• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Dương Thu Phương và chuyện đàn bà
Ngày xuất bản: 23/04/2024 2:20:12 SA

THẾ QUYNH

Mười sáu truyện ngắn, mười sáu mảnh đời phụ nữ ở nhiều lứa tuổi có hoàn cảnh sống khác nhau đã làm nên “Chuyện đàn bà” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn- năm 2021). Tập sách đầu tay của Dương Thu Phương được trao tặng giải C- Giải thưởng VHNT năm 2021 do Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trao tặng và giải thưởng của Hội VHNT Yên Bái năm 2021, chuyên ngành Văn học. 

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Ngữ Văn- một ngành khá "hot” của những năm 2001- 2005. Rồi cuộc sống với những sắp đặt, những kế hoạch và tình cờ đã đưa chị lên Tây Bắc. Từ đấy không còn tiếp tục với công việc dạy học, chuyển sang làm công tác tại Huyện ủy Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Nói về nghề viết, Dương Thu Phương bộc bạch: Nó chẳng thể nuôi sống được mình, ít nhất là thời điểm hiện tại. Nhưng em tin rằng, mỗi con người sẽ có một giá trị. Ai cũng cống hiến cái giá trị riêng có của mình thì cuộc sống này đã đủ tốt đẹp. Em sáng tác đã khá lâu và đa số trong trang văn của mình là hình ảnh và số phận những người đàn bà. Bởi em biết, trong sự hiểu biết nhỏ hẹp của mình, em hiểu nhất về đàn bà. Không chỉ là em có bà, có mẹ, có chị gái, em gái, con gái, có nhiều học sinh nữ mà không gian sống của em trải rộng. Em đi từ thành thị đến nông thôn, từ vùng biển đến vùng núi cao; em gặp những người đàn bà xưa cũ đến hiện đại. Không chỉ bằng năm giác quan thông thường mà bằng kinh nghiệm của người đàn bà, em có thể hiểu họ bằng giác quan thứ sáu.

Ấn tượng sâu sắc với Dương Thu Phương là hình ảnh Bà ngoại. Dẫu rằng “Chưa bao giờ nhìn thấy nhưng mỗi khi nhớ về bà ngoại tôi lại tưởng tượng ở một góc nhà trên nền đất cũ, chiếc cối đá dùng để giã gạo ngày xưa được lật úp lại, bà đứng lên đó, vòng mái tóc ra trước mặt, người hơi cúi xuống, suối tóc chảy ra đen nhưng nhức. Bà đẹp như một diễn viên chèo”. Một cái đẹp “kính nhi viễn chi”, một sự trân trọng của cháu con với thế hệ từng chịu nhiều gian lao, vất vả. Thuộc lớp người của những thập niên năm mươi, sáu mươi thế kỷ XX, “Bà đi lấy chồng từ thuở “nữ thập tam nam thập lục”. Không tìm hiểu, không yêu nhau tha thiết nhưng ông bà cũng có với nhau bốn mặt con. Bà ngoại cứ nuôi đứa lớn, mang đứa bé rồi lao động sản xuất như biết bao người đàn bà thời chiến. Bởi ông ngoại tôi, dẫu không trực tiếp cầm súng nhưng cũng có mười năm xa nhà biền biệt”. Và như bao phụ nữ trong buổi đất nước có chiến tranh, bà vẫn “vui vẻ sống trong cái khổ cực”; “không mưu cầu yêu đương thậm chí không cần cả sự trợ giúp của người đàn ông trong nuôi con sinh nở”. Nhưng nỗi khổ nhất, dầy vò tâm can bà lại là định kiến xã hội về con trai nối dõi tông đường. Có lẽ bởi thương yêu chồng rất mực mà bà sẵn sàng gạt bỏ cái thói ghen tuông “nữ nhi thường tình”, tìm cho ông một người phụ nữ khác. Việc không thành do ông không nhất trí. Rồi chồng mất, vẫn bà hằng ngày chăm nom đèn nhang hương khói vì “để ông một mình cô quạnh, bà không đành”. Và câu chuyện bà kể cho con, cho cháu không gì khác lại là chuyện về ông dù “có những điều chúng tôi ngày nào cũng nghe bà kể nhưng với bà thì đó luôn là điều đầu tiên với đủ sự hào hứng”. Chuyện của ông bà ngoại gần gũi với bao người đã từng sống qua cái thời gian khó. Nó là kí ức đẹp để mãi mãi sau này kể cho lớp trẻ nghe như câu chuyện cổ tíchHai phần ba quãng đời sống trong bom đạn chiến tranh, tình yêu giữa những người đàn bà mộc mạc, tần tảo và những người đàn ông chân chất, hồn hậu có thể là thứ gì đó quá xa xỉ. Bởi tình yêu nam nữ đã được hòa trong tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương làng mạc, trong sự đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Nhưng tôi cũng tin rằng ông ngoại đã yêu thương bà bằng tất cả tình yêu, sự sẻ chia và lòng kính trọng” (Bà ngoại). Cũng trong chiến tranh, lại có một số người đàn bà phải âm thầm chịu đựng cùng chồng nỗi hàm oan “đảo ngũ” cho đến khi nhắm mắt tắt hơi chưa thanh minh nổi. Mà cái số phận trớ trêu cứ đeo bám người chồng: Bẩy năm chiến đấu xa nhà, bị thương vì vướng mìn phải trả lại tuyến sau song thất lạc hết giấy tờ; mang tiếng là kẻ “vì ham muốn tầm thường, lối sống ích kỉ cá nhân mà đi ngược lại chiến tuyến” nhưng không thể giải thích”; rồi họ hàng, láng giềng xa lánh, bị nghi ngờ cố tình đẩy trâu hợp tác xã xuống hố bom để giết thịt, thậm chí chết vì cứu người đuối nước còn bị dư luận cho là tự tử. Vợ con cũng vì thế mà chịu chung nỗi đau: vợ buộc thôi dạy học, thôi làm thư ký đội, con thì mất cơ hội đi học nước ngoài do “hồ sơ không rõ ràng”. Và Cuộc sống đang đi như người ta kéo chiếc xe nặng trên con dốc trơn trượt, bố chị lầm lũi, mẹ chị lầm lũi và chị cũng một mình thui thủi” (Đêm lặng). Dù phải bỏ làng bán xới đi nơi ở mới song mẹ vẫn tin bố bị oan và sẽ được giải oan. Chỉ tiếc rằng khi điều đó thành hiện thực thì bà đã “không có nhiều thời gian” để chờ đợi. Ở truyện “Nước sông vẫn chảy” ta lại gặp mẫu hình phụ nữ tảo tần, giàu sức chịu đựng những nỗi đau tinh thần. Đó là Bà nội: góa chồng từ lúc tuổi đôi mươi mà ở vậy nuôi con và một mình gây dựng cơ nghiệp; con trai đi bộ đội mãi không về, con dâu có con ngoài giá thú song bà vẫn cưu mang và còn nhận đứa cháu không mang dòng máu Nguyên Huy làm đích tôn. Cả cuộc đời bà như nhận xét của chính người con trai “Bà nội, người đàn bà can trường mạnh mẽ hơn cả đàn ông, bà toan tính được hết tất cả mọi việc, một mình đi qua mọi đêm đen, bản thân còn phải là chiếc đèn soi rọi cho mọi người khác, nhưng đến cháu người cũng phải đợi qua gần hai mươi năm mà hi vọng thì ngày càng mịt mù. Ngẫm lại người đàn bà ấy có nỗi đau nào chưa phải trải”. Còn người mẹ dường như là phiên bản kế tiếp, nối dài sự vất vả của phụ nữ trong chiến tranh “Luôn luôn là cảm giác tội lỗi và chịu ơn, làm sao người đàn bà nhỏ bé ấy có thể cõng nỗi thống khổ ấy trên mình suốt bao nhiêu năm nay. Mẹ anh chưa được ngày nào sung sướng. Mà nào phải việc gì tội lỗi”. Yêu chồng, thương con vốn đã trở thành thuộc tính của phụ nữ Việt Nam. Qua những Bà ngoại, Bà nội, những người mẹ- những người đàn bà “xưa cũ” mà Dương Thu Phương thể hiện, phẩm chất này luôn được chị đề cao, trân trọng. Trong cuộc sống không hiếm gặp trường hợp phụ nữ khao khát làm mẹ, sẵn sàng đánh đổi trinh tiết của mình mong nhận được một mụn con. Huống hồ người đàn bà nọ trong “Hiu hắt phận người” có con do hậu quả của lần bị hãm hiếp. Đứa con trai sinh ra mang mặc cảm không cha và tự hủy hoại đời mình bằng ma túy. Nếu không cảm thông làm sao có thể hiểu nỗi đau bà mẹ “Gần bốn mươi tuổi mới có được mụn con, dẫu không phải là cố tình, không phải là dòng giống của người mà bà chọn nhưng đó là tất cả những gì bà có. Bà đã làm đủ mọi cách nhưng chẳng thể nào tránh cho con bà khỏi cái mặc cảm không cha”.  

Trong tập truyện, Dương Thu Phương cũng nhiều lần gắn vào phát ngôn của nhân vật câu “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Nói như vậy không có nghĩa là họ nông nổi, suy nghĩ giản đơn mà thực sự có chiều sâu bởi chính trải nghiệm của mình và những người cùng giới. Bao vấn đề cuộc sống đầy biến động đang đặt ra với lớp phụ nữ trẻ hôm nay: cám dỗ vật chất chốn thị thành phồn hoa; hôn nhân ngoài vợ ngoài chồng và đạo đức; tình yêu trắc trở, đa đoan vì định kiến xã hội và hơn hết là khát vọng hạnh phúc gia đình. Chính vì thế những Chị, những Nàng, Du, Minh… dù muốn lựa chọn “sống vì những hạnh phúc bình lặng” mà cuộc sống xô đẩy để “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”. Nàng (Chuyện đàn bà) có một gia đình trong con mắt người đời tương đối hạnh phúc. Thế nhưng kết hôn mười năm chưa có con; Hưng- chồng Nàng với lối sống vô cảm khiến người vợ nhiều lúc “cảm thấy bức bối, ngột ngạt với cái sự đơn giản đến nhàm chán nơi anh”. Và rồi cuộc tình “ngoài chồng ngoài vợ” là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người phụ nữ khác. Sự thức tỉnh của đạo đức thành chìa khóa mở ra bình yên và hạnh phúc cho mỗi gia đình “Người ta nói ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ nhưng nàng tin đó vẫn là thứ xa lạ trong căn nhà này, mười năm rồi và sẽ hơn thế nữa”. Còn Chị (Ngày về), Minh (Ngày nắng) là những người đàn bà “không quen với ồn ào, tranh biện”. Khi kết hôn “Gia tài mang theo vẫn đầy ắp kỉ niệm. Chị đã hạnh phúc, hay nói đúng hơn là yên ổn với cuộc đời mình”. Rồi cuộc sống với hàng trăm nguyên nhân và cám dỗ khiến chồng có bồ. Họ muốn thay đổi: Người được khuyên li dị, người tìm về với tình cũ song đứa con và niềm tin “Hoa vẫn trong ngần như thế, lòng người sao có thể đổi thay” đã giúp đứng vững. Những người đàn bà ấy quay về và tìm thấy hạnh phúc trong chính tổ ấm gia đình. Hi hữu có trường hợp như Du trong truyện ngắn cùng tên: Hôn nhân đổ vỡ, mong “rổ rá cạp lại” với Khánh. Người chồng hờ “đã từng thô bạo để vùi cái cảm giác bất lực” trong việc không thể sinh những đứa con lành lặn; lại càng “không thể chấp nhận việc Du vào tay người khác nhưng anh không có cách gì nắm giữ”. Và lòng yêu thương đã vượt lên nỗi xót xa thân phận để mang đến hi vọng tràn đầy “Du là những chuyến đi, khi đặt tên con không biết bố mẹ có nghĩ thế không. Cô đã đi, gần nửa đời người, bây giờ cô đã thấm mệt. Du muốn yên ổn, muốn dừng lại, cô sẽ điền nốt mình vào khoảng mênh mông của Khánh”. Với phụ nữ nông thôn, tác giả “Chuyện đàn bà” lại càng có sự cảm thông. Cũng bởi đây là chốn sinh thành, là nơi nuôi dưỡng bao ước mơ tuổi trẻ. Ở đó chị có bà, có mẹ, có chị gái, em gái và từng chứng kiến bao chuyện vui buồn xảy ra nơi làng quê. Vẫn cuộc sống nghèo khó, vẫn những định kiến và hủ tục sâu rễ bền gốc dẫu không đủ mạnh tác oai tác quái song còn gây khổ cho không ít người. Một người đàn bà đẹp nhưng lại nghèo, nghèo đến cái tên cũng tiết kiệm. Chị tên là Tí, vừa vặn với tuổi chuột, vừa vặn với con người bé nhỏ, lại vừa vặn với gia cảnh của một mẹ một con” (Một người làng tôi). Chị từng yêu và được yêu nhưng dang dở vì mẹ chàng trai- người đàn bà nỗi niềm với lối suy nghĩ “truyền thống của người phương Đông đã dạy cho những người mẹ phải yêu thương con hơn cả bản thân mình. Không môn đăng hộ đối, hồng nhan bạc phận, gò má sát phu… sẽ làm con trai bà khổ”. Dứt tình ra đi, lòng không oán hận và chị được đền đáp bằng sự yêu thương đùm bọc của người đàn ông khác. Lại có những phận người không được may mắn như vậy. Nhân vật Chị (Phía sau hạnh phúc) có mối tình thật đẹp tự thuở học trò. Chị tốt nghiệp sư phạm thành cô giáo, anh đi bộ đội chẳng may bị tai nạn khi huấn luyện mất một tay. Mặc cảm và hiểu lầm từ tin đồn thất thiệt, anh đã bỏ quê ra đi để lại nỗi nhớ mong nơi người mẹ cùng người yêu. Hôn nhân không thành, họ luôn nhớ và quan tâm đến nhau song còn lại chỉ là “những giọt sương long lanh tan ra rồi bay lên như khói, vẽ lên không gian màu của hạnh phúc đầy vơi”. Thời sự và kết cục buồn hơn là câu chuyện của Linh với Thịnh. Họ yêu nhau, Thịnh đi lao động chui bên kia biên giới và mất vì tai nạn; Linh chung tình lo toan mọi công việc nhà cửa cùng hậu sự. Đất đai đồng hành bạc tiền hay chính lòng tham của con người trong dòng họ đã đẩy Linh khỏi quan hệ gia đình. Cô rời nơi đó với “hàng tấn kỉ niệm đang cố quên đi” và ước vọng về hạnh phúc như “có một giấc mơ vừa bay đi”. Bên cạnh bức tranh cuộc sống còn nhuốm chút màu ảm đạm thì trong “Chuyện đàn bà” lóe lên một khoảng sáng, một ngọn lửa ấm tình thương được nhen nhóm bởi lớp phụ nữ trẻ. Hảo (Hành trình) là công chức có cuộc sống viên mãn, giàu lòng trắc ẩn. Cô cảm thương cho cuộc sống cực nhọc, thiếu thốn của hai bà cháu nọ, nhất là đứa cháu phải bỏ học vì không được bán trú. Không chỉ giúp đỡ bằng vật dụng thiết yếu như con dao, lớn lao hơn là hướng tới mái ấm cho mỗi gia đình và tương lai lũ trẻ “Cô biết mình phải viết gì trong phần kiến nghị của mỗi báo cáo công tác. Bọn trẻ cứ lớn lên mang theo mong ước dựng xây nối dài giấc mơ thanh xuân đẹp tươi, sắc màu nhất mà cô đang tô vẽ”. Những cô giáo như Huấn (Ngày không trôi) hay Thu (Sương mờ giăng núi) khước từ nguyện vọng chuyển vùng về xuôi, gửi gắm tuổi xuân của mình với sự nghiệp giáo dục vùng cao. Thắc mắc “những đứa trẻ ở đây đã lớn lên như thế nào" giúp các cô tìm thấy câu trả lời, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống “Thu cũng nghĩ có lẽ cả đời này mình sẽ sống vậy thôi. Thật lòng cô cảm ơn bọn trẻ, chính chúng đã mang lại niềm vui và ý nghĩa cuộc sống cho Thu”.  

Là một trong những cây bút nữ trẻ thuộc thế hệ 8x của văn học nghệ thuật Yên Bái, Dương Thu Phương thử nghiệm mình ở nhiều thể loại nhưng có lẽ truyện ngắn là thích hợp với tạng viết của chị. Những truyện ngắn ở “Chuyện đàn bà” hầu như được xây dựng từ tình huống tâm lý. Đây là tình huống diễn ra nhằm làm sáng tỏ đặc điểm tâm lí của nhân vật. Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là: con người tình cảm. Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó, nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác như ngoại hình, hành động, lí tính… ít được quan tâm. Đọc tập “Chuyện đàn bà”, người đọc thấy tác giả nhập thân vào nhân vật để kể chuyện, để bộc lộ cảm xúc, trao gửi suy ngẫm về cuộc sống, thân phận con người. Ví như truyện ngắn cùng tên, diễn biến tâm trạng của nhân vật Nàng trước sự kiện dự đám tang của người đàn bà xấu số mà gián tiếp dẫn đến nguyên nhân lại là chuyện ngoại tình được miêu tả khá kĩ: tại tang gia, về với cuộc sống gia đình bên người chồng khô cứng có lối sống đơn giản đến máy móc, lúc một mình và tự vấn về vấn đề đạo đứcNàng muốn biết trong sự vần xoay đến cùng kiệt, trong sự bủa vây của số phận và trí tuệ nhân tạo cuối cùng con người sẽ phải tự vượt qua và chiến thắng như thế nào? Nàng muốn biết tất cả những gì nàng đang nhìn thấy, nghe thấy, tri giác được cái nào là sự thật, đâu là kết quả của một sự sắp xếp bởi những thế lực vô hình và nàng muốn chắc chắn rằng vị trí của đạo đức nằm ở đâu trong đó”. Trường hợp đứng vai người kể chuyện thì vẫn là thế giới của tâm trạng gửi gắm qua ngoại cảnh, hành động “Chị vẫn nhớ chiếc áo mùa thu màu vàng sáng, có những bông hoa được thêu tay từ dưới gấu áo, nó bay lên trong đôi mắt long lanh của chị như một giấc mơ về gia đình, về hạnh phúc, về sự đầy đủ” (Phía sau hạnh phúc). Ở Dương Thu Phương, ta cũng thấy bên cạnh thứ ngôn ngữ chính thống còn có sự pha tạp của ngôn ngữ vùng miền, ngôn ngữ chít chát hay tiếng nước ngoài. Âu đây cũng là lẽ bình thường của những cây viết thế hệ 8x mong tìm đến một giọng điệu mới, một lối nghĩ mới trong sáng tạo văn chương. Song không vì thế mà thiếu đi chiều sâu khi muốn thể hiện quan điểm cá nhân về cuộc sống con người “… nhưng đời người như dòng sông đã đi là trôi mãi- Như dòng sông luôn xanh trong ngọt mát, ai biết nó đã phải nhận vào trong mình những gì, và mấy ai  biết được dưới những dòng sông ấy còn chất chứa những bí mật gì nữa” (Nước sông vẫn chảy). Hoặc những đoạn văn đọc lên phơi phới như tâm hồn, ước mơ tuổi trẻ “Cô quẫy tay, trăng tan thành từng mảnh như thủy tinh, thấm vào thân thể ngọt mát. Nhưng chưa hết một tiếng thở dài, trăng đã trôi đi. Có lẽ nhiều nơi, nhiều cô gái như hai người bạn này cần một ánh trăng để giãi bày” (Ngày không trôi). Khởi đầu đã gặt hái thành công, đường đi còn dài, mong rằng tác giả tiếp tục trau dồi vốn sống và luyện cho ngòi bút thêm sắc xảo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

T.Q

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter