• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Áo gấm mừng đại thọ
Ngày xuất bản: 31/01/2024 8:50:04 SA

Truyện ngắn của  QUANG BÁCH

 

Cụ Tuần đã chín mươi tư tuổi, tết này là chẵn chín mươi lăm. Cụ bà mất cách đây gần hai mươi năm, cụ bán nhà cửa, vườn ruộng ở quê lên ở với vợ chồng anh con trai cả tên Tự ở thành phố đều là cán bộ giảng dạy ở một trường Đại học chuyên đào tạo kỹ sư cho các ngành Nông Lâm nghiệp. Đón bố lên ở cùng, ông bà Tự thống nhất với nhau đem toàn bộ số tiền bán đất, bán nhà ở quê gửi tiết kiệm đứng tên bố với lý do đây là tiền dưỡng già của cụ. Còn số tiền trợ cấp thương binh chống Pháp hàng tháng, bà Hằng khéo léo gửi lại bố chồng với lời lẽ nhẹ nhàng “Đây là tiền ăn sáng và tiền tiêu vặt của ông nội các cháu. Ông cầm lấy để chúng con vui lòng”. Nhìn bố chồng vui vẻ đón nhận, bà Hằng như quên đi sự lo toan vất vả cho đời sống gia đình. Ông Tự tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn dạy hợp đồng cho Khoa tại chức của trường Đại học nhằm đỡ đần vợ. Hai đứa con dù có bằng cấp tử tế song không đứa nào được làm việc theo đúng chuyên ngành đã học, vẫn phải tự bươn trải để nuôi mình bởi ông bà Tự không còn đủ khả năng kinh tế để lo lót, chạy trọt, nhờ vả nơi này, chỗ kia. Vả lại chúng cũng biết rằng nếu có tiền bố mẹ cũng sẽ không bao giờ làm thế vì lòng tự trọng cao. Từ suy nghĩ ấy nên hai anh emđều tự lực cánh sinh khiến ông bà Hằng thực sự yên lòng.

Ở thành phố miền núi, tuy rằng có nhiều phường, xã, dân số mỗi ngày một tăng song những người sinh ra, lớn lên ở đất này không còn nhiều. Mỗi người một ngành nghề khác nhau, do vậy đời sống vật chất và tinh thần chẳng ai giống ai. Trong phố, nhiều người bằng lòng với hiện tại vì đã đủ ăn, đủ mặc, gia đình êm ấm, hợp hòa, con cái có công ăn việc làm mặc dù chỉ lao động hợp đồng hay tự do. Nhiều người có thói quen “Ghen ăn tức ở”, thấy điều kiện kinh tế nhà mình thua kém người khác thì tỏ ra hằn học, bức bối, thường là trung tâm gây mất đoàn kết trong khu dân cư. Lại có những người cậy mình giàu có, thừa mặc, thừa ăn tỏ thái độ khinh thường người khác, tự cho mình thuộc tầng lớp thượng lưu, nhìn mọi người xung quanh bằng ánh mắt thương hại… Gia đình ông giáo Tự cũng chỉ xếp vào dạng có mức sống trên dưới trung bình. Về hưu, lương giảng viên Đại học của hai vợ chồng, cộng thêm một chút phụ cấp Trưởng khoa chuyên môn của ông Tự cũng chỉ đủ chi phí cho gia đình khoảng ba, bốn người. Tháng nào nhiều việc hiếu, hỷ, giỗ tết, khách khứa, bạn bè, anh em nội ngoại đến chơi… còn không đủ chi tiêu. Bà giáo Hằng phải thực sự chắt chiu, dè xẻn mới đủ. Nhiều lúc cũng chạnh lòng khi nhìn lên ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ được xây dựng cách đây gần hai mươi năm đang có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt. Bà sống hiền hòa, cởi mở nên được nhiều người, nhất là các bà, các chị cùng trang lứa gần gũi, chuyện trò. Cuộc sống gia đình bà có người ngưỡng mộ song cũng chẳng ít người bóng gió, chê bai cho rằng vợ chồng ông bà giáo không thức thời. Có bằng cấp, có điều kiện kiếm tiền thậm chí kiếm được rất nhiều tiền thế mà nhắm mắt bỏ qua cơ hội vàng. Có người lọc lõi còn chỉ ra những cách thu tiền ngon ghẻ và bảo rằng một số người có vị thế như ông bà làm thế nên bây giờ có nhà lầu, xe hơi, tiền gửi tiết kiệm dưỡng già mỗi tháng lãi xuất cũng bằng thu nhập lương hưu. Có người còn khích bác thêm “Cái gì đã qua thì khó quay trở lại song ở hoàn cảnh ông bà, bây giờ quyết tâm làm lại vẫn chưa thực muộn màng”. Trước những lời dèm pha, tư tưởng bà Hằng đã có lúc dao động, muốn tìm cơ hội thay đổi. Tuy đã về hưu nhưng ông bà vẫn còn rất nhiều mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả cán bộ quản lý ở các trường Đại học. Với vị trí Trưởng khoa như ông Tự, ngoài việc dạy hợp đồng, ông còn có thể nhận hướng dẫn làm luận văn, nghiên cứu đề tài khoa học. Riêng bà Hằng, chuyên ngành Tâm lý giáo dục hiện tại đang có rất nhiều cơ quan, công sở và đặc biệt là ngành Y tế cần đến. Thu nhập ngoài lương từ những công việc ấy không nhiều nhưng nếu làm được chắc chắn mức sống của gia đình cũng phải gấp đôi thời điểm hiện tại. Nhàn rỗi, một mình suy tư trăn trở, bà Hằng muốn bàn bạc với chồng rất nhiều dự định thế nhưng nhìn lại sức khỏe của hai người bà cảm thấy rất khó khăn. Tuổi mỗi ngày một cao, bệnh nghề nghiệp từ phổi và họng mỗi khi trái nắng trở trời lại tái phát. Hơn nữa nhà chỉ có ba người lớn, lại phải phụng dưỡng, chăm sóc bố già… Càng nghĩ bà càng rối bời… Chả lẽ lại chịu thua kém bạn bè, song gồng mình gắng sức trong thời điểm cuối đời liệu có được theo ý muốn? Trong nhiều giấc ngủ chập chờn, muốn tìm đến sự bình yên trong cuộc sống kinh tế thị trường sao mà khó thế. Bà Hằng thở dài.

*         

Ông Tự và ông Hân cùng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong nước một năm. Song vì có một số công trình khoa học áp dụng thành công ở phạm vi quốc gia nên ông Hân được phong học hàm Phó Giáo sư và được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng nhà trường, còn ông Tự chỉ ở vị trí Trưởng khoa. Cùng môi trường công tác nhưng hai người thường bất đồng quan điểm. Ông Hân với vai trò người đứng đầu cơ quan, luôn thâu tóm mọi quyền lực, quản lý, giải quyết công việc bao giờ cũng theo quan điểm riêng của mình. Chương trình kế hoạch công tác khi ông đã nêu ra, ý kiến tham gia bàn thảo của cấp dưới chỉ là tham khảo. Cả một tập thể tri thức vài trăm người, nhưng ông Hân chỉ nhận được rất ít ỏi sự nhất trí, đồng tình. Song ông Hân vẫn được yên vị, mọi hoạt động của nhà trường khi cấp trên nhìn đến vẫn xuôi chèo mát mái là bởi đội ngũ giáo viên trong trường chỉ muốn có cuộc sống bình an, ít phải động chạm xê dịch do mâu thuẫn cá nhân. Tuy nhiên, khách quan mà nói, cũng phải công nhận ông Hân có tài chèo chống. Đối với cấp trên ông chẳng mất lòng ai, mọi hoạt động của nhà trường diễn ra đúng với quy trình đào tạo. Lời lẽ báo cáo, trình bày, diễn giải lý do, nguyên nhân của mọi thành công, thất bại, bài học kinh nghiệm… đều có tình, có lý, đủ sức thuyết phục mọi người. Do vậy, ông nhận được từ lãnh đạo ngành, lãnh đạo các cơ quan hữu quan nhận xét là người có năng lực, xứng đáng được đưa vào diện cán bộ quản lý giáo dục kế cận. Riêng đối với ông Tự, ông Hân không hề có một chút tín nhiệm, cho nên không chỉ ở dạng “Bằng mặt không bằng lòng” mà đã nhiều lần xảy ra bất đồng sâu sắc trong các cuộc sinh hoạt nội bộ Ban lãnh đạo nhà trường. Nhiều dự án nghiên cứu khoa học ông Tự không được tham gia với rất nhiều lý do. Ông Tự thừa biết, nếu mình được tham gia, mọi mánh khóe trục lợi, độc đoán chuyên quyền của vị lãnh đạo cao nhất nhà trường sẽ bị phanh phui. Đã có những lúc ông Tự định đối diện với ông Hân để thẳng thắn với nhau về chuyện “ngang tai trái mắt” trong cơ quan do ông Hân gây ra song không hiểu tại sao lại đắn đo, do dự rồi cuối cùng để mặc “nước chảy bèo trôi”. Kết cục thì ông Tự cũng nhận ra sự e dè, thiếu quyết đoán, ngại va chạm, muốn được sống yên ổn đã lấn át sự cương trực, thẳng thắn vốn có của mình. Ngày tháng dần trôi, lại cùng một thời điểm, ông Tự và ông Hân nhận quyết định nghỉ hưu, mọi sự được xếp vào dĩ vãng. Ông Hân hạ cánh an toàn, ung dung chuyển gia đình về sinh sống ở thành phố ven biển.

*

Một sáng cuối đông, những làn gió bấc se lạnh luồn qua khe cửa, theo thói quen, ông Tự khoác lên người tấm áo choàng vắt trên vai ghế. Tiếng bà Hằng gọi xuống ăn sáng vang lên từ bếp. Ông Tự nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng và tiện tay khoá cửa. Cụ Tuần dùng xong bữa sáng đã lên nhà nghỉ ngơi. Còn lại hai vợ chồng, bà Hằng nói chuyện mới nghe được về kết luận của thanh tra Bộ Giáo dục ở trường Đại học mà trước đây ông bà công tác. “Sự việc nghiêm trọng lắm! Có đến gần chục người tham gia dự án nghiên cứu khoa học về nông lâm nghiệp cấp quốc gia do trường Đại học Nông lâm đóng ở tỉnh này làm chủ phải chịu trách nhiệm liên đới. Nhiều dự toán khống đã được xác lập và rút kinh phí an toàn. Trong đợt thanh tra này, đã chứng minh rõ ràng không có hội thảo, không có thí nghiệm, không có các công trình nghiên cứu thực địa… và cũng không có địa phương nào cộng tác cho thuê rừng, ruộng, nhân lực để nghiên cứu về sự phát triển vật nuôi, cây trồng trên địa bàn miền núi…”. Giọng kể của bà Hằng đang đều đều bỗng cao vút lên “Nghe nói ông Hân phải chịu trách nhiệm toàn bộ thiệt hại do dự án gây ra và bồi hoàn mười lăm tỷ đồng”. Khi vợ ngừng kể, ông Tự cũng vừa xong bữa sáng. Với tay lấy tấm giấy lau, ông Tự đủng đỉnh “Lưới trời rộng lắm, con sâu cái kiến đục khoét mùa màng còn bị diệt trừ huống hồ con người lòng tham vô đáy”.

Biết tin sang đầu xuân mới bố mẹ tổ chức lễ mừng thượng thọ ông nội, thằng Văn và con Hà hẹn nhau ngày chủ nhật cùng về thăm nhà. Đang lúc ba thế hệ vui vẻ bàn định nghi thức buổi lễ như thế nào để vừa trang trọng, vừa thể hiện được niềm vui của khách xa, bạn gần, con cháu, họ hàng từ quê lên chúc mừng thì nhà có khách. Chỉ riêng với cụ Tuần đó là khách lạ, còn cả nhà ông Tự lại là khách quen, thậm chí rất quen. Không còn comple, cà vạt, đầu bóng nhẫy dầu thơm, giầy đen đắt tiền nhưng dáng đi, lời chào của ông Hân vẫn khiến mọi người dễ dàng nhận ra. Kết thúc đợt thẩm vấn của đoàn thanh tra, ông Hân đành đem bộ mặt não nề đến một số nơi cần đến, hy vọng phần nào giảm nhẹ tội trạng của mình. Biết rằng sẽ rất ngượng ngùng khi gặp lại ông Tự, bà Hằng nhưng ông Hân vẫn đến. Sau lời giới thiệu của con dâu, cụ Tuần trịnh trọng đứng dậy bắt tay vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Hiệu trưởng trường Đại học, nguyên là sếp của con dâu, con trai. Ông Hân từ tốn đáp lễ rồi ngồi xuống tiếp tục những lời thăm hỏi xã giao. Biết cụ Tuần sắp làm lễ thượng thọ, ông Hân tỏ thái độ cung kính ngưỡng mộ và đề nghị ông bà Tự, Hằng thông báo thời gian để ông lên dự. Sau mấy tuần trà nước, cụ Tuần đau lưng cáo lỗi với khách lên phòng nghỉ ngơi. Nhân tiện, thằng Văn, con Hà cũng xin phép xuống bếp chuẩn bị bữa chiều. Còn lại ba người, ông Hân vào thẳng vấn đề:

- Chắc ông bà đã biết tin, thanh tra Bộ quần đảo tôi dữ quá! Đến bây giờ tôi mới thấy hậu quả sự thiển cận của mình. Tội lỗi chắc chắn sẽ kèm theo hình phạt thích đáng, song bồi hoàn tổn thất thì tôi đành chịu bởi các khoản ăn chia tôi đã chi hết. Hơn nữa, để chạy tội cho thằng con bất đẳng, tôi đã ném tất cả vào đó rồi!

- Thế bây giờ ông cần gì ở chúng tôi?- Ông Tự dửng dưng, lãnh đạm.

- Chỗ tình cũ nghĩa xưa, xin ông bà cứu giúp tôi bằng cách đóng vai nhân chứng khách quan là có vô tình biết việc tôi lót tay cho một số quan chức…

Nhấp thêm ngụm nước nóng, ông Hân hạ giọng:

- Nếu không phải bồi hoàn số tiền mà tôi đã hối lộ trên, cả nhà tôi vun vén cũng còn vài ba tỷ, tôi sẽ biếu ông bà.

Vài ba tỷ, số tiền quá lớn so với cả cơ nghiệp gia đình song lời nói của ông Hân khiến vợ chồng ông giáo Tự không những không hề có chút thương hại mà còn thấy khinh thường. Bà Hằng im lặng. Ông Tự nói lời mỉa mai:

- Tôi thật sự xấu hổ vì có một đồng nghiệp như ông… Đến nước này mà ông còn định hối lộ cả tôi, kẻ ông đã từng có ý định dìm chết để cứu vớt sự vô lương của chính mình? Ông về đi, sẽ không bao giờ có sự thỏa hiệp giữa chúng tôi và ông đâu...

Cứ tưởng lòng tự trọng của ông khách không mời sẽ nổi lên, lập tức rút lại những lời cầu xin rồi đứng dậy ra về một cách dứt khoát, vậy mà giọng ông Hân vẫn run rẩy với những lời van nài nhẫn nại:

- Mong ông bà nghĩ lại, hoàn cảnh tôi bây giờ chẳng còn biết trông cậy vào đâu…!

Nhìn dáng đi liêu xiêu của ông Hân khuất dần ngoài cổng, ông Tự buông một hơi thở dài kèm theo cái lắc đầu ngao ngán.

*

Sau lễ hai mươi ba tháng Chạp tiễn ông Táo chầu trời, ông bà giáo Tự về quê mời khách lên dự lễ khao thượng thọ cụ Tuần vào ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch. Cụ Tuần ở nhà một mình. Tuy tuổi đã cao, chân yếu tay mềm, đi lại, vận động đôi lúc khó khăn nhưng cụ vẫn đủ minh mẫn để làm mọi công việc phục vụ sinh hoạt cá nhân. Cụ còn động viên ông bà Tự yên tâm mà giải quyết công việc.

Sáng ấy, khi những tia nắng mùa đông le lói trước sân, chậu hoa giấy trước nhà nở hoa đỏ rực, cụ Tuần đem ghế nhựa ngồi ở góc sân nơi có nắng, hy vọng kiếm chút hơi ấm mặt trời. Cùng lúc, cánh cổng hé mở với tiếng chào to. Cụ Tuần quay lại, phải một lúc sau cụ mới nhận ra ông Hân. Cụ Tuần chậm rãi mời khách vào nhà. Không dùng trà nên chỉ có nước sôi mời khách. Ông Hân tỏ vẻ băn khoăn, tiếc nuối vì cất công đến chơi lại không gặp được ông bà Tự. Đứng trước cụ Tuần, ông Hân kính cẩn nâng cao tấm áo gấm hồng điều bọc ni lon, mới nhìn đã thấy sự sang trọng, quý phái, kèm theo một phong bì cỡ to bên trong căng chặt:

- Thưa cụ, con và ông bà Tự là đồng nghiệp lâu năm, nghĩa tình sâu nặng, vì hoàn cảnh riêng mà khi nghỉ hưu không được gần nhau. Biết tin xuân này cụ được gia đình, bạn bè, đoàn thể tổ chức lễ mừng Đại thọ. Vì công việc gia đình nên thời điểm đó không đến dự được, hôm nay con có chút quà nhỏ kính mừng. Chúc cụ sức khỏe dồi dào, phúc lộc trường hưng, mãi mãi rợp bóng quế hòe bên vườn hoa thảo hiền con cháu. Ông bà Tự, Hằng đi vắng xin cụ nhận giùm con.

Ông Hân chủ động đặt lễ mừng vào tận tay cụ Tuần. Cụ Tuần cảm ơn và xin được từ chối quà mừng với lý do con cháu vắng nhà. Song trước lời năn nỉ cầu xin của khách, cụ Tuần đành miễn cưỡng đón nhận và hứa sẽ về nói lại với mọi người. Được lời như cởi tấm lòng, ông Hân với lý do có việc gấp phải đi ngay, cụ Tuần tiễn khách mà lòng dạ phân vân, không biết việc nhận quà mừng của khách khi không có mặt con trai, con dâu, như vậy là đúng hay sai.

Hai ngày ở quê, với sự đón tiếp nồng hậu của họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích của cụ Tuần trước đây, sáng ấy ông Tự cùng vợ xin phép ra quốc lộ đón xe về nhà. Ngồi trên xe, ông bà vẫn chưa hết xúc động. Chỉ riêng việc rất nhiều người nhận lời lên dự lễ mừng đại thọ cụ Tuần và thăm phong cảnh mùa xuân phố núi, ông bà đã cảm thấy rất vui và hạnh phúc, quên hẳn mệt nhọc đường trường và sự cồng kềnh, nặng nề của nhiều món quà quê sâu đậm nghĩa tình mọi người gửi biếu ông cụ. Từ bến xe thành phố, ông bà khệ nệ túi xách, ba lô rẽ qua hiệu may Kim Bình nhận tấm áo gấm khao thọ màu đỏ đã đặt may. Trên đường đi, ông Tự cứ thắc thỏm, hồi hộp, mong nhanh chóng về đến nhà để bố thử áo xem có vừa, có đẹp không.

Mấy ngày vắng nhà, hôm nay trở lại, thấy cụ Tuần sức khỏe bình thường, mọi sự như cũ, ông bà Tự cảm thấy yên lòng và vui vẻ thông báo ngay kết quả chuyến đi. Cụ Tuần vui mừng đón nhận quà quê và áo mừng thọ từ tay con trai, con dâu. Cụ cầm tấm áo vào trong nhà, đặt ngay ngắn bên cạnh món quà mà ông Hiệu trưởng Hân biếu tặng. Cùng lúc vợ chồng ông Tự bước vào. Nhìn hai tấm áo đặt song song trên mặt bàn, ông bà thấy ngay tấm áo mình mua so với tấm áo được tặng còn khiếm khuyết rất nhiều. Từ màu sắc, kiểu dáng, hoa văn cho đến đường kim mũi chỉ … Nếu đem so đo cặn kẽ thì áo tặng mười, áo mua chỉ một. Hơn nữa, xếp trên áo tặng còn có một phong bì dày và to. Qua lời cụ Tuần, ông bà Tự, Hằng đã hiểu thấu đáo nguyên nhân xuất xứ món quà đắt giá. Không còn cách nào hơn, ông bà đành kể hết cho cụ Tuần nghe câu chuyện có thật mà cứ như hoang tưởng đang xảy ra trước mặt cụ già tuổi đã sắp tròn thế kỷ.

Nghe xong, cụ Tuần đưa ánh mắt đục mờ qua làn kính cận lấp lóa nhìn con trai và con dâu với tất cả niềm yêu thương, tự hào rồi chỉ tay vào tấm áo con trai, con dâu mới đem về:

- Bố sẽ mặc tấm áo này trong ngày mừng đại thọ. Nó sẽ là nguồn động viên, tiếp thêm sức khỏe cho bố để các con có thể chúc mừng bố vào các lần đại thọ sau. Còn món quà kia, các con hãy đem trả lại cho người không bao giờ được đại thọ và hiểu thế nào là đại thọ.

Nói xong cụ Tuần quay lưng bước ra cửa. Ngoài sân, gió cuối đông lay nhẹ những chùm hoa giấy đang độ rực hồng. Tiết trời giữa thời điểm giao mùa se lạnh, báo hiệu mùa đông qua đi, mùa xuân lại về.

 

                            Q.B

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter