• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Cõi Bác xưa
Ngày xuất bản: 12/05/2020 2:15:12 SA

Bút ký của Hoàng Thế Sinh                                                                 

Tháng 5.

Thoáng tiếng tu hú gọi mùa vải chín.

Tôi chợt nhớ ngày sinh nhật Bác 19/ 5.

Và cũng chợt nhớ ngày dự Trại sáng tác Văn học tại Tuyên Quang, tôi may mắn được cùng đoàn Nhà văn Việt Nam đi thăm Tân Trào. Cái nắng đầu mùa hạ như đổ lửa vòm trời. Bắt đầu từ bến Bình Ca xe đi chầm chậm. Con đường khá phẳng phiu, mịn màng cát trắng. Hai bên đường mướt mát nương ngô. Những vườn cam liền tiếp, trái non lẫn bóng lá xanh, nom kỹ mới biết là sai lúc lỉu. Những vồng chè như những con sóng xanh vỗ ngược lên sườn đồi. Sông Đáy mùa này vẫn cạn he, lòng thu lại chỉ bằng con suối nhỏ, nước xanh trong lấp loáng trưa hè, chợt đỏ tươi mấy ngôi nhà- khu bảo tàng Tân Trào. Xe dừng bãi cỏ xanh, chúng tôi bước xuống. Nắng dịu hơn trong sắc biếc cây rừng. Gió mềm đi trên ngọn lá cây rừng. Đón khách đến, tu hú gọi tiếng dồn vách đá. Suối nói chi tiếng bổng tiếng trầm.

Chị Ngọc- nhân viên Nhà bảo tàng dẫn chúng tôi trước tiên đến lán Nà Lừa. Đứng trước lán, dưới vòm cây dẻ, chị Ngọc thì thầm như kể chuyện cổ tích. Rằng, ngày xưa… có một đồng chí mới về, yêu dân, yêu bộ đội đặc biệt. Lại chăm chỉ khác thường, đêm làm việc tới khuya, sáng mờ đất đã dậy quét nhà, tưới rau, lấy củi, đánh thức bộ đội dậy đi tập, hoặc tăng gia giúp dân. Ông Cụ nhiều tuổi mà vẫn đi làm. Ông Cụ rất chăm lo nước tưới. Hôm nào đi thăm đồng về thấy ruộng cạn là vận động bà con đi tát ngay, cả Ông Cụ cũng đi. Có buổi thấy Ông Cụ lúi húi ngoài đồng, tưởng làm gì, té ra đắp một cái bờ ruộng bị nẻ để giữ nước cho dân. Chị Ngọc kể, giọng ngập ngừng, xúc động. Chị nhìn lán mà như nhìn đâu mãi xa xôi, thăm thẳm. Chúng tôi lặng lẽ đứng nghe không ai lỡ ngắt lời. Trí tưởng tượng của tôi không biết có như  trí tưởng tượng của chị Ngọc không, nhưng theo lời kể, tôi hình dung ra chiếc lán khi xưa Bác ở- chiếc lán mà Bác đã tự đốt đi khi rời xa khỏi Tân Trào vì lo đồng bào phải liên luỵ nếu kẻ thù phát hiện ra- nhỏ hơn chiếc lán bây giờ. Cũng vách nứa, sạp nứa, mái tranh, cầu thang nhỏ gác hai đầu, nhưng chiếc lán bây giờ mang tính hư cấu hơn là phục chế. Chỉ còn hòn đá tảng kia là không thể nào hư cấu. Hòn đá tảng vẫn nguyên vẹn hình hài qua bao mưa nắng, qua bao năm tháng. Ngỡ hầu như thời gian và không gian trở nên vô nghĩa đối với nó. một góc nhỏ tảng đá đó, đồng chí Đại Toàn người Dao Cao Bằng đã nấu cháo, sắc thuốc cho Bác trong những ngày Bác ốm đau kịch liệt tưởng chừng không qua khỏi. Chị Ngọc vẫn thì thầm kể, ngày xưa, khi lán Nà Lừa bên hòn đá tảng này, Bác đã trải qua những ngày thật thiếu thốn, gian khổ, nhưng tinh thần làm việc và nghị lực thì thật phi thường. Ngoài thì giờ cần thiết cho sinh hoạt cá nhân, thời gian còn lại trong ngày Bác bố trí rất sít sao, hầu như chẳng còn lúc nào nghỉ ngơi đối với Bác. Bác làm việc suốt ngày, thường đến tận đêm khuya, có nhiều lúc đang ngủ chợt thức dậy làm việc. Chiếc máy chữ bên cạnh luôn luôn hoạt động. Có một lần giữa cơn sốt nặng nhất, Bác đã cho gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Văn Đồng đến, dặn rằng: “Thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Nhưng nhờ có nghị lực phi thường, nhờ sự chăm sóc tận tình của đồng chí, đồng bào, Bác đã qua khỏi những trận sốt rừng dữ dội đó. Và, ngày xưa, rừng Nà Lừa vào ngày đẹp trời, khi Bác say mê làm việc, vòm xanh cổ thụ lọc những tia nắng trong veo sưởi ấm cho Bác. Gió reo rì rào trên cành lá. Suối ngàn lưng núi ngân nga. Sơn ca đến hót ríu ran. Hương rừng ngào ngạt. Núi Hồng như người lính khổng lồ canh chừng cho Bác bên đèo De mênh mông mây trắng. Bây giờ thì… tất cả vẫn còn vẹn nguyên như muốn nói với các thế hệ muôn đời rằng Bác Hồ kính yêu của chúng ta mãi mãi còn đây với Tân Trào, với đất nước Việt Nam thân yêu.  Ngày nay, dưới chân núi Hồng, trước lán Nà Lừa dâng lên một con đập, nước tràn về làm thành một cái hồ trong xanh giống như một chiếc gương lớn cho núi chụm đầu soi chung. Dấu ấn của lịch sử giữ lại cho muôn đời, mới biết không gì có khả năng hơn là hình hài, thần thái của tự nhiên. Nhờ vậy, cùng với lời kể hấp dẫn, đầy sức gợi của chị Ngọc và trí tưởng tượng, tôi đã hình dung được một phần nào cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt và vô cùng vĩ đại của Bác ở nơi này. Chị Ngọc vẫn thì thầm kể, ngày xưa khi ở lán Nà Lừa bên hòn đá tảng này, Ông Cụ đã để râu, tóc lốm đốm bạc, hai má hóp lại, đầu đội miếng vải túm lại như mũ nồi, mình mặc áo cộc chàm, hai chân gầy khẳng khiu làm cho hai ống quần soóc càng rộng, chỉ có đôi mắt cứ sáng như sao.

Thời gian qua đi rất lâu, rất lâu.

Không biết cây song nào làm gậy cho Bác chống khi trèo đèo, lội suối. Cây rừng nào Bác vịn tay. Hòn đá nào nâng chân Bác yếu gầy. Cây thuốc nào qua chín núi mười rừng cho Bác vơi dần cơn sốt. Rẫy nương nào, bông lúa chín dâng hương cho trái tim Bác hồng hào nhịp đập. Đàn chim nào đến hót mỗi ban mai… Bác ơi! Tôi thốt gọi trong lòng, nghẹn ngào nước mắt. Tôi bước xuống chân đồi, cứ mỗi bước lại ngoái nhìn như sợ chiếc lán Nà Lừa và hòn đá tảng kia biến mất. Tôi mới thấm thía rằng không một trang sử sách nào, không một trang tiểu thuyết nào có thể thay thế một chi tiết đời thực, dù chi tiết ấy nhỏ bé, đơn sơ và giản dị. Trên đường về, chúng tôi dừng dưới gốc đa Tân Trào. Cây đa già xoè rộng tán, cội rễ của nó bám sâu trong lòng đất, cây đa cổ thụ ở lại với núi rừng Tân Trào, nhưng thế hệ sau nó đã về thủ đô Hà Nội cùng trăm ngàn loài cây xanh khác trên khắp đất nước Việt Nam tụ về toả bóng xanh mát quanh Lăng Bác Hồ. Chiều dần buông, bóng xanh cây đa cổ thụ ấy như toả ra, hoà vào màu xanh núi rừng. Đến đình Tân Trào tự nhiên chúng tôi đứng xếp hàng theo lối mòn. Chị Ngọc vượt lên rồi dừng lại trước cửa đình. Chị hướng bàn tay về phía trước, giọng vẫn thì thầm như kể chuyện cổ tích. Rằng, ngày xưa Bác đã đứng trên phiến đá này đọc lời tuyên thệ trước quốc dân Đại hội, trước lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Còn ngoài kia- chị Ngọc chỉ tay sang phía bên kia chân núi- là dòng Khuông Péng, Bác đã từng lội qua… Tôi tiến đến trước đình Tân Trào run run quỳ xuống bên phiến đá, mắt chợt sáng bởi như còn nhìn rõ dấu chân Bác năm nào. Bàn chân thon nhỏ gầy guộc sau những trận sốt rừng liên miên. Bàn chân đã từng in dấu vết khắp năm châu bốn biển. Bàn chân đã từng đi xuyên các đại dương, đi xuyên các lục địa tìm đường cứu nước và, bốn mươi năm trước đây bàn chân ấy đã in trọn trên phiến đá này- nơi Bác đứng nói lời thề non nước: “Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Cùng lúc, lời thề của sáu mươi đại biểu Đại hội quốc dân cũng vang lên. Núi rừng Tân Trào vang vọng lời thề cứu nước. Lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong gió mùa Thu. Bây giờ phiến đá vẫn còn đây dù nắng mưa có chút ít phai mòn. Ngôi đình thì xưa cũ lắm rồi, kể từ năm Quý Hợi dựng lên, đến nay đã ngót trăm năm rồi còn gì. Mái có sửa chữa đôi lần. Cột, sàn thì còn nguyên cả, nhưng đã lờ mờ rêu phong. Bốn bề không vách phên, gió lùa cả bốn mùa thông thốc. Còn Khuông Péng, chưa một lần đổi dòng, vẫn hồn nhiên reo hoài bên vách núi. Nước xanh trong có giữ nổi dấu chân Người? Tôi thầm nghĩ, rồi đến bên dòng suối Khuông Péng chẳng vô tình nhưng cũng không cưỡng nổi quy luật của tự nhiên. Nước chảy đá mòn. Dấu chân Bác không còn in đáy nước mà đã tan vào đất nước. Tôi cứ thẫn thờ đi tìm điều chỉ có trong ao ước, đành đứng nhìn và nghe suối hát trong veo. Còn anh bạn của tôi thì cứ hí hoáy ghi chép và hỏi chị Ngọc điều gì đó mà tôi thấy chị tươi cười rồi ngân nga đọc: “Kim Long đất hiểm tứ bề. Kẻ thù muốn chết thì về Kim Long/ Kim Long cảnh đẹp như tiên. Ai mà tìm đến sẽ quên đường về.”. Chị bảo rằng câu thơ đầu có từ trước cách mạng tháng Tám, câu sau thì sau cách mạng tháng Tám, đều do người dân Tân Trào làm ra. Mới hay, người dân Tân Trào có tâm hồn thơ, rất thơ như chính thiên nhiên non nước nơi này và có một niềm tự hào lớn của vùng đất Thủ phủ cách mạng tiền khởi nghĩa, vùng đất có Bác Hồ về ở để lãnh đạo Cách mạng giải phóng dân tộc. Tôi vội vàng giở Nhật ký văn học ghi mấy câu thơ mà chị Ngọc vừa đọc.

Mãi chiều chúng tôi mới về đến khu Nhà Bảo tàng. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ mấy ngôi nhà này. Chẳng am hiểu lắm về kiến trúc, nhưng nhờ đầu óc giàu tưởng tượng, tôi nhận thấy mấy ngôi nhà ấy có hình núi. Nhà hình núi nên lẫn vào dáng núi, chỉ có màu đỏ ngói cứ cháy lên như lửa giữa rừng. Tôi bước nhẹ trong vườn chợt gặp cánh ong bay nhấp nhoáng. Hoa quanh Nhà Bảo tàng chưa đủ cho ong. Đàn ong rủ nhau bay khắp núi rừng tìm hoa lấy mật. Rừng Tân Trào hoa ngàn sắc muôn hương, mùa nào cũng sẵn. Ngước nhìn theo cánh ong bay, tôi sững sờ trước cao xanh hùng vĩ, những ngôi sao xanh lấp lánh lúc nào.

Chiều vỡ trên ngực tôi nắng gió lao xao.

Cõi Bác xưa tim tím Tân Trào!

 

                      H.T.S                       
        
  Xứ Mưa, nhớ Bác

                                      và chợt nhớ Tân Trào mùa Hạ 1984                     

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter