• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Có một miền quê luôn thao thức trong thơ Lê Ngân
Ngày xuất bản: 23/04/2024 2:03:53 SA

HÀ NGỌC ANH

 

Khoảng chừng gần 20 năm trước, một lần tôi được Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến cho đọc trang thơ Lê Ngân trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ dài, dạt dào với bao cung bậc cảm xúc đã đưa tôi về một miền quê yên ả… Và rồi tôi đi tìm ông qua Hương quê, Nghiêng nghiêng bóng núi, Thao thức một miền quê, Lau thưa xào xạc mãi. Tôi cũng kiếm tìm và nghe gần 30 đĩa Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam có thơ Lê Ngân do các NSND Vương Hà,
NSND Văn Chương, NSƯT Hồng Ngát
… thể hiện.
Được gần ông tôi mới rõ giữa chúng tôi có nhiều nét tương đồng: dấu chân
cùng in trên những nẻo đường Tây Bắc Sơn La, Nghĩa Lộ trong những tháng năm chiến tranh gian khổ; cùng gắn bó với bục giảng mấy mươi năm; cùng có những kí ức về gia cảnh vui ít buồn nhiều. Song hơn cả là nỗi đau đáu khi nghĩ đến quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi lưu giữ một thời thơ ấu gian truân cực nhọc.
Theo những dòng thơ, tôi về miền thương nhớ của ông- một vùng quê bên
sông Hồng, để thấy Tiếng gà trưa ru mượt cả ven sông, rồi lặng nghe Lòng sông lao xao cá động… Ở nơi ấy có con đường sát mép sông quê với những đoạn cong thương nhớ rồi ngắm nhìn lửa vải lập loè cùng văng vẳng tiếng chim tu hú gọi bầy… Ở nơi ấy có miếu Đức Ông, xưa chứng kiến bao cuộc bể dâu, nay đất xưa còn đó, vẫn hùng khí uy nghi. Đến Đầm Gạo tác giả thẫn thờ tiếc nuối:


Ai khơi khe xẻ mở dòng
Nước đi để lại nỗi lòng vẩn vơ
Dặt dìu tiếng sáo nhặt thưa
Sườn đồi ai đứng ngẩn ngơ với đầm!
Và đây, miền đất Y Can:
Nghiêng nghiêng đồng bãi nắng tràn ven thung
Lượn theo một khúc sông Hồng
Phù sa bồi đắp nên vùng quê anh.


Miền quê có Thuỷ Sơn Điền trời phú, nơi tiền nhân thuộc chi họ Lê Văn từ Phú Thọ đã thiên di đến đây lập nghiệp. Nơi đây mỗi nẻo đường bóng cây như còn lưu giữ hình ảnh cậu bé Lê Ngân lon ton theo cha lên gò đồi kiếm củi, theo mẹ ra ruộng ra ngòi cấy trồng, bắt tôm bắt cá…, cùng các chị các anh vui đùa tắm táp trên bến sông quê:


Bến sông quê một dòng yên ả
Bóng thời gian lớp lớp lắng dòng sâu.
Theo ông ta về trường Bến Đá:
Từ xa bóng lá xanh rì
Rặng Lem trùm bóng phủ đi mái trường
Để rồi:
Bồi hồi luyến nhớ những ngày tuổi thơ…


Đây Âu Lâu, bến phà cửa ngõ Miền Tây, in dấu bao bước chân chiến sĩ Vệ
Quốc Đoàn trong mùa chiến dịch giải phóng Tây Bắc Điện Biên:


Xe thồ gánh gạo lên Tây Bắc
Đêm đêm tấp nập bến sông này
Phà chở pháo binh cùng cao xạ
Sao khuya bừng tỉnh gió ngàn lay!


Quê ông thật đúng là miền địa linh nhân kiệt! Qua bao khói lửa binh đao vẫn ngời lên nét đẹp dịu hiền, thơ mộng:


Gặp lại rồi, đây triền rộc chạy dài
Ơi bãi sậy tuổi thơ sao rộng thế!
Nơi cò lửa tổ xây nhiều vô kể
Cuốc từng đàn lích tích đám ri nâu.
Nhớ luỹ tre làng, bãi mía, nương dâu
Những mái tranh, vườn cây xum xuê trái
Eo óc tiếng gà sáo chiều gọi gió
Giọng “à ơi… con ngủ…” vẳng đâu đây…


Nơi đây đã nuôi dưỡng, vun trồng một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, sâu đậm tình đời, để rồi dù đi đâu ở đâu ông cũng luôn thao thức hướng về quê Mẹ:


Đã bao lần tôi trở lại thăm quê
Vẫn háo hức lối đi về xóm cũ
Mấy cây gạo ngày xưa đâu còn nữa
Để mùa hoa trải lửa ấm chân đê.
Bao năm rồi làng vẫn kể tôi nghe
Thuở đám cưới còn chăng dây đánh bẹ
Đây Khe Gạo nơi cha sang đón mẹ
Nắng cọ xoè xanh mãi lối đưa dâu.


Gặp lại tuổi thơ xưa, có những đốm lửa gạo bay bay mỗi sớm, có tiếng cuốc cò u oa trong mùa sinh nở, có những cơn gió thông thốc từ sông Hồng thổi qua Bến Đá, Gòi Gùa, Gành Lim, lên tận Gò Thành… làm run rẩy những mái tranh lán cọ đơn sơ. Và Mẹ đây rồi! Người Mẹ với bao đau thương mất mát, gánh bao xa xót phận đời vẫn luôn hiện hữu trong ông:

Sáu con trai mẹ sinh thành
Xót thay chỉ một yên lành lớn khôn
Mảnh mai thân mẹ sớm hôm
Đồng sâu ruộng cạn, nương vườn quanh năm
Xót xa nước mắt chẳng còn
Đứt từng khúc ruột héo hon một đời.


Chính vì vậy mà ông sớm nhận thức được sự ấm áp che chở của mẹ của cha, của người thân, làng xóm mà trân quý tổ ấm gia đình. Lớn khôn, đi đánh giặc, ông luôn đau đáu mỗi khi nghĩ về quê nhà, nơi có người cha vất vả, người mẹ tảo tần:


Bao mùa hoa cải hương bay
Bao mùa sương giá gió lay cuộc đời
Con đi đánh giặc xa xôi
Thương cha thương mẹ một thời đắng cay
Mồ hôi tưới ướt luống cày
Ruộng đồng chẳng quản tối ngày chăm lo.


Thăm lại nơi ấy, mái trường xưa, ông bồi hồi xao xuyến, nhớ về tuổi thơ trong trẻo như nước tận nguồn, rực rỡ tựa cánh nhạn lai hồng và cũng vô vàn gian truân xa xót:


Con đường làng xưa sát mép sông quê
Chỉ sót lại từng đoạn cong thương nhớ…
Nhớ tháng bảy nước mênh mông ngập đỏ
Nước rút đi lúa ngả rạp ven bờ…


Kí ức xưa cứ vây hãm cả tâm tư! Mỗi bước chân ông cứ gập ghềnh thấp thỏm! Bàn chân ông lúc ngơ ngác bồi hồi, lúc rối bời vồi vội!


Thờ thẫn bước chân, lặng lẽ cuối chiều
Chân ướm lại những bước chân ngày trước
Mô mấp ruộng đồng, giữa làng đi ngược
Qua mom Đầu Rồng miếu Đức Ông xưa.
Đường gập ghềnh này đây bãi đất chùa
Cỏ may bám chẳng nỡ rời người cũ
Tiếng cú rúc vẳng xa như thầm nhủ
Hoàng hôn rồi, bóng núi đổ xiêu xiêu.


Ông có một miền quê để nhớ để mong, để háo hức tìm về. Quê hương cũng có ông, một người con giỏi giang, nghĩa tình, thuỷ chung, hào hiệp, để khi trở lại đến cọng cỏ may nhỏ nhoi cũng giăng mắc mỗi bước đi! Mấy mươi năm biền biệt xa quê, nay ông ngẩng cao đầu thẳng bước trở về, trong lòng không khỏi bồi hồi xúc động. Cảnh cũ người xưa… chuyện sau chuyện trước… cứ lớp lớp dồn về. Đêm quê hương mênh mang yên ả. Trăng vằng vặc giữa trời cứ phủ bạc trải vàng lên đường làng ngõ xóm. Người xưa đầu xanh tuổi trẻ, nay tóc đã bạc phơ, song trong lòng không nguôi niềm thao thức:

Đêm bồng bềnh mái tóc trắng màu mây
Chỉ có vầng trăng xưa còn trẻ mãi
Vẫn cùng tôi nhớ một thời xa ngái
Ơi cội nguồn!
Thao thức một miền quê.


Tác giả lê Ngân đến với thi ca từ rất sớm. Ngay từ thưở là học sinh, 1949, ông đã là thành viên của nhóm Thi Ca trường THPT Yên Bái. Chiều chiều cậu học trò Lê Ngân cùng nhóm bạn ra bãi sông Hồng, ngắm nhìn những đám mây biến hình rực đỏ phía chân trời… thả hồn theo những con sóng cứ lớp lớp trôi xa… và ôm đàn cất cao lời ca tiếng hát.
Từ một người yêu thơ, bằng con đường tự học hỏi, tự tìm tòi thể nghiệm, ông
đã là một tác giả với nhiều ấn phẩm. Những năm tháng trong quân ngũ, ông vừa cầm súng, vừa cầm bút. Ông viết kịch thơ Chị Lúa Anh Điền. Trong hội diễn ông là tác giả kịch bản, là đạo diễn và cũng là diễn viên. Thật thú vị, trong chuyến đi về miền đất cũ, ông đã tìm và gặp được người bạn chiến đấu năm xưa sắm vai Chị Lúa ngày nào. Ông đã viết truyện ngắn Một Đời và truyện vừa Làng Núi dày 400 trang. Song, mảnh vườn thơ là nơi được ông chăm chút nhất. Ông miệt mài mạch thơ duy cảm, len lỏi vào cõi Người theo triết lý nhân sinh. Ngôn ngữ thơ ông dung dị mà trong sáng, đẹp và tràn đầy tình thương. Bởi vậy, với tôi, thơ ông có sức lôi cuốn lạ kì. Khi cầm bút ông đã rất thận trọng và tự trọng. Thận trọng với đề tài, thận trọng với nội dung chuyển tải, thận trọng từng câu chữ và không vay mượn thơ người, không lặp lại chính mình. Những bài thơ ông, những lát cắt tâm trạng, với bao vòng xoáy hoa văn, thể hiện những thăng trầm theo năm tháng.

Ông đã đi được đến tận cùng cái TÔI cá thể để đến được cái TA của mọi người. Đọc ông, ta được đón nhận những trải nghiệm, những dạt dào cảm xúc, những rưng rưng nghĩa tình… để rồi nó cộng hưởng trong ta, làm ta yêu thêm, trân quý thêm, có trách nhiệm hơn trong cuộc sống này.
Ông đã bước qua những nẻo đường đầy nắng, đầy gió. Ông đã viết nên
những bài ca xanh thắm như lá như hoa và cũng đã khẳng định chính mình, lưu giữ lại trong cây trong đá!


Có một nhà thơ đã viết:
Biết thời gian là gió thổi mây bay
Những khí ức sương mờ, những lãng quên lăn lóc
Nhưng thời gian cũng để trai cho ngọc
Hạt thành cây và gỗ hoá nên trầm!


Vâng! Hạt đã thành cây tươi tốt, sẽ còn sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái và
gỗ đã hoá nên trầm, toả ngát hương đời!

H.N.A

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter