• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Cái Tửu
Ngày xuất bản: 01/07/2020 7:15:01 SA

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh

Tên nó là Thanh Nhã, cái tên chính thức được ghi trong giấy khai sinh, trong sổ ghi điểm của lớp, nhưng ai cũng gọi nó là Tửu. Bà nó, mẹ nó, hàng xóm nhà nó mỗi lần muốn la mắng hay sai bảo đều kêu "Con cái Tửu! Con Tửu đâu rồi!...". Nhà nó nghèo, thuộc diện hộ nghèo bền vững của khu phố, như nhiều người nhận định. Bố nó là sâu rượu, như cách gọi của thiên hạ. Mẹ nó là cái máy đẻ, là mụ lắm mồm mà mỗi lần có ai đó nhắc đến. Thành ra nhiều lúc nó quên cả tên bố mẹ, chỉ có bà nội là còn được gọi tên nhưng bao giờ cũng kèm theo biệt danh, bà Tý rỗ! Bà nội nay đã gần chín mươi tuổi, rặt rẹo như tàu chuối khô, da mặt nhăn nheo nhưng vẫn còn hằn rõ những nốt rỗ chằng chịt như tổ ong khô gặp mưa. Qua lời kể của bà, nó biết đã lâu, lâu lắm ở khắp các vùng xảy ra dịch đậu mùa. Đậu mùa là gì nó không hỏi cặn kẽ, chỉ biết rằng nếu không chữa trị, nếu để gặp nước, gặp gió là bị rỗ mặt. Có người bị chạy hậu là vô phương cứu chữa. Nhớ ngày nó lên thủy đậu, mặt mũi, chân tay nổi những mụn nước đỏ mọng, người sốt đùng đùng, bà nội lo lắng giục mẹ nó tìm thầy tìm thuốc, nhưng mẹ nó thì dửng dưng "Tiền đâu mà thuốc! Bà cứ lấy khăn ướt đắp lên trán, đắp vào bẹn cho nó hạ sốt! Đừng cho nó ra gió là được! Con Tửu! Mày khóc lóc gì! Điên hết cả đầu!!!....". Bà nội sụt sùi: "Con mẹ mày muốn để nó thành tật à? Giời ơi là giời! Đời tôi đã khổ, đã thế này, nay sao nỡ để cháu tôi… Ối giời cao đất dày ơi…ờ…ời…!". Bà nội xưa, nghe nói cũng đẹp, nhưng vì mang cái khuôn mặt dị hình nên mãi đến bốn mươi tuổi mới có con, là bố nó. Bố mẹ bà mất sớm trong dịch tả, dịch thương hàn. Nghe nói người làng chết la liệt, lính Pháp, lính Khố xanh phải đeo vải bịt mũi để lôi xác người chất lên xe bò đem chôn hố chung ngoài đồng xa rồi rắc vôi bột lên tẩy trùng… Từ ngày đó, Tý theo người làng đi lang thang xin ăn rồi phiêu dạt lên vùng núi, đến một phố nhỏ giữa cánh đồng lúa trù phú thì dừng chân. Lúc đầu phố chỉ có vài ba nóc nhà của dân tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp, rồi họ về quê dắt díu người trong làng, trong họ lên làm ăn. Ở đây dễ kiếm sống, người dân dúi cây mạ xuống đồng là nó mọc bời bời, chỉ có công làm cỏ chứ chẳng mấy phân gio mà bông lúa cứ trĩu hạt, trên đồi nương nào ngô, nào sắn củ mập mập là. Còn Tý chỉ cần bám vào chợ mà sống, cái chợ của bà Tư Thanh từ Thái Bình lên đây lập nên. Bà Tư Thanh có gánh hàng xén bán đủ thứ cho bà con vùng núi. Nào là kim chỉ, vải xanh, đỏ, tím, vàng; các loại cúc áo, rồi cả dầu hỏa, thuốc lào, mắm muối… Tất tật những gì bà con cần là có. Cứ cách tuần ông Tư cùng mấy thanh niên lại về xuôi buôn chuyến, mang hàng từ miền ngược về xuôi rồi lại đưa hàng từ xuôi lên miền ngược. Hàng về xuôi phần lớn là lợn con, có lần là cả một bè tre, nứa theo dòng Thia ra sông Hồng. Rồi chợ mỗi ngày một đông, có đến hơn chục sạp hàng xén; một dãy hàng rau, củ, quả của bà con từ các làng bản gùi về bán; một góc chợ bán cả trâu, ngựa, lợn giống, lợn thịt, cá, chim… đủ loại. Đình chợ là một nhà dài lợp mái cọ dành cho bán hàng xén, hàng khô, hàng bánh cuốn, hàng phở, ở sát góc cuối có bày bán thuốc phiện. Họ vê từng cục nhỏ bằng quả vải, có cục bằng quả cà bát xếp trên mặt lá dong trải dưới nền chợ, ngoài một vài người nghiện hút trao đổi hàng hóa thì có người mua về làm thuốc trị đau bụng, trị cảm sốt. Tý nhận được chân quét chợ, xay bột thuê, gánh nước thuê, rửa bát thuê cho các hàng quán. Tối ngủ ở đình chợ, ngày bắc ba hòn đá làm bếp nấu cơm. Đúng năm lên mười lăm tuổi thì mắc dịch đậu mùa, không thuốc thang, không nhà cửa, không kiêng khem được nên bị rỗ mặt. Thời ấy nhiều người bị lắm, nhưng họ chỉ gọi là rỗ hoa, còn Tý nặng hơn, các nốt rỗ chằng chịt như sẹo, bị gán cho cái tổ đỉa, sẹo làm biến dạng khuôn mặt. Tý không có tuổi dậy thì với má hồng, môi đỏ. Tý không có tình yêu vì ít khi ngẩng mặt lên, làm gì cũng cặm cụi, lúi cúi lặng lẽ. Gần bốn chục tuổi vẫn thế, không người kết bạn, không thân được với ai. Đến một hôm đá đổ mồ hôi. Trời đang nắng như táp lửa thì bỗng đổ mưa rào. Cô Tý lên cơn sốt cao, nằm mê man bất tỉnh ở góc chợ. Đêm đen đặc. Thỉnh thoảng từng ánh chớp xé trời. Một ai đó vội vã ấp cô trong tấm chăn chiên khét lẹt mùi mồ hôi, miệng nhai nhai thứ lá gì đó rồi vắt nước lá ra bát ép cô uống, đắp bã lá lên trán. Người ấy xé hai tay áo dấp nước lạnh cuống cuồng đắp lên hai bên bẹn cô, thỉnh thoảng lại áp má lên mặt, lên trán cô, xem hạ sốt đến mức nào. Như một phép tiên, sáng hôm sau cô hết sốt, trở dậy mình mẩy đau như dần. Rồi qua một tháng, hai tháng đến kỳ không thấy gì hết, cô bẽn lẽn hỏi bà Tư Thanh. Bà tròn mắt hỏi như mắng "Mày có ăn nằm với thằng nào không?". Nào có ăn nằm với ai! Mà ai dám ăn nằm với cái mặt quỷ như cô! Thế là cô Tý mang thai, đẻ ra thằng Quý. Người thì bảo bố thằng Quý là ông phó cạo, người thì cho là của ông bán lợn con, kẻ nói như đinh đóng cột chả con thằng Cớ mù thì con ai, cái mặt nó lột thằng Cớ mù đấy thôi! Cớ là anh chàng mù không rõ từ đâu đến ngụ ở chợ này. Thực ra anh ta bị quáng gà chứ chưa mù hẳn, thường dắt thuê trâu, ngựa và lợn cho người bán, người mua, thỉnh thoảng có người gọi bốc vác rồi trả công vài hào. Thôi con ai thì con, dân chợ cũng mừng cho cô Tý đã có đứa bầu bạn. Lớn lên Quý là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng, biết theo người ta lên rừng đẵn gỗ, kéo xẻ, hai bắp tay cuồn cuộn. Mẹ con bà đã dựng được căn nhà tre nơi chân đồi Pú Chạu. Mãi đến năm ba mươi tư tuổi Quý mới lấy vợ. Vợ Quý cũng là người miền xuôi bị lừa bán cho một gia đình hiếm muộn ở phố núi này từ năm lên sáu tuổi. Sau một năm chữa hèm theo lời thầy bói, quả nhiên nhà ấy có con, rồi sòn sòn những năm đứa. Bỗng nhiên vợ Quý trở thành như người ở, bế em vẹo xườn, lớn lên làm lụng quần quật, người tóp teo, da đen đúa, tóc đỏ quạch, nét mặt lúc nào cũng cau có. Bố mẹ nuôi bảo "Thằng Quý tuy nghèo, con không cha nhưng được cái khỏe mạnh, lấy nó cũng có chỗ dựa con ạ!". Vợ chồng Quý sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên là Hoa. Bà Tý rỗ hồ hởi khoe cái tên cháu nội rằng cuộc đời có nụ ắt có hoa, vả lại từ khi có con dâu, lại có ngay đứa cháu nội, cuộc đời bà như nở hoa. Năm sau lại đẻ cái Lan. Bà chọn tên Lan có nghĩa là hoa phong lan, nó chỉ tầm gửi vào đá, vào thân cây mục mà vẫn tươi tốt, vẫn nở hoa, một loài hoa quý. Ôi cái người đàn bà ấy tưởng chỉ vùi suy nghĩ trong sự đói khổ, tủi hờn, ai dè cũng chữ nghĩa gớm! Rồi con dâu mang thai lần ba. Bố Quý cầm chắc lần này phải là con trai, dứt khoát đặt tên là Phong! Bà Tý rỗ lại được cơ hội chữ nghĩa: Ờ! Phong là gió! Họ vẫn chả nói trai vô tửu như cờ vô phong đấy thôi! Nhưng đứa con thứ ba lọt lòng lại vẫn là thị tẹt. Bố Quý chán trường sinh ra uống rượu. "Rượu nhạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm dẫu hay cũng ra rồ". Đó là câu cửa miệng của bà Tý rỗ mỗi khi con trai say rượu, nói năng nhảm nhí, lâu dần chân tay cũng yếu rớt, chẳng muốn đụng vào việc gì. Từ đó mọi công to việc lớn đều đổ dồn lên vai người vợ còm cõi. Cứ rượu vào là thằng bố hét lên: "Mày không đẻ cho tao thằng con trai nối dõi tông đường thì đừng có trách tao ác nhá!". Bà Tý rỗ nghe mà nẫu lòng, nẫu ruột. Nhất là tiếng bấc, tiếng chì đập vào tim bà "Nhà ấy làm gì có tông đâu mà nối dõi! Cái thằng không cha cũng biết sĩ diện cơ đấy!". Vợ Quý lại sinh đứa thứ tư, lại con gái. Bà nội gọi nó là Nhã, bà nhờ cô giáo nhà bên đi khai sinh cho nó, cái tên đến là đẹp "Thanh Nhã"! Còn bố nó thì gằn lên "Không Nhã nhiếc gì hết! Tửu đâu! Rượu đâu! Gọi nó là con Tửu! Con Tửu sau này phải lấy một thằng thật giàu có cho bố nó thỏa sức uống rượu ngon nghe không? Rượu sắn là loại rượu nhiều độc tố! Mẹ nhà nó! Độc đâu không thấy, chỉ thấy phê phê cái miệng là sướng thôi con gái ạ! Tửu! Tên nó là Tửu! Nhà này ai đặt tên khác là chết với tao! Đừng trách tao ác!". Thế là bố Quý càng chán đời, càng lấn sâu vào men rượu. Không có tiền nên mẹ và vợ thường lên nương đào sắn về ủ men cất rượu cho uống, bố còn nghe người ta mách phải cho thuốc vô- pha- tốc vào để tăng nồng độ nữa cơ! Uống say đến nỗi mỗi lần vợ nói lải nhải "Nốc lắm vào! Việc không chịu làm! Anh chết đi cho tôi nhờ!...". Thế là Quý chồm lên vớ cái gì cũng lao vào vợ nện lấy nện để, nện gẫy cả tay, mặt mũi bầm tím. Nhưng thế thôi, lần nào cũng vậy, chỉ vài ba ngày lại làm lành, rồi lại thấy vợ bụng ềnh ễnh, lại sắp đẻ đứa thứ năm. Thôn xóm liên tục bị mất thi đua vì có người sinh con thứ ba trở lên, vi phạm kế hoạch hóa gia đình. Bà nội phân trần rằng bố Quý nó ra điều kiện nếu đẻ con trai thì dứt khoát nó sẽ bỏ rượu, sẽ tu chí làm ăn giúp vợ, nuôi con, mong chính quyền thông cảm, có phạt thì nhà nó cũng chẳng có gì đáng phạt đâu! Và lần này thì vợ Quý đẻ con trai thật, nhưng sao mãi không thấy nó mở mắt. Quý bảo phải đến ngày, đến giờ nó khắc mở! Bà Tý gắt "Có phải con chó, con mèo đâu mà tính ngày, tính giờ! Mày cho con đi nhà thương khám xem sao chứ?". Vợ Quý gào lên "Làm gì có tiền mà nhà thương với chả nhà nhớ!". Bà Tý được thể ca cẩm "Đấy mà! Cứ cái thói coi thường người khác! Bao lần họ báo đi tiêm phòng thai sản nhưng có chịu đi đâu! Mà có mất tiền mất bạc gì cơ chứ! Chỉ được cái già mồm, cãi nhau với thiên hạ là giỏi!...". Con dâu tay đang cầm cái quạt giấy phe phẩy bỗng gấp đánh roạt! Rồi xoay một vòng trên bàn tay như điệu nghệ của người hát chèo "Thưa bà tổ làng tổ đỉa, tổ ong ạ!... Đi tiêm không mất tiền, mất bạc, nhưng bỏ một buổi chợ thì hàng rau kia bỏ cho trâu nó nhai à? Chả tiền, chả bạc đấy là gì!"…

- Này! Cô bé! Cho mớ rau đay với mớ hành!

Cái Tửu giật mình bừng tỉnh. Hôm nay nắng quá nên nó kiếm một gốc cây bên đường ngồi bán rau, ngồi một chỗ nên ít người để ý, vả lại phố xá cũng vắng người qua. Nó gà gà với những hồi tưởng chua xót. Ngẩng mặt nhìn khách, nó hỏi lại:

- Chú mua gì cơ ạ!

- Rau chứ còn gì! Một mớ đay, một mớ hành.

- Bẩy nghìn chú ạ!

Nó nhanh nhẹn xếp rau vào túi ni lông đưa cho khách, một tay nhận tờ mười nghìn, định mở túi lấy tiền trả lại thì ông khách ra hiệu khỏi cần trả tiền thừa rồi nổ máy phóng xe đi. Nó nhét đồng tiền còn mới tinh vào cái túi thổ cẩm xinh xinh đeo bên hông. Cẩn thận hơn, nó xoay túi về phía trước bụng, tay giữ khư khư như sợ ai đó sẽ giật mất.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Nhà có năm chị em, chị Hoa học hết lớp năm rồi bỏ, không học lên cấp hai, ở nhà đi chợ bán rau phụ cho mẹ. Đến khi nhà máy may xuất khẩu xây dựng xong trên đồi Pú Chạu thì chị vào làm công nhân, lương tuy thấp nhưng chị nói đi làm có bạn, có bè rất vui. Chị Lan chưa xong lớp chín cũng bỏ học theo bạn xuống Hà Nội làm ở quán cà phê. Hai năm sau về lôi nốt chị Phong đi làm cùng. Bà nội luôn muốn chị em Tửu được học hành đến nơi đến chốn, nhưng mẹ thì lúc nào cũng bài ca "Không học, không chết! Không có ăn mới chết!". Là con hộ nghèo nên chị em Tửu hồi cấp một đều được miễn đóng góp, riêng tiền sách, tiền vở là phải mua. Lên cấp hai chỉ được giảm học phí, sách vở lại nhiều nên mẹ phải vất vả dành dụm cho bốn chị em ăn học. Bởi vậy, nếu mẹ không cáu bẳn, không than vãn, không lắm lời mới là lạ! Bà nội thường thủ thỉ nói với các cháu như thế mỗi khi mẹ nổi đóa. Con người ta trong lúc cùng cực dễ bị mất khôn mà. Bà nội cũng bảo thế từ khi bố hay lên cơn say hoặc mỗi lần bố mẹ xô xát với nhau. Cho nên khi các chị thôi học, mẹ chợt buồn chốc lát rồi nói "Thôi! Học đến thế được rồi! Biết chữ, biết tính toán để ra xã hội không bị bắt nạt. Xem tìm cái việc gì mà kiếm tiền. Không có tiền là không có ăn! Không có ăn là chỉ có chết!". Nhất là khi thấy chị Lan về có quần áo đẹp, tóc nhuộm vàng, móng tay móng chân tô vẽ. Mẹ dúi đầu Tửu rồi nói "Lớn nhanh mà đi làm theo chị, được ăn trắng mặc trơn! Đúng là giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố!". Tửu giật mình. Một người thất học như mẹ, suốt ngày đầu tắt mặt tối như mẹ mà cũng vận thơ vận vè hay ra phết! Tửu thở dài. Sao cái khổ cứ đeo đẳng nhà mình mãi thế. Từ bà nội, đến bố mẹ, đến các con… Thằng em dại của Tửu tưởng là niềm vui cho bà, niềm an ủi cho mẹ, niềm kiêu hãnh cho bố, nhưng ông trời đã bắt em mang căn bệnh ung thư đáy mắt bẩm sinh, một căn bệnh rất hiếm có ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ không đủ tiền chạy chữa nên đành để em về với tổ tiên khi chưa đầy ba tháng tuổi. Bố uống nhiều rượu quá cũng mắc bệnh sơ gan cổ trướng, chữa mãi không khỏi. Rồi cái nghèo, cái túng kéo bố đi luôn theo đứa con trai út ít. Bà nội nằm một chỗ héo hon, muốn chết mà trời chưa cho chết. Bà luôn ôm Tửu vào lòng, vuốt mái tóc cháy nắng, khô ráp và nói những lời như vậy. Còn mẹ thì chỉ làm được một tay, cánh tay trái bị bố đánh gãy xương bả vai và xương quay cổ tay nên không cất lên được. Bình thường, cứ thứ bẩy, chủ nhật và buổi chiều không phải đi học là mẹ giao cho Tửu hai mẹt rau gánh đi bán ở chợ chiều. Độ này đang có dịch nên các chợ đều thông báo không được ngồi tụ tập đông người, hàng quán đều phải nghỉ. Vì vậy nó phải gánh đi bán rong, mẹ nó đi một ngả, nó đi một ngả. Trước mẹ có sức khỏe, có đủ hai tay thì vườn tược đủ rau bán quanh năm, gần đây chủ yếu đi mua cất ở các vườn về bán, ăn lãi tuy ít nhưng năng nhặt chặt bị. Bà nội khuyên thế.

Nói đến dịch thì bà nội run tằn tằn. Bà nghe ngoài ngõ người ta kháo nhau người mắc bệnh trên thế giới tăng từng giờ từng phút. Văn minh như nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh còn chết hàng trăm, hàng nghìn người một ngày. Một bữa cơm tối bà nhất định không ăn. Bà bảo nếu hai mẹ con không ở nhà cách ly như ông trưởng thôn đã đánh giấy báo đến nhà thì thà bà nhịn ăn cho đến chết, còn hơn là phải nằm đây chứng kiến con dâu cùng cháu nội bị chết vì dịch. Bà đã tận mắt trông thấy bố mẹ bà cùng những người làng chết như ngả rạ vì bệnh tả, lỵ, thương hàn, cuộc đời bà đã chịu khổ vì dịch đó sao! Bà chép miệng thở dài "Không biết con Lan, con Phong ở Hà Nội thế nào? Thấy bảo Hà Nội bị nhiều rồi đấy! Khổ thân các cháu tôi!...". Mẹ thì bô lô, bô loa "Chính quyền cấm tụ tập đông người chứ đi bán rong một thân một mình ảnh hưởng đến ai! Ngồi nhà mà chết đói à?".

Cái Tửu đứng dậy định đặt gánh lên vai đi rong thì thằng Lâm hàng xóm đang vẹo mông hùng hục đạp xe rồi vừa phanh, vừa sệt sệt chân xuống đường hớt hải:

- Tửu ơi! Chạy nhanh! Bọn quản lý nó đang đi dẹp người bán rong đấy! Chết nhá! Khẩu trang của mày đâu? Họ phạt cả người không đeo khẩu trang đấy!

Tửu cuống quýt gồng gánh rau lên chạy líu cả chân. Thằng Lâm đạp xe theo như để làm nhiệm vụ yểm trợ, nó hô Tửu chạy vào một ngõ nhỏ để trốn. Gặp cô giáo Hằng, cô chạy vào nhà đem ra cho Tửu chiếc khẩu trang vải. Mấy ngày nay các cô đang rủ nhau cắt may để phát ủng hộ cho bà con. Vừa về đến sân, Tửu đã nghe tiếng mẹ khóc rên, khóc rỉ:

- Ới anh Quý ơi là anh Quý ơi! Ới ông trời ơi!... Nó tịch thu hết gánh rau miếng cơm manh áo của nhà tôi rồi…

Bà nội giọng đã trở nên thều thào, không còn sức như hôm trước:

- Tôi đã bảo chị rồi… Ở nhà… Cách ly… Không thì khổ…

Thằng Lâm dựng xe ngoài sân rồi chạy chen chân vào trước, láu táu khoe:

- May mà cháu kịp đi báo cho cái Tửu nhá! Không thì cũng mất toi chỗ rau ý!

Cái Tửu nhìn hai mẹt rau còn đầy tỏ ra ái ngại, nhà ăn sao hết, lại héo úa hết thôi, cũng gần trăm nghìn chứ có ít đâu! Nó nhặt mớ rau muống, mớ rau đay, mớ cải ngọt dúi vào tay thằng Lâm:

- Này! Ăn giải cứu!

Thằng Lâm dúi lại sang tay cái Tửu:

- Tao không lấy! Mẹ tao vừa đi mua dự trữ bao nhiêu là thứ, bao nhiêu là rau, bao nhiêu là mỳ tôm kia kìa!

Mẹ Tửu gào lên:

- Để yên đấy! Tiền bạc của tao chứ cho là cho thế nào! Con Tửu tối nay đem đến mấy nhà nói họ mua hộ! Cứ đem đến nhà các thầy cô giáo! Thế nào các cô các thầy cũng thương!

Cái Tửu chùng mặt, mắt rơm rớm, nó đi vội xuống bếp. Bà nội kéo mép chăn phủ lên mặt, mặc dù trời đang nóng như nung. Chiếc vỏ chăn rung lên bần bật.

Bữa cơm chiều ảm đạm, ai cũng như nhai rơm. Bà nội cố gượng dậy húp được vài thìa canh mồng tơi thay cơm, thay cháo. Chưa kịp dọn dẹp thì ông tổ trưởng dân phố và bà chi hội trưởng Phụ nữ bước vào. Họ hỏi thăm bà cụ, biếu bà hai vỉ sữa tươi vi- na- milk  với cân đường. Quay ra, họ đưa giấy báo hộ nghèo ngày mai lên phường lĩnh hàng hỗ trợ của một tổ chức từ thiện và không quên dặn dò phải đeo khẩu trang. Mẹ Tửu mặt đanh lại nói với theo:

- Nhà tôi lấy đâu ra khẩu trang!

- Đây! Con có! Tửu nhanh nhảu. Mẹ quay sang lườm như xiên qua mắt nó.

Sáng sớm hôm sau, bà Chi hội trưởng Hội Phụ nữ tay cầm một tệp khẩu trang đi phát từng nhà. Mẹ Tửu được nhận một chiếc, nhưng còn nài nỉ thêm rằng còn suất của con Hoa, suất con Tửu, suất bà cụ. Bà Phụ nữ gắt lên:

- Con Hoa làm trên nhà máy thì lấy ở nhà máy! Tối hôm qua con Tửu nói đã có cơ mà! Còn cụ rỗ thì đi đến đâu mà đòi khẩu trang!

- Á…À..! Cái khẩu trang còn tiếc hả? Đây! Tôi trả! Tý tôi lên phường bằng miệng trần xem thằng nào, con nào bắt phạt! Tôi lôi cổ bà ra phạt trước nhé!

Bà Phụ nữ sợ quá, không thể dây… Bà vội gỡ ra đếm ba cái đưa cho Tửu rồi rảo bước sang nhà bên cạnh. Con người ta, cái đói nghèo đã làm mờ nhân cách đến thế sao? Chả trách trên báo chí, trên ti- vi thỉnh thoảng lại có chuyện về những người thích nghèo! Lại còn cả cụm từ "Nghèo bền vững" nữa. Nhà Tửu ở cái diện này đây! Nhục quá! Tửu bỗng thấy buồn, thấy nhục thực sự. Mỗi lần thầy hiệu trưởng đọc danh sách các bạn thuộc hộ nghèo lên nhắc nhở nộp giấy tờ miễn giảm hoặc khi đọc tên lên lĩnh quà từ thiện là Tửu thấy lòng trĩu nặng, xấu hổ với các bạn, mặc cảm về thân phận. Cho nên không ít lần Tửu muốn bỏ học, đi một nơi thật xa kiếm việc làm để gửi tiền về cho bà và mẹ. Tửu đang ngồi co gối cuối giường bên bà nội thì mẹ gọi:

- Con Tửu đâu? Tao đi lên phường trước! Chốc nữa mày lên sau! Khi nào tao lĩnh xong phần cứu trợ thì mày vào lấy tiếp. Nghe chưa?

- Con không đi! Người ta cho mỗi nhà một suất thôi chứ! Xấu hổ!

- Sắp đói nhăn răng ra còn xấu hổ! Họ cho người nghèo chứ đâu chỉ hộ nghèo! Đây, giấy ghi đây này! Mày cãi câu nữa thì liệu hồn!

Đúng là con mẹ lắm mồm! Hàng xóm nói cấm có sai. Nghĩ đến câu nói của bà nội "Mẹ mày mà biết nhịn lời mới là lạ!". Tửu thẫn thờ đặt chiếc mũ đã nhàu nhĩ lên đầu, bước ra khỏi cửa rồi vòng qua mấy ngõ đi tắt lên phường. Thập thò ngoài cổng, Tửu thấy mẹ đang chen lấn để đòi lấy trước. Người này xì một câu, người kia túm áo lôi xuống, í a í ới chẳng có trật tự gì hết. Một lúc sau có tiếng loa vang lên:

- Đề nghị bà con trật tự, xếp hàng dọc cách nhau hai mét một! Ai đến trước, đứng trước! Ưu tiên người già yếu! A lô! A lô!

Mấy anh chị thanh niên kéo mọi người ra hướng dẫn xếp hàng. Mẹ Tửu bám chặt tay vào thành cửa sổ, nhất định không chịu vòng xuống dưới. Cuối cùng mọi người phải chịu thua. Mẹ ôm phần quà khệ nệ bên sườn vừa đi vừa chạy ra cổng. Tửu vội ngồi sụp xuống, kéo mũ che mặt. May mà mẹ không ngó lơ ngó láo, bước chân mẹ uỳnh uỵch đi về. Đợi chỉ còn vài ba người xếp hàng Tửu mới rụt rè đi vào đứng cuối hàng. Một bà đứng phía trên quay xuống nhìn Tửu rồi tố giác:

- Con Tửu kia ra khỏi hàng đi! Mẹ mày chả lĩnh xong rồi còn…!

- Đúng rồi! Thưa ban lãnh đạo! Nhà nó được rồi đấy! Còn phần nhà khác chứ!

Tửu không cãi, nước mắt tứa ra bỏng rát khóe mắt. Cổ họng như có cục gì vướng nghẹn không nuốt nổi. Nó lê bước chân ra khỏi hàng. Một cô mặc váy đỏ liền thân, tóc nhuộm màu hạt dẻ rất quý phái từ trong hội trường bước ra. Cô chạy theo kéo Tửu lại:

- Con vào đây cô bảo!

Tửu vùng vằng một lúc nhưng rồi cũng nghe theo cô vào hội trường. Cô ân cần hỏi thăm hoàn cảnh. Tửu bặm môi không nói. Ông Thảo cán bộ Mặt trận cho nhà tài trợ biết gia cảnh nhà Tửu. Cô rút khăn mùi xoa chấm mắt rồi sụt sùi mở ví lấy tờ hai trăm nghìn đưa cho Tửu:

- Con cầm lấy! Tiền này con có thể mua cho bà nội thứ quả gì mềm mềm mà bà thích. Còn lại tùy con, thích ăn gì thì mua nhé!

Cầm đồng tiền thơm phức trong tay, Tửu bật khóc. Ngoài kia mọi người đã lĩnh xong các suất trợ cấp, nghe nói còn mấy người già yếu, cô đơn không đến được thì đã cử người đem đến trao tận nhà. Tửu chào bác Mặt trận, chào cô váy đỏ, chào mấy anh chị đoàn viên để ra về. Hôm qua nắng nóng là thế, hôm nay gần trưa trời bỗng sầm lại, cơn mưa đang kéo đến. Tửu nghĩ, thế này là bà nội lại đau mình đau mẩy lắm đây! Mẹ lại chịu cơn đau đầu do viêm xoang mãn tính đây!

Đẩy cánh cửa vào nhà, Tửu hồ hởi gọi bà:

- Bà nội ơi! Cháu mua hồng xiêm cho bà này!

Nó giơ cái túi ni- lon có ba quả hồng xiêm lên trước mặt rồi chạy xuống bếp lấy con dao lên bổ hồng đãi bà. Lần đầu tiên nó có tiền riêng để chiêu đãi người khác. Bạn bè nó thường hay khoe với nhau được ông bà hay bố mẹ chiêu đãi này nọ nhân ngày sinh nhật, nhân dịp được khen thưởng. Rồi chúng nó cũng có lúc rủ nhau đi chiêu đãi kem, chiêu đãi pi- za gì đó. Bà hôm nay mệt và yếu hẳn đi vì đã ba ngày không ăn cơm, chỉ húp tí cháo gói ủ loãng. Tửu gắng sức đỡ bà dậy, chân tay bà khòng khoèo, da bọc xương, không tự co duỗi được. Vừa lúc chị Hoa từ xưởng may về, mẹ từ vườn vào, quần vẫn xắn móng lợn. Mẹ hỏi quấy quá:

- Có lấy được gì không?

- Có! Chốc nữa con kể cho nghe.

Hai chị em cùng nâng bà dậy, Hoa trèo lên giường cho bà dựa vào lòng mình. Bà móm mém nhai miếng hồng xiêm, nín thở nuốt, thều thào kêu mát ruột. Bà cố lấy giọng dặn Tửu:

- Phải cố học… nhá! Đừng bỏ dở… như các chị… Bà nhắm mắt… không  yên.

- Vâng, con nhớ ạ!- Tửu quệt nước mắt, mếu máo nói tiếp- Bà ơi! Bà phải khỏe lên nhá, bà đừng chết.

Mẹ Tửu quắc mắt mắng:

- Phỉ thui cái mồm! Chết là chết thế nào! À mà bà ơi… Bà ơi! Cố ăn uống, đừng có chết lúc này bà ơi…! Dịch dã thế này! Cách ly thế này! Người chết là thiệt lắm… Hôm qua có đám anh Hợi bị tai nạn xe máy, còn trẻ lắm nhưng vắng ơi là vắng. Có được tụ tập đông người đâu, mà ai cũng sợ lây nhiễm, sợ phạt nên rải rác đến thắp nhang xong là về ngay! Không ai ngồi lại nhà đám cả! Bà đừng…

Chị Hoa vội vàng cắt lời:

- Mẹ! Đúng là lúc nào cũng lắm mồm! Mẹ nói với bà thế à? Bà phải khỏe để chờ con lấy chồng chứ bà nhể? Hoa áp mặt vào gò má nhăn nhúm của bà. Một giọt nước mắt nóng hổi lăn xuống, lan ra…

Mẹ Tửu chợt nhớ nói:

- À… Hôm qua thầy giáo dặn học trực tuyến trực teo gì gì ấy nhá. Tửu cắm mặt không đáp. Chị Hoa hiểu ý với tay vỗ về lên vai em:

- Tao sắp lấy lương. Có khi tao vay thêm tiền để mua cho mày cái vi tính. Không có vi tính thì trực tuyến làm sao được!

- Không cần đâu! Chị để tiền tích cóp lo việc của chị đi. Thầy giáo bảo em rồi, chiều thằng Lâm sẽ chuyển hộ bài tập thầy giao làm trực tiếp. Có phải mình em thiếu máy tính đâu, còn khối đứa!

Nó nhìn bà, cảm nhận trong từng đường gân nổi trên làn da nhăn nheo, dúm dó kia đang truyền chảy những dòng máu chắt từ quả tim đang đập mạnh dần lên.

Tửu chớp chớp đôi mắt, thò chân bước xuống xỏ vào đôi dép tổ ong đã mòn vẹt đế. Nó chạy ra ngoài sân. Gió rít từng hồi, vù vù thổi tuốt từng đám lá vàng từ hàng sấu bên đường bay rào rào xuống lòng đường. Lũ mối từ góc vườn chui lên, bay loạn xạ. Trời sắp mưa rất to.

                             

                                                                           N. T. T

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter