• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm
Ngày xuất bản: 02/06/2023 3:18:36 SA

DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Năm nay 2023, huyện Yên Bình  phấn đấu về đích huyện nông thôn mới, trước 24 tháng so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, vào đúng dịp kỷ niệm tròn 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Yên Bái, đây là công trình, phần việc thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện học tập và làm theo lời chỉ dẫn quan trọng nhất của Bác vào sáng 25/9/1958, tại lễ đài sân vận động thị xã Yên Bái ngày ấy, “Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được”.

 Một bên ra sức giúp

Hiên ngang trên mảnh đất luôn được coi là vùng khó khăn, địa hình chia cắt, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí thấp, phân bố dân cư không đồng đều chính là 02 nhà máy xi măng sản xuất ra hàng triệu tấn sản phẩm/năm, 01 nhà máy thủy điện là cánh chim đầu đàn của ngành thủy điện Việt Nam xã hội chủ nghĩa và 02 nhà máy thủy điện đang được xây dựng, 04 cụm công nghiệp với diện tích 300 ha đang được đầu tư hạ tầng với nhiều ngành nghề từ truyền thống đến hiện đại, từ khai thác và chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản đến công nghệ cao; công nghiệp vật liệu xây dựng và ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử và 5 dự án phát triển du lịch, giải quyết nhiều nghìn việc làm cho nhân dân, mang lại thu nhập ổn định theo đúng định hướng phát triển xanh, bền vững là một minh chứng cho nỗ lực của chính quyền trong xây dựng hạ tầng cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

 “Điều dân chờ đợi ở chính quyền và cũng là trách nhiệm của chính quyền với dân chính là định hướng được chiến lược phát triển, tạo cơ chế và mọi điều kiện để cho cơ chế đó được thực thi; nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phải làm cho người dân được sống hạnh phúc trên chính mảnh đất của mình”. Lời chỉ đạo chứa nhiều tâm tư của đồng chí lãnh đạo huyện trong nhiều cuộc họp gần đây hình như còn bóng dáng của những đợt di cư ngược vì dịch Covid- 19.

Nơi chúng tôi đang đứng, một khoảng đất rộng của khu tái định cư vẫn đang còn nhiều dấu vết của hội chợ quê và hội chợ thương mại và du lịch được huyện tổ chức định kỳ 2 năm một lần chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng, quảng bá thương hiệu và kêu gọi đầu tư. 48 gian hàng lựa chọn trưng bày sản vật, sản phẩm OCOP của các xã, thị trấn, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ của huyện được bày trí đẹp mắt và khoa học, đi kèm với đó là nhiều hoạt động đặc sắc để thu hút du khách như hội thi gói bánh, hội thi bóc bưởi, trình diễn áo dài dân tộc, trình diễn dân vũ. Hội chợ đã kết nối cung cầu, vốn là vấn đề nan giải nhất của không chỉ nông nghiệp. Chưa có một con số thống kê thực tế nhưng đi đến đâu cũng nghe người dân “khoe” về những khách hàng được kết nối từ hội chợ và ngày càng trở nên thân thiết một cách đầy tự hào.

Cũng là việc giải quyết những khó khăn vướng mắc trong định hướng phát triển kinh tế xã hội mặc dù đã có cơ chế rõ ràng. Có lẽ nhiều người còn nhớ, năm 2016, 2017, để hiện thực mục tiêu đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện từ thế mạnh có đến hơn 19,000 ha mặt nước hồ Thác Bà, với một địa phương vốn làm ăn manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên giá trị kinh tế thấp, chính đồng chí Chủ tịch UBND huyện khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Trọng đã xuống tận Hải Phòng tìm đến Công ty Thủy Nguyên ký kết hợp tác về chuyển giao kỹ thuật nuôi cá theo hướng xuất khẩu, bao tiêu sản phẩm cho bà con và từng bước xây dựng thương hiệu. Đến nay, trong số 18 sản phẩm OCOP của huyện thì có đến 5 sản phẩm thủy sản đạt 3, 4 sao. Hay như đầu năm nay, ảnh hưởng của chính sách zero Covid của Trung Quốc, việc lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ, đối với một huyện lấy thế mạnh là kinh tế rừng với 300,000 m3 gỗ được khai thác hàng năm, với hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản phẩm gỗ ván bóc gặp khó trong xuất khẩu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống bà con. Trước những khó khăn đó chính Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh đã nhận trọng trách là người trực tiếp đi giao dịch, tìm đối tác tiêu thụ. Không chỉ đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm gỗ bị ngưng đọng mà các đơn vị đối tác còn đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ của người dân trên địa bàn từ nay về sau. “Việc tìm đầu ra cho sản phẩm vốn đã tồn đọng lâu dài giúp dân trong điều kiện bế tắc đã tạo thêm động lực rất lớn khích lệ các hộ sản xuất kinh doanh như chúng tôi nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên sản xuất kinh doanh ổn định”. Thiết nghĩ, người lãnh đạo cũng chỉ mong muốn nhân dân được như thế.

Nhìn một lượt trang tin tức của huyện mới thấy, không có ngày thứ 7, chủ nhật nào lãnh đạo huyện không đi làm việc cùng dân hoặc doanh nghiệp. Không chỉ đổ một đoạn đường, trồng một cái cây mà chính trong quá trình lao động cùng người dân các đồng chí lãnh đạo đã truyền đi niềm cảm hứng, động lực để người dân chăm lo lao động sản xuất và nhân bản hành động chia sẻ vì cộng đồng nhiều hơn. Bên cạnh đó, quá trình trao đổi với người dân, doanh nghiệp và trực tiếp trải nghiệm nhiều khó khăn vướng mắc được tháo gỡ, tìm được tiếng nói đồng thuận giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Để chủ động hỗ trợ kịp thời có trọng tâm, trọng điểm, huyện đã thành lập quỹ “xây dựng nông thôn mới”, ngay trong đợt 1/2023 đã hỗ trợ xây dựng mới 07 công trình và nâng cấp sửa chữa cho 16 nhà văn hóa thôn, thực hiện kiên cố hóa mở rộng đường và hệ thống kênh mương với tổng chiều dài gần 1.000m. Quỹ vì người nghèo, sáng kiến trao bánh chưng ăn Tết…

Sự giúp đỡ, không chỉ đến từ chính quyền mà còn đến từ chính những lá rách ít trong cộng đồng san sẻ đùm bọc lá rách nhiều hơn. Tôi từng được gặp giám đốc các HTX, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhất ở vùng nông thôn hiện tại, các anh cho chúng tôi biết: “Khi tham gia HTX, mọi thành viên về được chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết và cả nông cụ. Thậm chí, đối với các hộ khó khăn còn được hỗ trợ giống cây, phân bón, kỹ thuật cho đến khi thu hoạch được sản phẩm để không ai phải cô độc trên hành trình của mình”. Tôi thấm thía điều anh nói, rất nhiều hành trình đã phải dừng lại trước ngưỡng cửa thành công chính bởi vì thiếu sự thấu hiểu, đồng hành, động viên.

Nói đến sự sẻ chia và giúp đỡ, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được hình ảnh, một người chị đã lớn tuổi, vào một buổi mùa đông nhá nhem tối, vừa mưa và lạnh, chị vẫn mặc nguyên bộ áo mưa, run rẩy lấy từ chiếc ví mỏng tang của mình ra tờ 200 nghìn để ủng hộ một gia đình vừa bị hỏa hoạn do vô tình đọc được dòng thông báo kêu gọi của đồng chí chủ tịch UBMTTQ xã. Không lâu sau, căn nhà được dựng lại, không khang trang bề thế nhưng ấm áp hơn bởi tình người.

Giúp nhau để cộng hưởng sức mạnh. Người ta tìm thấy được hạnh phúc, động lực trong chính sự chia sẻ đầy trách nhiệm và nghĩa tình ấy.

Một bên ra sức làm

Tôi có những người bạn ở xa, mỗi lần nghỉ đều nhờ tôi gợi ý một vài điểm đi khám phá, trải nghiệm miền núi nhưng lại luôn ám ảnh về những đồi núi trọc, thỉnh thoảng sẽ là những hốc đá lớn mang theo bọc nước ném vào bất cứ xe nào đang đi đường vào ngày mưa lũ. Rồi họ mang theo lỉnh khỉnh đồ đạc từ nước uống, thức ăn hoa trái, vì sợ không có hoặc thực phẩm không đảm bảo. Nhưng ngược lại trên con đường nhỏ chúng tôi đi vào một ngày nắng sớm là không khí mát mẻ của những ngọn đồi xanh mướt cây cối. Trên các đảo hồ, trên các tuyến đường, ở các cơ quan công sở đều rợp bóng cây xanh thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025. Trong không khí vẫn còn hơi sương người dân đã tập trung đông đủ ra đường đổ bê tông nâng cấp đường liên thôn, liên xã từ rộng 3,5m, độ dày 3cm lên rộng 5m, dày 5 theo đúng chuẩn nông thôn mới. Hỏi ra thì được biết đây là công trình hoàn toàn do các hộ dân trên đoạn đường ấy hiến đất và góp vật liệu, công cán, tiền bạc để hoàn thành. Trên gương mặt ánh mồ hôi là nụ cười hạnh phúc và tin tưởng. Họ vui vì đã làm được một việc mà nếu trước đây thì phải phụ thuộc sự giúp đỡ từ bên ngoài. Và cả những đàn dê, bò, trâu béo tròn thủng thẳng đi về, dọc hai bên đường là đủ thứ nông sản lạc, ngô, dưa hấu, dưa chuột, thanh long, bưởi… được bày bán. Tất cả đó là mô hình, sáng kiến của bà con nông dân thời gian gần đây khi biết cách tận dụng những đảo hồ, tranh thủ lúc nước dưới cos để chăn thả trồng cấy.

“Bẫy thu nhập trung bình”, cụm từ này hẳn chúng ta đã nghe nhiều lắm ở tầm vĩ mô, nhưng có lẽ phải thực sự trải nghiệm mới thấy được sức hút khó cưỡng lại của nó. Nếu vẫn ở trong vùng 134, 135, người dân sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi từ việc xây dựng các công trình cơ bản, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế đến các chính sách an sinh như hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, cấp BHYT miễn phí, … bỗng nhiên một ngày xây dựng nông thôn mới người dân không còn được thụ hưởng các chính sách đó nữa. Dĩ nhiên, sẽ không nhiều người muốn mất những thứ đang có.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở miền núi việc khó khăn nhất có lẽ là đi tìm sự đồng thuận của nhân dân về quyết tâm xây dựng nông thôn mới, dám từ bỏ những đãi ngộ vốn đã có, dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám từ bỏ một tư duy cũ “trông chờ, ỷ nại” để tự tay xây dựng cho chính mình một tương lai tốt đẹp hơn, bằng ý thức tự lực tự cường, bằng khơi ý chí của mỗi con người. Khá tò mò, chúng tôi đã gặp gỡ nói chuyện với nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn để tìm hiểu về cách tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới “Mình làm cho mình hưởng, con cháu mình hưởng, vất vả một chút nhưng tự hào. Có thể chờ đợi mãi cũng sẽ có được sự hỗ trợ một phần nhưng làm sớm hưởng trước”. Có nhiều người sâu sắc hơn đã phân tích cho mọi người hiểu rằng “chúng ta muốn thu hút được đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp, nhưng bản thân họ là những nhà tư bản, họ chỉ bỏ ra khi thu được lợi nhuận. Người ta sẽ chỉ đầu tư vào những vùng nguyên liệu, vào các vùng thị trường tiêu thụ, vào khách hàng. Khi chúng ta tự nâng cấp chúng ta trở nên có giá trị, dòng tiền sẽ tìm đến, thứ chúng ta nhận được sẽ nhiều hơn lợi ích từ các chính sách trợ cấp của Nhà nước hiện tại. Và mỗi một người trở thành tấm gương, động lực cho con cháu tự hào và cố gắng”. Đó là mẫu số chung cho quá trình chuyển tải nhận thức mới cho bà con, có được sự đồng hành, đi lên.

Đi về xã, nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại của người dân; nhiều nhà văn hóa thôn thoáng rộng, hiện đại và đầy đủ thiết bị trang âm khánh tiết, khu vui chơi thể thao có giá trị cao, kết quả của nhân dân đóng góp ủng hộ 100% để hoàn thành hiện lên long lanh trong nắng ấm. Lãnh đạo địa phương giới thiệu trong niềm hạnh phúc. Không ít những hộ gia đình có thu nhập từ năm từ 200- 500 triệu đồng. Đó là nỗ lực thay đổi học hỏi trong quá trình lao động sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập. Đối với ngành nghề truyền thống, người dân hướng đến sản xuất hàng hóa, mỗi một người đều có ý thức áp dụng kỹ thuật cao, quan tâm xây dựng thương hiệu, đề cao uy tín và tính chuyên nghiệp nâng cao giá trị gia tăng. Người dân không ngừng học hỏi du nhập thêm nhiều ngành nghề mới đặc biệt trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Homestay là loại hình du lịch được người dân rất quan tâm trong những năm gần đây. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại mà các chủ homestay còn luôn tìm hiểu để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng theo nhóm đối tượng, phân khúc thị trường. Ở Yên Bình, bình quân mỗi năm một cơ sở lưu trú tiếp đón gần một nghìn lượt khách trong đó có rất nhiều khách đến từ các nước như Anh, Pháp và Đức với mong muốn được tìm hiểu những tập quán của người dân và được thăm thú cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của người bản địa. Vậy nên để nâng cao chất lượng dịch vụ nhiều chủ homestay còn tích cực tìm hiểu, tham gia bảo tồn, gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa, tích cực cải thiện môi trường tạo sự thân thiện, gần gũi với du khách.

 Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp, các loại hình kinh tế lại phát triển như bây giờ. Theo báo cáo, năm 2022 huyện đã thành lập mới: 45 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã, 50 tổ hợp tác. Thu nhập trung bình của người dân gần 40 triệu đồng. Có nhiều gia đình còn làm đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

65 năm đã trôi qua, khắc ghi lời dạy của Bác, huyện miền núi Yên Bình vẫn đang phát triển từng ngày, khó khăn ở đâu đều có “Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm” để phấn đấu có một Yên Bình thật sự hạnh phúc, đáng sống.

D.T.P

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter