Ký của MINH NGỌC
Xuất phát điểm từ một xã thuộc vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, với tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, tỷ lệ mù chữ cao, cơ sở hạ tầng kém, 100% đường giao thông vẫn là đường đất, nếp sống văn hóa còn nhiều bất cập… Đến nay Xuân Lai đã mang trên mình diện mạo mới khang trang, sạch đẹp, đời sống của bà con được cải thiện và nâng lên, đặc biệt đời sống văn hóa tinh thần của bà con ngày càng khởi sắc. Xuân Lai được lựa chọn trở thành nơi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện Yên Bình- Yên Bái. Có được kết quả đó là do các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình nói chung và xã Xuân Lai nói riêng đã mạnh dạn áp dụng lối tư duy “đảo ngược”, phát huy “sức mạnh mềm”, dùng văn hóa làm động lực cho sự phát triển của địa phương.
Xoay quanh câu chuyện văn hóa của Xuân Lai cùng Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thị Thiết- người con dân tộc Tày và Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thương- người con dân tộc Nùng, thôn Cà Lồ, bức tranh Xuân Lai hiện lên mỗi lúc thêm rõ nét.
Những năm 2000, cơ sở hạ tầng của Xuân Lai hết sức khó khăn, điện chưa có; trụ sở xã chỉ có 1 nhà làm việc chung của đảng ủy, chính quyền; trạm y tế còn rất tạm bợ, nhân lực mới được đào tạo qua lớp ngắn ngày nên khó khăn cho công tác khám chữa bệnh ban đầu. Việc dạy và học cũng vô vàn thiếu thốn do lớp chỉ dựng tạm, bàn ghế không đảm bảo. Giao thông vất vả, 100% là đường đất, ổ gà, lầy lội vào mùa mưa, gây khó khăn cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong phát triển kinh tế đồi rừng. Sản xuất nông, lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào ruộng đồng và đánh bắt các nguồn lợi tự nhiên; nhu cầu phát triển kinh tế, dịch vụ hầu như không có; thu nhập của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ mù chữ cao. Nhà ở dân cư chủ yếu là nhà tạm, bán kiên cố. Các chương trình đầu tư- hỗ trợ với người dân ít. Đời sống sinh hoạt, nếp sống văn hóa còn nhiều hạn chế. Đặc biệt hủ tục ma chay kéo dài gây tốn kém, nợ nần cho các hộ gia đình; thói quen nuôi trâu bò, lợn, gà dưới gầm sàn gây mất vệ sinh, dịch bệnh cho người dân…
Dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền các cấp, các đồng chí lãnh đạo cùng nhân dân các dân tộc Xuân Lai đã nỗ lực từng bước ra khỏi vùng 3, trở thành 01 trong 05 xã cán đích xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện năm 2021, từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thương cho biết, từ khi nhận chức, anh đã trao đổi, bàn bạc với các đồng chí trong ban lãnh đạo, đề xuất các hướng phát triển kinh tế cho bà con. Xã đặc biệt tập trung vào phát triển nông, lâm nghiệp và giao thông. Từ chỗ cây lúa 02 vụ, đất đai bỏ hoang, xã đã vận động người dân trồng thêm cây rau màu, trồng thêm ngô; tăng gia sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước cải thiện đời sống. Xã còn đề xuất với huyện việc đưa máy móc nông cụ vào để đồng bộ cơ giới hóa; khuyến khích bà con nuôi các loại con giống hiệu quả kinh tế cao; vận động bà con phá bỏ vườn tạp vốn chỉ trồng tre, nứa lá sang trồng cây ăn quả như bưởi, cam… kết hợp chăn nuôi lợn, trâu, bò, dê…; thay đổi quy mô chăm sóc đồi rừng và triển khai hiệu quả các dự án của tỉnh và trung ương đầu tư như Nghị quyết 69 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình 135 hỗ trợ cho đồng bào dân tộc khó khăn… Về giao thông, trước năm 2017, cả xã chỉ có duy nhất tuyến đường Vĩnh Kiên- Yên Thế dải asphalt, còn lại đều là đường đất. Từ năm 2018, bám sát chủ trương của huyện, của tỉnh, xã đã tích cực vận động bà con hiến đất làm đường, tham gia ngày công, từng bước bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Cuối năm 2023, cả xã đã đạt 90% bê tông hóa, chỉ còn lại 3- 4 km đường xóm đang hoàn thành. Dự kiến đến 2025 đạt 100% bê tông hóa toàn xã. Đây là những bước tiến tăng vọt về đời sống kinh tế, hạ tầng giao thông mà khi được hỏi nhiều cụ cao tuổi vẫn nói rằng “Đến mơ tôi cũng không nghĩ đến”...
Cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển khiến khoảng cách 65 km từ xã về trung tâm huyện như ngắn hơn, kéo theo đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Nhưng thói quen sinh hoạt của người dân vẫn chưa thay đổi, đặc biệt là việc chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn. Thay đổi tập tục, thói quen sinh hoạt của đồng bào được xem như cuộc cách mạng lớn nhất ở Xuân Lai tại thời điểm đó. Quyết tâm làm bằng được, ban lãnh đạo xã đã lên kế hoạch, triển khai họp thôn, cụm, triển khai kỹ mục đích, ý nghĩa của chương trình, sau mới cho các thôn ra quân từng cụm để làm. Từ Bí thư, Chủ tịch đến các cán bộ, công chức đều trực tiếp xuống cơ sở, làm điểm đến từng hộ dân. Người dân sau khi được tuyên truyền, nhất trí với vị trí chuyển chuồng sẽ được đoàn công tác hỗ trợ san tạo mặt bằng và khiêng, chuyển chuồng. Mặc dù vậy nhiều hộ vẫn không đồng tình vì lo dịch bệnh, mất cắp. Xã phải nhờ đến đội ngũ người già, người có uy tín trong cộng đồng đến từng nhà vận động theo nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”. Tiếp đó là công cuộc xây dựng các công trình vệ sinh, xóa bỏ thói quen lên đồi, ra suối của bà con từ bao đời nay. Để cùng tháo gỡ vấn đề vệ sinh môi trường, xã đã vận động các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ, xin huyện vật liệu xi măng, cát, gạch để hỗ trợ các gia đình không có điều kiện làm. Xã còn huy động thêm Trung đoàn 174 chung tay cùng xã trong việc đào hố, cùng người dân xây dựng các công trình vệ sinh…
Từ khi bước vào lộ trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo và đời sống của người dân đã bước sang trang mới, người dân đã chuyển mình trong tư duy, ý thức và hành động, cùng hồ hởi chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, quyết tâm xây dựng Nông thôn mới nâng cao trên địa bàn. Đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần ngày một khởi sắc song nguồn thu chính của xã vẫn là từ sản xuất nông lâm nghiệp; số hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, tại Xuân Lai, trên 70% dân cư là người dân tộc Tày, còn lại là 04 dân tộc anh em: Kinh, Nùng, Dao, Cao Lan. Anh Thương cho biết: “Dân tộc Tày sinh sống lâu đời ở vùng đất này và có nền văn hóa đa dạng phong phú, mang đậm bản sắc. Trong tình yêu dẫn tới hôn nhân bền chặt có hát Khắp, hát Cọi, hát Phong sjư đối đáp giao duyên; trong đám cưới có hát Quan làng, hàng ngày có hát Then đàn tính, hát nghi lễ có hát Pựt, trong hát Pựt có trường ca Khảm hải. Trong tín ngưỡng có thầy Tào, tùm Kèn đưa vong linh người quá cố về với tiên tổ. Khi trẻ nằm trên nôi có hát Ứ noọng nòn (Ru em ngủ), trẻ đầy tháng có lễ ra tháng, con gái đủ mười lăm tuổi có lễ trả ơn bà mụ. Đầu xuân có Lễ hội Lồng Tôồng (Xuống đồng), phần lễ có mâm cúng thành hoàng bản thổ về chứng kiến, phù hộ cho dân bản mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khỏe yên vui. Phần hội có tung còn, đánh yến cùng nhiều trò chơi khác, giao lưu hát Then, hát Khắp- Cọi, sau cùng là xuống đồng cày cấy bắt đầu cho một năm mới tốt lành. Mùa thu có Lễ mừng cơm mới, hát mời nàng trăng xuống cùng mừng cốm mới…”.
Bản sắc văn hóa chính là thế mạnh của Xuân Lai. Tuy nhiên, việc tập trung phát triển kinh tế lại khiến Xuân Lai phải đối mặt với khó khăn mới: Xuân Lai- Mảnh đất có bản sắc văn hóa độc đáo song đang dần bị mai một, không được khôi phục. Đặc biệt ngôn ngữ, tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống nhằm lan tỏa tính nhân văn, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt… đang dần mất đi. Điều này khiến cho Chủ tịch Nguyễn Văn Thương và các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy hết sức trăn trở. Trước kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo đó thì việc làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Tày vùng Đông hồ nói chung và tại Xuân Lai nói riêng cùng các dân tộc thiểu số anh em là bài toán khó đặt ra đòi hỏi ban lãnh đạo xã phải tìm bằng được phương án giải đáp.
Năm 2020, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với chủ trương xây dựng tỉnh Yên Bái theo hướng “Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc” đã mở đường cho Đảng bộ huyện Yên Bình mạnh dạn đưa ra nghị quyết “Xây dựng Xuân Lai trở thành chiếc nôi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện”. Theo đó ban lãnh đạo xã đã chỉ đạo tập trung và quyết tâm phát huy, khôi phục bản sắc văn hóa trên địa bàn. Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thương khẳng định: “Việc bảo tồn văn hóa sẽ mang lại đời sống tinh thần rất cao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân được thể hiện đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cùng tham gia hoạt động văn nghệ vui khỏe, hạn chế được nạn rượu chè, cờ bạc, đánh chửi nhau, từ đó thúc đẩy kinh tế gia đình đi lên… Nhờ đó văn hóa sẽ dần trở thành động lực, khích lệ phát triển kinh tế”. Anh Thương tâm sự: “Năm 2023, ngay khi huyện có chủ trương xây dựng Xuân Lai trở thành chiếc nôi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, các đồng chí lãnh đạo xã sau phút trăn trở ban đầu đã bắt tay ngay vào việc. Các đồng chí trường trực đã tổ chức hội nghị mở rộng, mời các thành viên ủy ban, đại diện các ngành, các nghệ nhân cùng tham gia hội ý, thảo luận thống nhất chủ trương rồi phân công cụ thể cho các thành viên xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết… Trong đó đặc biệt coi trọng đội ngũ nghệ nhân, những người am hiểu, có tâm giúp khôi phục lại giá trị văn hóa các dân tộc dưới hình thức tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ; hướng đến mở các lớp truyền dạy đàn tính, hát cọi, từng bước khôi phục các nét đẹp văn hóa đồng thời khuyến khích việc thu hút các dân tộc, các thành viên tự sưu tầm thêm nét đặc trưng văn hóa cộng thêm phục dựng các lễ hội truyền thống trên địa bàn…
Trong quá trình khôi phục đòi hỏi sự tâm huyết và quyết tâm rất lớn đó, bên cạnh sự đồng lòng nhất trí của đội ngũ lãnh đạo, chính quyền và nhân dân, không thể không nhắc đến hạt nhân nòng cốt- Nghệ nhân dân gian Hoàng Tương Lai- Nguyên Bí thư đảng ủy xã Xuân Lai trong việc truyền dạy hát Then, Cọi, Khảm hải và phục dựng các lễ hội trên địa bàn xã. Nghệ nhân dân gian Hoàng Tương Lai đã dành nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm cùng đồng chí Nguyễn Dũng Giang- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình công phu biên soạn cuốn “Sjon Cảng Tày” (Dạy tiếng Tày) thuộc loại hình sưu tầm và dịch văn học dân gian, có giá trị cao trong việc dạy nói và viết tiếng Tày, đồng thời có tác dụng lớn trong việc quảng bá di sản văn hoá Tày. Gần đây nhất, Hội thảo “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình”, đã được huyện Yên Bình tổ chức với mục đích làm rõ những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện; những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa vùng hồ Thác Bà thực sự phong phú, đậm đà bản sắc các dân tộc. Theo đó, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày tại Xuân Lai nói riêng và văn hóa dân tộc Tày vùng hồ Thác Bà nói chung đã được phân tích, đánh giá, bàn thảo. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, một trong những giải pháp quan trọng của xã trong lộ trình xây dựng Xuân Lai trở thành xã Nông thôn mới nâng cao của huyện Yên Bình; từng bước hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII của Đảng bộ xã.
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa “là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”, huyện Yên Bình đã có nhiều chủ trương lãnh đạo việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, xác định việc giữ gìn, phát huy bản sắc các dân tộc trong phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ. Nhất quán trong quan điểm chỉ đạo để Xuân Lai có thể trở thành nơi bảo tồn văn hóa các dân tộc huyện Yên Bình, anh Thương cho rằng: “Việc quan trọng nhất vẫn là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường phục dựng lễ hội truyền thống, truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc đến các thế hệ trẻ, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng dịch vụ du lịch homestay tại trung tâm, thu hút du khách đến địa phương, tăng thu nhập cho người dân…”.
Chính quyền vào cuộc, mỗi cá nhân vào cuộc và bước đầu đã mang lại những dấu hiệu khá tích cực. Chỉ trong 01 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn xã đã mở được 02 lớp đàn Tính, 01 lớp hát Then, Cọi, 01 lớp “Son cả Tày”, phục dựng được Lễ hội Khảm hải sau dịp Xuân mới, Lễ hội Lồng tồng vào giữa tháng Giêng âm lịch và Lễ hội Nàng trăng vào 15/8 âm lịch. Địa phương đã xây dựng 01 Câu lạc bộ Dân gian xã Xuân Lai, 04 thôn trong xã đều có đội văn nghệ. Họ là những người có độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung sở thích, say mê ca hát các làn điệu dân ca, dân vũ và truyền lại cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội xã Xuân Lai quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Hàng năm xã thường xuyên phát động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm như: tết Nguyên đán (tết cổ truyền) tổ chức Lễ hội Lồng Tồng, dịp 08/3, 30/4 hoặc kỷ niệm ngày thành lập tổ chức hội phát động các phong trào giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi trang phục dân tộc, tổ chức các cuộc thi ẩm thực các món ăn hoặc gói các loại bánh dân tộc giữa, các đội văn nghệ của thôn, các Câu lạc bộ, nhà trường… Tổ chức ra mắt sản phẩm du lịch trải nghiệm nghệ thuật trình diễn Khảm Hải của dân tộc Tày, phát động các trò chơi, trò diễn dân gian tại các nhà trường gắn với việc sưu tầm các dụng cụ lao động sản xuất, đồ gia dụng, trang phục, nhạc cụ… trưng bày tại các lớp học, thư viện nhà trường … để các em học sinh nắm bắt và hiểu biết thêm về truyền thống các dân tộc trên địa bàn…
Chị Hoàng Thị Thiết- Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lai, con gái ruột của Nghệ nhân dân gian Hoàng Tương Lai, với tình yêu, niềm tự hào sâu sắc đối với văn hóa Tày nói riêng và bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung đã khẳng định: “Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương”. Theo chị, một trong những giải pháp trọng tâm để Xuân Lai trở thành nơi bảo tồn văn hóa các dân tộc huyện Yên Bình chính là: “Phải xây dựng được đội ngũ hạt nhân làm nòng cốt trong mọi hoạt động ở cộng đồng như thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian hát khắp, hát cọi, hát then… của dân tộc Tày, hát sình ca của dân tộc Cao Lan… tạo điều kiện để các nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa dân tộc, truyền dạy tiếng nói, chữ việt, những làn điệu dân ca, dân vũ… cho nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Phải khơi dậy và phát huy ý thức tự hào dân tộc, tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng; Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, cộng đồng dân cư, nguồn hỗ trợ để đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với sản phẩm đặc trưng du lịch, kêu gọi các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư hoạt động kinh doanh các điểm thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn…”.
Mỗi địa phương với thế mạnh riêng có sẽ tạo nên giá trị và bản sắc riêng. Và Xuân Lai đã xác định cho mình hướng đi riêng, tiệm cận từ góc độ văn hóa, biến văn hóa thành dịch vụ, du lịch; biến văn hóa thành giá trị và từ đó văn hóa sẽ mang lại kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Một hướng đi “hơi khác” với tư duy truyền thống, văn hóa không còn là hoạt động tiêu hao kinh tế mà ngược lại sẽ là hoạt động chính mang lại thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế cho bà con. Với những gì Xuân Lai đang có, cộng với tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ lãnh đạo các cấp, sự đồng thuận của người dân, tin rằng công tác bảo tồn văn hóa tại Xuân Lai sẽ thành công; tạo nên sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Yên Bình “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, hội nhập”. Và chắc hẳn những hạt nhân văn hóa như Xuân Lai sẽ góp thêm một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh “Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc” của Yên Bái trong tương lai.
M.N