Truyện ngắn của BÙI THỊ KIM CÚC
Tôi là một cô gái xuất thân nông thôn chính chuẩn. Nhà tôi nghèo. Mà cái thời những năm 70, 80 nhà ai chả nghèo. Nhưng chính trong cái nghèo khổ gian khó lại sớm luyện cho anh em chúng tôi tính tự lập cao.
Từ lúc lên 4 đã phải trông em cho bố mẹ đi làm. Nói như vậy thời nay sẽ không ai tin. Vì thời nay trẻ lên 4 lên 5 bố mẹ còn phải dỗ mãi trẻ mới chịu ăn một miếng. Chứ đâu như thời chúng tôi. Nhà đông con đứa nào không nhanh nhanh vào ăn thì chỉ nhịn đói. Nồi cơm toàn sắn với khoai. Những hạt cơm bám vào những miếng sắn khoai như những hạt ngọc vậy. Ốm đau đứa nào khỏe thì qua, đứa nào yếu thì chết. Vậy nên những đứa nào khỏe là do chọn lọc tự nhiên mà tồn tại, sống khỏe lắm.
Ấy thế rồi cũng lớn lên, cũng trưởng thành. Đứa nào chăm ngoan học hành tốt là thoát ly nông thôn. Ngày ấy cái từ thoát ly đi học, đi công tác là danh giá lắm. Đời thay trang ngay. Cho dù công tác cũng đói kém nhưng so với nông thôn vẫn sang, vẫn oai hơn. Con gái con trai ra trường là lấy vợ gả chồng. Mà ngày ấy, nói các bạn trẻ bây giờ không tin đâu. Chúng tôi yêu nhau trong sáng lắm. Chỉ thuần túy tinh thần tình cảm thôi. Nắm tay nhau còn khó, nói gì lên giường với nhau. Mà hiểu về nhau cũng ít. Ngồi nói chuyện với nhau chỉ toàn chuyện vui. Thế rồi vài đĩa kẹo cồ, vài bao thuốc lá, ấm nước chè là thành đám cưới.
Nhà chồng tôi nghèo nên hôm cưới tôi về, phòng cưới của tôi là một căn buồng đựng đủ thứ linh tinh. Một cái giường 1m50. Đầu giường chạm vào bồ thóc. Đuôi giường chạm vào sọt khoai. Cho nên cái ri đô màu cứt ngựa chỉ căng cao một mét là đủ chạm vào bồ thóc. Buồng không có cửa. Cho nên mọi chuyện thầm kín của 2 vợ chồng phải đợi đến lúc tiếng ngáy ngủ của cả nhà vang lên đều đều ngoài nhà. Sáng sớm hôm sau, tôi nhìn cái khăn mẹ chồng tôi đích thân trải sẵn trên giường, có những giọt máu đỏ. Tôi biết ý tứ của bà nên tôi đưa khăn cho bà hỏi:
- Mẹ à, sao lại thế này ạ?
Mẹ chồng tôi tủm tỉm cười mãn nguyện về cô con dâu trong trắng ngây ngô của mình.
Hai vợ chồng tôi đều là giáo viên cấp 3. Vậy là oai lắm rồi. Nhưng đồng lương rất chật hẹp. Gạo mỗi tháng 10 kg một người. Anh em của tôi mỗi người mỗi phận. Họ cũng như tôi. Họ lo cho gia đình mình còn chưa xong nói gì giúp đỡ nọ kia. Vậy nên anh em kiến giả nhất phận. Không ai giúp ai được đồng nào.
*
Thập kỷ 80, khi nền kinh tế bao cấp chuyển dần sang kinh tế thị trường. Tôi là người nhạy bén nên một buổi đi dạy học, một buổi đi lấy hàng tạp hóa về đổ buôn cho các quán nhỏ ven đường bắt đầu lô nhô mọc lên. Chồng tôi bảo:
- Chết vì hai chữ giáo viên. Giáo viên đi buôn mang tiếng nọ kia.
Tôi cự lại anh:
- Đói mới chết. Không ai cấm giáo viên đi buôn cả. Chỉ là không biết làm thôi. Anh ngại thì cứ ở nhà làm kẹo cồ, chăn lợn cũng được.
Thế là hai vợ chồng tôi trừ những lúc lên lớp, thời gian còn lại đều gắng "tăng gia sản xuất". Kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn. Nhà tôi đã mua được cái tivi đen trắng 14 inch. Mua được con ba bet ta chạy vèo vèo chở hàng cho đỡ nhọc thân, hơn hẳn cái xe đạp ọc ạch.
Nhưng cuộc đời đâu có đẹp mãi như mong muốn.
Chiều hôm đó. Ngày 31 tháng 8 năm 1988. Một cơn mưa giông ập đến đen kịt một vùng trời. Một tiếng sét chói tai. Cái biến thế bùng cháy. Đường dây dẫn điện thành đường dây dẫn sét. Tiếng la hét của những nhà hàng xóm khi dòng điện sét bò xanh lét trong mỗi ngôi nhà. Tiếng bố chồng tôi thất thanh:
- Chết rồi! Chết con tôi rồi!
Tôi hoảng hồn từ dưới bếp chạy lên nhà. Chồng tôi nằm sấp mặt dưới nền nhà. Tôi và bố chồng vội vực anh dậy. Lật anh lên tôi thấy mặt anh có vết nứt màu trắng to bằng ngón tay ở má bên phải. Tóc trên đầu anh cháy sém. Bố chồng tôi nói trong hoảng loạn : "Khổ thân con tôi. Chân nó đi đất. Vừa đúng lúc mặt nó ngang tầm cái ổ cắm… Thế là nó thành cây thu lôi còn gì nữa… Ôi trời ơi là trời !…".
Hai bố con tôi thay nhau hô hấp nhân tạo cho anh nhưng trong miệng của tôi, trong hơi thở của tôi chỉ khét lẹt mùi điện cháy. Cơn mưa mỗi lúc một to như trút từng đợt sóng nước từ trên trời dội lao xối xả lên nóc nhà lá đứng chơi vơi trên sườn đồi như muốn nuốt gọn hai ông bà già là bố mẹ chồng tôi, như muốn chôn vùi ba mẹ con tôi và anh đang nằm bất động dưới nền nhà.
Bố chồng tôi lấy cái dao gõ thật mạnh vào cái chậu nhôm. Ông thất thanh gào lên:
- Ối làng nước ơi! Cứu con tôi với! Cứu... cứu!…
Tiếng ông lạc đi chìm nghỉm trong tiếng mưa dội ào ào. Tiếng sấm sét rền vang. Gió rít lên giật từng cơn như muốn lật đổ ngôi nhà nhỏ bé. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên như muốn báo thù nhân loài đã phá đi sự cân bằng vốn có của nó.
Tôi không khóc được. Vì bàng hoàng quá mà không khóc được. Thằng Quang con trai tôi 6 tuổi, cứ ngơ ngác nhìn không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Cái bụng mang thai đứa con gái 7 tháng của tôi cứ lặc lè gồng lên khiến lòng tôi quặn thắt. Mẹ chồng tôi ôm anh mà gào lên đau đớn:
- Ôi trời ơi! Sao tôi khổ thế này!
Mưa ngớt. Sấm sét ngớt. Thì hàng xóm mới nghe tiếng kêu cứu của bố chồng tôi. Họ chạy sang và đưa anh đi viện. Chỉ là đi cho phải phép thôi. Họ lại khiêng anh từ viện về. Tôi gào lên thảm thiết. Thằng Quang vẫn ngơ ngác hỏi:
- Bố làm sao đấy mẹ?
- Bố chết rồi con ơi!
- Chết là gì hả mẹ?
Tôi không trả lời nó. Tôi ôm ghì nó vào lòng khóc nức nở. Tôi đau xót khóc than, thương cho thân phận của anh. Bao nhiêu năm chống Mỹ. Anh lăn lộn khắp các chiến trường Tây Nguyên, rồi giải phóng Sài Gòn, vậy mà anh vẫn lành lặn trở về. Ai ngờ… Anh ơi!
Sau khi đưa anh ra đồng về, thằng Quang hỏi tôi:
- Mẹ có xây chuồng lợn dưới mộ cho bố không?
Tôi nghẹn ngào:
- Có... có con ạ.
Hàng xóm về. Anh em nhà tôi cũng về. Trên quả đồi trơ trọi một ngôi nhà lá nhỏ bé. Trơ trọi một người vợ góa và hai đứa con côi. Trơ trọi hai mái đầu bạc hơn 70 tuổi. Đêm hôm đó, tôi do mệt quá mà thiếp đi một lúc. Tôi mơ thấy anh về. Anh đi từ phía đầu hồi bếp về, vào nhà nhìn tôi, anh nói:
- Vân ơi! Anh đói lắm!
Tôi nước mắt giàn dụa nghĩ tới trưa hôm qua. Khi tôi đi làm về anh phần cho tôi một bát cơm rang. Bố mẹ chồng tôi và thằng Quang đã ăn rồi. Còn một bát cơm nguội anh rang lên phần cho mẹ con tôi. Anh thương vợ anh bụng mang dạ chửa lên lớp từ sáng đến trưa chưa có gì vào bụng. Anh nhịn đói để phần bát cơm rang duy nhất cho tôi. Tôi hỏi anh:
- Anh ăn chưa?
- Anh ăn rồi.
Tôi ăn bát cơm rang anh dành cho mà lòng thấy ấm áp vô cùng. Con bé con trong bụng cũng được ăn nên nó ngoan ngoãn nằm im hưởng dinh dưỡng từ bát cơm rang của bố. Nó không quẫy đạp như lúc tôi đang đứng trên bục giảng.
Ngày hôm sau. Phải! Ngày hôm sau tôi mới thấm cảm nỗi trống vắng mất mát vô cùng to lớn. Tôi khóc rống lên như trẻ nhỏ bị đòn đau. Bố chồng tôi thấy vậy an ủi tôi:
- Thôi con. Con đừng quá đau lòng. Con hãy cố lên. Con như vậy ảnh hưởng tới em bé trong bụng đấy.
Tôi lấy tay lau dòng nước mắt nhìn bố chồng tôi khẽ nói:
- Dạ... Bố.
Mẹ chồng tôi hình như không còn nước mắt để khóc nữa. Sự ra đi của anh là nỗi đau thứ 3 trong đời mẹ khi chứng kiến 3 người con chết ngay trước mắt bà. Anh con trai cả của bà ra đi sau một cơn đau bụng.
Một buổi chiều mùa đông u ám. Anh từ ngoài bến Cát chạy về. Mặt anh nhăn nhó, tay ôm bụng kêu với mẹ: "Mẹ ơi, con đau bụng lắm". Mẹ anh thấy vậy liền cõng anh lên trạm xá xã. Bệnh viện huyện thì ở xa. Phương tiện đi lại không có. Người bác sĩ trực trạm lấy cái tai nghe đặt vào bụng anh rồi phán: "Đau bụng giun thôi. Không sao đâu. Mai tẩy giun là hết đau". Phán xong anh bỏ mặc mẹ chồng tôi và anh cả tôi ngồi ngoài cái ghế dài nơi phòng khám của trạm xá. Anh bác sĩ vội vào buồng trong đánh cờ với cô y tá.
Anh cả lúc ấy mới 6 tuổi ôm bụng quằn quại kêu đau. Mẹ lấy tay xoa xoa bụng cho anh rồi an ủi dỗ dành : "Gắng chịu con ạ. Cố lên con! Chỉ qua đêm nay thôi. Mai con uống thuốc giun sẽ khỏi. Mà cũng tại con lúc nào tay cũng đầy đất cát. Bạ cái gì cho vào miệng cái ấy. Nên giun nó mới đục ruột cho".
Anh không nghe rõ mẹ nói gì. Anh như kiệt sức bởi cơn đau hành hạ. Đến 4 giờ sáng anh kêu á lên một tiếng thất thanh rồi lịm đi. Anh không biết gì nữa. Anh đã đi xa rồi. Mẹ vội đập cửa gọi bác sĩ. Anh ta ngái ngủ gắt: "Gì mà ầm ầm lên thế ! ". Mẹ hổn hển nói:
- Bác sỹ ơi! Con tôi! Mau cứu con tôi. Nó chết rồi!
Anh ta nghe thế choàng dậy, vội chạy đến chỗ anh tôi. Anh ta lấy đèn pin vạch mắt anh tôi lên nó giọng lạnh tanh:
- Giãn đồng tử rồi. Không cứu được nữa. Thôi, chị đem cháu về nhà chôn cất.
Mẹ gào lên thảm thiết:
- Các người ác lắm! Con chết oan rồi con ơi!
Người anh thứ 2 của chồng tôi đột tử ngay trước mắt mẹ trong một tai nạn giao thông.
Một buổi sáng mùa thu. Khi mẹ và anh hai đang đi bộ ra bến Cát thì bị một chiếc xe u oát từ đằng sau lao thẳng vào. Anh hai chỉ kịp đẩy mẹ ngã dúi vào ven đường, còn anh hai hứng trọn cái bánh xe chèn ngang người. Mẹ lồm cồm bò dậy. Mẹ nhìn thấy người anh đã nát một nửa. Mẹ ngất đi. Khi tỉnh dậy mẹ thấy nhà có đám ma.
Mẹ chồng tôi hiền. Bố chồng tôi lành. Chồng tôi cũng rất hiền lành. Tại sao trời cứ bắt tội những người như vậy? Sau cái chết đột ngột của anh giữa tuổi thanh xuân tôi bỗng nghi ngờ về câu nói "Ở hiền gặp lành". Hình như không phải thế!?
Thời gian là liều thuốc xoa dịu nỗi đau. Nhưng tôi không thấy như vậy. Càng ngày tôi càng thấy trống vắng và đau thương vô cùng. Tôi cứ như người trên mây trên gió. Tôi bồng bềnh trôi nổi bởi nỗi đau thương ngày càng chồng chất. Tôi tâm sự với một chị hàng xóm:
- Chị ơi. Thế này em chết mất. Em không chịu được chị ạ!
Chị ôn tồn nói với tôi:
- Qua 100 ngày hồn anh ấy siêu thoát sẽ khiến em nhẹ nhõm hơn.
Tôi trở về nhà. Mai là 49 ngày của anh. Đêm tôi mơ thấy anh về. Một bên mặt của anh đã lở loét. Anh nói với tôi:
- Nhà mình nghèo. Em chỉ cho anh bát cơm quả trứng là anh no rồi. Em dành tiền còn lo sinh nở.
Tôi bàng hoàng giật mình tỉnh giấc. Quàng tay sang phía bên phải tôi ôm thằng Quang vào lòng mà nước mắt đầm đìa ướt cả mái tóc tơ và giấc ngủ của con. Sáng hôm sau tôi xách làn ra chợ. Tôi mua con gà, nửa cân miến, rau gia vị, những thứ ngày thường anh thích, rồi làm mâm cơm cúng 49 ngày của anh. Tôi không quên rang cho anh một bát cơm. Gợi và trả cho anh bát cơm rang anh đã vì mẹ con tôi mà nhịn đói để về nơi chín suối.
*
Người chết rồi cũng yên cõi thiên thu. Người sống vẫn phải sống. Bố mẹ chồng tôi về ở với gia đình chú út. Vì ông bà không chịu đựng nổi nỗi đau khi ở ngôi nhà xưa có anh và đầy ắp những kỉ niệm vui buồn.
Tôi sinh bé Tâm An. Trộm vía bé được bố phù hộ nên không ốm đau gì cả. Tôi vẫn lên lớp và đi chợ để có tiền nuôi con. Mỗi ngày rằm mùng 1 tôi thắp hương cho anh luôn có 1 bát cơm rang. Nhìn di ảnh của anh tôi thấy anh như hiện hữu bên mẹ con tôi. Tôi phải sống khỏe mạnh để kiếm tiền nuôi con.
Thằng Quang vào lớp 1. Bé Tâm An đã 8 tháng. Mỗi khi làm vườn hay đi chợ tôi địu nó sau lưng. Nó ngoan và hiền lành xinh xắn lắm. Thằng Quang sau mỗi buổi đi học về nó trông em và nấu cám lợn. Nó còn nấu cơm để tôi sau mỗi chiều lên lớp về còn đi lấy hàng, đổ hàng. Cuộc sống của ba mẹ con tôi khá bình yên. Tôi có tiền mua cho bé Tâm An áo váy đẹp. Mua cho nó con búp bê. Còn Quang luôn chịu thiệt thòi vì phải nhường nhịn cho em.
Nhưng người đàn bà 30 tuổi là tôi, sức vóc khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, gương mặt khả ái, thông minh nhanh nhẹn đã không được bình yên khi bức chắn bảo vệ sự bình yên cho tôi là anh không còn.
Tôi bị quấy nhiễu rất nhiều. Những người đàn ông có vợ họ dù già hay trẻ đều tìm đến tôi tán tỉnh và gạ gẫm. Tôi nuôi một con chó vàng. Nó rất khôn. Mỗi khi có người lạ đến, nhất là đàn ông, nó xô ra cắn. Vì vậy mà những gã đàn ông thiếu đứng đắn đó không dám đến nhà tôi. Đến nhà không được, các gã đó chạy theo xe tôi, đón lõng đường tôi đi về, khiến tôi phải chạy trốn. Có gã lì mặt đến nhà tôi. Mà người quen hẳn hoi đấy. Mà là bạn của chồng tôi đấy cũng có kiêng nể gì đâu.
Tôi biết tất cả những người đàn ông khi đã có gia đình mà đến tán tỉnh tôi họ đều là người chẳng ra gì. Đàn ông là giống thèm của lạ. Ai đến họ cũng tỏ ra mình là người cao thượng và bất hạnh vì lấy phải người vợ không ra gì. Sống với vợ chẳng qua chỉ vì trách nhiệm với con cái nọ kia. Họ nói xấu vợ. Kể tội vợ đủ thứ… để hòng lấy lòng thương cảm của người đàn bà cô quả. Bài ca đó tự bóc mẽ bản chất hèn hạ của anh ta.
Nhưng sự bỉ ổi của người đời đâu chỉ dừng lại ở đó. Có những bà vợ đã nghe tin đồn thất thiệt mà đánh ghen với tôi. Thậm chí viết đơn tố cáo con giáp thứ 13 là tôi đã phá vỡ hạnh phúc của gia đình chị ta. Chị ta có biết đâu rằng chính chồng chị ta đã gạ gẫm, đã chạy theo tôi mà đeo đuổi, mà bám riết lấy tôi. Tôi thấy lạ cho thói đời. Chuyện tình nào cũng chỉ lên án người phụ nữ. Tại sao không đặt tên cho những gã đàn ông đốn mạt là thằng giáp thứ 13 mà chỉ lên án đàn bà?
Nếu tôi không phải là cô giáo tôi đâu có đau xót đến thế! Xung quanh tôi là phụ huynh, là học sinh. Chỗ nào cũng có. Câu chuyện tình ngay ý gian đồn thổi thật đáng sợ. Tôi chợt nghĩ tới câu anh nói "chết vì hai chữ giáo viên". Cái nghề giáo thật vinh quang nhưng cũng rất thiệt thòi.
*
Tôi vẫn cố mạnh mẽ để sống. Vì tôi một, vì con mười và vì cả bát cơm rang anh dành cho tôi trước lúc ra đi.
Đêm. Sau một ngày quần quật lên lớp, đi thồ hàng, lo cơm nước tắm giặt cho con, lo dạy cho thằng Quang học bài. Khi xong mọi việc, khi hai đứa con đã yên giấc, tôi lo chấm bài, soạn bài cho ngày mai. Xong mọi việc mắt tôi mỏi nhừ. Tôi chỉ muốn gục xuống ngủ một giấc thật yên. Nhưng những phỉ báng của người đời. Những dư luận xôn xao cứ cào cấu chà muối vào lòng tôi. Tôi nghĩ tới cái chết một cách hèn hạ mà cảm giác thật nhẹ nhàng. Tôi lại nhìn hai đứa con đang ngủ. Không! Không được hèn hạ như vậy! Tôi phải sống. Tôi nhìn di ảnh của anh trên bàn thờ trách móc "Tại anh hết. Tại anh bỏ lại mẹ con em nên em mới khổ thế này". Nhưng hình ảnh bát cơm rang cứ xoáy vào tâm can tôi. Tiếng nói ai oán của anh "Vân ơi anh đói lắm" cào cấu vào tim tôi. Tôi không thể đầu hàng số phận được. Tôi phải sống. Cố lên tôi ơi. Rồi mọi cái sẽ qua thôi. Miễn là lòng tôi không hổ thẹn là được.
*
Từ ngày anh ra đi mặt tôi lúc nào cũng buồn rười rượi. Không phải chỉ vì nỗi thương nhớ anh mà vì bao lý do khác. Rất may cho tôi, lớp tôi chủ nhiệm các em học sinh đã không bỏ tôi. Chúng bảo nhau đến nhà giúp đỡ mẹ con tôi. Chúng an ủi tôi. Có em còn đăng lên báo tường của lớp một bài thơ thương cảm cho cô giáo phải vật lộn với cuộc sống mà vẫn dạy giỏi, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Học sinh của tôi đạt thành tích cao trong các kì thi tốt nghiệp và thi đại học. Hai con của tôi mạnh khỏe và chăm ngoan học giỏi. Một hôm thằng Quang rụt rè hỏi tôi:
- Mẹ. Bố thích ăn cơm rang à?
Câu hỏi đột ngột của thằng bé làm tôi giật mình. Tôi lúng túng một vài giây rồi hỏi nó:
- Tại sao con hỏi thế?
- Vì con thấy lúc nào mẹ cũng cúng bố bằng cơm rang.
Tôi không trả lời ngay vào câu hỏi của nó mà khẽ khàng kể cho nó về câu chuyện bát cơm rang. Nó nghe xong rơm rớm nước mắt. Đôi mắt ướt của nó nhìn tôi không nói gì. Nó ôm choàng vào cổ tôi. Nó hôn lên má tôi. Nó thổn thức nói:
- Con sẽ cố lớn nhanh để thay bố trong nhà mình mẹ nhé.
Ôi con trai của tôi! Tôi thấy tâm mình vững vàng vô cùng. Tôi đã có một bờ vai để dựa đó là thằng Quang. Thằng con trai báu vật của tôi. Mặc cho bao ong bướm chờn vờn quấy nhiễu nhưng tôi đã có Tâm An, có Thằng Quang. Cuộc sống của tôi bình yên thế, dại gì mà vướng vào cái thòng lọng gọi tên đàn ông. Tôi đem tâm sự nói với một chị đồng nghiệp. Chị cũng lỡ dở bởi hôn nhân tan vỡ. Chị lại lỡ bước đò nữa nên phải trả giá đắt cho cuộc đời làm lại của mình. Chị nói với tôi:
- Như em là khôn ngoan và tỉnh táo đấy. Chị đã sai lầm và lỡ bước rồi không thể bước lại được nữa. Kiếp đàn bà chúng mình, không có gì bằng cái ban đầu. Nếu không giữ được thì cũng đừng dại gì bước vào tròng đau khổ. Đời người đàn bà chỉ nên lên một chuyến đò thôi. Chuyến đò mình lên không may bị lật thì cố ở vậy mà nuôi con. Đừng dại gì đi bước nữa. Cái giá phải trả đắt lắm.
Chị nhìn lên trời như muốn trút hết tâm can lên không xanh bao la. Chị nhếch môi cười với tôi nhưng là cười với chính sai lầm của chị, khẽ nói:
- Đúng là cái thòng lọng người ta cố gỡ ra không được chị lại cố chui vào. Cung lên tên rồi. Lao phóng đi rồi không lấy lại được nữa.
- Ấy... Chị đừng nói thế. Không ai lựa chọn được số phận đâu chị. Cái gì cũng có hai mặt chị ạ.
Tôi và chị chia tay. Ai về nhà nấy. Mỗi người mang trong mình một mảnh cô đơn.
B.T.K.C.