Ký của NGUYỄN TÂM
Trông mong, chờ đợi mãi thì những đợt mưa phùn cùng không khí nồm ẩm, ướt át cũng đã kết thúc, trả lại cho thành phố một không gian tươi mới và rạng rỡ. Đón những tia nắng mai đầu hạ, hoà cùng làn gió giao mùa từ sông Hồng thổi tới khiến cho thành phố như tràn đầy sức sống. Trên phố, giữa dòng người tấp nập, hối hả thường ngày, sắc màu rực rỡ của phố thị dường như hôm nay được tô điểm nổi bật hơn bởi sắc trắng tinh khôi, thuần khiết của những đoá loa kèn đang mùa nở rộ. Vốn định tự thưởng cho mình một ngày cuối tuần thảnh thơi dạo phố, chẳng hiểu sao tôi lại hoà vào dòng người đổ sang chợ Bến Đò. Còn nhớ dạo trước, chuyện di dời chợ Yên Ninh sang địa điểm mới, lấy tên chính thức là chợ Bến Đò đã không chỉ là đề tài nóng trong giới tiểu thương, mà còn râm ran lan truyền khắp thành phố. Lâu nay, cái tên “Chợ Bến Đò” và khu chợ đông đúc, nhộn nhịp trên con đường nhỏ Hồ Xuân Hương vốn đã quen thuộc, trở thành tiềm thức nằm sâu trong lòng mỗi người dân Yên Bái. Bởi vậy, khi thành phố triển khai chủ trương di dời, chợ mới đã xây xong, chuyện họp bàn, sắp xếp, bố trí và bốc thăm vị trí kinh doanh cũng đã được thực hiện mà nhiều người như vẫn chưa muốn tin rằng đây là sự thật. Sự háo hức, phấn khởi chờ mong một không gian mới với những điều kiện tốt nhất cho việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương không vượt qua được sự luyến tiếc phải rời bỏ nơi đã gắn bó, tạo nguồn sống cho bản thân và gia đình bấy lâu, không át được nỗi băn khoăn, lo lắng rằng sẽ mất đi lượng khách hàng thân thiết, rằng vị trí kinh doanh mới có tốt không, việc kinh doanh có thuận lợi được như trước nữa hay không…
Ấy thế mà hôm nay, sau một tháng khai trương và đi vào hoạt động, chợ Bến Đò mới đã dần ổn định và phát huy hiệu quả, thu hút rất đông người dân đến kinh doanh, mua bán giao thương hàng hóa. Từ ngã năm Cao Lanh, chỉ vừa vượt qua cầu Bách Lẫm, tôi đã gặp ngay khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp của khu chợ khang trang rộng tới gần 15.000m2 với 477 điểm kinh doanh rộng rãi, được bố trí quy củ, gọn gàng, sạch sẽ, an toàn nằm trên địa giới của xã Giới Phiên. Đứng trong khu chợ, nhìn dòng người tấp nập đổ về từ các ngả, nhìn khung cảnh bán mua rộn ràng, tất bật này, mấy ai có thể nghĩ rằng nơi đây xưa kia chỉ là mảnh đất đìu hiu vắng vẻ ven sông, rằng một “làng Giới Phiên” xa xôi, nghèo khó năm nào giờ lại trở nên gần gũi, đông vui đến thế. Không chỉ có khu chợ Bến Đò náo nhiệt, sầm uất mà những năm gần đây, kể từ khi đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt và công bố, các xã phụ cận bên sông được xác định xây dựng trở thành một phần đô thị quan trọng của thành phố, nhất là dịch chuyển trung tâm hành chính sang hữu ngạn sông Hồng thì hàng loạt chủ trương quy hoạch cùng những dự án hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ trên đất Giới Phiên.
Sự sôi động, rầm rộ trong xây dựng, triển khai các dự án lớn là hiện thực có thể nhìn thấy rất rõ ở Giới Phiên những năm gần đây. Song, khi nghe con số mà Chủ tịch UBND xã Giới Phiên Nguyễn Đức Luận chia sẻ, rằng hơn 82% trên tổng diện tích 11,2km2 đất tự nhiên của xã thuộc diện tích quy hoạch vẫn khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng. Vốn thuộc đội ngũ cán bộ nòng cốt của xã Tuy Lộc, là người giàu kinh nghiệm và tâm huyết khi thành công đưa Tuy Lộc về đích, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của thành phố nên anh Luận mới được chọn biệt phái ngắn hạn sang giúp Giới Phiên tháo gỡ khó khăn, xây dựng nông thôn mới. Nhưng rồi, sự khác biệt quá lớn giữa hai địa phương cùng những nhiệm vụ khó đã giữ chân anh ở lại gắn bó với xã. Trong khi Tuy Lộc có lợi thế về phát triển nông nghiệp thì Giới Phiên lại có vị trí trung tâm kết nối Yên Bái với các tỉnh, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa với các xã lân cận và thị trường bên ngoài nên thay vì xây dựng nông thôn mới từ nông nghiệp, Giới Phiên lại chọn đi theo hướng phát triển đô thị bằng lợi thế được đầu tư đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là một lợi thế lớn để đưa Giới Phiên phát triển nhanh, song lại đặt ra cho lãnh đạo xã một nhiệm vụ đặc biệt lớn và khó khăn, đó là công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình dự án.
Từ sau khi dự án quy hoạch thành phố được triển khai, nhất là từ 2016 đến nay, hàng loạt các dự án, công trình lớn như cầu Tuần Quán; cầu Bách Lẫm; nâng cấp mở rộng đường 32C; 07 phân khu dân cư nông thôn mới từ Bệnh viện Lao phổi đến nút giao cầu Tuần Quán; 02 phân khu dân cư đô thị Bách Lẫm A, Bách Lẫm B; Khu đô thị sinh thái Đầm Xanh; Khu đô thị mới xã Giới Phiên… được đầu tư xây dựng, Giới Phiên trở thành trọng điểm trong giải phóng mặt bằng, trung bình mỗi năm có hàng nghìn hộ nằm trong diện cần giải phóng. Chỉ tính riêng năm 2022, 19 dự án, công trình lớn nhỏ được triển khai trên địa bàn xã, 1.049 trên tổng số 1.174 hộ gia đình của toàn xã nằm trong diện thu hồi đất với tổng diện tích đất thu là 112 ha. Từ góc nhìn của một người ngoài cuộc, tôi có thể nhận thấy rằng đây không chỉ là nhiệm vụ khó, mà còn là thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị xã. Nhưng chỉ sau khi nghe anh Luận chia sẻ, trải lòng những câu chuyện trong quá trình các anh thực thi nhiệm vụ, tôi mới thực sự hiểu cái sự khó và những thách thức mà các anh trải qua lớn đến chừng nào.
Xưa nay, dù là thành thị hay nông thôn thì đất đai vẫn luôn là tài sản lớn, quan trọng và gắn bó mật thiết với mọi người dân. Với nhân dân Giới Phiên, đất không chỉ để ở và sinh hoạt, mà còn là tư liệu sản xuất, đem đến nguồn sống, kinh tế cho bao thế hệ người dân nơi đây. Bởi vậy, việc giải phóng mặt bằng không chỉ đơn giản là thông báo với các hộ gia đình trong diện tích quy hoạch rồi hoàn thiện thủ tục, hồ sơ bồi thường để giải phóng mặt bằng, thu nhận đất giao cho chủ đầu tư thi công là xong, mà còn phải trải qua cả một quy trình, thậm chí còn phải đối mặt với những vấn đề khúc mắc, phức tạp. Thông thường, sau khi chủ trương đầu tư xây dựng dự án công trình được tỉnh phê duyệt triển khai; sau các cuộc họp của tỉnh, của thành phố và các cuộc họp triển khai, tuyên truyền của xã đến với dân, nếu tất cả các hộ dân đều đồng tình ủng hộ, việc giải quyết bồi thường diễn ra suôn sẻ, người dân tự nguyện tháo dỡ, di dời thì công việc còn lại của các anh sẽ chỉ còn là việc tổ chức kiểm đếm, kê khai khối lượng, tài sản, đất đai; hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để lập phương án thu hồi đất, xây dựng phương án bồi thường để trình các cấp có thẩm quyền duyệt rồi công khai trước dân, tiến hành chi trả cho dân… Song, do tính chất phức tạp và có phần nhạy cảm của công việc nên nhiệm vụ của các anh đâu phải lúc nào cũng được suôn sẻ đến vậy. Mỗi khi dự án được triển khai, tuy hầu hết bà con nhân dân sau khi được tuyên truyền đã hiểu và sẵn sàng đồng tình ủng hộ, song vướng mắc nảy sinh vẫn là điều không thể tránh khỏi. Nói đến điều này, anh Luận nói vui với tôi rằng, nhờ công tác giải phóng mặt bằng mà suốt mấy năm nay, Giới Phiên trở thành đơn vị có nhiều đơn thư khiếu kiện, tố cáo nhất thành phố. Một câu nói vui nhưng chứa đựng đầy nỗi niềm. Anh bảo: “Trong số hàng nghìn hộ phải di dời, luôn có ít nhất vài chục “hồ sơ nóng”, thuộc diện vi phạm phải cưỡng chế giải tỏa. Thật lòng, dù bà con vi phạm, thậm chí có ý chống đối nhưng nhìn bà con bị cưỡng chế, đã bị mất hết tài sản, đất đai, lại còn vi phạm pháp luật thì mình không đành. Chỉ cần có thể cứu vãn, anh em chúng mình sẽ không bỏ cuộc”. Cũng chỉ bởi hai chữ “không đành” ấy mà sau nhiều lần tổ chức thành đoàn, thành tổ công tác đi vận động không được, anh Giáp (Bí thư Đảng ủy xã), anh Luận lại chia nhau ra rồi lặng lẽ một mình xuống từng nhà, từng hộ để vận động. Một lần không được thì các anh đến nhiều lần. Hôm nay chưa nghe thì hôm sau lại đến. Cứ tan làm, hết họp, có thời gian rảnh là ghé vào chơi, thăm hỏi, động viên rồi lại tuyên truyền, vận động bà con. Mưa dầm thấm lâu, nhiều người nghe nhiều đã hiểu, cũng có người vì nể “ông Bí thư”, “ông Chủ tịch” quá kiên trì mà gật đầu đồng ý. Để rồi, những “hồ sơ nóng” ấy cũng đều được giải quyết, đảm bảo đúng thời gian để các công trình được tiến hành thi công theo tiến độ đề ra.
Bởi nhiều công trình, dự án lớn được triển khai đồng bộ cùng thời điểm nên có những lúc, Giới Phiên như một chiếc chảo nóng khi dồn sức để giải phóng mặt bằng. Những cuộc họp triển khai từ phổ biến, thông báo chủ trương, chính sách, kế hoạch về giải phóng mặt bằng, về bồi thường, hỗ trợ; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân; hoàn thiện, xử lý hồ sơ cho đến giải quyết các tồn tại vướng mắc… diễn ra thường xuyên, liên tục. Có những ngày chỉ riêng ở xã đã có tới 7 hội nghị cần lãnh đạo dự họp, chủ trì và xử lý công việc mà lãnh đạo xã chỉ có 3 người nên các anh làm không xuể. Vào những thời gian cao điểm, tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, tăng cường biệt phái công chức địa chính từ các địa phương khác về hỗ trợ, cùng cán bộ địa chính xã làm thông ngày, thông đêm không hết việc, ngày cuối tuần phải đem theo cả con nhỏ đến cơ quan để vừa làm việc vừa trông con. Hoàn thành tất cả quy trình giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ để giao chủ đầu tư tức là các anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Song bởi quan điểm ngay từ đầu là luôn đồng hành cùng bà con nên khi các hộ tiến hành di dời, anh Luận lại cùng anh em thống nhất huy động lực lượng cán bộ toàn xã, chỉ để lại 2 cán bộ hành chính ở lại trụ sở để tiếp nhận và xử lý các công việc của bà con, còn lại từ Bí thư, Chủ tịch đến cán bộ công chức, dân quân, thanh niên xã đều xuống giúp dân dỡ nhà, di chuyển vật kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt về nơi ở mới. Xuống giúp dân, anh Luận cũng như các anh em cán bộ xã lại tận mắt chứng kiến và cảm nhận được hết những vất vả, khó khăn của bà con. Thế nên không nề hà, việc gì các anh cũng xắn tay làm, đến bữa gọi nhau về nhà văn hóa thôn, ăn qua loa bát mì gói rồi quay lại làm tiếp. Có được 10 triệu đồng tiền thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Thành ủy tặng động viên để anh em liên hoan sau lần xuống kiểm tra tình hình, tiến độ giải phóng mặt bằng, anh Luận lại bàn với các anh em đem 8 triệu tặng lại cho hộ gia đình khó khăn nhất, số còn lại, anh đề xuất lên lãnh đạo thành phố, xin chủ trương để chủ đầu tư và anh cùng đóng góp, mua những phần quà tặng cho những hộ thuộc diện di dời vào dịp Tết Nguyên đán, để phần nào thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành với bà con nhân dân, đồng thời tạo niềm tin tưởng, phấn khởi và tạo hiệu ứng lan tỏa để các hộ tiếp tục đồng thuận hơn trong công tác giải phóng mặt bằng ở địa phương.
Sau 2 năm kể từ khi nhận nhiệm vụ về Giới Phiên công tác, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ đồng thuận cao của nhân dân, năm 2018, anh Luận đã không phụ sự ủy thác của lãnh đạo thành phố, đưa Giới Phiên cán đích hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong mục tiêu chung của thành phố là sớm đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II thì nhiệm vụ và mục tiêu của Giới Phiên chính là hoàn thành các tiêu chí để trở thành phường. Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ còn 3 tiêu chí mà Giới Phiên chưa đạt, cũng chính là 3 vấn đề nan giải mà anh Luận còn trăn trở nhiều nhất là: Quy mô dân số, Tỷ lệ hộ nghèo và Cân đối ngân sách. Với một xã vùng ven có ít điều kiện phát triển kinh tế từ nông nghiệp như Giới Phiên, để cân đối được ngân sách, tăng số lượng dân cư hay tỷ lệ hộ nghèo cập được với mặt bằng chung của thành phố thì phát triển đô thị hóa thông qua việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng là điều khả quan nhất mà Giới Phiên có thể thực hiện. Bởi vậy ngoài các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, công tác giải phóng mặt bằng của xã Giới Phiên vẫn tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác Thi đua khen thưởng tỉnh hồi đầu tháng 3, thay mặt cho Giới Phiên, anh Luận đã hứa với lãnh đạo tỉnh sẽ quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ chính trị thành phố giao năm 2023. Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, Giới Phiên sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trên cơ sở phát huy cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, không quản thời gian, giờ giấc, không quản khó khăn, phấn đấu hoàn thành đạt tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án công trình theo nhiệm vụ được giao, giúp tỉnh và thành phố kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình dự án, các khu đô thị mới, sớm đưa xã Giới Phiên trở thành phường, góp phần đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II trong thời gian sớm nhất; thực hiện theo đúng lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Yên Bái, rằng cán bộ, Nhân dân tỉnh Yên Bái nêu cao tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua, vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cùng với cây cầu Giới Phiên hiện đại đang được xây dựng, Giới Phiên đã được nối lại gần hơn với nửa thành phố bên tả ngạn sông Hồng bởi 2 cây cầu lớn là Bách Lẫm và Tuần Quán. Giờ đây, nhắc đến cái tên Giới Phiên, không mấy ai còn nhớ về một làng quê nghèo hẻo lánh, xa xăm nữa, mà sẽ nghĩ ngay tới một phường đô thị văn minh với hàng loạt những công trình đô thị lớn đang được hình thành. Sớm thôi, Giới Phiên sẽ được du khách thập phương biết đến là điểm nhấn quan trọng về kiến trúc cảnh quan của thành phố Yên Bái nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung; là nơi có Khu đô thị sinh thái Đầm Xanh rộng tới hơn 93ha, có quy mô tới gần 13.000 người, có các khu biệt thự nhà vườn, khu nhà ở liền kề, shophouse, khu nhà ở xã hội, khu dịch vụ thương mại, công cộng, cây xanh cảnh quan tươi đẹp; có những khu dân cư nông thôn mới, những khu đô thị lớn có không gian văn minh, có cảnh quan sinh thái gắn kết với tổng thể không gian phân khu đô thị hữu ngạn sông Hồng; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các tiện ích công cộng đồng bộ và hiện đại. Khi đó, Giới Phiên và thành phố trẻ hai bên sông Hồng sẽ là điểm đến lý tưởng của khách du lịch; là miền đất hứa của giới đầu tư kinh doanh và là “trái tim” của vùng Tây Bắc, làm cầu nối giao thương của hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, góp phần quan trọng trong việc đưa Yên Bái phát triển bền vững theo hướng xanh, bản sắc và hạnh phúc.
N.T
Tin khác