Bút ký của NGUYỄN TÂM
Nghe tôi kể nhiều về những đổi thay, phát triển của Yên Bái, bạn đã nhiều lần hẹn hò, háo hức muốn về thăm. Lại thêm mấy năm gần đây, sức lan truyền mạnh mẽ của cụm từ “hạnh phúc” và câu chuyện Yên Bái tiên phong đưa “chỉ số hạnh phúc”, xây dựng tỉnh phát triển bền vững theo hướng “Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc” vào là một trong những mục tiêu chiến lược phát triển trong giai đoạn mới nên dường như, cụm từ “hạnh phúc” đã trở thành thương hiệu, một nét đặc sắc tiêu biểu mỗi khi ai đó nói về miền quê núi xa xôi nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Điều đó càng khiến bạn thêm tò mò và thôi thúc phải nhanh chóng trở về, để thăm, để tìm hiểu và khám phá xem thực hư một Yên Bái miền núi nghèo khó năm nào giờ đã phát triển nhanh, mạnh đến độ đủ tự tin đem đến hạnh phúc cho nhân dân.
Vừa đặt chân vào thành phố, bạn đã không giấu nổi sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng mà thốt lên “Chỉ mới hơn 10 năm gặp lại mà sao Yên Bái nay khác quá, lạ quá!”. Không lạ sao được khi vừa rời cao tốc Nội Bài- Lào Cai tại nút giao IC12, Yên Bái đã chào đón bạn bằng đại lộ Âu Cơ thênh thênh rộng mở. Dọc đường vào thành phố, những con đường kết nối các vùng, liên vùng trong tỉnh, kết nối với trục cao tốc và mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nối liền với nhau tỏa đi khắp các ngả, tạo nên một mạng lưới giao thông khang trang và hiện đại. Là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, Yên Bái là đầu mối giao thông, trung tâm kết nối giao thương với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, có lợi thế và nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác, liên kết đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nên ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, tỉnh đã luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư hệ thống mạng lưới giao thông. Nhất là 10 năm trở lại đây, dù giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, địa hình đồi núi chia cắt, hiểm trở, nguồn lực đầu tư cho giao thông còn nhiều hạn chế, song hệ thống đường giao thông từ đường quốc lộ, đường tỉnh và đường đô thị cho đến giao thông nông thôn vẫn không ngừng được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 134, 135,… làm đường giao thông nông thôn đã được nhân rộng, phát triển mạnh mẽ thành cả một phong trào lớn, rộng khắp trong toàn tỉnh. Yên Bái đã có hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được mở mới, nhựa hóa, bê tông hóa, đưa tỉnh trở thành tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Bắc có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Năm 2014, sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai hoàn thành đã mở ra cơ hội lớn trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Đến nay có 22 tuyến đường, công trình cầu có tính kết nối vùng, liên vùng với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai đã và đang triển khai đầu tư. Đặc biệt, việc đầu tư thêm 4 cây cầu (cầu Trái Hút, cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, cầu Cổ Phúc), đã đưa Yên Bái lập nên kỳ tích với 7 cây cầu lớn vượt sông Hồng, trở thành 1 trong 2 địa phương có số lượng cầu bắc qua sông Hồng lớn nhất cả nước. 30 năm về trước, Yên Bái chỉ có những đoạn đường quốc lộ chạy qua đã xuống cấp nghiêm trọng; các tuyến tỉnh lộ là đường nhỏ, chất lượng mặt đường rất thấp; các tuyến đường liên thôn, liên xã chỉ là đường đất, đường đèo, suối, ở những xã vùng thấp còn đi được xe đạp, xe máy, chứ với các xã vùng cao chỉ là đường mòn, đi bộ… thì đến nay, toàn tỉnh có một hệ thống hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh với hơn 9.350km đường bộ (trong đó có hơn 80km đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai; 5 tuyến Quốc lộ với chiều dài gần 400km, 13 tuyến đường tỉnh với chiều dài 452km; đường đô thị qua trung tâm các huyện, thị xã, thành phố có tổng chiều dài 329km và gần 8.000km đường huyện, đường xã, thôn, bản); hơn 88km đường sắt tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai qua tỉnh Yên Bái; 01 sân bay quân sự phục vụ công tác quốc phòng, an ninh.
Vào thành phố, bạn vô cùng phấn khích và sảng khoái khi đi giữa phố thị sầm uất, nhộn nhịp không kém gì so với những đô thị lớn ở miền xuôi mà vẫn cảm nhận được sự thư thái, nhẹ nhàng và một không gian tươi xanh, trong lành hiếm gặp. Ngắm nhìn những tuyến phố ồn ào, náo nhiệt, những công trình, tòa nhà công sở khang trang, to đẹp; những khu đô thị thông minh, hiện đại; lại thỏa sức ngắm nhìn những con đường rợp bóng cây xanh, những tuyến phố được trang hoàng rực rỡ; những khu vui chơi, giải trí, sân chơi, bãi tập, công viên, vườn hoa thoáng mát luôn tràn ngập tiếng cười của cư dân thành phố mỗi khi chiều về, bạn nói như reo với tôi rằng “Thành phố Yên Bái đang chạm dần đến đích là một đô thị loại II; xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh và là một trong những trung tâm tiểu vùng của 14 tỉnh miền núi Trung du Bắc bộ. Đây chính là một thành phố đáng sống”. Đồng tình với bạn, tôi kể cho bạn nghe về những chủ trương và quyết tâm của Yên Bái trong xây dựng và phát triển, nhất là phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Là đô thị trung tâm, giữ vai trò, vị thế là đầu tàu của tỉnh trong xây dựng và phát triển đô thị, từ những chủ trương, chỉ đạo cụ thể của tỉnh, thành phố Yên Bái đã sớm xác định mục tiêu và quyết tâm xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II- xanh, bản sắc, hạnh phúc”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Việc đầu tiên thành phố đã làm, chính là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng xanh bền vững. Vốn có nhiều tiềm năng, thế mạnh đặc trưng riêng của một đô thị miền núi với núi rừng hùng vĩ bao quanh, cây xanh rợp bóng; nay không gian đô thị lại được phát triển mở rộng sang bên hữu ngạn sông Hồng; hệ thống cây xanh đô thị liên tục được bổ sung, trồng mới, tạo nên diện mạo mới về cảnh quan cho thành phố; kinh tế- xã hội phát triển hài hòa, toàn diện; cải cách hành chính được đẩy mạnh; công tác quản lý của chính quyền được nâng cao, ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn; y tế, giáo dục được quan tâm; an sinh xã hội, người nghèo được chăm lo ngày càng tốt hơn; an ninh trật tự được giữ vững, người dân thành phố ngày càng hài lòng, thỏa mãn với điều kiện sống hiện tại, chỉ số hạnh phúc từ đó mà dần được nâng cao. Giờ đây, những mô hình như “gia đình hạnh phúc, “khu dân cư hạnh phúc”, “tổ dân phố hạnh phúc”, “xã, phường hạnh phúc”, “cơ quan, đơn vị hạnh phúc” ngày càng xuất hiện nhiều và được nhân rộng trên khắp địa bàn thành phố.
Vượt qua sông Hồng, tôi đưa bạn ngược miền Tây vào thăm Văn Chấn, nơi được thiên nhiên ban tặng cho những sản vật quý hiếm là chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, Giàng Pằng trên những đỉnh núi mờ sương, là nếp Tan Tú Lệ dẻo thơm ngây ngất; có nguồn nước khoáng nóng quý hiếm làm ấm lòng người đi xa; là vùng chè lớn nhất tỉnh với gần 4.500ha diện tích đất trồng chè, mỗi năm cung cấp đến 50.000 tấn chè nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Những năm gần đây, bằng sự quyết tâm vượt qua khó khăn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng đoàn kết của nhân dân các dân tộc địa phương, Văn Chấn đã từng ngày khởi sắc. Ngoài những sản vật sẵn có, Văn Chấn còn được biết đến là thương hiệu của nhiều sản vật tiêu biểu như cam, bưởi, ba ba gai… Văn Chấn cũng là địa phương nằm trong trung tâm của vùng văn hóa Mường Lò, nơi hội tụ một nền văn hóa giàu sắc thái và độc đáo của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhắc đến Mường Lò, bạn háo hức giục giã tôi nhanh chân vượt qua con dốc Thẩm Né bạt ngàn những đồi cam trĩu quả để vào với dòng Thia trong xanh, vào với Nghĩa Lộ, nơi có điệu Xòe Thái đắm say lòng lữ khách của những người thiếu nữ áo cỏm khăn piêu duyên dáng Mường Lò. Nằm gọn trong lòng chảo Mường Lò, Nghĩa Lộ là vùng đất đa dạng về sắc màu văn hóa, hội tụ từ những nét đặc sắc trong bản sắc văn hóa truyền thống của 21 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó nổi bật hơn cả là văn hóa của tộc người Thái và người Mường với Di sản Văn hóa Hội Hạn Khuống được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Nghệ thuật Xòe Thái đã chính thức được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghĩa Lộ cũng là mảnh đất được mệnh danh là vùng đất của những di tích lịch sử, văn hóa với 2 di tích cấp quốc gia, 3 di dích cấp tỉnh trên một địa bàn tương đối nhỏ hẹp. Cùng với những tiềm năng về văn hóa, Nghĩa Lộ còn có nhiều tiềm năng về vị trí chiến lược, về điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, về cảnh quan thiên nhiên và con người. Bởi vậy, Nghĩa Lộ đã sớm hướng tới mục tiêu xây dựng thị xã trở thành thị xã văn hóa- du lịch. Một Đề án mang tính chiến lược là “Xây dựng thị xã văn hóa- du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013- 2020” đã chính thức được khởi động. Sau 7 năm, Đề án đã đem lại cho thị xã Nghĩa Lộ nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Trên đà thắng lợi đó, với định hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, Nghĩa Lộ tiếp tục đặt ra mục tiêu và quyết tâm xây dựng Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại III theo hướng đô thị văn hóa, du lịch xanh của miền Tây Yên Bái. Về Nghĩa Lộ đúng vào dịp toàn tỉnh và thị xã đang tập trung triển khai kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại và Khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022, chúng tôi may mắn được chứng kiến không khí chuẩn bị rộn ràng, phấn chấn của nhân dân thị xã. Múa Xòe từ lâu vốn đã là sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái và cộng đồng các dân tộc Mường Lò. Người Mường Lò- Nghĩa Lộ cũng đã từng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng bạn bè, du khách bởi những kỷ lục mà họ tạo nên như mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam được xác lập kỷ lục Guiness năm 2008, màn đại xòe lớn nhất Việt Nam năm 2013; chiếc khèn bè của đồng bào Thái được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam năm 2017 và ấn tượng hơn cả là màn đại xòe lớn nhất từ trước tới nay với 5000 người tham gia vào năm 2019… Thế nhưng năm nay, người Nghĩa Lộ bước vào mùa lễ hội với một tâm thế rất lạ. Vẫn là những điệu múa Xòe nắm tay đoàn kết, vẫn là hoạt động diễu diễn đường phố, diễn xướng dân gian, trình diễn… quen thuộc bao năm nay nhưng niềm vui, sự háo hức và phấn khởi của đồng bào dường như được nhân lên gấp bội khi Lễ đón Bằng ghi danh của UNESCO và Lễ khai mạc không chỉ là lễ hội, mà là sự kiện lớn của tỉnh, là niềm tự hào không riêng của đồng bào Thái hay người Nghĩa Lộ mà còn là của cả cộng đồng các đân tộc Việt Nam. Để sự kiện lớn đáng tự hào ấy diễn ra thành công, trọn vẹn nhất, ngay từ những ngày đầu tháng 8, người Nghĩa Lộ đã bắt tay ngay vào chuẩn bị. Trong khi cán bộ, lãnh đạo thị xã lo xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ về cơ sở, điều kiện, vật chất thì ở khắp các thôn, bản, phố, phường, các bà, các mẹ, các chị đã lo thu xếp công việc, gia đình, sẵn sàng tâm thế để tham gia tập luyện. Ở Nghĩa Lộ tại thời điểm này, nếu như ban ngày, chúng tôi cảm nhận được không khí phấn khởi trên những tuyến đường đang được nhân dân cùng nhau thi đua trang hoàng lộng lẫy, tạo nên một không gian hoàn toàn mới lạ, bắt mắt, thì khi trời vừa xẩm tối, khắp các ngả đường, xóm phố, tiếng các chị, các anh râm ran, í ới gọi nhau đi tập khiến cho bầu không khí của thị xã trở nên rộn ràng, náo nhiệt. 180 nam thanh, nữ tú trong sắc màu trang phục, đạo cụ của các dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng nhau tập luyện trình diễn văn hóa dân tộc để chuẩn bị cho màn diễu diễn đường phố; 460 diễn viên là học sinh các trường THPT được huy động tập luyện cho phần biểu diễn phụ họa màn nghệ thuật đặc biệt; 2022 diễn viên là các chị em phụ nữ ở 14 xã, phường và trường học thì cùng nhau hòa vào vòng xòe mỗi tối để chuẩn bị cho màn đại xòe trong đêm hội.
Mới chỉ là không khí chuẩn bị lễ hội thôi mà Nghĩa Lộ đã khiến bạn chẳng muốn rời chân. Bạn bảo, bạn đã từng đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy ở đâu có một cộng đồng đoàn kết, những con người nghĩa tình và cho bạn cảm giác ấm áp như được trở về như nơi này. Tiếp tục cuộc hành trình, tôi đưa bạn ngược lên non cao Mù Cang Chải rồi về Trạm Tấu. 2 trong số những huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước nhưng cũng sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ cùng nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Chẳng cần tôi phải kể thì bạn cũng đã biết, nhiều năm trở lại đây, Mù Cang Chải đã được thu hút sự chú ý của du khách thập phương bởi vẻ đẹp mê hồn của những thửa ruộng bậc thang cùng những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Mông. Thế nhưng khi đặt chân đến đây, bạn vẫn vô cùng ngạc nhiên trước những đổi thay của huyện nghèo Mù Cang Chải, nhất là sự thay đổi cả trong tư duy lẫn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông nơi đây. Nhờ những chủ chương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, của tỉnh, cùng với sự quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo huyện trong phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, từ một huyện thiếu đói triền miên của những năm trước kia nay hầu như đã không còn hộ đói; diện tích trồng cây lương thực mỗi năm một tăng thêm, khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, năng suất, sản lượng cũng theo đó mà tăng lên. Tính đến năm 2020, bình quân lương thực đầu người của Mù Cang Chải đạt 700kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo mỗi năm giảm từ 7,5- 8%; 100% các xã có đường ô tô, các bản có đường xe máy đến trung tâm, có trạm y tế, điểm bưu chính viễn thông, có mạng internet; gần 85% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95 hộ dân được nghe, xem truyền hình… Xác định tận dụng tối đa lợi thế về phát triển du lịch, những năm gần đây, Mù Cang Chải đã tập trung vào phát triển quy hoạch, lấy du lịch sinh thái làm trọng tâm, trong đó có khu vực trung tâm huyện phát triển mang tính hiện đại, còn lại các vệ tinh khác là các xã và các tour du lịch khác. Giờ đây lên Mù Cang Chải, thay vì chứng kiến cảnh những người nông dân nghèo khổ, những đứa trẻ nhếch nhác vì thiếu đói thì lại bắt gặp rất nhiều hình ảnh những ông chủ, bà chủ người Mông tự tin, năng động với những mô hình nhà hàng, nhà nghỉ, homestay rất chuyên nghiệp; các chị em phụ nữ Mông thay vì sống cam chịu, phụ thuộc thì nay đã chủ động học tập, tham gia công tác xã hội và làm chủ của những mô hình chăn nuôi, làm kinh tế giỏi… Cũng là huyện vùng cao với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như đỉnh Tà Chì Nhù, sống lưng khủng long trên đỉnh Tà Xùa, suối khoáng nóng, rừng thông… nhưng lại được đánh thức và khai thác muộn hơn so với Mù Cang Chải nên phát triển du lịch ở Trạm Tấu gần như mới chỉ ở bước khởi đầu. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong huyện, Trạm Tấu đã phát huy truyền thống đoàn kết, định canh định cư, cải tạo lối sản xuất cũ, phong tục không phù hợp với nếp sống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, vượt khó đi lên chiến thắng giặc đói, giặc dốt, xây dựng huyện Trạm Tấu ấm no, hạnh phúc.
Rời miền Tây, tôi lại đưa bạn ngược dòng sông Hồng lên thăm Văn Yên- mảnh đất được mệnh danh là “Cao sơn ngọc quế” với tiềm năng, diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước; nơi có đền Mẫu Đông Cuông linh thiêng, có khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; có bản săc văn hóa độc đáo vẫn luôn được gìn giữ, phát huy của 11 dân tộc anh em cùng chung sống như người Dao đỏ, người Phù Lá, người Mông, người Tày… Nghe tôi nói sơ qua về Văn Yên, rằng nơi đây cũng là một huyện miền núi, vốn cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đặc thù với địa hình đồi núi chia cắt; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông đi lại còn hạn chế; trình độ dân trí không đồng đều; thiên tai, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố khách quan khác; cách đây chỉ 2 năm thôi, Văn Yên vẫn còn 10/24 xã và 49 thôn đặc biệt khó khăn. Nhưng vừa đến Mậu A, bắt gặp một thị trấn bé nhỏ mà xinh đẹp, sầm uất, nhộn nhịp chẳng kém gì phố thị đã khiến bạn ngờ rằng điều tôi nói trước đó là không thể. Chỉ đến khi được trò chuyện với lãnh đạo huyện, được gặp, được nghe những câu chuyện của đồng bào Dao trên đất quế Đại Sơn, Viễn Sơn, chứng thực được điều gì đã làm nên sự đổi thay ngoạn mục trên mảnh đất này. Nhiều năm trở lại đây, cùng với việc tận dụng khai thác và phát huy tiềm năng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì huyện cũng đã không ngừng tìm kiếm những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Từ những chủ trương, sự quan tâm chăm lo của Đảng và chính quyền địa phương, cùng với nỗ lực vượt khó của nhân dân các dân tộc, chỉ trong vài năm, Văn Yên đã chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, với tổng diện tích trên 50.000ha quế nguyên liệu , phủ khắp 25/25 xã, thị trấn. Giá trị cây quế mang lại cho Văn Yên trung bình mỗi năm đạt trên 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 3500 lao động tại địa phương, hàng ngàn gia đình có cuộc sống ổn định, nhiều hộ gia đình người Dao thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhất là 2 năm trở lại đây, quán triệt sâu sắc quan điểm lấy dân làm gốc, lấy hạnh phúc ấm no của người dân làm mục tiêu phấn đấu, nâng cao đời sống vất chất, tinh thần của nhân dân theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân, Văn Yên đã nhanh chóng triển khai và cụ thế hóa bằng nhiều việc làm thiết thực hướng đến sự hài lòng và hạnh phúc của người dân trong toàn huyện. Với những cách làm nổi bật, riêng có của mình như phát động thành lập Đội xe tình nguyện với gần 400 thành viên tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, bình yên cho nhân dân; Huy động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ, chăm lo tết cho tất cả các hộ nghèo, đối tượng chính sách và đối tượng yếu thế; Huy động các nguồn lực để làm nhà ở cho 103 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Xây dựng và triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số…, năm 2021, chỉ số hạnh phúc của người Văn Yên đạt ở mức khá hạnh phúc (65,37%).
Lại nói về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, với mục tiêu trở thành huyện đứng đầu trong các địa phương về chuyển đổi số vào năm 2025, Văn Yên đã chọn năm 2022 là “Năm đột phá về chuyển đổi số” với nhiều hoạt động mới, lớn, hiệu quả và đây cũng là một trong những đơn vị đi đầu tại thời điểm này. Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2025 và Tỉnh ủy Yên Bái cũng đã cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết đại hội bằng Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số. Như lời của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã từng phát biểu, rằng việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, hướng tới chính quyền số, kinh tế số có ý nghĩa là nòng cốt, động lực, tạo cơ sở nền tảng đặc biệt quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Yên Bái phát triển bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Với ý nghĩa và mục tiêu đó, 4 năm về trước, Yên Bái đã là một trong những tỉnh sớm nhất triển khai xây dựng hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công liên thông cả 3 cấp. Bước đi sớm này đã đem lại hiệu ứng và kết quả bước đầu rất quan trọng cho cuộc cách mạng chuyển đổi số của toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc và đồng bộ như: Trung tâm tích hợp dữ liệu; Mạng truyền số liệu chuyên dùng; Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng; Nền tảng chia sẻ, tích hợp liên thông... Bên cạnh đó, một số ứng dụng dùng chung của tỉnh như phần mềm quản lý điều hành, phần mềm một cửa điện tử liên thông 3 cấp, phần mềm Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Thông tin điện tử... đã phát huy tác dụng…
Từ Văn Yên trở về thành phố, qua Trấn Yên- huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và của vùng Tây Bắc, bạn ra sức tấm tắc, trầm trồ về cảnh sắc và diện mạo của một vùng quê núi đổi mới. Thỏa thuê ngắm nhìn những triền dâu xanh mướt bên bờ sông Hồng, ánh mắt đong đầy niềm vui của những người nông dân trên cánh đồng lúa trĩu nặng bông, những gương mặt rạng ngời của các chị phụ nữ đang cùng nhau chăm chút những dải hoa rực rỡ hai bên con đường bê tông hay tiếng cười giòn tan của mấy bà cháu đang vui đùa trong khu tiểu công viên khang trang, hiện đại, bỗng nhiên bạn quay lại hỏi tôi, rằng ở Yên Bái có bao nhiêu miền quê như thế? Tôi trả lời rằng, nhiều lắm, không thể kể hết. Yên Bái hiện có 3/9 đơn vị cấp huyện là Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái hoàn thành và đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Vẫn còn rất nhiều nơi chưa trở thành nông thôn mới nhưng đồng bào các dân tộc ở những nơi đó vẫn đang hăng say thi đua, phấn đấu và nỗ lực hết mình để đưa quê hương mình trở thành những miền quê đổi mới. Ở Yên Bái, tính từ năm 2020 đến nay đã có gần 2.300 hộ gia đình hiến khoảng 310.000 m2 đất, trên 18.500 m2 tường rào, công trình, vật kiến trúc, trên 107.400 cây cối có giá trị, huy động trên 21.200 ngày công với tổng giá trị trên 92,3 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Để kịp thời động viên, khích lệ các địa phương cũng như bà con, tỉnh luôn có những chính sách quan tâm, khen thưởng thỏa đáng. Chỉ tính riêng năm 2021, tỉnh đã dành gần 20 tỷ đồng thưởng cho các thành tích trong xây dựng nông thôn mới; trên 9,3 tỷ đồng thưởng trong thực hiện Chương trình hành động hằng năm; 2,2 tỷ đồng thưởng cho công tác thu ngân sách nhà nước. Ở Yên Bái, ngoài chăm lo cho nhân dân về đời sống vật chất, tinh thần thì tỉnh cũng không ngừng chăm lo về sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội. Chẳng nói đâu xa, ngay trong đợt đại dịch COVID-19 cũng có thể thấy Yên Bái đã làm tốt công tác chăm lo ra sao và người Yên Bái đã hạnh phúc thế nào khi được hưởng sự chăm lo ấy. Chẳng là, trong suốt 2 năm dịch bệnh hoành hành, Yên Bái đã giữ được là tỉnh cuối cùng của cả nước có ca lây nhiễm trong cộng đồng, giữ được là một trong số rất ít tỉnh giữ được là “vùng xanh” an toàn trên bản đồ COVID-19 trong suốt một thời gian dài… Với quyết tâm thích ứng linh hoạt, an toàn, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa kiểm soát được dịch COVID-19, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa duy trì phát triển kinh tế- xã hội, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Yên Bái đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 7,57% (đứng thứ 7 trong khu vực, đứng thứ 25 toàn quốc); số lượt khách du lịch ước đạt hơn 800.000 lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 524 tỷ đồng... Năm 2021, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 58,11% và mục tiêu đặt ra của tỉnh cho năm 2022 là 61,2%...
Nghe tôi nói, bạn gật gù ra điều tâm đắc lắm. Rồi với vẻ mặt đầy thán phục, hài lòng, bạn bảo rằng những điều mắt thấy, tai nghe trong suốt chuyến đi vừa rồi đã đủ chứng minh cho những con số mà tôi vừa kể. Trong chuyến đi này, bạn đã thấy những con người hạnh phúc, đang sống trên các miền quê hạnh phúc. Bởi vậy, bạn luôn tin rằng, khát vọng về một Yên Bái “Xanh- hài hòa- bản sắc và hạnh phúc” không còn là tương lai xa vời, mà nó đã và đang hiện hữu ngay trên quê núi Yên Bái.
N.T
Tin khác