Truyện ngắn của Dương Thu Phương
Trong một buổi chiều vàng nhạt nắng, khi mặt trời đã lười biếng đi qua, khi ba vẫn đang ngồi như đóng đinh trên chiếc ghế trước màn hình chiếc tivi cũ, Thu lên chuyến xe cuối ngày, để đến một nơi xa lạ. “Bước một chân lên xe cũng đồng thời con đang bước một chân xuống cuộc đời nghiệt ngã, nhưng ai rồi cũng phải có những lựa chọn. Mẹ chờ tin vui từ con”.
Không hiểu sao dạo này Thu cứ bị ám ảnh bởi câu nói đó của mẹ. Người ta nói: khi con người biết nhìn lại là họ đã trưởng thành. Thu có thật sự đã trưởng thành?
Bốn năm học đại học, hai năm vừa nhấp nhổm đi dạy hợp đồng vừa cầm hồ sơ rãi khắp các nơi có thể, sau cùng Thu muốn được dừng lại. Cô mong muốn mình được yên ổn, cả trong công việc và cả để xóa sạch hình ảnh của anh ta, con người đã quẩn quẫn trong đầu Thu năm năm qua. Cô đã vì anh ta mà chống lại lệnh điều động để ở lại thành phố, vì anh ta mà rút cạn thanh xuân, vì anh ta mà mỗi khi có việc không vừa lòng, bố lại nói “con hư tại mẹ”. Xe chưa kịp lăn bánh Thu đã nhớ mẹ cồn cào. Nhưng tất cả sẽ phải ở lại phía sau.
Thu đẩy tấm cửa kính nhìn ra bên ngoài, bầu trời xanh trong vắt, ánh nắng phản chiếu vào thác nước phát ra những tia sáng lấp lánh. “Làm sao có thể buồn trước một không gian như tranh vẽ thế này”, cô thấy yên tâm. Yên tâm là một loại cảm giác nó khác với sự mỏi gối chồn chân muốn dừng lại.
Bọn trẻ đến lớp Thu ngày càng đông. “Đi học lớp cô giáo đẹp”, chúng thường trả lời như thế mỗi khi được người lớn hỏi đến. Không chỉ dạy đọc và những phép tính, những điệu nhảy trên nền nhạc có tiết tấu nhanh hay được thoa một chút son lên chiếc môi bé mọng vào những buổi văn nghệ ở trường cũng làm bọn trẻ con chờ đợi và ríu rít chạy theo Thu. Cánh giáo viên trong trường vẫn đùa “cứ quấn lấy bọn trẻ như vậy thì đến bao giờ cô Thu mới lấy được chồng”. “Em là biểu tượng của hình mẫu cô giáo vùng cao dành trọn đời vì học sinh thân yêu”, Thu bông đùa lại và lúc đó, Thu cũng nghĩ có lẽ cả đời này mình sẽ sống vậy thôi. Thật lòng cô cảm ơn bọn trẻ, chính chúng đã mang lại niềm vui và ý nghĩa cuộc sống cho Thu.
Vào những ngày đông đằng đẵng, khi chút nắng hiếm hoi hênh hếch chiếu một vài khoảng nhỏ trên cái nền đất trống trước sân trường, Thu đặt chậu nước đã được phơi lên trên ghế con rồi gọi từng đứa học sinh lại cẩn thận, tỷ mẩn gội đầu cho chúng. Thu hướng dẫn bọn trẻ cách vệ sinh cá nhân, đặc biệt là đối với những em bé gái. Thu còn cho bọn trẻ những gói dầu gội đầu nhỏ và nhắc nhở bố mẹ các em gội đầu nhiều ngày liên tục để hết chấy rận. Hơn ai hết Thu hiểu vai trò của mình trong việc chỉ dẫn học sinh cách vệ sinh cá nhân và cách rèn luyện thân thể để thay đổi lối sống, tập quán và tư duy đối với một thế hệ trẻ em vùng xa như thế này.
Ai cũng háo hức chờ được Thu gọi đến, chúng đứng thành tốp ngóng trông đến lượt, thậm chí học sinh của nhiều lớp khác cũng đến xem. Thu đưa ánh mắt lo lắng nhìn đi nhìn lại nhưng không thấy Tú đâu. Sở dĩ Thu chú ý đến Tú vì em luôn trầm lặng, ánh mắt thường cúi xuống mỗi lần Thu hỏi đến, dáng người bé như viên kẹo nên thường lẩn khuất vào đâu đó. Vài ba bạn đi tìm, cuối cùng cũng mang được Tú từ cuối góc lớp đi ra đứng trước mặt Thu. Khi Thu vừa cho tay chạm vào đầu, cả người con bé co rúm lại, những vết tím bầm ở gáy, ở cổ và ngực rất nhanh xẹt qua mắt Thu, cô biết mình đã sai ở đâu đó.
Mùa đông, cũng chính là những mùa sương mờ giăng núi. Những con đường đất, dốc thêm ướt sũng và trơn trượt. Tú vẫn đến lớp một cách thỉnh thoảng trong dáng điệu mệt mỏi và u uất. Đã rất nhiều lần Thu cố gắng đi theo Tú nhưng thường mất dấu em giữa đường vì cô không thạo đi đường núi và cũng bởi mây mù phủ ngay trước mắt. Khi cô trượt chân ngã thì rất may được một bàn tay chắc nịch đưa ra đỡ lấy.
- Chào cô Thu, con đường này rất nguy hiểm, lần sau cô đừng đi một mình. Giọng nói này, mùi hương này không phải là của người bản địa, sao anh ta lại biết tên cô, có mặt ngay lúc cô cần?
- Cô muốn đến nhà em Tú à? Có thể chúng ta có cùng một mục đích, bây giờ thì cô cứ quay về đi đã, bẩn hết quần áo rồi. Hẹn gặp lại cô.
Mọi việc diễn ra nhanh quá, Thu không kịp phản ứng mà ngay lập tức làm theo. “Con người ta vốn có trực giác, trực giác mách bảo em đây là một người tốt”. Sau này cô cố thanh minh với Hải khi anh đến cô giáo chủ nhiệm để trao đổi và tìm hướng giải quyết cho hoàn cảnh một học sinh trong lớp.
Tú ở với bố trong một căn nhà nằm chênh vênh trên một ngọn đồi nhỏ, vì bố mẹ em đã ly hôn. Ông bố sống bằng nghề quấn hàng quanh người để mang đến cho một người buôn khác nhằm trốn thuế. Cả năm nay dịch giã, dọc biên người ta kiểm soát chặt chẽ, đến một con kiến cũng khó lọt qua, ông trở nên thất nghiệp. Để đưa ông vào con đường này, bọn chủ nậu đã cho ông ta ngồi bên chiếc bàn là là khói trắng để quên đi người vợ đã bỏ ông ta trong lúc ông ta đi kiếm tiền để đến với một người đàn ông khác. Những ngày ở không như thế này, ông ta chỉ biết đem những thứ còn lại duy nhất trong nhà đi bán lấy tiền mua rượu, đến cả sách vở của Tú cô giáo đã cho đến hai lần nhưng cũng có thể không cần nấu mà chảy ra thành thứ nước nồng nặc mùi cồn đó. Những lúc lên cơn vật vã ông ta có thể làm tất cả mọi thứ, vì lúc đó ông ta không còn là một con người.
Thế mà em chẳng biết gì cả.
Đợi cho Thu bớt nức nở, Hải kể tiếp. Cuối tuần, Tú lội qua suối và về bên nhà mẹ. Mẹ của em mới sinh em bé được 5 tháng tuổi, con bé sang đó trông em. Gã nhân tình của mẹ làm nghề chài lưới ven suối đã trở về nhà rất nhiều lần trong những buổi mẹ con bé đi chợ bán cá. Gã hãm hiếp và để lại muôn vết chầy xước trên người con bé như em đã thấy. Bọn anh âm thầm điều tra và phát hiện ra chứ bà mẹ cũng không đi tố giác, hồ sơ đã được lập, gã đó đang bị tạm giam.
Con bé chỉ mới mười tuổi thôi.
Hải không nói gì để mặc cho những dòng nước mắt chảy tràn trên gương mặt Thu.
Đã nhiều đêm mưa lạnh, nhiều buổi sương giăng mờ núi, Thu cùng Hải đến căn nhà cheo leo cuối gò để nói chuyện, trao đổi với bố Tú, nhưng khi nhìn thấy căn nhà trống hơ trống hoác ấy chỉ có duy nhất một cái giường thì Thu quay mặt đi, lồng ngực cô nhói lên, những cơn đau dồn dập đến.
Em sẽ mang con bé đến đây ở cùng.
Đó là cách duy nhất lúc này. Bên công an cùng với nhà trường đã đề nghị đưa Tú vào làng trẻ em SOS nhưng em không thuộc diện mồ côi, bố và mẹ em đều đang sống và phải có trách nhiệm chăm lo cho em ấy. Nếu đưa vào nội trú trong trường thì cũng chỉ được nay đến hè. Với lại, Tú đang có trạng thái tâm lý đặc biệt rất khó hòa đồng khi vào trường nội trú.
Hải cũng chừng tuổi Thu thôi nhưng có vẻ chững chạc của một người sống trong khuôn khổ và từng trải. Anh được điều động về làm nhiệm vụ theo Đề án Điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ngay trong đợt đầu tiên bởi nơi đây là khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Với Thu thì khác, dù sao thì cô thấy mình vẫn còn trẻ. Thu không ân hận khi đón Tú về, nhưng quả thật nhiều khi cô thấy bất lực. Từ một cô bé hiền lành, Tú trở nên cáu bẳn, dễ xúc động. Có những lần Thu còn nhìn thấy Tú đập đầu vào tường hoặc bỏ đi lang thang bất cứ khi nào cô không để ý. Tú trở nên câm lặng khi bất cứ ai ngoài Thu hỏi đến. Có những buổi lên lớp quá mệt, đêm nằm cô thiếp đi, cho đến khi quờ tay sang bệnh cạnh không thấy Tú, cô mới biết con bé ngồi dậy nói chuyện một mình. Không phải con bé mà chính Thu bắt đầu hoảng loạn. Trong đêm cô nhìn thấy cô mải miết chạy theo một bóng người vào rừng, bàn chân và cả đầu gối chầy xước nhưng cô vẫn cố hết sức lao lên sườn dốc. Khi Thu vừa dừng lại dưới gốc cây sấu già, bóng đen vật Thu đổ xuống, nhưng chân tay Thu cứng đờ, miệng cũng không mở được để gọi kêu cứu. Có nhiều đêm Thu thấy mình chìm trong vũng máu nhầy nhụa và sáng dậy có một vết rách dài ở cổ. Hải đến phòng cô nhiều hơn. Anh nói với cô anh có học qua môn tâm lý tội phạm ở trường an ninh và có thể trò chuyện với Tú. Hải cũng muốn Thu thấy sự hiện diện của anh ngày một nhiều để cô có cảm giác anh luôn bên cạnh.
Nhiều lần thấy con gái bận khi cuộc điện thoại đang dang dở, ông bố đã quyết mang Thu về lại thành phố. “Làm không đúng chuyên ngành cũng không sao, quan trọng là khả năng học hỏi. Một công ty nước ngoài nằm trong cụm công nghiệp gần nhà cô đang cần một quản lý nhân sự. Khi bố đưa hồ sơ có dán ảnh của con ở ngay ngoài bìa thì người ta đồng ý ngay”.
Lại một đêm, khi chỉ có mỗi mình Thu và Tú, bố Tú với khuôn mặt đỏ gắt liêu xiêu bước đến, lúc đó cô chỉ muốn độn thổ cho dù là đi một mình và phải bỏ Tú lại. Nhưng những lúc thật sự bình tĩnh cô thấy giận bản thân. Nếu cô đi, Tú phải làm sao, những đứa trẻ đen nhẻm, tóc bê bết đất và luôn ngơ ngác nhìn cô thì phải biết làm sao? Biết bao nhiêu em học sinh, biết bao hoàn cảnh mà cô chưa biết được. Hải thường nói với cô “vì sự bình yên của người dân, chúng ta phải hi sinh nhiều hơn một chút”.
Bố Tú và hai thanh niên khác trong làng vừa được cưỡng chế đi cai nghiện. Hồ sơ dân số đã được lập ở tất cả hộ gia đình để theo dõi và can thiệp kịp thời. Cuộc sống rồi bình yên. Khi nói điều đó Hải nhìn sâu và thật lâu vào đôi mắt Thu, tự nhiên Thu muốn được dựa vào vai anh mà khóc, mà kể lể về những ấm ức đã trải.
Hải có việc về báo cáo với công an tỉnh. Anh qua nhà Thu mang quà mà bố mẹ gửi lên cho cô. Anh còn mang theo đồ dùng học tập và nhiều kẹo cho bọn trẻ. “Mùa đông miền núi lạnh lắm”, anh dịu dàng nói và đặt chiếc khăn vào trong bàn tay Thu.
“Mẹ em có nói gì với anh không?” “Mẹ mời anh ở lại ăn cơm kể nhiều chuyện về em và còn nói…”. Thu hồi hộp chờ đợi. “Mẹ nói gửi em cho anh”. Không soi gương Thu cũng biết cả gương mặt cô đang ửng đỏ.
Cuộc sống vẫn nghiệt ngã nhưng khi họ đã ngồi bên nhau nhìn sương mờ giăng núi nơi đây thật bình yên.
D.T.P