• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Qua ngày giông gió
Ngày xuất bản: 26/10/2021 1:34:33 CH

Truyện ngắn của Hoàng Kim Yến

 Người đàn bà lọm khọm bước vào nhà tìm bố không ai khác chính là chị Nụ. Chị Nụ không còn là cô gái của hơn hai mươi năm về trước. Khuôn mặt tròn đầy, căng mọng giờ quắt lại, lộ hai hố má đen sạm. Đôi mắt tròn đen láy dưới hàng mi đen rợp, cong vút hút bao ánh nhìn của trai làng giờ trố ra, ngầu đục. Chả chào hỏi, chả phân bua, chị quỳ sụp dưới chân bố tôi khóc nấc. Tiếng nấc át đi những lời tắc nghẹn nơi cổ khiến chúng tôi chả hiểu gì. Chỉ có bố là lập cập chạy lại nâng đôi vai gầy đang run lên của chị, thủ thỉ: “Thôi, con đứng lên, có gì ngồi lên hãy nói”.

Dạo này làng Dọc bỗng có nhiều ăn xin đến tá túc. Họ ở các miền quê đói kém dạt về làng, ngủ nhờ dưới những bạnh cây đa đầu làng qua đêm để đến sáng lại rồng rắn nhau dật dờ, dai dẳng, nài xin lấy nắm gạo, củ sắn hay vài hạt cơm nguội tả tơi trong góc nồi nơi xó bếp. Lúc đầu, chúng tôi vô tư ngồi đếm từng bước chân liêu xiêu, đen nhẻm dờ dệt trên con đường toàn đá thối dẫn đến cổng nhà tôi. Nhưng rồi tới một ngày, chị Mai mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ ke vừa gánh được gánh sắn mới nhổ trên núi về, vẫn thở cả ra tai thì bố đã đón lấy cho thẳng mấy người ăn xin đang ngồi bệt nơi thềm hè. Cái niềm vui tối nay sẽ được bữa cơm độn sắn no nê đang nhảy múa trong chị tắt ngấm. Chị bệt xuống nền bù lu bù loa, chúng tôi ào từ trên cây ổi xuống lấy lại được vài củ để dành cho bữa tối. Mẹ lắc đầu: “Khổ, nhà giàu có gì cho cam mà ông rộng rãi thế”. Bố xuê xoa: “Bớt ăn một bữa không chết. Họ đói ngất cả ra kia kìa. Làm phước bà ạ.”. Bố rộng rãi thế thành thử không có một người ăn mày nào không cố gắng lết đến cửa nhà tôi. Càng nhiều thì phần của chúng tôi càng phải san nhiều hơn, những bữa đói thường xuyên hơn, chúng tôi thêm ghét những kẻ xin ăn bẩn thỉu. Ghét, chúng tôi tìm mọi cách không để họ đến nhà. Ấy vậy mà không hiểu sao bà ăn mày ấy lại lê được đến cửa nhà tôi để chết, bỏ lại đứa con chừng 10 tuổi, khóc không ra tiếng bên bậu cửa.

Đứa trẻ ấy là chị Nụ. Từ đấy chị nghiễm nhiên trở thành chị của năm chị em tôi, mộ mẹ chị nghiễm nhiên nằm ngay bên cạnh mộ của ông bà tôi trong vườn nhà. Mẹ tôi nghiễm nhiên lại phải lo thêm một cái giỗ. Chúng tôi nghiễm nhiên phải san thêm phần cơm mỏng của mình cho cái con lạ hoắc, mũi lúc nào cũng quệt ngang, đầu hàng đại đội chấy. Dường như biết thân biết phận, chị Nụ giỏi làm hơn giỏi ăn. Mỗi bữa chị chỉ rón rén gẩy một chút sắn độn vào bát, chấm mút cho đến khi xong bữa, cứ như thể chị ăn nhiều lắm, ngồi từ đầu bữa đến cuối bữa lận. Bố mẹ là người biết hơn cả, cứ xăm xắn gắp cho chị miếng gì là y như rằng chị nhăm nhe gắp vào bát tôi miếng ấy. Bố dỗ dành “Con cứ ăn đi, các em còn trẻ con, chúng nói thế thôi nhưng không phải người ác. Con đừng nghĩ. Con về đây cũng là con của gia đình này rồi”. Thấy mình đã quá lời với chị, tôi cũng đệm theo “Bố nói đúng đấy. Chị là chị của em. Thật. Thề luôn.”. Nhưng chị dứt khoát không ăn, cứ luôn miệng “Con ăn no rồi, thế này là hạnh phúc với con lắm rồi. Ở quê làm gì con được ăn như vậy”. Lạ là ăn uống thế mà chị vẫn cứ khỏe như không. Mở mắt đã thấy bóng chị nhảy múa trên vách nứa. Cái bóng hệt như con bọ ngựa còi cọc, mông chổng nhọn hoắt, hai cánh tay dài nghều đảo nồi cơm bỏng rẫy trên bếp lửa. Thợ cấy ăn xong lại xăm xắn dọn dẹp để rồi khi ông mặt trời đan những tia nắng xiên vào những tán cây, chúng tôi hồn nhiên cắp sách đến trường thì chị lặng lẽ tự tìm cho mình những công việc phù hợp để giúp mẹ. Khi thì cùng mẹ ra đồng cào cỏ, lúc vào rừng bóc măng, khi ra ruộng ra mương bắt cá, chăn trâu; mót khoai, mót lúa mỗi đận Hợp tác xã đến mùa thu hoạch. Lạ là việc gì chị cũng giỏi, chẳng khi nào chị về nhà với một cái giỏ vơi. Có thêm chị, mẹ bớt đầu tắt mặt tối, cả nhà có thêm nhiều bữa tươi, chúng tôi có thêm một chị đại dẹp những bọn chuyên bắt nạt trẻ con trong làng. Vui. Chỉ có bố là buồn. Đêm đó, bố gọi riêng chị ra bàn thủ thỉ “Tuổi con không cần lo những việc của người lớn như thế đâu. Bố xin thầy Lương cho con đi học tiếp rồi. Sáng mai con đến trường cùng các em”. Chị nguây nguẩy “Không, bố để con ở nhà. Con không thích đi học. Con thích ở nhà giúp mẹ”. Bố nhìn chị nghiêm giọng: “Không được. Con phải đi. Không cãi bố”. Chị cúi mặt, thỉnh thoảng lại đưa tay quyệt nước mắt. Tôi biết chị đang khóc vì vui bởi khát khao được đi học của chị làm sao chị giấu cho nổi.

Chúng tôi cứ như những củ khoai củ sắn lăn lóc lớn lên trong đói khổ nhưng lại tràn đầy tình yêu thương của bố mẹ. Chị Nụ trở thành người chị gái cả đảm đang. Mọi việc đồng áng chị thay mẹ lo liệu tất. Vất vả ngày đêm nhưng chị vẫn đẹp. Nét đẹp thuần khiết, hiền dịu, khiến bao chàng say như điếu đổ. Trong đám trai làng ấy có anh Phúc. Anh Phúc chẳng đâu xa lạ, là con út nhà bác Sáng, một gia đình giàu có và ghê gớm nhất làng. Mỗi đận chăn trâu thiếu cỏ, ông Sáng hùa mấy thằng con lùa trâu xuống ruộng hợp tác xã cho ăn no nê rồi lẳng lặng lùa trâu nhà ông Chủ nhiệm Hợp tác xã xuống “đóng thế”. Rình đám trâu bập vào ăn, lập tức lu loa lên cho cả làng cả tổng biết. Trâu nhà Chủ nhiệm Hợp tác xã phá ruộng, xã viên nào dám í o. Mỗi khi hợp tác xã thu hoạch lúa, lại vẫn đám trẻ nhà ông Sáng tha thẩn đi mót lúa. Nhưng chúng không chăm chỉ vét những nắm lúa rơi vương vãi trên đất như bọn trẻ ở làng mà nhè lúc mọi người còng lưng gặt lúa, chúng buộc vội hai bó lúa vào hai cổ chân rồi cứ thế đi thong dong trở về nhà. “Lúa thì cao, người thì thấp, bố thằng nào nhìn được chân mà phát hiện”- Ông Sáng thường dạy mấy đứa con ông thế. Ngay cả với cương vị là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã, ông vẫn năng thuổng bất cứ thứ gì khi có cơ hội. Người làng không ai biết nhưng bọn trẻ con chúng tôi thì tường tận. Ghét, nên mỗi khi thấy bóng ông Sáng thấp thoáng đằng xa là chúng tôi lại gào lên: “Được tin bác mẹ anh hiền/ Cắn hạt cơm không vỡ, cắn đồng tiền vỡ đôi”. Ông Sáng tức lắm, tóm được thằng nào là ông lôi cổ về tận nhà, gọi bố mẹ nó ra để nghe ông “đào mả tổ nhà chúng mày lên vì chỉ có thằng bố con mẹ chúng mày nói ra thì bọn trẻ mới biết đường nói theo như thế”. Khổ, bố mẹ chúng ngày đêm đầu tắt mặt tối làm gì còn thời gian mà buôn chuyện, với lại chả dại gì mà dây vào ổ mắm thối ấy. Rước vạ vào thân lúc nào không hay. Gương tày liếp rồi. Như cái đận cháy kho thóc của hợp tác xã đấy, là chính ông Sáng ném cái đèn hoa kỳ đang treo lủng lẳng trên mái kho xuống chứ nào phải tại chú Minh. Nhưng chú Minh lại phải chịu kỷ luật và đền toàn bộ số thóc vì đêm đó là ca trực của chú. Những người nhiều chuyện lại được phen bàn tán “Ai bắt tố cáo ông Sáng thuổng bao thóc vào đêm mưa bão ngày nọ”. Cũng may, anh Phúc người yêu chị Nụ lại không giống bố mẹ và các anh em trong gia đình. Anh hiền lành, chăm chỉ và tình nghĩa bao nhiêu thì bố mẹ anh lại bực mình bấy nhiêu. “Không hiểu vì sao nhà tao lại nảy nòi ra cái giống tình nghĩa rởm đời ấy.”- Ông Sáng thường gào lên mỗi lần anh Phúc ra tay cản phá những việc ác của ông. Có lẽ vì thế mà chị Nụ yêu anh. Bố lo chị vào gia đình ấy sẽ bị cái ác bủa vây mà khổ. Anh Phúc đã khổ thế rồi, chị là dâu chắc không sống nổi. Nghe bố khuyên, chị gục đầu vào vai bố lau nước mắt: “Bố tha lỗi cho con. Con thương anh ấy bố ạ”. Bố yên lặng, quàng tay qua vai chị vỗ về “Hãy mạnh mẽ để thương nhau con nhé”.

“Cái con vô gia cư ấy mà mày cứ cắm mặt vào là sao. Nó không đủ tư cách bước vào cái nhà này. Mày mà cố tình, cả mày cũng cút”. Không cần ông Sáng đuổi, anh Phúc đi thật. Anh lên nương sắn, làm một chiếc lán nhỏ ở qua ngày. Thương anh, chị Nụ xin bố lên đó cơm nước cho anh đỡ vất vả. Bố đăm chiêu: “Không cưới xin gì vậy hả con? Nhà họ không cưới thì còn bố mẹ cơ mà. Ít nhất con hãy để bố mẹ làm vài mâm báo hỉ với làng với xóm”. Sau lễ báo hỉ, bố gọi hai anh chị ra vườn, khoát tay hăm hở: “Bố mẹ sẽ dựng cho vợ chồng con căn nhà gỗ ở đây. Gần bố mẹ, con cái còn quẳng được cho bà. Hai vợ chồng trẻ, làm gì chẳng có ăn. Cứ thương lấy nhau thì mọi khó khăn sẽ vượt qua tất”. Anh Phúc lắc đầu “Thôi, bố mẹ đã vất vả với vợ con nhiều rồi, giờ để con lo cho cô ấy. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời cả. Bố hãy tin ở con”. Bố rơm rớm nước mắt quay vào nhà, giục mấy chị em tôi đánh xe trâu ra chở cho chị ít đồ lên lán. Có lẽ vẫn còn chút tình thương đứa con máu mủ mình đẻ ra, ông Sáng gọi anh Phúc về chỉ tay vào bãi chứa phân trâu của trang trại nhà ông, kẻ cả: “Đấy, cho mày mảnh đất ấy làm nhà. Để mày dật dờ lên rừng ở mang tiếng tao là người cha thất đức”. Ông vắt tay sau đít bỏ đi, miệng nhai từng tiếng “Cái loại đạo đức dởm đời thì ông cho ngập trong cứt. Muôn thuở không ngóc đầu lên nổi”. Bố nhìn đám ruộng chằm ngoe ngoét phân trâu, cỏ mọc ngập đầu người mà ngán ngẩm “Nhà nhiều đất nhất làng, chẳng cho con nổi mảnh đất tử tế để nó lấy may mà làm mà ăn”. Cứ ngỡ anh Phúc không thèm trở về nhưng anh lại quả quyết với bố “Con sẽ về bố ạ. Không về chẳng hóa ra bố con nói đúng.”.

Bố huy động cả nhà tôi ra giúp anh chị. Đất ở quả đồi sau nhà tôi cứ theo hai xe trâu tôi và thằng Tèo lái chảy vào manh ruộng trằm đầy phân và ruồi nhặng. Một tuần cái nền nhà đỏ au màu đất vuông vắn cũng hiện ra, không còn dấu tích của bãi phân nhầy nhụa khi trước. Bố thuê thợ mộc về nhà đẽo món gỗ bố đã gom góp từ vài năm trước dành làm bếp để làm nhà cho chị. Anh Phúc không nghe, quả quyết: “Rừng kia và sức con thế này, sao con không làm nổi căn nhà cho vợ con ở được. Bố hãy tin ở con.”. Sau một tháng cứ sáng sớm lên rừng, tối mịt mới vác gỗ trở về, anh Phúc đã gom đủ vật liệu và làm một ngôi nhà gỗ mái cọ, vách nứa nong đôi, xung quanh rào cánh xẻ. Ngày dọn về nhà mới, niềm vui không chỉ lấp lánh trong mắt anh chị mà còn đằm sâu trong mắt bố mẹ.

Chiến tranh biên giới vào hồi gay cấn, anh Phúc cũng như nhiều trai làng khoác ba lô lên đường đánh giặc. Chị Nụ giấu anh lau nước mắt sau vành nón động viên “Anh cứ yên tâm. Em ở nhà còn có bố mẹ và các em bên cạnh.”. Chỉ đến khi bóng anh thò cả nửa người ra khỏi cửa xe khuất hẳn sau cây đa đầu làng, chị mới gục vào vai bố nức nở. Anh Phúc đi chừng hai tuần chị Nụ biết mình có thai, bố mẹ bảo chị dọn về ở cho tiện chăm sóc nhưng chị không về. Chị nghén lên nghén xuống, chỉ húp được nước cháo qua ngày nhưng vẫn nhất định không về nhận sự chăm sóc từ mẹ. Bố thì thầm với mẹ “Đến khổ cho cái con bé này. Kín kẽ quá làm gì không biết.”. Chị Nụ không về bố mẹ và chúng tôi lại năng sang với chị. Bố cắt hẳn chị Mai sang ngủ bạn với chị, tôi trở thành con thoi ngày hai lần mang đồ ăn bồi dưỡng cho chị, bố mẹ lại có nơi để nhảng chân qua thường xuyên.

Tin anh Phúc hi sinh khiến chị đổ hẳn. Chị gầy nhẳng, nằm bẹp dí trên giường, chỉ thấy cái bụng bằng cái rá nằm thoi loi. Bảo ăn gì cũng lắc đầu chán nản: “Bố mẹ mặc con, con chẳng thiết sống làm gì. Chết quách cùng anh ấy cho xong cái phận người”. “Hãy nghĩ cho đứa trẻ trong bụng mà vững vàng lên con ạ. Thằng Phúc đi rồi nhưng còn giọt máu của nó. Thương nó thì càng phải có trách nhiệm chăm lo”. Lời mẹ rơi tõm vào không gian u tối không ánh đèn của căn nhà, không làm lung lay nổi ý nghĩ buông xuôi của chị. Mẹ gạt nước mắt quay đi trong bất lực và đau đớn. Bố chạy đến bế thốc chị về nhà mặc cho chị chống đối đòi ở lại. Mẹ đồng tình, xách túi quần áo của chị chạy theo sau dỗ dành “Về với mẹ và các em cho đỡ cô quạnh. Nguôi ngoai rồi con muốn đi đâu thì đi”. Bố vừa thở vừa nói như ra lệnh “Mẹ mày không phải nói nhiều. Nó làm con thì phải biết nghe lời bố mẹ.”. Khỏe lại, chị đòi xách túi quần áo về nhà. Bố mẹ ngăn, chị nói như van “Con phải về để đợi anh ấy. Anh ấy mà còn sống thì con càng phải về. Còn nếu anh ấy đã hi sinh thì con phải hương khói để vong linh anh ấy có nơi trở lại.”. Bố mẹ đứng lặng, nhìn bóng chị tất tả cắp nón xa dần trong một chiều gió thốc.

Tiếng chân người chạy thình thịch về phía nhà chị Nụ khiến chúng tôi sợ hãi, bỏ mọi việc dang dở cắm cổ chạy theo. Nhà chị Nụ người làng ken chặt cửa, đuốc nứa sáng rực, tiếng cu Tít khóc thất thanh vẻ sợ hãi. Chúng tôi cùng mẹ lách đám đông chạy vào. Chị Nụ không mảnh vải che thân và bố độc chiếc quần đùi trên người đang bị trói quặt khuỷu tay ra sau. Ông Sáng soi bó đuốc vào tận mặt bố xỉ vả “Hết đường chối cãi nhé ông bố vĩ đại. Tưởng ông thế nào”. Rồi ông lại soi qua chị Nụ gào lớn “Còn con này cút khỏi nhà tao. Mày xỉ nhục cả họ nhà tao. Xỉ nhục vong linh một liệt sĩ dũng cảm. Mày đáng thả trôi sông, con lăng loàn ạ. Cút khỏi xứ này và để thằng Tít lại cho tao. Mày không xứng đáng làm mẹ nó”. Chị Nụ quỳ sụp xuống chân ông Sáng van vỉ “Không phải như vậy bố ơi. Không phải. Oan. Oan quá!” “Còn oan ức nỗi gì. Cút! Cút ngay. Về với cái thân thế ăn mày của mày đi”. “Vâng con đi, con sẽ đi. Nhưng bố để con cho cháu Tít đi cùng. Con xin bố đấy. Con lậy bố ạ!”. Ông Sáng hẩy phắt chị ra khỏi chân mình, tiện chân đạp chị chúi đầu xuống đất. Bố đứng phắt dậy, đẩy ông Sáng ngã lăn quắc mắt “Quân khốn nạn!”. Mẹ đổ gục như cây chuối, nước mắt chảy quanh. Chúng tôi gào lên nức nở. Thằng Tít thét lên sợ hãi. Chị Nụ gọi con trong đau đớn. Chỉ có người làng là ráo hoảnh “Dặt một lũ lăng loàn”.

Chị Nụ biệt tăm ngay trong đêm hôm đó. Bố bị khai trừ khỏi đảng, cắt chức Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã. Ông sống trong lặng lẽ như cái bóng ở làng. Chúng tôi nhìn bố xọm đi mà xót xa. Chắc chắn có điều gì khuất tất. Chúng tôi hiểu bố, mẹ cũng hiểu bố, muốn bố tìm chứng cứ minh oan. Nhưng bố không những không tìm cách minh oan mà lại đến nhà ông Sáng, sống chết nhận thằng Tít là con mình và bế nó về nhà nuôi trong một đêm lũ ngập trắng làng, gió vần vũ những hàng cây quằn quại đến gãy gục. Mẹ đón cu Tít từ tay bố, nước mắt chảy dài, bố ôm cả mẹ lẫn thằng Tít thì thầm “Để nó ở đấy sẽ ra một ông Sáng thứ hai. Cảm ơn bà đã hiểu tôi”.

Chị Nụ khóc nấc trên chiếc tràng kỷ bằng gỗ mun bóng loáng “Con biết mọi chuyện rồi. Con ngàn lần đội ơn bố. Bố đã quá khổ vì con”. Bố cắt ngang “Thôi con nín đi. Ơn huệ gì. Có muốn gặp con thì để bố sai thằng Tèo gọi nó về. Nó giờ đã là cán bộ trên xã. Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Đức đấy con ạ!”. Chị Nụ quỳ sụp xuống ôm lấy chân bố khóc nức nở “Tại sao bố lại làm thế. Bố làm thế sao con sống thanh thản được. Hôm đó, bố có thể bỏ đi cơ mà. Sao bố không bỏ đi, để chúng khống chế bố dựng hiện trường giả vu oan cho bố”. “Thôi con, hôm đó không phải bố thì sẽ là một người đàn ông khác. Khi đó con vẫn phải ra khỏi làng trong nhục nhã mà bố sẽ không có cơ hội để đón thằng Tít về nuôi. Con sẽ mất con, bố mẹ sẽ mất cháu”. “Nhưng bố có thể bỏ mặc con và thằng Tít chịu một mình cơ mà”. Rồi chị quay sang chúng tôi kể lể “Hôm đó chị nhờ bố trông thằng cu Tít tranh thủ đi tắm. Cu Tít ngủ, bố cởi quần áo dài vắt lên thành ghế, trèo lên trần bịt lại mấy lỗ hổng. Ông Sáng mò đến rình rập sau nhà tắm, gặp cảnh thuận lợi, gọi người đến thực hiện mưu kế”. Bố gạt đi “Thôi con. Có sao đâu, thời gian sẽ làm sáng tỏ mọi oan khuất. Bố ngay thẳng, bố không hổ thẹn với lương tâm”. Đức dựng xe trước cửa lao vào nhà ôm chầm lấy mẹ. Chị Nụ ôm chặt lấy Đức như sợ nó lại vuột khỏi tay chị một lần nữa. Trong vòng tay của đứa con bao ngày không gặp, chị khóc lặng đi. Dường như nhớ ra điều gì, chị ngưng khóc, vỗ bồm bộp vào vai Đức trách móc “Cả con nữa. Sao con không để cho ông Sáng sống trong bệnh tật một mình đến chết. Trở về đấy để chăm sóc làm gì? Ông ấy đã tạo ra nghiệp chướng đó chỉ vì sợ mất cái mảnh đất trâu ỉa ấy vào tay mẹ đấy, con biết không? Biết không hả?”.

 

 

H.K.Y

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter