai mươi phút nữa tôi sẽ đến. Anh cho tôi xin địa chỉ.
Thoan- cũng chính là Diên. Khi là kĩ sư nội thất, chị mang tên Thoan. Còn khi đi trang điểm lại khuôn mặt cho người đã mất, chị mang tên Diên. Hồi trẻ, mẹ của Thoan cũng rất đẹp. Sắc đẹp của mẹ khiến người con trai duy nhất trong một gia đình hào môn cùng làng say đắm. Hai người ăn nằm với nhau. Khi mẹ có thai, người đàn ông kia bỏ chạy, chối cái thai và đi làm rể một đại gia tộc ở mãi dưới Sơn Tây. Hồi ấy, mẹ của Thoan không bị cạo đầu bôi vôi thả trôi sông. Nhưng mẹ bị ông ngoại trói tay vào cột nhà, bị đánh và bị bắt phải bỏ cái thai. Mẹ Thoan van xin mãi nhưng ông ngoại vẫn bán mẹ cho một người lái gỗ đã một đời vợ ở Phú Thọ. Ngày mẹ lên bè của người lái gỗ, trời đang nắng và quang mây mà đột nhiên nổi gió đùng đùng. Đến đêm, mẹ đội mưa, ướt lướt thướt chạy được về nhà quỳ lạy ông. Ông ngoại gia trưởng, đuổi mẹ ra góc vườn, cắm cho cái lều và không cho ai bén mảng đến. Mùa hè năm ấy, mẹ sinh ra Thoan. Ngày Thoan sinh ra, trời mưa tầm tã, gió thổi ào ào, sấm chớp đùng đùng. Bà ngoại thương xót con gái phải vượt cạn một mình đã ra lều đón con về nhà sinh nở. Ông ngoại nhìn hai mẹ con rồi ra đầu nhà vớ lấy cái cày, cầm roi quất vào con trâu rất đau. Ông vác cày, dong trâu ra đồng, mặc lúc ấy là giữa trưa, mặc trời mưa nặng hạt, mặc gió, mặc sấm chớp... Thoan được sinh ra như vậy.
Tú Lệ hửng nắng, mùi lúa nếp trổ đòng thơm nhẹ trong gió. Nắng ở Tú Lệ tuyệt đẹp, ánh nắng ở nơi đây trong vắt, lóng lánh như chiếu ra từ một chiếc gương lớn. Mùi hương lúa trổ đòng ở Tú Lệ cũng rất đặc biệt, đó là một mùi thơm thật kì lạ, ngọt ngào, thoang thoảng mà không phải ai cũng cảm nhận được. Ấu thơ, Thoan đã cùng ông ngoại đi khắp cánh đồng làng. Trong trí nhớ của Thoan, cánh đồng làng không có mùi thơm như ở nơi đây. Hồi ấy, ông ngoại thường cõng Thoan và hay hát cho Thoan nghe. Ông bảo, Thoan là nàng tiên xinh đẹp bị đi lạc vào nhà ông. Mọi đứa trẻ đều có một năng lực kì diệu, ấy là nó khiến người lớn yêu thương nó vô điều kiện. Bằng tiếng cười, trẻ con có thể xóa đi những vết thương đã nhàu nhĩ trong tâm hồn của người lớn. Hồi bé, Thoan thích được khen xinh lắm, vậy mà mẹ cứ chê rằng Thoan xấu xí. Mẹ yêu Thoan bằng một tình yêu khắc nghiệt và đôi lúc tàn nhẫn. Khi Thoan đến tuổi thiếu nữ, mẹ cấm Thoan trang điểm, không cho Thoan uốn tóc, không cho Thoan mặc những bộ quần áo bó sát người... Có lần, Thoan đánh liều sơn móng tay màu hồng nhạt, mẹ nắm tay Thoan lôi xềnh xệch ra sân giếng kì cọ cho bằng sạch. Rồi không kiềm chế được, mẹ đã dội cả một chậu nước lạnh vào đầu Thoan. Thoan run rẩy ướt nhoẹt, đứng co ro như một con gà con bị ngã xuống mương nước. Vì vậy, lúc nào Thoan cũng như một bà già với những bộ quần áo rộng thùng thình, màu trầm đơn sắc. Nhưng những bộ quần áo già nua đó không che dấu được vẻ đẹp của thiếu nữ Thoan. Thoan vẫn lớn lên thật xinh đẹp. Nhưng dần dần, Thoan biết lí do mẹ cấm đoán, nên Thoan chỉ im lặng nghe theo lời mẹ. Im lặng- cũng là cách để Thoan đồng cảm, chia sẻ và thương xót hơn cho cuộc đời của mẹ.
- Chị Diên ạ. Cha tôi là một diễn viên. Cha tôi vẫn thường trang điểm khi lên sân khấu hay khi đóng phim. Cha tôi rất hiền, nhưng không hiểu sao, cha luôn nhận đóng vai ác, mà đóng rất đạt... Trong chuyến đi cuối cùng của cha, tôi muốn nhờ chị trang điểm cho ông. Tôi mong chị đồng ý.
- Vâng chị ạ. Tôi có đồ trang điểm cho nam giới.
- May quá, xin cảm ơn chị... Lúc lên sân khấu, cha tôi thích tỉa lông mày cho mảnh lại, nhưng đuôi lông mày phải hơi xếch lên. Tôi đã chuẩn bị một bức ảnh của cha tôi, tôi mong chị hãy cố gắng trang điểm sao cho giống nhất với bức ảnh đó.
- Tôi sẽ cố gắng! Còn điều gì nữa thì khi tôi đến chị có thể nói với tôi. Tiền công chị hãy để vào phong bì, bao nhiêu cũng được, tôi không đòi hỏi gì cả.
- Vâng chị ạ, tôi hiểu!
Thoan đến với người khách hàng đã ngừng thở. Người ấy đã đi đến vạch cuối cuộc đời. Chị sẽ theo lời thỉnh cầu của người con để họa lại khuôn mặt cho người cha. Có những người sinh ra là thiện nhưng cả đời lại chuyên đi đóng vai ác. Dù thế nào thì thù lao của vai ác cũng luôn thấp hơn vai thiện. Dù ở sân khấu nào, vai ác cũng luôn bị căm ghét.
Chị sẽ cố gắng để không ai nhận ra mình. Việc đi trang điểm khuôn mặt cho người quá cố, chị coi như là một việc làm bí mật. Thực ra, chị vẫn thầm cảm ơn giám đốc. Ngay buổi chiều bước ra khỏi căn nhà của người phụ nữ quan trọng, chị đã đến gặp giám đốc và kể rõ tất cả. Giám đốc không mắng mỏ, không to tiếng. Anh nói những câu mà đến giờ chị vẫn nhớ rõ:
- Có mấy khi, trong cuộc đời này, người ta được sống thật với khuôn mặt của mình đâu. Chúng ta sinh ra trong hình hài này, khuôn mặt này, dáng điệu này. Nhưng thật ra, Thoan hay tôi hay một ai khác ngoài kia đang phải đóng vai trên sân khấu của chính mình. Rồi đến phút cuối, chúng ta nhận ra mình là diễn viên dở tệ. Việc của mình là diễn cho tròn vai. Sống cũng chính là diễn đấy!
Thoan im lặng, chị sẵn sàng với mọi hình thức kỉ luật từ giám đốc. Chị thấy người đàn bà quan trọng kia thật khổ. Giàu có, địa vị, nhan sắc, sự khéo léo... rốt cuộc chẳng để làm gì. Mỗi ngày, khi bước ra khỏi căn nhà với nội thất xa hoa, người đàn bà ấy phải đóng vai một con người chỉn chu và quyền lực. Khi chết đi, không biết bà ấy muốn họa lại khuôn mặt mình thế nào? Là khuôn mặt đàn ông hay khuôn mặt đàn bà? Lông mày sẽ tỉa mảnh hay không tỉa? Môi sẽ tô màu son đỏ hay cam nâu? Khuôn mặt nào để bà ấy mang đi sang thế giới bên kia? Khuôn mặt nào mới khiến bà ấy hạnh phúc? Cuộc đời bà ấy đã cười với bao nhiêu người, có bao nhiêu nụ cười là chân thật, bao nhiêu nụ cười là xã giao, bao nhiêu nụ cười để đề phòng, bao nhiêu nụ cười là giả dối? Bà ấy có những khao khát không thể thổ lộ với ai, bà ấy thật đáng thương.
Mảnh đất Tú Lệ có dòng nước nóng trong vắt chảy ra từ chân núi. Người dân ở đây xây một cái bể rộng giữ nước nóng lại cho cả làng xuống tắm. Thanh niên, trai gái, già trẻ đều ra bể để tắm. Những hòn đá to và nhẵn nhụi dẫn xuống bể nước. Hơi nước bốc lên nghi ngút, mùi nước thanh khiết. Nghe mọi người kháo nhau rằng nước nóng chảy từ trong núi ra rất tốt. Tắm nước ở đây khiến cho người ta khỏe khoắn và có thể chữa khỏi một số bệnh ngoài da. Thoan khẽ đưa chân xuống bể nước, có cảm giác ngường ngượng trong chị.
- Chắc chị từ thành phố đến?- Một thanh niên có khuôn mặt thanh tú, đôi lông mi dày rợp, khóe miệng hơi cong vừa mỉm cười hỏi chị vừa bước xuống bể nước.
- Ừ, mình đến từ thành phố.
- Chị đã đi được nhiều nơi ở Tú Lệ chưa? Chị đi qua chiếc cầu treo kia rồi vào bản mà chơi- Thanh niên lạ mặt đưa tay chỉ về phía chiếc cầu treo bằng gỗ phía sau lưng chị.
- Cảm ơn bạn nhé! Mình sẽ đi.
Thoan đứng dậy, rời đi và kết thúc câu chuyện. Với người lạ, chị không muốn nói nhiều. Bởi có nói thì những câu chuyện đều sẽ bị quên lãng ngay sau vài ngày. Chị chẳng thích vấn vít với bất kì ai. Đời mỗi người sẽ gặp hàng nghìn hàng triệu người. Nhưng trong số đó, chúng ta sẽ nhớ được bao nhiêu khuôn mặt? Khuôn mặt mỗi người là khác nhau, kể cả là sinh đôi. Nhưng chúng ta cứ lục lọi lại trí nhớ, cứ hỏi bộ não của mình về một khuôn mặt nào đó. Phải chăng, bộ não đã mã hóa tất cả khuôn mặt sao cho giống nhau, để rồi ai cũng đã từng vài lần ngờ ngợ hỏi bản thân về một người xa lạ, không quen biết nào đó. “Hình như tôi đã gặp anh/ chị ở đâu rồi thì phải?”.
- Bác sĩ ơi, con gái tôi phải mổ thật ạ?- Mẹ Thoan hỏi bác sĩ với giọng đầy lo âu.
- Vâng ạ! Ngày mai, chúng tôi sẽ mổ cho chị ấy.
Thoan bị ung thư buồng trứng. Chị ngồi bất động khi được bác sĩ báo tin. Xung quanh chị, không khí ngừng chuyển động. Dù gì chị cũng phải nói cho mẹ biết, đời mẹ khổ ải nhiều, nếu mẹ là diễn viên trong sân khấu của cuộc đời mình, thì mỗi màn, mỗi cảnh, mỗi chặng lại có một bi kịch, một tin buồn đến với mẹ.
- Chị đã ba mươi lăm tuổi mà chưa có gia đình sao? Chị cũng chưa có con à?
- Vâng, đúng thế.
- Rồi thời đại này người ta có thể xin con nuôi, việc đó rất dễ và đang là xu hướng của thanh niên thì phải- Nam bác sĩ đeo khẩu trang, mặc bộ đồ màu trắng an ủi chị.
- Vâng thưa bác sĩ... Tôi cũng đã từng nghĩ đến việc đó.
- Chị cố gắng nhé! Bây giờ chị hãy kí vào giấy cam kết, ngày mai chúng ta sẽ mổ vào buổi sáng.
Các bác sĩ và y tá mổ cho chị đều đeo khẩu trang che kín mặt, chụp mũ che kín tóc. Chị không nhìn được dưới lớp khẩu trang kia là khuôn mặt thế nào. Họ đều chăm chú làm việc, tỉ mẩn, kiên nhẫn và thận trọng.
- Bây giờ tôi sẽ tiêm thuốc gây mê. Chị sẽ ngủ. Khi chị tỉnh dậy, mọi việc đã xong nên chị đừng lo lắng gì. Lát nữa bác sĩ trưởng khoa sẽ mổ cho chị.
Bác sĩ gây mê có giọng nói của một người đàn ông trẻ tuổi. Nói xong, người ấy còn đặt bàn tay ấm lên vuốt trán chị để chị đỡ lo. Chị tò mò về những khuôn mặt sau lớp khẩu trang. Thật kì lạ, lần đầu tiên chị thấy tò mò. Có bao nhiêu người đã chết trên bàn mổ? Trước phút cuối đời, họ chỉ nhìn thấy xung quanh mình là những người xa lạ có khuôn mặt đeo khẩu trang giống nhau, mũ chụp đầu giống nhau, quần áo giống nhau, chỉ có tiếng nói là khác nhau. Nhưng để nhận diện được người này hay người khác qua giọng nói, qua tiếng bước chân, qua dáng điệu thì người ta cần có thời gian ở cùng nhau, làm việc cùng nhau và thân thiết với nhau. Bộ não chỉ có thể nhanh chóng phân biệt được khuôn mặt nếu họ đã gặp nhau vài lần.
- Con gái tôi mới được tám tuổi, con có khuôn mặt của một thiên thần. Một thiên thần rất xinh đẹp.... Cháu bị bệnh hiểm nghèo... Dù gia đình tôi đã chạy chữa nhưng không thể cứu được cháu. Xin chị hãy đến với cháu. Cháu lúc nào cũng ước trở thành công chúa, thích mặc váy công chúa. Vậy mà tôi chưa từng làm như thế cho con...- Giọng người mẹ nghẹn lại và không thể nói tiếp.
- Tôi sẽ đến, gia đình hãy đợi tôi một lát- Thoan vội trả lời điện thoại.
Thoan vơ lấy đồ trang điểm, mặc chiếc áo khoác che kín người rồi chạy thật nhanh ra ngõ. Chị vội vàng như thể đứa trẻ ấy là người thân thiết. Nhẽ ra, người mẹ phải gọi cho chị sớm hơn, để đứa bé được nhìn ngắm khuôn mặt xinh đẹp của nó sau khi đã trang điểm. Khi còn nhỏ, ai cũng từng có những ước mơ thật đẹp, thật cao siêu. Nhưng khi người ta lớn, ước mơ bị thu nhỏ lại. Đến một ngày kia, ước mơ đẹp đẽ thuở bé không còn nữa, mà thay vào đó là những ham muốn nhỏ nhoi, ti tiện, tầm thường. Chị luôn cảm thấy đau đớn đến tột độ khi nhìn thấy những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo. Những đứa trẻ ấy chưa hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống, chúng sẽ rời bỏ thế gian khi vẫn chỉ là một nụ hoa xinh đẹp. Những người còn sống và những người đã khuất thật ra chỉ khác nhau duy nhất một điều: có và không có ngày mai. Thật kì diệu khi chúng ta hít thở và biết chắc ngày mai sẽ đến. Chẳng ai dám khẳng định đã sống tốt hơn tất cả. Cả đứa trẻ kia, tuy chỉ có mặt trên cõi sống này có tám năm, nhưng đó là tám năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời nó. Có ai dám chắc mình sẽ sống đến trăm năm, nhưng cả trăm năm liệu có đẹp đẽ hơn tám năm của đứa bé kia. Thoan thường phải cố gắng kìm nước mắt đau xót mỗi khi khách hàng- oái oăm thay- là những đứa trẻ con.
Trại trẻ mồ côi một buổi chiều thứ năm trông hơi ảm đạm, lũ trẻ vắt vẻo ngồi trên lan can, một đám khác đang chơi nhảy dây, đằng kia, đám nhỏ hơn đang chơi trò đuổi bắt, còn bọn lớn nhất đang ở dưới bếp phụ giúp bác nuôi nấu ăn. Thấy cô Thoan đến, chúng ùa ra và ôm chầm lấy chị. Trừ những lúc đi công tác xa, hầu như chiều thứ năm nào chị cũng đến đây, bằng tiền mà các gia đình trả công cho Diên, chị sẽ mua cho bọn trẻ thứ này thứ kia. Khi thì chị mang đến đồ ăn, khi thì là một ít truyện tranh, lúc lại là đôi dép bông khi mùa đông đã đến... Chị thân thiết với bọn chúng sau cái ngày mà chị đến để tìm con nuôi. Ngày hôm đó, chị chẳng nhận nuôi đứa nào, bởi chị không nỡ mang một đứa đi và bỏ vào những đôi mắt to tròn đen láy ở lại những nỗi buồn. Chị đến với chúng để chia sẻ. Ít nhất tuổi thơ của chị còn có mẹ, có ông bà ngoại. Còn bọn chúng sẽ cứ lớn lên như thế trong trại trẻ mồ côi với khao khát đáng thương là có mẹ, có cha, có gia đình đầy đủ.
- Em quyết định nghỉ việc thật sao?- Giám đốc sửng sốt hỏi lại.
- Vâng ạ- Thoan quả quyết.
- Em chuyển đi đâu?
- Em đến làm việc ở trại trẻ mồ côi. Em đã suy nghĩ rất kĩ và quyết định như thế!
Sau khi ở Tú Lệ về, Thoan sẽ rời công ty và giữa tuần sau đến làm việc ở trại trẻ. Tiền Thoan làm ra khi là kĩ sư nội thất đã đủ để lo cho tuổi già của mẹ. Giờ đây, Thoan muốn đến chăm sóc bọn trẻ, hay thật ra là chị muốn nương tựa vào bọn trẻ. Mẹ không phản đối. Kể từ khi Thoan phải phẫu thuật cắt hoàn toàn tử cung, mẹ trở nên trầm lắng hơn và hay khóc. Thoan cảm thấy rất đau xót mỗi khi nghe thấy tiếng mẹ hát khe khẽ ở phòng bên cạnh:
Chẳng có gì đáng gọi là dâu bể
Chẳng cần chi viết tiếp kiếp đoạn trường
Con người trót đã đa mang.
Từ khi chọn kiếp làm người mà thôi....
Dần dần rồi Thoan sẽ thuyết phục mẹ đến chăm sóc bọn trẻ cùng mình. Với những đau khổ mà mẹ đã phải chịu đựng trong suốt cuộc đời này, thứ duy nhất có thể xoa dịu cho mẹ, có lẽ chỉ là tiếng cười, sự hồn nhiên, ngây thơ của lũ trẻ con đáng thương kia thôi.
Nắng đã lên cao, tiếng gió khẽ lao xao, tiếng chim hót ríu rít trên những vòm cây, lúa trổ đòng tươi tốt, Tú Lệ đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, nhiều hương vị, nhiều sự chuyển động. Chắc chắn Thoan sẽ đến đây một lần nữa. Lần sau Thoan sẽ mời mẹ cùng đi, cả bọn trẻ nữa, vào một ngày cuối tuần gần đây, khi Tú Lệ vào mùa cốm mới. Thoan say sưa nghĩ thế và cứ mỉm cười... mỉm cười...
T.L