Ký của Nguyễn Phương Thùy
Tháng 5, trời nắng như đổ lửa, tôi trở lại thôn Tà Ghênh xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu cùng đoàn cán bộ ngành nông nghiệp huyện. Nương đồi ở Tà Ghênh một thời thưa thớt lúa nương năng suất thấp nay xanh mướt ngô đồi, đặc biệt trên những triền núi dốc rừng cây măng sặt đâm chồi xanh biếc, một mô hình kinh tế từ rừng được thiết lập lại bài bản hơn. Câu chuyện về thâm canh cây trồng ở vùng cao đã trở thành huyền thoại của cán bộ ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu, mà mỗi trang viết thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, đặc biệt là bài học kinh nghiệm thực tiễn trong học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy trong công tác dân vận “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Đứng trước cánh đồng Tà Ghênh như một thảo nguyên thu nhỏ với diện tích gần 100 ha, anh Nguyễn Thế Thanh- cán bộ Trung tâm dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện Trạm Tấu kể cho tôi nghe câu chuyện về những “chiến sĩ của đồng ruộng” khi bắt đầu cuộc cách mạng vận động nhân dân thâm canh tăng vụ từ những năm 90 của thập kỷ trước, khi nền sản xuất nông nghiệp của huyện vùng cao Trạm Tấu còn đang ở thời kỳ tự cung, tự cấp, người dân chỉ sản xuất 1 vụ khiến đói nghèo đeo đẳng. Anh Nguyễn Thế Thanh chia sẻ: “Tôi nhớ không quên năm 1997 khi lần đầu tiên tôi lên cánh đồng Tà Ghênh xã Xà Hồ thực hiện chủ trương của huyện vận động đồng bào Mông chuyển đổi sản xuất lúa 1 vụ sang 2 vụ bị anh Thông lúc ý là Trưởng bản Háng Thồ xách lên xã phạt vì tội dám xuống ruộng nhà dân để gieo cấy. Lúc ấy vốn tiếng Mông còn ít ỏi, tôi không làm thế nào thanh minh cho mình được phải nhờ sự vào cuộc của xã, công an huyện tôi mới được thả về”
Anh Thanh cười thành tiếng khi nhớ lại từng kỷ niệm của thời kỳ “quần xắn móng lợn” lội ruộng ở Xà Hồ, những bước đi đầu tiên cho một cuộc cách mạng sau này. Nhìn thấy cả một cánh đồng phì nhiêu màu mỡ trơ gốc rạ trong khi đời sống người dân khó khăn. Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế của đất đai vùng cao, ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu quyết tâm làm một cuộc “cách mạng” để chuyển đổi sản xuất mà bước đầu tiên là Tà Ghênh. Ông Trịnh Văn Xuê- Phó Bí the Thường trực Huyện ủy lúc ấy là lãnh đạo của ngành nông nghiệp dốc toàn lực cùng anh em tham mưu cho huyện thành lập các lực lượng liên ngành vận động cán bộ, công chức, viên chức nhất là các đoàn thể lên “cắm bản”. Anh em ngành nông nghiệp dựng lán trại tại cánh đồng Tà Ghênh, tranh thủ được sự ủng hộ của một số già làng những người đã thấm nhuần Nghị quyết của Đảng để vận động một vài hộ dân cấy lúa xuân. Gần một tháng “nằm gai nếm mật” ăn ngủ tại ruộng cuối cùng vụ đầu tiên của năm 1997 cũng chỉ được vài nghìn mét vuông. Nhưng để đồng bào thực mục sở thị thành công của lúa xuân, suốt những tháng ngày sau đó ngành nông nghiệp huyện phải nhờ xã trông coi tránh trâu phá lúa, cán bộ thường xuyên thăm đồng chăm sóc chu kỳ sinh trưởng của lúa. Vài nghìn mét vuông lúa xuân đầu tiên cho năng suất vượt trội cũng chỉ làm thay đổi cách nhìn của một số ít hộ dân.
Năm 1998, trước một cánh đồng bản Lừu xã Hát Lừu với nhiều tiềm năng để phát triển lúa xuân, ngành nông nghiệp và UBND xã Hát Lừu xây dựng một kế hoạch mang tính đột phá với mục đích để bản Thái Hát Lừu trở thành vùng chuyên canh lúa nước 2 vụ, xây dựng Hát Lừu là lá cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước, để thay đổi một tập quán cũ. Và lần nào cũng vậy, khi vận dụng lý thuyết vào thực tiễn thì mỗi cán bộ ngành nông nghiệp lại trở thành một tuyên truyền viên nhẫn nại, tâm huyết và sự hy sinh về trí tuệ thời gian. Chắc thắng mới làm, để củng cố niềm tin của người dân vào sự đổi mới của đất nước.
Trước thái độ không hợp tác của người dân bởi niềm tin của họ vào cán bộ nông nghiệp huyện lúc bấy giờ còn mong manh, ông Trịnh Văn Xuê đại diện ngành nông nghiệp hứa trước dân nếu không thành công thì mỗi ha đền 4 tấn lúa, sau đó tham mưu cho huyện dùng kinh phí thuê dân quân cấy lúa cho dân. Trước lời hứa như “đinh đóng cột” của lãnh đạo ngành nông nghiệp, người dân mới đồng thuận nhưng trong lòng còn hoài nghi. Anh Phan Tuấn Ngọc- lúc ấy đang là chàng kỹ sư trẻ cảm xúc vỡ òa trước một cánh đồng bản Lừu thấm đẫm tình quân dân, khi bộ đội, dân quân và những người dân cùng xuống đồng cấy lúa. Anh Ngọc chia sẻ “Chỉ sợ thất bại thì sự nghiệp làm cán bộ ngành nông nghiệp ở huyện coi như tiêu tan. Trước quyết tâm cao của những người đứng đầu, mình dốc toàn lực cùng anh em dân quân gieo cấy, theo dõi mùa vụ sát sao, đến lúc thành công mới thở phào nhẹ nhõm”.
5 năm sau đó với nhiều tháng ngày bám bản cùng ăn cùng ở cùng làm với dân, thêm nhiều cán bộ ngành nông nghiệp gần như ở hẳn Tà Ghênh thì đã có nhiều hơn những hộ sản xuất lúa xuân, từ vài nghìn mét vuông năm 1997 đến năm 2002 đã có 36ha sản xuất lúa xuân. “Thuận nước đẩy thuyền”, ông Xuê cùng cán bộ ngành nông nghiệp quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng lần hai, tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn công tác trong đó nòng cốt là lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp, công an, bộ đội tiếp tục lên dựng lán trại ăn, ngủ tại ruộng vận động người dân chuyển đổi giống lúa địa phương sang trồng lúa lai cho năng suất cao. Thêm nhiều cán bộ ngành nông nghiệp trở thành cửu vạn như anh Hưng, anh Đồng, anh Thanh, chị Duyên, bằng mọi phương tiện xe thồ, xe đạp, thậm chí vác giống trèo núi đi bộ đến trầy chân ứa máu, nhưng vì tương lai của một huyện nghèo, để người dân an cư bám bản, từ bỏ trồng thuốc phiện, họ dùng cả thanh xuân của mình cho cuộc “cách mạng tư tưởng” không dễ bề chiến thắng. Ba tháng từ lúc làm đất, gieo mạ đến lúc thu hoạch là 3 tháng cán bộ ngành nông nghiệp Trạm Tấu “ăn không ngon, ngủ không yên”, đã thế lúa chín rồi dân vẫn “ngang như con cua” không chịu thu hoạch. Toàn huyện lại dốc sức lên gặt 36 ha lúa, rồi ruộng của nhà nào giao lúa thành phẩm cho nhà ý. A Hờ A Sùng - Trưởng thôn Háng Xê xã Xà Hồ kể: “Lúc ý tôi 17 tuổi, đang tham gia lực lượng dân quân xã, bố tôi bình thường cũng giống người dân ở đấy ngang lắm, nhưng khi chúng tôi trở những bao thóc nặng trĩu về nhà nói là của cán bộ trồng và gặt về cho, đã thấy cụ rơm rớm nước mắt. Những năm sau đó, tôi thấy ông luôn vận động con cháu, người trong gia đình chủ động gieo cấy 2 vụ, kinh tế gia đình tôi nhờ đó đã khá hơn.”
Bản Mù cũng tương tự, cả cánh đồng Mảnh Tàu, Tà Ghênh xã Bản Mù rộng vài chục ha chỉ sản xuất một vụ, xót tài nguyên, vì sự ấm no của đồng bào. Từ thành công của Tà Ghênh, Xà Hồ, năm 2007, ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu tạo kỳ tích thứ ba, chính sự kiên trì nhẫn nại, tình yêu với nghề, sự cảm thông chia sẻ với đồng bào vùng cao đã lay chuyển tư tưởng ăn sâu hàng ngàn đời trong tiềm thức của đồng bào, già làng Giàng A Phông chia sẻ: “Nhìn cán bộ miền xuôi quần lúc nào cũng xắn đến đầu gối, lấm lem bùn đất, uống nước suối, ăn rau rừng đến từng gia đình vận động chúng tôi cũng cảm kích. Lúc đó vì nghĩ chỉ cần làm có gạo ăn nên ai cũng làm 1 vụ, nhưng đông con, lúa địa phương năng suất thấp thì đói nghèo đeo đẳng từ đó mà có người lén lút trồng thuốc phiện hay vi phạm pháp luật. Nghe cán bộ giải thích nhiều lương thực để ăn, để chăn nuôi để bán để làm giàu, lúc đầu mơ hồ, nhưng càng làm càng thấy họ nói đúng.”
Hành trình để người dân chuyển đổi nhận thức từ 1 vụ sang 2 vụ, từ sử dụng giống địa phương sang sử dụng giống lúa lai năng suất cao, rồi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở Trạm Tấu như một cuốn tiểu thuyết dài tập mà mỗi cán bộ ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu là tác giả chân thực. Họ chứng kiến, họ làm, họ hy sinh để nay từ một Tà Ghênh, Xà Hồ chỉ có vài nghìn mét vuông lúa xuân năm 1997 thì nay là 90 ha lúa 2 vụ xanh miên man, như một kiệt tác nghệ thuật của thiên nhiên ban tặng cho Xà Hồ. Vì thế mà mỗi mùa nước đổ, hay mùa lúa chín Tà Ghênh- Xà Hồ lại trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Bản Thái Hát Lừu hôm nay cũng trở thành lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp và Tà Ghênh, Mảnh Tàu xã Bản Mù một thời ruộng bỏ hoang trơ gốc rạ nay như một thảo nguyên rộng 340 ha xanh ruộng đồng, xanh nương rẫy. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ trên 70% nay giảm còn 36,54%.
Những thế hệ cán bộ ngành nông nghiệp bằng tâm huyết, trách nhiệm và năng lực họ đã trưởng thành, nhưng cây lúa, bắp ngô, củ khoai vẫn luôn là những vấn đề họ quan tâm để người dân ấm no hạnh phúc. Mỗi thời đại làm nông nghiệp đều có dễ và khó, nay những cán bộ trẻ như anh Tâm, anh Thao, anh Hiệt tiếp bước thế hệ trước vẫn hàng ngày làm bạn với nông dân mà người nông dân ở Trạm Tấu còn lấy tên họ đặt tên cho những giống lúa khó nhớ. Vì thế ở xã Trạm Tấu có giống lúa “cán bộ Thao”, Xà Hồ có ngô “cán bộ Ngọc”. Đất nước đổi mới, đồng bào vùng cao đời sống đã tiến bộ nhưng đồng bào vùng cao luôn dành cho họ sự chân tình, ấm áp.
Mỗi năm một mô hình mới, các giống cây trồng vật nuôi mới được thực hiện thành công ở Trạm Tấu. Diện tích lúa xuân năm 2020 ở Trạm Tấu đã đạt 1550 ha tăng 176 ha so với 2015, lúa mùa 1520 ha tăng 54 ha, lúa nương đặc sản 610 ha tăng 410 ha so với năm 2015, bên cạnh đó còn 2395 ha ngô xuân và 905 ha ngô hè thu. 5 năm có 60 mô hình nông nghiệp được thực hiện, có 781 lớp tập huấn kỹ thuật cho 31.561 lượt nông dân... Đây là những con số ấn tượng để mỗi năm tổng sản lượng lương thực của huyện Trạm Tấu năm sau cao hơn năm trước. Từ một huyện tự cung tự cấp, nay cây trồng vật nuôi trở thành hàng hóa mang về thu nhập cao cho nông dân. Khoai sọ, nếp nương, gà đen, lợn bản địa, chè Shan, măng ớt, táo mèo... trở thành nông sản mang thương hiệu đặc trưng của Trạm Tấu được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng
Phía sau thành công nào cũng đòi hỏi phải có những hy sinh và tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, như lời Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.”. Thành công của ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu là trở thành tập thể điển hình làm theo lời Bác ở huyện vùng cao Trạm Tấu, và có lẽ phần thưởng lớn nhất cho họ chính là một huyện Trạm Tấu xanh ruộng đồng, xanh nương rẫy, ấm no, hạnh phúc như hôm nay.
N.P.T
Tin khác