• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tìm về ngả rẽ ngày xưa
Ngày xuất bản: 27/12/2023 8:05:15 SA

NGUYỄN THẾ QUYNH

Yêu thơ và tập làm thơ từ những ngày còn là học sinh phổ thông, lại được người thầy giáo- học giả An Chi dìu dắt, hồn thi sĩ trong Hà Ngọc Anh sớm nuôi dưỡng từ thuở ấy. Chỉ cho đến khi không còn bận bịu với công việc đứng lớp, tác giả mới chuyên tâm vào sáng tác. Hai mươi năm, bốn tập thơ ra mắt bạn đọc: Muốn nói cùng em (Nhà xuất bản Hội Nhà văn- năm 2002); Trái thu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn- năm 2015); Những cơn mơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn- năm 2019) và Rẽ vào ngày xưa (Nhà xuất bản Hội Nhà văn- năm 2023).

Đọc thơ Hà Ngọc Anh ta bắt gặp cả một miền kí ức: Niềm vui, nỗi buồn những ngày dạy học vùng cao; Nỗi nhớ quê thăm thẳm với bao kỉ niệm thuở thiếu thời cùng người thân như cha, mẹ, anh, chị, bạn bè và cả mối tình đầu e ấp. Rồi những vùng đất đi qua, con người đã gặp, sự kiện từng trải. Có lẽ vậy mà tập thơ “Rẽ vào ngày xưa” tác giả chọn đề từ “những kí ức xanh/ trong cây trong đá” như một điểm tựa bền vững để khơi gợi cảm xúc. Ở Hà Ngọc Anh, quê hương luôn là mảng đề tài được quan tâm đặc biệt. Hàng loạt bài: Nhớ quê xa, Hương sắc quê hương, Nhớ mưa quê, Tôi về gặp lại, Về với quê nhà, Quê nhà lại bão, Nét quê, Giọt sương quê… đều hướng về nơi cắt rốn chôn rau. Đã từng “Hứng giọt nước gieo vào da thịt” để “Lặn trong ta gọi thức một miền xưa”. Nên khi trở lại cố hương, lắng “đếm giọt sương rơi bên thềm” mà cảm nhận “Giọt quê chắt những vui buồn/ Giọt đêm trĩu nặng tiếng sương gọi ngày” (Giọt sương quê). Tiếng sương gọi ngày hay là tiếng quê hương náo nức gọi ta về “Thời gian xanh bỗng ngoái đầu nhìn lại/ Tím ngọt ngào trong sắc cũ hương xưa” (Hương quê). Thơ ca Việt Nam từ xưa tới nay, người xa quê thường hay gợi lại những gì gần gũi, thân thương như canh rau muống, cà dầm tương; tiếng gà khuya eo óc; cây đa, bến nước, cổng làng… Sắc cũ hương xưa trong thơ Hà Ngọc Anh chỉ đơn giản là “bóng tre quê”, “bầy gọng vó tung tăng bên bè rau”, “Mùi rơm khô gọi rì rào ổ rạ”,  Chát ngọt chùm nụ vối’… nhưng nó là hồn quê. Để rồi mỗi khi ngày hết lại bâng khuâng nhớ “Tiếng cu gáy gọi chiều mênh mang đến/ Mùi ngô non mê mướt bãi sông xa” (Nét quê). Yêu quê, luôn hướng về quê hương để mà cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn; cùng lo lắng với người quê lúc thiên tai bão lụt:

Sao quê mình bão gió chẳng theo mùa

Sương nắng mòn vai mẹ cha quầng thâm mắt

Áo hết vá nhưng tóc thêm sợi bạc

Da bớt chàm nhưng trán nếp nhăn sâu

Ơi quê mình! Nơi cắt rốn chôn rau

                           (Quê nhà lại bão)

Đã bước vào cái tuổi ngoại thất thập, người thân kẻ còn người mất nhưng kỉ niệm về họ dường như vẫn hằn sâu trong trí óc. Giống như bao người con hiếu thảo, hình cha bóng mẹ chưa bao giờ nhòa nhạt trong tâm thức “Đây bậc thềm đầy nắng/ Bóng mẹ nhạt sớm khuya/ Căn nhà trên đầy gió/ Hình như… bóng cha về” (Về với quê nhà). Tôi được tác giả kể lại rằng cha ông làm hương sư, có tham gia du kích và bị giặc Pháp giết. Do mồ côi cha khá sớm nên hình ảnh đọng lại chỉ còn qua lời kể của mẹ “Cha về/ áo chùng khăn xếp/ chân đi giày, tay ôm tráp/ với nhiều đồng sự chân thô/ Người mang súng, ba lô/ Người dao găm, mã tấu…” (Những cơn mơ). Và những gì còn lại bây giờ là ngôi nhà cha từng dạy học, cây dừa già dáng thẳng chót vót cao chính tay cha trồng với “Những chùm dừa giấu buồn sau tán lá/ Cứ vàng dần xô dạt rụng trên ao” (Dáng cha). Bấy nhiêu năm, nỗi khắc khoải về người cha chưa được công nhận liệt sĩ cứ day dứt các thành viên gia đình. Mỗi khi nhìn lên khoảng tường trống vì còn thiếu tấm “Bằng Tổ quốc ghi công”, như lại thấy cha về “Như muốn nói gì/ Rồi lại lặng lẽ đi” (Những cơn mơ). Còn người mẹ! Trong tâm trí tác giả mẹ luôn hiện lên với tấm lòng đôn hậu, tình cảm nồng ấm “Nước chè xanh mẹ nấu/ Thơm mát tận đáy lòng/ Đêm chìm trong tiếng mẹ/ Trời khuya ấm, mênh mông” (Về thăm mẹ). Mẹ sớm phải đón nhận nỗi đau từ sự hy sinh của chồng và đứa con thân yêu “Chuyện cha, chuyện anh mẹ tôi giữ trong ngọn đèn khuya sớm” (Tuổi thơ xưa). Một mình bươn trải, oằn vai “gánh cả đời bão giông” nuôi đàn con khôn lớn nên người. Và chỉ cần nói “Gánh mẹ” đủ để biểu đạt hết sự thấu cảm của đứa con chí hiếu với vất vả của bậc sinh thành:

Gánh ngày… ủ những đêm đông

Gánh đêm… dành chút nắng nồng cho con

                                                  (Gánh mẹ)

Cùng đó nỗi nhớ người anh đã hi sinh ra đi chẳng định tháng ngày lúc “Đất nước trong thời gian khổ”; thông cảm với người chị đánh mất tuổi xuân trong buổi tao loạn “Thương chồng xót con lận đận/ chị tôi cất giấu tiếng cười”. Và hình như còn một mối tình lỡ dở mà bao năm qua vẫn làm người xa quê day dứt “Năm mươi năm hẹn ngày về/ Còn không… sau những bộn bề gió mưa” (Còn không?). Trong các tập thơ trước, có nhiều bài cùng nỗi niềm: Muốn nói cùng em, Vấn vương, Tìm em, Trăng xưa, Bến xưa… Thế nên “Rẽ vào ngày xưa” cũng chính là cầu nối để được về sống cùng hoài niệm. Ở tập thơ này, dung lượng người thơ dành cho mảng tình yêu khá phong phú. Hình ảnh cô gái quê “Nón lá bạc cứ tròng trành không nghỉ” hiện lên thật tươi tắn trong mắt chàng trai si tình “Em đi về sương trắng nắng hai vai/ Hương đồng nội vẫn gài lên mái tóc/ Sắc quê mình cứ ngời trong ánh mắt/ Nét quê đằm thắm ngọt nụ cười em” (Nét quê). Rồi kỉ niệm “Trên sân ga” về lần “Nhỡ tầu” không buồn mà thành ấn tượng sâu để mỗi khi “Vẳng tiếng còi tầu” lại xao xuyến “Còi tầu văng vẳng xa xa/ Mênh mang nhớ những nhạt nhòa cõi xưa”. Năm mươi năm, tất cả đã bước vào “tuổi xưa nay hiếm” nhưng tình yêu ban đầu thì vẫn đẹp, vẫn tươi trẻ mãi không già “Chỉ có trời xanh ngàn đời không xê dịch/ Như tình yêu chúng mình đẹp mãi tuổi đôi mươi” (Tuổi xanh một thuở).

Được đào tạo làm nghề dạy học và lên công tác miền núi, ông rất thông cảm với những khó khăn của các em học sinh nơi vùng cao. Bản thân cũng đã qua tuổi học trò “Trong tôi vẫn đậm màu mực tím/ theo mỗi trang đời… mỗi phút giây”, nay trực tiếp tham gia giảng dạy thế hệ trẻ mà lòng những lâng lâng dâng trào cảm xúc “Ngắm nhìn em tôi tìm lại chính mình/ gắng hiểu em qua từng lỗi nhỏ/ chẳng nỡ trách đâu những bước đầu vấp ngã/ phía giữa sân trường/nắng mới lên” (Tìm lại chính mình). Tận tụy với nghề, gắn bó với những mái trường thân yêu, nhà thơ- người thầy giáo ưu tú luôn một tâm niệm tất cả vì học sinh thân yêu “Thời gian xanh vẫn hứa những đam mê/ Không gian tím vẫn nợ bao lời hẹn/ Ta đã thấy và ta sẽ đến/ Cánh phượng đầu trong vở lại bừng tươi(Tiếng ve… xa lắm).

Đọc “Rẽ vào ngày xưa” và những tập thơ khác, tôi đồng tình với nhận định của nhà giáo- tác giả thơ Nguyễn Ngọc Trìu “Thơ Hà Ngọc Anh vốn nương tựa chủ yếu vào tình cảm, nay có thêm độ sắc sảo của lí trí, của đằm sâu suy tưởng”. Chọn phương thức biểu cảm thông qua hình tượng thơ sáng tạo nên ở thể loại nào: lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn hay thơ tự do người đọc không có cảm giác cũ. Đó là một “Ngẫu hứng tháng Ba” với hình ảnh ánh trăng thực ảo “Lung linh thế có bao giờ/ Ôm tròn nỗi nhớ bên bờ sông trăng”; hay “Mười hai bến nước “vốn là thành ngữ dân gian khéo trở thành “Mười hai bến gió” biểu hiện mới cho niềm thương nỗi nhớ “Dập dềnh con nước vơi đầy/ Mười hai bến gió chẳng giây phút ngừng” (Bến gió)… Ở ông vốn tri thức dân gian và kí ức quê đầy ắp nên chỉ cần gõ nhẹ vào nỗi niềm là hình ảnh, ngôn ngữ cứ ào ạt tràn về: “Mùi rơm khô gọi rì rào ổ rạ”; “Tao tác vườn gió vò mưa tuốt/ Những thân cò ngắc ngoải rã cánh bơi”; “Nước xấp bờ ngưng hương lúa tháng ba/ Cánh cò trắng vẽ miền xanh ngút ngát”; “Nắng mưa đày mái tóc cóng sương đêm”… Song cuộc sống đang ngày càng có nhiều thay đổi, hiện thực mới cùng với những cách nói mới cũng là đòi hỏi của thơ để tránh sự lặp lại chính mình. Có ai đó nhận định “Thơ hiện đại không chỉ đem lại cái mới về nội dung tư tưởng, cảm xúc mà còn đổi mới về phương thức biểu cảm, về sáng tạo hình ảnh, cấu trúc câu thơ, ngôn ngữ thơ”. Dù tuổi cao, làm thơ đã nhiều song tác giả cũng luôn ý thức, trăn trở điều đó. Những vấn đề về thời cuộc, về cuộc sống và con người phần nào đã thấy xuất hiện trong hầu hết mấy tập thơ: chuyện trang giấy và sứ mạng nhà thơ đến việc bảo vệ môi trường sống, lối sống gấp gáp đô thị; rồi chiến tranh và hòa bình, niềm tin cùng khát vọng… Viết theo hướng phản biện này tuy chưa thật sắc sảo song cũng đã có câu thơ giàu tính triết luận: “Đường em đâu chỉ có hoa/ Sớm mai đâu phải đã là bình minh” (Thuở ấy… đinh ninh); hay “Mặt trời đã đổi hướng/ Hay bởi tại con đường” (Tại sao). 

Một mình trong cõi thơ nên người làm thơ thường có cảm giác cô đơn. Tâm trạng này ta cũng gặp ở tác giả Hà Ngọc AnhGió không biết ngủ/ Ta chẳng hết buồn/ Gió cô đơn sao cứ theo ta mãi” (Gió cô đơn); hay “Một ta với một đơn côi/ Chông chênh bên một mảnh trời xô nghiêng” (Chông chênh). Âu là lẽ tự nhiên để người thơ được bộc lộ mình, để tìm đến những tâm hồn đồng điệu. Và cũng để “Rẽ vào ngày xưa” mặc định hướng đi trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

T.Q

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter