• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Khát vọng Yên Bình
Ngày xuất bản: 04/11/2024 2:58:19 CH

DƯƠNG THU PHƯƠNG

Mặt trời đứng bóng, những người đàn ông khom người giữa mặt hồ xanh thẳm. Đôi tay lực lưỡng kéo tấm lưới lên cao, những lớp cá bật nhảy tanh tách. Dưới nắng, da cá và những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng sáng lên lấp lánh. “Lồng này ước chừng được 20 tấn cá, lượt cá da trơn đầu tiên đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Như một giấc mơ”, một người trong đó khe khẽ như tự nói với chính mình rồi lại trằn mình giữa những lồng cá. Ánh mắt hạnh phúc đó, ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Phát huy tiềm năng lợi thế

Là mảnh đất thuộc thung lũng sông Chảy và chỉ cần vượt qua dãy núi Con Voi lại đến thung lũng sông Hồng, Yên Bình vốn gắn với sông ngòi như ngòi Hành, ngòi Tráng, ngòi Bích Đà, ngòi Lòi, ngòi Dầu, ngòi Cát, ngòi Úc, ngòi Biệc... Quá trình mở rộng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình bao kín ba mặt Hồ, quản lý 19.000ha diện tích mặt nước, 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, 3-3,9 tỷ mét khối nước với 130 loài cá tự nhiên có giá trị kinh tế cao như trôi, chép, măng, ngão, quả, vền, ngạnh, chiên, lăng, quất, bống, tượng…, chưa kể tôm và các loại cá nhỏ. Từ đó, người dân nơi đây, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác dựa vào sông hồ mà sinh sống. Hình ảnh thân thuộc là những chiếc thuyền nan với những lưới nhỏ, lưới to, cần cầu ngư cụ lênh đênh trên mặt hồ. Ban đêm, mặt hồ như có ngàn vạn ngôi sao chiếu rọi.

Không chỉ đánh bắt cá, các làng nghề gắn với đánh bắt cá, đan rọ tôm của cư dân gắn với sông nước cũng trở nên nổi tiếng. Sáng sớm, những chiếc xe chở sau lưng hàng trăm chiếc rọ được đan khéo léo kết lại với nhau như một bông hoa khổng lồ. Dẫu sau này, nghề đan rọ tôm không mang lại nguồn thu nhập cao nhưng đó là một nét đẹp văn hóa, một làng nghề truyền thống mà ai đã đến Yên Bình đều muốn được tham quan trải nghiệm. Theo một báo cáo mới đây, hàng năm có khoảng 3.000 du khách đến đây, trong đó không ít là khách du lịch nước ngoài.

Theo thời gian, nơi đây không còn nhiều người chỉ dựa vào đánh bắt tự nhiên. Ý thức về bảo tồn nguồn lợi thủy sản đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Những chiếc lồng bè cá hiện đại ngày càng nhiều, eo ngách hồ được ngăn lại để nuôi thả nhiều loại cá có chất lượng, sản lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường để xuất khẩu. Lúc nhiều, hồ Thác Bà có khoảng trên 2.000 lồng nuôi cá, trên 800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản cho sản lượng hàng năm 8.000 tấn. Trong nông nghiệp, sản xuất đã khó, tiêu thụ còn khó hơn. Nhớ những năm 2016-2017, khi bắt đầu xác định thủy sản là ngành kinh tế trọng điểm, huyện đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ lồng bè, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nhưng lại không có đầu ra. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng, lúc đó là Chủ tịch UBND huyện đã không biết bao nhiêu lần đi lại gặp gỡ các doanh nghiệp thủy sản. Thấy được sự thiện chí, tâm huyết của người chủ tịch vì dân, Công ty Thủy Nguyên Hải Phòng đã hỗ trợ kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm. Đó là bước khởi đầu để ngành thủy sản cất cánh. 10 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, 8 sản phẩm từ cá hồ Thác Bà là sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3- 4 sao đã cho thấy những nỗ lực trong phát triển tiềm năng địa phương.

Dòng sông ấy, mang đến cho người dân nơi đây những đặc sản thượng hạng. Anh bạn đi cùng đoàn bảo với tôi rằng, mỗi lần sóng ì oạp mạn tàu anh lại văng vẳng bên tai câu chuyện xưa. Rằng, cách đây khoảng 300 năm có gia đình ở Khả Lĩnh Trang bứt những trái bưởi thả xuống dòng sông Chảy trôi về hạ lưu. Những người sinh sống ven sông đã vớt lên, bổ ra ăn thấy ngon bèn tâu trình lên nhà vua. Vua ăn thử thấy ngon đã lệnh cho quan cai trị địa phương hằng năm phải tiến vua những trái bưởi ngon ấy. Từ đó, bưởi Khả Lĩnh, Đại Minh còn có tên gọi khác là bưởi tiến vua. Nhờ phù sa màu mỡ, thổ nhưỡng thuận lợi mà giống bưởi nơi đây mọng nước, vị thanh, ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng, cây bưởi càng già tuổi thì càng quý, chất lượng quả càng thơm ngon. Mỗi năm một lần, vào độ tháng 9 tháng 10, khi những quả bưởi vàng suộm, lúc lỉu trên cành, trong không gian tỏa mùi thơm dịu mát của bưởi chín, huyện Yên Bình lại tổ chức Ngày hội khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà và sản vật Bưởi Đại Minh. Dù bận rộn đến mấy anh cũng phải dành thời gian đến đây, hít hà căng tràn lồng ngực như để tích trữ cho cả một khoảng thời gian sau đó. Để diễn tả nỗi lòng mình, anh ngân nga “Sông Chảy bao đời mang phù sa, bồi đắp làng quê dâng trái ngọt, nắng gió Thác Bà gom hương núi, nên đất quê mình bưởi Đại Minh”- một đoạn trong bài hát “Hương bưởi Đại Minh” của tác giả Thanh Tửu. Không phải là thứ hương của hoa ngào ngạt, chính mùi thơm dịu nhẹ của quả chín đó mới gây thương gây nhớ. Mọi người đùa rằng, sẽ đề nghị với Chủ tịch UBND xã Đại Minh vinh danh anh là công dân danh dự. Anh làm điệu bộ “vui vẻ nhận lời” khiến chuyến đi thêm thú vị.

Tự nhiên tôi lại nhớ đến sử thi nổi tiếng “Khảm hải” của người Tày nơi đây. Đã hơn một lần chúng tôi muốn đi tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao một vùng quê núi lại có thể có trường ca vượt biển day dứt khắc khoải đến như thế, với một lối hát nhiều màu sắc. Phải chăng, đó là cảm xúc khi vượt những con ghềnh, con thác ở cuối vùng sông Chảy này. Cảm xúc hãnh diện đó còn hiện lên trên khuôn mặt của các bà các mẹ mỗi khi trình diễn điệu múa xúc tép mà chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng. Sẽ là duyên cớ cho nhiều cuộc hành hương nữa, là tôi miên man nghĩ thế.

Lời giới thiệu của anh Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch UBND xã Đại Minh cắt ngang dòng suy nghĩ. “Hiện giống bưởi Khả Lĩnh được trồng với diện tích hơn 1.200ha đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân, mang lại diện mạo mới cho xã Đại Minh”.

Không chỉ mang lại nguồn lợi vật chất, bưởi Đại Minh chính thức mở ra tư duy mới, hiện đại trong phát triển kinh tế nông nghiệp của bà con. Người dân tích cực tham gia liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Với tổng kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gần 40 tỷ đồng, toàn huyện hiện có 18 dự án phát triển theo chuỗi giá trị và hình thành vùng sản xuất như: Cá hồ Thác Bà, Bưởi Đại Minh, cây dược liệu, cây chè, cây quế, tre măng bát độ, gỗ rừng trồng, gỗ ván dán, gà, lợn thịt… Sau rất nhiều nỗ lực, tháng 12/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Bưởi Đại Minh” cho giống bưởi Khả Lĩnh của huyện Yên Bình. Và đến nay đã có đến 40 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGap (OCOP). Các sản phẩm ấy đã lên sàn thương mại điện tử, mạng Facebook, Zalo, qua website của các doanh nghiệp; đã có mặt tại hội chợ triển lãm hàng nông sản nhằm liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu. Sự kết hợp giữa nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và chuyển đổi số giờ đây không còn chỉ nghe nói, không chỉ nhìn thấy trên ti vi mà hiện hữu ngay tại những vùng quê núi. Chiếc màn hình nhỏ bé, cùng cú chạm tay khe khẽ, hàng tấn hàng hóa được đẩy đi. “Người dân đã quen với điều đó”, anh Nguyễn Kiều Hưng - chủ tịch UBND xã Đại Minh hãnh diện khoe thêm.

Phát huy nội lực, tận dụng tiềm năng lợi thế luôn là điều được Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Bình quan tâm. May mắn có được vùng đất bằng phẳng, màu mỡ, Bạch Hà nổi tiếng với thương hiệu gạo “gạo Bạch Hà, gà Linh Môn”. Ngay từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bà con nhân dân xã Bạch Hà đã đóng góp tiền của công sức kéo hơn 10 km đường điện cao thế về xã, một việc không nơi nào làm được khi đó. Điện đã thắp lên cả niềm tin và mơ ước về một vùng quê trù phú. Sau điện là giao thông nông thôn. Bạch Hà cũng là xã đầu tiên hoàn thành việc bê tông hóa các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã. Từ đó, rừng xanh phủ kín núi đồi, vườn tạp trở thành vườn cây ăn trái với bưởi, thanh long… Bạch Hà trở thành xã nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao của huyện.

Không chỉ Bạch Hà, Mỹ Gia là vùng đất khó khăn, nhỏ bé với khoảng hai nghìn nhân khẩu, Xuân Long là xã vùng cao duy nhất của huyện nhưng biết tận dụng thế mạnh, chăn nuôi trang trại, gia trại nông lâm kết hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa thì thu nhập của bà con cũng không ngừng được nâng cao, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao của huyện.

Yên Bình vốn là vùng đất khó với núi rừng hồ đảo, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, trình độ sản xuất thấp. Từ khát vọng của người dân, từ sự năng động tìm tòi hướng đến thị trường, đến phát triển bền vững Yên Bình đã ngoạn mục chuyển bại thành thắng, biến khó khăn thành lợi thế, khai thác các tiềm năng từ đất, nước và con người trở thành tài nguyên dành cho hiện tại và tương lai.

Hạnh phúc cho tất cả mọi người

Tấm pa nô màu đỏ tươi với dòng chữ “Hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu” mở ra giữa không gian bát ngát xanh của trời, đất và cây cối, như lời mời, níu chân chúng tôi tìm hiểu thêm về Yên Bình.

Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về sự hài lòng và hạnh phúc, điều trước tiên chúng tôi thường nghĩ đến chính là không gian cư trú. Sẽ ra sao khi cá tách khỏi nước, cây rời khỏi rừng, những người nông dân quê kiểng chân lấm tay bùn vì cuộc sống mưu sinh mà phải từ bỏ làng quê thân thuộc. Cảm xúc này, Yên Bình thấm hơn ai hết. Vào những năm 60, đầu 70 của thế kỷ trước, để xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà, 37/39 xã của huyện đã phải xóa bỏ, hơn ba vạn dân bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả để chuyển đến vùng đất mới trong cuộc đại chuyển dân gian khổ. Nhưng làm sao để người dân được sống một cuộc sống hạnh phúc thực sự “nhập thị bất nhập thành, ly nông bất ly hương” là cả một quyết tâm chính trị to lớn mà như cách nói của các đồng chí lãnh đạo huyện là “phải tập trung, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội; tập trung phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bứt phá trong chuyển đổi số và du lịch; phát triển hài hòa kinh tế- xã hội- môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con”.

12 năm xây dựng nông thôn mới kể từ năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng so với 17,5 triệu đồng trước đó. Đến hết năm 2022, 22/22 xã trong huyện đạt các tiêu chí xã nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới một năm sau đó, về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội đặt ra, là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt huyện nông thôn mới theo chuẩn mới. Đó là quả ngọt của một quá trình phấn đấu gian khổ với phương châm “không có gì là không thể, phải tìm mọi cách để làm”. Những tưởng, sẽ có một thời gian nghỉ ngơi sau một hành trình dài phấn đấu mệt mỏi, nhưng không- thấm trong chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh “Nông thôn mới là hành trình chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới để mang lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho nhân dân, phải làm cho việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoạt động của các cấp, các ngành đối với toàn xã hội và mỗi người dân Yên Bình”.

Chị Lâm, 43 tuổi là mẹ của 2 cậu con trai, một trong những công nhân may đầu tiên của Công ty Daeseung tâm sự “Không thạo nghề trồng cấy, nên em đi làm công nhân từ khi mới học xong phổ thông. Lấy chồng cũng làm công nhân nhưng khi sinh con thì phải gửi về quê cho ông bà. Biết là con cái không có cha mẹ bên cạnh rất thiệt thòi nhưng cũng cố dành mấy năm tuổi trẻ, lúc con còn nhỏ và bố mẹ còn khỏe mạnh. Rất vui khi nghe tin nhà máy xây dựng ngay ở quê nên có tin đăng tuyển công nhân là em trở về ngay. Cả nhà đoàn tụ, chung một nồi cơm, tình cảm được vun đắp mà kinh tế cũng để ra được chút đỉnh”. Với người đang độ tuổi lao động vấn đề quan trọng nhất là việc làm, thu nhập. Ông bà ta nói không sai “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”. Để khuyến công, huyện có chính sách liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng đặc thù: người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, lao động thuộc các xã còn khó khăn… hàng năm đã giải quyết việc làm cho 3.500 lao động. Anh cán bộ lao động thương binh xã hội chia sẻ với chúng tôi “Không chỉ nâng cao thu nhập mà điều đó còn giúp cho những người phụ nữ tự tin hơn, thực hành tốt hơn quyền bình đẳng giới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Người dân lúc nào cũng quan tâm nhiều đến sự tiện ích, chính xác, kịp thời đặc biệt là trong thời đại “thông tin chính là đầu vào của nền kinh tế”. Được biết, huyện Yên Bình đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó ưu tiên các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phần mềm công dân số; phát triển các tiện ích phục vụ phát triển công dân số, kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư... Huyện cũng đã hoàn thành việc phủ sóng 4G và kết nối cáp quang Internet đến các thôn đặc biệt khó khăn và luôn là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số tỉnh Yên Bái.

Đa dạng hóa sinh kế cho người dân nông thôn là một hướng đi tích cực, nhờ đó đã thu hút được không ít lực lượng lao động trẻ ở lại với địa phương, thậm chí có nhiều người được đào tạo bài bản nhưng vẫn “bỏ phố về rừng” quyết chí làm giàu, trở thành những giám đốc, đại gia, tỷ phú trong vùng. Anh Lê Văn Thư ở xã Vĩnh Kiên đã đầu tư dịch vụ cung cấp con giống, thu mua tôm, cá, ba ba, đóng mới lồng cá thả các loại cá giống có giá trị kinh tế cao như cá trắm, cá nheo, cá lăng, cá rô phi đơn tính, thêm dịch vụ tầu chở hàng 8 tấn, đầu tư tăng đàn trâu bò, đàn dê, lợn, gà. Chị Lý Thị Sam Sung ở xã Vũ Linh mở chuỗi du lịch homestay thu hút không chỉ khách nội địa mà còn có nhiều nghìn lượt khách quốc tế.

Với người lớn tuổi, điều họ quan tâm mong muốn là được chăm sóc sức khỏe, được vui vầy con cháu, được xã hội quan tâm. Bệnh viện huyện Yên Bình được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại bậc nhất tỉnh, đẩy mạnh công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa thông qua các ứng dụng kết nối trực tuyến với các bệnh viện trung ương, tư vấn cho bệnh nhân chăm sóc sức khỏe trên facebook, zalo… Mặc dù còn nhiều khó khăn về nhân lực nhưng vẫn duy trì tốt các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực nhằm tư vấn y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất cho người dân.

Mong muốn mang đến một không gian an ổn, trong lành, Yên Bình tích cực hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”, đảm bảo phủ xanh đất trống, phát động những con đường xanh, cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào bằng cây xanh, xây dựng tường rào có phủ cây xanh, cơ quan, công sở xanh, các tuyến đường liên xã, liên thôn, nội đồng được bố trí trồng cây xanh tạo thành dải cây xanh liên tục gắn kết các không gian xanh sạch. Các thôn, xã tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng các khu vui chơi giải trí, quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng các thiết chế vui chơi, giải trí trong cộng đồng khu dân cư. Gắn với “Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện” vừa thu hút du khách, vừa lan toả tạo không khí vui tươi trong nhân dân và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc địa phương.

Đảm bảo quyền trẻ em, đáp ứng nhu cầu được học hành, được tôn trọng, được phát triển toàn diện bản thân, “tư lệnh ngành Giáo dục- Đào tạo huyện Yên Bình, đồng chí Nguyễn Văn Lịch nêu quyết tâm “Đẩy mạnh chương trình xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Huyện học tập”, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, kỹ năng sống; phát triển toàn diện “đức, trí, thể, mỹ” gắn với bồi đắp tinh thần yêu nước, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh. Ngành cùng với chính quyền vận động đã đầu tư xây dựng 452 phòng học, 121 phòng học bộ môn, 216 phòng hành chính quản trị, 70 phòng hỗ trợ học tập, 47 nhà bếp, 28 phòng ở học sinh bán trú và nhiều hạng mục phụ trợ khác theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, cơ sở vật chất có nhiều chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước, từng bước đáp ứng các điều kiện phục vụ giảng dạy và học tập. Bên cạnh quan tâm chất lượng đại trà, mũi nhọn thì các cơ sở giáo dục đào tạo trong huyện từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông đều quan tâm đến chương trình ngoại khóa trải nghiệm, các hoạt động thể chất, chương trình giáo dục địa phương. Việc phân luồng, hướng nghiệp cũng được thực hiện sớm. Sự yêu thích hứng khởi của các em khi được đi tham quan các làng nghề, các địa chỉ đỏ hay tham gia vào ngày hội tết mùa xuân, lễ hội chợ quê, ngày hội STEM là những gì chúng tôi đã hơn một lần được nhìn thấy.

Chúng tôi vẫn cho rằng, sự hài lòng, hạnh phúc của người dân được đo lường bằng sự đoàn kết, đồng thuận đối với việc thực hiện chủ trương, chính sách lớn của địa phương. Còn nhớ Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Vĩnh Kiên- Yên Thế, đi qua 7 xã khu vực phía Đông hồ Thác Bà có chiều dài trên 40 km, tổng kinh phí 242 tỷ đồng, được coi là dự án quan trọng nhất, cũng khó khăn nhất đối với người dân khu vực phía Đông hồ Thác Bà. Nhưng sau một thời gian tuyên truyền vận động, chỉ trong vòng 17 ngày ra quân “thần tốc”, trên 400 hộ dân trên tuyến không đòi hỏi đền bù, tự phá dỡ cây cối, vật kiến trúc để có mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Kết quả của cuộc vận động giải phóng mặt bằng tuyến đường Yên Thế- Vĩnh Kiên đã lan tỏa thành phong trào mạnh mẽ, theo đó việc giải phóng mặt bằng các tuyến đường liên xã, liên thôn của huyện tiếp tục được triển khai rất thành công trên cơ sở các hộ gia đình tự nguyện hiến đất, mở rộng đường để có những con đường “đêm sáng đèn, ngày rực hoa”. Đường vào làng như vàng vào nhà, người dân vì thế mà thêm no đủ. Được biết trong huyện Yên Bình, có đến 50% các nhà văn hóa thôn với khuôn viên rộng rãi và trang thiết bị hiện đại được xây dựng từ 100% tiền bạc, công sức, hiến tặng đất đai của người dân. Trong 300 căn nhà hỗ trợ xây mới và sửa chữa hằng năm cũng từ sự đóng góp tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của chính nhân dân trong huyện.

Người dân ở Yên Bình hưởng ứng với những chủ trương lớn của huyện bởi hơn ai hết, họ biết tất cả những điều đó đều hướng về quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài, cho hôm nay và cho cả mai sau.

Châu Thu Vật ngày xưa, huyện Yên Bình ngày nay, ngay từ trong tên gọi của nó đã mang mong ước về một miền đất bình yên và hạnh phúc. Hạnh phúc ấy không chỉ dựa vào tự nhiên với cảnh quan thiên nhiên đa dạng với sông hồ mênh mang, núi đồi xanh mát, mà chủ yếu nhờ con người Yên Bình từ muôn đời cần cù, năng động, hào sảng, sẻ chia, luôn nỗ lực vươn lên với khát vọng vươn xa.

Nghĩ về tiềm năng ấy, sức bật ấy; nghĩ về sức dân và những cán bộ lãnh đạo năng động ấy; nghĩ về tương lai của Yên Bình, chúng tôi tin vùng đất ấy sẽ ngày càng giàu có, ngày càng đẹp đẽ.

 

D.T.P

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter