Truyện ngắn của Nguyễn Hiền Lương
Nghe con gái điện thoại, Huyền chạy ra sân gọi toáng lên:
- Anh ơi! Ngày mai con Ban dẫn bạn trai về ra mắt, lại có cả bố mẹ bạn trai nó cùng lên thăm gia đình mình...
Đang sửa lại hàng rào ngoài vườn, Hoàng vội bỏ đấy chạy vào. Hai vợ chồng hoan hỉ ra mặt. Cuối cùng thì con bé đã chịu dẫn bạn trai về nhà. Hai bảy tuổi rồi chứ còn bé bỏng gì, tuổi này gái bản đã hai, ba con. Vậy mà giục nó lấy chồng như giục đò nó vẫn tủm tỉm cười: "Bố mẹ lo gì, con gái bố mẹ vẫn có giá mà, không lo ế đâu, chỉ là chưa tìm được người xứng đáng thôi". Bây giờ nó đã chịu, lại có cả bố mẹ bạn trai lên cùng thì còn gì bằng. Phải đón tiếp nhà trai cho thật chu đáo. Hai vợ chồng Hoàng lên ngay kế hoạch. Hoàng bảo vợ:
- Em hỏi con xem lên Nghĩa Lộ, chuyến mấy giờ để anh nhờ mấy xe máy ra bến xe đón. Tiện thể, hỏi luôn con rể tương lai quê ở đâu.
- Nó bảo bạn nó tên Minh, công tác ở Hà Nội. Cái viện nghiên cứu gì, tiếng nước ngoài không nhớ nổi. Cả nhà sẽ lên Nghĩa Lộ bằng xe ô tô riêng chứ không đi xe khách...
Nghe Huyền nói xong, Hoàng trầm ngâm:
- Như thế, gia đình họ vào loại khá giả chứ không phải bình dân. Đón tiếp thế nào cho phải đây? Món ăn sang thì họ quen rồi. Vả lại, mình cây nhà lá vườn thì sao làm ngon bằng đầu bếp nhà hàng được.
Bàn đi tính lại, cuối cùng hai vợ chồng quyết định, bữa đầu tiên cứ tiếp bằng món ăn truyền thống của người Thái: cá nướng úp, thịt trâu hun khói, thịt lợn băm gói là dong nướng than hồng chấm với "chẳm chéo", rau xôi thập cẩm, xôi cốm, rêu tươi nấu với nước xương hầm, món ăn trong mâm rượu hứa hôn của người Thái. Vậy là ổn rồi, Phải nhờ bá Giảng, dì Thắm sang giúp làm cơm. Phải mời ông trưởng tộc họ Hoàng, bác Cả, anh Tuyên đại diện cho họ nội, họ ngoại sang tiếp khách nữa... Hai vợ chồng phân công nhau: Chồng thu dọn nhà cửa, sân bãi, mời khách. Vợ chuẩn bị thực phẩm và nhờ người giúp làm cỗ. Mọi việc khác gác lại, tập trung cho việc lớn.
10 giờ, cỗ bàn đã bày biện tinh tươm. Có tiếng chuông điện thoại reo. Huyền vồ lấy máy, bật loa ngoài, nghe rõ tiếng Ban: "Con đã qua dốc Thái Lão rồi bố mẹ ạ, 10 phút nữa đến nhà". Hoàng vội đổ bã chè, súc ấm thật sạch rồi mới cho chè mới, đậy nắp ấm, khách đến mới châm nước. Các bác, các chú, các cô cũng sửa lại quần áo cho chỉnh tề. Nghe tiếng còi ô tô "bim bim" ngoài cổng, hai vợ chồng Huyền vội chạy ra. Xe vừa dừng, Ban bật cửa chạy ra ôm lấy mẹ. Bên kia, Minh cũng xuống xe ấp úng chào. Tiếp đến là một phụ nữ chạc ngoài 50 xuống xe, đoán là mẹ Minh, Huyền chạy đến tươi cười đón tay. Hai người phụ nữa vừa chào nhau xong thì người đàn ông cũng bước xuống, tươi cười cất tiếng: "Chào ông bà...". Ông ta chưa chào hết câu, Huyền ngước lên định đáp lễ bỗng giật mình, không cất lên lời. Bốn mắt nhìn nhau. Người đàn ông cũng không giấu nổi sự sững sờ, bối rối. Ông ta cố lấy lại sự bình tĩnh, cất lời chào lần nữa:
- Xin chào ông bà ạ!
Hoàng đáp lại lời chào, đưa cả hai tay ra bắt. Còn Huyền vẫn cúi mặt, chỉ khẽ gật đầu. Người đàn ông bước gần lại, đối diện với Huyền, ồn tồn hỏi:
- Thưa bà, xin lỗi bà có phải là Huyền không ạ?
Huyền vẫn lặng im, khuôn mặt lộ rõ vẻ thất thần. Hoàng, mẹ Minh, cả Ban và Minh đều ngạc nhiên. Không ngờ bố Minh và mẹ Ban đã từng quen biết nhau. Dường như đoán được điều đó, bố Minh vội lên tiếng:
- Là thế này, cả nhà ạ. Ngày xưa thời còn là sinh viên, tôi và bà Huyền đều học ở Đại học Sư Phạm Việt Bắc. Tôi học khoa Toán, trước Huyền một năm. Từ ngày ra trường nay mới gặp lại. Đúng là quả đất tròn. Thật không ngờ. Thôi ta vào nhà đi chứ!
Huyền đã bình tĩnh lại, tuy nhiên giọng vẫn chưa hết run:
- Vâng! Mời anh chị và cháu vào nhà ạ.
Hoàng dẫn khách đi rửa chân tay, rồi mời ăn cơm. Khách Hà Nội lần đầu được thưởng thức ẩm thực Thái ai cũng tấm tắc khen ngon. Bữa cơm vui vẻ cũng giúp cho mọi người tự nhiên hơn.
Chiều, Ban đưa Minh và bố mẹ đi tham quan thị xã. Ở nhà chỉ còn hai vợ chồng, Huyền gọi chồng lại bảo:
- Em không đồng ý cho con Ban nhà mình lấy thằng Minh đâu. Tối nay em sẽ nói thẳng để ngày mai họ về...
Hoàng giật mình:
- Nhưng tại sao lại thế? Họ lên tận đây thăm nhà mình, lại là người tử tế. Thằng Minh cũng đẹp trai, sáng sủa, lại có công ăn việc làm đàng hoàng. Em chê nhà họ với thằng Minh ở điểm nào?
- Em không chê gì cả, chỉ vì em không muốn con mình lấy chồng xa... Anh không quyết thì em quyết. Nó...
Câu nói bỏ lửng của vợ khiến Hoàng sững sờ, hụt hẫng.
- Có phải em định bảo nó là con em, chứ không phải con anh phải không?
Huyền bỗng bối rối như người có lỗi, ấp úng:
- Không...! Không phải thế...! Em... em không có ý ấy. Cái Ban... mãi là con... chỉ là con anh... Ý em là... ngày xưa...
- Ngày xưa sao? Đã xảy ra việc gì mà cái Ban không thể lấy...
Không để Hoàng hỏi hết, Huyền bỗng òa khóc. Từ ngày quen biết rồi thành vợ chồng, có với nhau hai mặt con, chưa bao giờ Hoàng thấy vợ mình khóc như thế cả.
Ngày gặp nhau lần đầu, Hoàng là kiểm lâm, Huyền là cô giáo, cùng công tác ở Bát Xát nhưng không biết nhau. Rạng sáng ngày 17/ 2/ 1979, quân Trung Quốc vượt biên, tràn sang Bát Xát, chúng chiếm ngay được Quang Kim, rồi đánh thốc vào thị trấn. Lực lượng tự vệ của ta vừa bị bất ngờ, vừa yếu thế về binh hỏa lực, phải lùi về phía sau tổ chức phòng ngự. Nhân dân thì vượt rừng rút về Bảo Thắng. Trên đường rút, thấy có người nằm co quắp bên bụi cây, Hoàng đến xem còn sống hay đã chết. Một cô gái trẻ, mặt trắng bệch, máu chảy ướt đầm ống quần. Áp tai vào ngực thấy còn nhịp tim yếu ớt. Hoàng vội kiểm tra xem vết thương ở đâu để băng bó. Nhưng không thấy vết thương mà máu vẫn ri rỉ chảy xuống đùi. Ngẩn người một lúc, Hoàng mới láng máng hiểu bệnh tình cô gái. Làm thế nào bây giờ? Tiếng súng vẫn ran ran phía đầu cánh rừng, mỗi lúc một gần. Hoàng vội xốc cô gái lên vai. Đường rừng, vượt dốc, đi một mình đã khó. Cõng thêm người đang ngất càng khó. Cứ thấy chỗ nào cây lá bị rẽ ra là đi, thể nào cũng gặp người. Hồi lâu, bỗng nghe thấy có tiếng hú. Hoàng vội cõng cô gái băng tới. Nhưng đến nơi lại thấy im phăng phắc. Đợi hồi lâu không thấy động tĩnh gì. Quái lạ. Rõ là có tiếng hú. Họ nấp đâu hết rồi. Nhìn ngó xung chung quanh, thấy có một cái hang. Nghĩ có người nấp trong hang, Hoàng ngó vào gọi to:
- Có ai trong hang không?- Im lặng.
- Có ai ở trong hang không ạ?- Vẫn im lặng.
- Có người bị thương nặng, xin cứu giúp!- Vẫn không có hồi âm.
- Tôi không phải là thám báo. Có cô gái bị ra nhiều máu lắm. Tôi không biết làm cách nào để cầm máu. Có ai, cứu cô gái với!
Lát sau, một bà mế người Nùng bước ra. Bà nhìn Hoàng và cô gái rồi bảo:
- Vợ bị thương à?
Nói rồi bà mế đỡ Hoàng đặt cô gái xuống bãi cỏ trước của hang. Nhìn cô gái, bà khẽ xoay người cho cô nằm thẳng, khép hai chân lên nhau, đầu hơi chúc xuống. Rồi bà luồn tay vào bụng dưới cô gái khẽ sờ nắn thành bụng. Một lát, bà bảo Hoàng:
- Cố ấy bị động thai. Mấy tháng rồi?
Thấy Hoàng khẽ lắc đầu. Bà mế liền trách:
- Chú là chồng mà không biết vợ có thai à? Sao vô tâm thế? Thôi, ngồi xuống xoa bụng cho cô ấy như tôi vừa xoa, để tôi đi kiếm lá thuốc cầm máu với an thai cho cô ấy. Nhanh thì may cứu được cái thai.
Bà mế vào rừng, hồi lâu mang về một ôm các loại lá cây. Bà bảo Hoàng vò nát, vắt lấy nước cho cô gái uống. Vừa lấy nắm bã lá đắp lên bụng cô gái, bà mế vừa bảo:
- Chú lấy băng buộc nắm bã vào bụng vợ, cho khỏi rơi. Lá thuốc an thai của người Nùng tốt lắm. Rồi vào trong hang, có gạo đấy, nấu cho cô ấy bát cháo.
Cháo nấu xong, Hoàng bón từng thìa nhỏ cho cô gái. Chắc vừa đói vừa bị mất máu nhiều nên cô ăn rất ngon. Máu đã cầm. Bụng không còn đau. Bà mế lại luồn tay thăm khám rồi bảo: Ổn rồi. Giờ để cô ấy nằm yên, không được giở mình, không được đi lại.
Trời đã tối. Tiếng súng cũng im. Đêm ấy, Hoàng cùng cô gái và đoàn người chạy loạn ngủ trong hang. Hôm sau, cả đoàn cắt rừng về Lu. May trong ba lô có cái võng bạt, Hoàng chế thành cái cáng và nhờ một anh thanh niên trong đám người chạy loạn cùng mình cáng cô gái. Hai ngày vượt rừng mới về được Lu. Hai người lên tàu về Yên Bái. Sau đận ấy, biết được cảnh ngộ éo le của cô gái, Hoàng đã xin cưới cô. Rồi cả hai xin chuyển công tác về Nghĩa Lộ. Cái thai được bà mế người Nùng cứu sống chính là cái Ban. Cái tên ấy là do Hoàng đặt.
Từ khi lấy nhau, chưa bao giờ Hoàng hỏi Huyền về bố cái Ban. Mấy lần Huyền định kể nhưng Hoàng đều gạt đi. Ban lớn lên trong sự yêu thương của bố mẹ, thậm chí bố Hoàng còn chiều con gái hơn mẹ Huyền. Thấm thoắt, thế mà cũng đã hơn hai chục năm. Thường thì bao giờ Huyền cũng nghe chồng. Đây là lần đầu tiện từ khi lấy nhau, hai vợ chồng mới bất đồng quan điểm. Nhìn thẳng vào mắt vợ, giọng Hoàng buồn buồn:
- Anh không hiểu vì sao em lại phản đối tình yêu của con mình quyết liệt đến như vậy? Hình như em không tin anh? Không muốn anh can thiệp vào cuộc đời con Ban.
Huyền ngước lên, nhìn thẳng chồng, đôi mắt Huyền đẫm nước, giọng run run:
- Vậy hôm nay anh phải nghe em kể hết mọi sự việc. Mặc dù em biết anh không muốn nghe. Anh cố nghe. Nghe xong mọi việc do anh quyết định.
Ngày học đại học, có một chàng trai Phú Thọ học cùng trường rất yêu Huyền. Thi tốt nghiệp xong, anh theo Huyền về Mường Lò vào một mùa Ban nở. Trong rừng Ban đẹp như chốn thần tiên, anh đã cầu hôn Huyền. Nhận lời cầu hôn, cô gái Thái xứ Mường lâng lâng hạnh phúc. Rồi anh ấy dẫn Huyền về ra mắt bố mẹ mình. Ông bà khuyên Huyền lo học cho tốt, ra trường có bằng cấp, thì mới tính việc cưới. Về trường, Huyền lao vào học với một niềm hy vọng cháy bỏng. Khi gia đình bạn trai chuyển về Hà Nội, rồi anh ta xin vào làm việc ở Bộ Kế hoạch chứ không đi dạy học, Huyền càng vùi đầu vào học, vì nghĩ phải học thật giỏi mới làm được cô giáo thủ đô. Tốt nghiệp, cầm tấm bằng loại ưu trong tay, Huyền về Hà Nội, bạn trai không có nhà. Mẹ anh ta bảo, anh đang có chuyến công tác nước ngoài, không thể liên lạc được. Bà khuyên Huyền nên về quê dạy học. Ở đó sẽ thích hợp hơn với Huyền hơn. Vả lại, ông bà cũng đã nhắm cô con gái ông thứ trưởng làm con dâu rồi. Sắp tới, ông thứ trưởng sẽ lo cho hai đứa ra nước ngoài tu nghiệp. Bà sẽ cho Huyền một ít tiền để lo công việc trên quê... Tình yêu tan vỡ, hy vọng sụp đổ, lòng tự trọng bị tổn thương, Huyền cắn chặt môi để khỏi bật khóc, rồi ra ga Hàng Cỏ, ngược lên Yên Bái ngay trong đêm. Vào Ty Giáo dục, thay vì xin về quê, Huyền xung phong đi dạy học ở nơi nào xa nhất...
Huyền được phân công lên Bát Xát. Ban ngày lên lớp dạy học thì không sao nhưng đêm đến, một mình trong căn phòng tập thể trống trải, nỗi đau xót, hụt hẫng vì mối tình đầu đổ vỡ cùng sự tủi hận khiến Huyền không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Vì vậy, khi có thầy giáo dạy cùng trường, hơn Huyền vài tuổi, nghiêm túc, cẩn trọng với công việc, vui vẻ, hòa đồng với đồng nghiệp, ngỏ lời, Huyền đã không chần chừ đón nhận với tất sự khao khát có một tấm chồng, một đứa con, một gia đình để khỏa lấp đi mọi nỗi đau buồn. Ngày cưới đã định, thiếp mời đã đặt in, thì bỗng một sáng, tiếng pháo nổ chát chúa ngay đầu thị trấn làm Huyền tỉnh giấc. Bọn Tầu đánh ta rồi! Ý nghĩ ấy vừa lóe lên trong đầu, Huyền chạy vội sang phòng người yêu, đập cửa gọi nhưng không có tiếng thưa. Chắc anh ấy còn ngủ say. Huyền đạp cửa xông vào phòng. Chiếc gường cá nhân, màn vẫn buông kín, chăn vẫn đắp dọc theo gường. Huyền vội lật chăn lên. Sững sờ khi thấy toàn là xô, chậu. Anh ấy đi đâu mà lại tạo hiện trường như đang năm ngủ? Thấy trên bàn làm việc có một tờ giấy, Huyền cầm lên xem. Là thư gửi Huyền. Trong thư có viết: Dù rất yêu Huyền, cũng rất yêu nghề dạy học nhưng anh ta bắt buộc phải trở về Tổ quốc Trung Hoa của mình để làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là dẫn đường cho đại quân. Nếu không về, anh ta sẽ bị xử tử về tội phản bội Tổ quốc. Không còn cách nào khác. Mong Huyền thông cảm, mong Huyền tha thứ. Nếu Huyền có thai, để sinh hay bỏ đi là quyền của Huyền. Nếu để sinh, xin Huyền đừng bao giờ cho con biết về dòng máu Trung hoa chảy trong người nó. Hãy để nó luôn nghĩ rằng là một người Việt Nam, hoàn toàn là một người Việt Nam...
Những việc xảy ra hồi ấy, Huyền đã chôn chặt đáy lòng. Nay bỗng dưng lại gặp người bạn trai mối tình đầu, anh ta lại là bố người yêu con gái mình, sắp trở thành thông gia với mình. Vết thương lòng tưởng đã thành sẹo bỗng lại bị tấy lên, rỉ máu. Thử hỏi sao không bàng hoàng, đau xót, không bối rối, khó xử...
Lòng thương cảm vượt lên mọi sự tự ái, Hoàng ôm chặt vợ thì thầm: Cái Ban sẽ mãi là con anh. Chỉ là con anh thôi. Việc anh biết hôm nay không làm thay đổi mới quan hệ của anh với con. Em yên tâm, dù có nguồn gốc gì đi chăng nữa nhưng con Ban được sống trong tình yêu thương của anh và em; nó bện hơi bố Hoàng từ lúc chưa chào đời thì nó phải là con bố Hoàng. Nó lớn lên bằng cơm người Thái, ở nhà Thái, sống giữa bản Thái, hát bài dân ca Thái thì nó mãi là cô gái Thái... Đừng khóc nữa. Việc lúc này là lo cho hạnh phúc của con. Đồng ý cho hai đứa lấy nhau đi. Đừng vì quá khứ mà làm con mình bị tổn thương. Cũng không cố chấp, trách cứ anh Đăng nữa. Có thể do hoàn cảnh. Có thể là duyên số. Có thế anh mới có được người vợ là em...
Vừa lúc Đằng về đến nhà, hồ hởi khoe:
- Lên thăm Khu di tích căng đồn xong, còn sớm nên cháu Ban lại dẫn chúng tôi đi thăm bản Sà Rèn. Bản đẹp, suối Thia thơ mộng. Vợ tôi bảo, sau này chả phải đi Tây, đi Tàu làm gì, cứ lên Nghĩa Lộ vừa du lịch, vừa thăm thông gia. Bà ấy và các cháu vẫn còn mê mải chụp ảnh ngoài suối. Tôi tính, nhà ông bà rộng rãi, thoáng đẹp lại ở giữa bản thế này nên làm homestay. Tôi sẽ tư vấn và giới thiệu khách nước ngoài cho.
Hoàng cầm tay Đăng lắc lắc, tươi cười:
- Thế thì còn gì bằng. Vợ chồng tôi cũng có ý định ấy từ lâu, nhưng còn lo việc học hành của các cháu. Nay thì tạm ổn rồi...
Không đợi Hoàng nói hết, Đăng bảo:
- Vậy thì lo xong việc cưới cho hai đứa ta bắt tay làm luôn. Vợ chồng tôi định tối nay xin phép thưa chuyện với ông bà; muốn có các bác bên nội, bên ngoại cháu Ban cùng dự để ta thống nhất luôn. Ý ông bà thế nào ạ?
Trong khi Hoàng xởi lởi tiếp chuyện Đăng thì Huyền vẫn lặng lẽ, khuôn mặt lộ rõ vẻ ưu tư.
Đăng cầm chặt tay Hoàng, giọng trầm hẳn xuống:
- Xin phép ông Hoàng cho tôi nói với bà nhà mấy câu...
Hoàng cầm tay Đăng chặt hơn:
- Tôi hiểu. Huyền cũng vừa nói với tôi chuyện xưa. Quan điểm của tôi là ủng hộ các con.- Nói rồi Hoàng đi ra ngoài sân.
Đăng tới bên bàn nước, ngồi đối diện với Huyền:
- Bà Huyền có vẻ không vui. Tôi hiểu sự khó xử của bà. Chắc bà còn giận tôi lắm. Ngày ấy... mà chuyện dài lắm... dù sao cũng là lỗi tại tôi...giờ có nói lại cũng không tiện, chỉ mong bà bỏ qua mọi chuyện cũ... Tôi... tôi xin bà...
Hồi lâu, Huyền mới khẽ nói:
- Ông cứ nói chuyện với nhà tôi. Tôi đã để anh ấy quyết định mọi việc rồi. Giờ tôi đi chuẩn bị cơm chiều.
Đăng ra ngoài sân. Hoàng chỉ vào cây hoa Ban trong vườn bảo:
- Cây Ban này trồng được mấy năm rồi. Năm nay trổ hoa bói. Những búp này chỉ mấy hôm nữa có mưa phùn là nở.
Buổi tối, tại nhà Hoàng, có đủ họ hàng nội ngoại. Hoàng thưa về việc nhà trai đặt vấn đề xin làm lễ ăn hỏi, lễ cưới cho các cháu trong năm.
Trưởng tộc họ Hoàng đứng đậy nói luôn:
- Trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng là lẽ đương nhiên. Tôi chỉ đề nghị hai điều: Thứ nhất, sắp Tết đến nơi rồi. Đây về Hà Nội không xa cũng không gần nên theo tôi, đám hỏi và cưới làm luôn một lần, cho đỡ phải đi lại nhiều. Thứ hai, nhà gái phải tổ chức theo phong tục người Thái. Còn về Hà Nội, nhà trai muốn tổ chức thế nào thì tùy.
Tất cả mọi người vỗ tay tán thưởng ý kiến ông trưởng tộc. Bỗng ông chú Huyền đứng dậy hỏi:
- Vậy có làm lễ tằng cẩu không?
Ông trưởng tộc nói luôn:
- Có chứ. Không tằng cẩu thì sao gọi là đi lấy chồng. - Nhìn mọi người một lượt rồi ông nói tiếp- Ý tôi là, nhà trai lên hôm trước làm lễ ăn hỏi. Đêm ta tổ chức xòe. Sáng hôm sau làm lễ tằng cẩu cho cô dâu, rồi mới ăn cỗ cưới. Có được không các cụ, các bá?
Tất cả lại vỗ tay. Sáng sau, vừa mở cửa nhà, Hoàng bỗng reo lên:
- Hoa Ban nở rồi. Mẹ Huyền ơi! Ra mà xem hoa nở đẹp quá. Mới hôm qua còn là búp mà hôm nay bừng nở cả. Ban nở sớm thế này là điềm lành...
Nghe Hoàng gọi, không chỉ Huyền mà cả vợ chồng Đăng, cả Ban và Minh đều chạy ra sân nhìn ngắm từng đóa Ban vừa bừng nở. Ai cũng xuýt xoa: Đẹp quá! Đẹp quá! Cây Ban đêm qua rụng hết lá, chỉ toàn hoa là hoa. Minh vội chạy vào nhà lấy máy ảnh ra chụp. Đăng nâng một đóa Ban lên nhìn ngắm hồi lâu rồi quay sang Hoàng bảo:
- Lần đầu tiên tôi được nhìn ngắm hoa Ban gần và kỹ như thế này. Hoa Ban đúng là biểu trưng của vẻ đẹp Tây Bắc.
Hoàng cũng bắt lời Đăng:
- Với người Thái chúng tôi, hoa Ban không chỉ đẹp ở màu sắc mà nó còn tượng trưng cho ước mơ, khát vọng yêu thương, hạnh phúc ông ạ. Chúng tôi đặt tên cho con gái là Ban cũng vì ý đó. Vào mùa Ban nở, người Thái lấy những chùm hoa đầu mùa về cắm trong nhà để cầu điều may mắn đến với nhà mình trong cả một năm. Mừng mùa Ban mới, người Thái còn làm lễ hội hoa Ban. Cũng lạ, thường thì tháng sau Ban mới nở hoa, thế mà cây Ban này không chỉ năm nay ra hoa bói mà còn nở sớm nữa. Đúng là hoa nở vì người rồi.
Đăng bỗng nắm tay Hoàng, nói:
- Vậy xin ông bà cho cháu Ban mặc trang phục Thái, rồi Ban với Minh chụp một tấm ảnh dưới cây Ban này làm ảnh cưới. Minh đưa máy ảnh cho bố rồi vào mặc comple đi.
Ban cùng mẹ vào nhà thay trang phục. Lát sau, bước ra, nhìn Ban cả nhà phải ồ lên, trầm trồ. Vẻ đẹp người con gái Thái bình dị mà duyên dáng đến nao lòng.
Nhìn hai con quấn quýt bên nhau tạo dáng chụp tấm ảnh cưới bên cây hoa Ban vừa bừng nở, Hoàng bỗng thốt lên:
- Thế này phải gọi tam hỷ lâm môn. Cầu chúc cho hai con hạnh phúc bền đẹp mãi mãi như hoa Ban.
Đăng khoát tay bảo:
- Để tôi cài đặt chế độ chụp hẹn giờ tự động, hai nhà ta chụp kiểu ảnh kỷ niệm ngày đặc biệt này.
Mười giây! Sau tiếng "tạch" của máy ảnh, tất cả đã nằm gọn trong một khuôn hình, nét mặt ai cũng rạng rỡ. Đằng sau là cây Ban nở đầy hoa.
Yên Bái, cuối năm Canh Tý
N.H.L