Truyện ngắn của Quang Bách
Thương tất tả dựng chiếc xe đạp cà tàng vào góc sân. Thấy mẹ về, con Nhớ đang ngồi ở bàn uống nước đứng phắt dậy, chạy ùa ra ôm chầm lấy, ngước đôi mắt ngơ ngác buồn còn ngân ngấn nước như muốn mách điều gì hệ trọng lắm. Thương âu yếm nhìn con và đón nhận từ nuốm ruột tật nguyền thứ ngôn ngữ câm điếc. Nó kêu đói vì từ sáng sớm đến bây giờ vẫn chưa được ăn gì. Không cần nghĩ lâu, Thương đã biết lý do vì sao. Thủ phạm chính là thằng Mong anh trai nó. Thương nén giận, cố gắng giữ vẻ bình thản, nở nụ cười thân thiện với con.
Nhà mẹ con Thương nằm sâu trong một con hẻm, lối vào không đủ cho hai xe đạp tránh nhau. Ngày nắng còn khá, ngày mưa bùn ngập đến mắt cá chân. Các gia đình có nhu cầu vận chuyển vật liệu, hàng hóa đều rất khó khăn. Nhiều đám hiếu hỷ chỉ nguyên việc sắp xếp nơi để xe cộ cho khách xa, bạn gần của chủ nhà cũng đã vô cùng vất vả, chưa nói đến việc tiếp đón, ăn uống, sinh hoạt. Nơi mẹ con Thương đang ở có thể coi là tồi tàn, rách rưới nhất xóm. Cột tre luồn ruổi đã hết niên hạn sử dụng từ lâu. Chân cột mục ruỗng, mái gianh cụt ngủn, xập xệ chạm đầu người. Thằng Mong đã có lần va quệt rách trán, máu chảu ròng ròng bởi say sỉn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa hè cũng như mùa đông, ướt khô, nóng lạnh thỏa sức hoành hành. Thế mà đã không dưới mười lần, thằng con bất đẳng đòi bán đất, bán nhà đến ở nhờ nhà bỏ hoang của bà Liên cô đơn mới chết, với lý do lấy tiền đầu tư cho một vụ làm ăn lớn, hy vọng có cơ hội đổi đời. Thương bất lực trong khuyên nhủ, dạy bảo con, đã có lần không kìm giữ nổi cục lửa rừng rực trong đầu, hất cả chén nước sôi vừa rót ở phích ra vào mặt con, mong nó tỉnh ngộ. Thế nhưng hành động cứng rắn ấy càng làm cho tính hung hãn của nó ngày một tăng lên. Thằng Mong không còn sợ mẹ, đi không hỏi, về không chào, ngôi nhà đối với nó như chỗ không người, đập phá, quăng quật tùy thích. Mỗi khi mẹ vắng nhà, con Nhớ trở thành cái gai trước mắt, mặc kệ con bé đói rét, kêu gào, khẩu phần ăn mẹ để dành cho em, nó ngang nhiên dùng hết.
Hôm nay cũng như bao hôm khác, nhìn đứa con gái tội nghiệp lòng Thương quặn đau. Song có cách nào nữa đâu, không đi làm lấy gì nuôi con, nuôi mình và báo cô thằng con trai tội nợ.
Cuộc sống tuy lam lũ vất vả nhưng trông Thương vẫn xuân sắc, mặn mà. Khuôn mặt phúc hậu. Tóc búi gọn. Hàng mi cong, mắt to, đen, đuôi mắt dài luôn ánh lên nét nhìn quyến rũ. Đôi môi dày, khép kín, mỗi khi cười để lộ hai hàm răng đều và trắng. Túng thiếu, gian truân nhưng mọi người xung quanh nhất là hàng xóm láng giềng ít thấy ở Thương sự bực dọc, cáu bẳn. Nỗi cam chịu của người phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi cứ âm thầm, lặng lẽ diễn ra hàng ngày với trách nhiệm làm mẹ đơn thân. Thương thấy hoàn cảnh mình lúc này sự giận hờn trách móc, đổ lỗi cho người này, kẻ khác cũng chỉ vô nghĩa mà thôi. Con hư tại mẹ, câu nói cửa miệng ấy có đúng với việc thằng Mong đổ đốn, tự nhiên sinh hư hỏng hay không? Nhận lỗi không biết dạy con về mình phải chăng là điều oan ức? Tự hỏi, tự tìm câu trả lời, song Thương thấy mình hoàn toàn bế tắc. Nhiều đêm mất ngủ, Thương hối hận, dằn vặt mình là người nhẹ dạ, cả tin, bỏ qua tất cả những lời khuyên nhủ, góp ý chân tình của mọi người trong gia đình, bè bạn xung quanh. Thương cảm thấy cổ họng tắc nghẽn, đầu nóng rực bởi cục lửa đang tự bốc cháy, mắt hoa lên như có hàng ngàn con đom đóm chao liệng trước mặt. Hình ảnh Đệ với vóc dáng cao to, mắt ốc nhồi, đầu húi cua, chân tay như chân tay hộ pháp ở chùa, bề ngoài trông dữ dằn nhưng nội tâm lại hiền lành, tử tế tỏ ra mềm yếu, sợ sệt mỗi khi Thương bực bội lúc hai người gặp nhau lại hiện về.
Thương còn nhớ lần đi chợ mua gạo, trời mùa hè nóng bức, phải thồ trên xe đạp bao tải gạo to, lốp xe xì hơi nên đành dắt bộ. Không biết tự lúc nào, Đệ cứ lẽo đẽo theo sau đòi vác giúp bao gạo để Thương đem xe đi sửa. Đang lúc mồ hôi chảy thành giọt từ trán xuống mặt, miệng mũi tranh nhau thở, Thương bực bội, gắt gỏng:
- Này anh Đệ, có ai nhờ mà cứ bám theo đàn bà mãi thế, không biết xấu hổ à?
Rời tay khỏi bao gạo, Đệ ấp úng:
- Thấy em vất vả, chỉ muốn giúp thôi mà. Tôi không đáng sợ như mọi người nghĩ đâu!
Vừa nói Đệ vừa kéo xe dừng lại khiến Thương sững người, giậm chân la lối:
- Đồ trơ trẽn... đồ... đồ ...
Rồi buông tay khỏi ghi đông xe, đi thẳng lên phía trước, mặc chiếc xe chòng chành, chao đảo.
Đệ vác bao gạo lên vai, một tay dắt xe đạp đến hiệu vá săm. Xong xuôi công việc, đưa xe và gạo đến tận nhà Thương. Biết chuyện, mẹ Thương có lời cảm ơn. Nhưng Thương lại tỏ thái độ coi thường Đệ, quay ngoắt vào nhà với cái bĩu môi. Thấy Đệ thịnh tình, mẹ Thương lựa lời khuyên bảo con gái, với những lời giảng giải thấu lý, đạt tình. Rằng hoàn cảnh mẹ góa con côi, anh em nội ngoại chẳng mấy người thân thích. Thằng Đệ tuy xấu người nhưng tốt nết. Được nó về làm rể, nhà cửa có thêm tường vách vững vàng, mưa gió có nơi tránh trú, che chở. Không đồng tình với mẹ, Thương giận dỗi, vùng vằng, thậm chí còn để mẹ ở nhà một mình, sang nhà bạn ngủ nhờ. Mẹ Thương buồn nhưng không nỡ làm mất lòng con gái nên bà nén giận, mặc cho mọi việc trôi xuôi.
Quốc lộ 12, huyết mạch giao thông giữa trung du và miền núi, đoạn chạy qua ngõ nhà mẹ con Thương xuống cấp nghiêm trọng. Một toán công nhân sửa đường không biết từ đâu đến làm rối bung trật tự trị an trong con ngõ nhỏ này. Họ được trưởng thôn cho phép ở nhờ ngôi nhà của vợ chồng Ổn Thuận đi buôn bán xa nên bỏ không. Đám thanh niên ngổ ngáo, ngày đi làm ngoài công trường, đêm về nấu nướng, rượu chè, hò hét ầm ĩ đến gần sáng. Bà con xung quanh góp ý, bảo vệ dân phố, công an khu vực nhắc nhở, đã có lần dùng biện pháp mạnh như gọi lên đồn làm kiểm điểm, phạt tiền... nhưng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Trong toán công nhân, Đản thuộc diện đẹp trai, ăn nói có duyên nhưng nhiễm thói xấu hay nói tục, để ý đến Thương. Lúc đầu Thương cho rằng sau mỗi buổi đi làm về, Đản thường sang nhà xin mẹ cốc nước hoặc mượn chiếc quạt nan với lý do nóng bức là điều bình thường. Nhưng một lần, hai lần... rồi những lần tiếp theo, cũng chẳng biết từ lúc nào Thương và Đản quen nhau. Trò đời vẫn thế... "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén"... và Thương đã đem lòng yêu Đản, bất chấp lời mẹ can ngăn, hàng xóm xì xào, bạn bè cùng trang lứa người dè bỉu, kẻ bóng gió xa xôi, bởi người mà Thương định trao thân gửi phận không rõ lai lịch, ngọn nguồn. Hơn nữa, sau khi tu bổ xong con đường này toán công nhân kia sẽ đi đâu, về đâu... Liệu người trai kia có còn mặn mà tình nghĩa với Thương hay lại cao chạy xa bay đến với mối tình lẳng lơ khác ở nơi làm mới? Thế rồi đột nhiên đám cưới của Thương và Đản diễn ra trước sự ngỡ ngàng của một số người mà không biết vì sao nhanh thế, vội vàng, gấp gáp thế. Song cũng rất đông người đã hiểu được vì sao phải thế. Trong số đó, mẹ Thương là người hiểu con gái mình nhất... Thương đã mang bầu ba tháng! Không cưới nhanh sẽ là sự xỉ nhục với gia đình, dòng tộc. Vì vậy, cuộc đàm phán giữa một bên là mẹ Thương, một bên là một ông cha vơ chú với nào đó, tự xưng đại diện gia đình Đản diễn ra nhanh, gọn. Đám cưới được tổ chức một phía, từ gia đình Thương. Chục mâm cỗ do mẹ Thương sắm sửa, mời mọc bà con hàng xóm láng giềng. Đản rất vui, tự nhiên lại có nơi ăn chốn ở, có vợ, có con... rảnh rang lêu lổng, chơi bời. Thằng Mong ra đời, một năm sau lại thêm con Nhớ tật nguyền. Lúc đầu Đản còn quan tâm đến vợ con, thỉnh thoảng đem về đồng quà tấm bánh, sau đó cứ thưa thớt dần rồi tạnh hẳn. Thương núp sau lưng mẹ, chịu cảnh không chồng, hai con.
Đệ là con trai thứ bảy của ông bà Huynh. So với sáu anh chị thì Đệ xấu xí, thô kệch nhất. Thế nhưng ngược lại, Đệ hiếu thảo nhất nhà, biết nghe lời cha mẹ, rất ít khi giành giật, chành chọc với các anh, chị, ăn no ngủ kỹ, chẳng mấy khi khịt mũi, váng đầu. Khổ nỗi, ngày nào đi học về cũng kêu đói. Hết lớp năm, ông bà Huynh cho con nghỉ học để ngày hai buổi giã ngô, sắn, thái khoai môn, đổ rau cám vào máng chăn nuôi đàn lợn. Càng lớn cậu trai út càng chăm chỉ lao động. Nhờ có sức khỏe tốt nên mọi việc Đệ làm đều gọn gàng, ngăn nắp, nhanh chóng, cho thành phẩm cao. Đàn lợn mau được xuất chuồng, đàn gà sớm sinh sôi nảy nở.
Sinh cơ lập nghiệp ở một vùng quê bán sơn địa, đất đai rộng rãi, có đồi rừng, ruộng nương. Chỉ hiềm một nỗi nơi đây khô cằn, diện tích canh tác bạc màu, cây trồng vật nuôi hình như nhỏ bé, thấp lùn hơn mọi nơi. Đồi cây bồ đề, keo tai tượng, xoan, mỡ rộng chừng hơn một héc ta, ông bà Huynh bỏ nhiều công sức khai phá, gieo trồng đã đến kỳ cứng cây, xanh lá. Nếu chịu khó phát cỏ, tỉa cành, trông coi trâu bò, dê, ngựa thả rông của dân bản xung quanh chắc chắn sẽ có kết quả bội thu. Song một hộ gia đình ba khẩu gồm ông bà Huynh và cậu trai út làm sao đủ sức chăm sóc, bảo quản cả một đồi cây đang cố sức bám rễ xuống đất cằn, nhấc cao thân cành lên dần để đón nhận khí trời khi mưa, lúc nắng. Cũng chẳng trông đợi vào sự trợ giúp của sáu người con trai gái đã lớn khôn, trưởng thành, mỗi người đều có duyên phận, cơ ngơi riêng. Sức già trước đồi cây mà ông bà phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt trước đây khiến trí óc vợ chồng người lão nông phải tập trung suy nghĩ. Giải pháp tối ưu là đóng cửa ngôi nhà hương hỏa của cha ông để lại ở giữa làng, chuẩn bị gỗ nứa, tranh, tre dựng vài gian nhà tạm ở chân đồi cây, bỏ tiền mua vật liệu về quây che một khu đất rộng để chăn nuôi gà, lợn. Cả nhà sẽ chuyển ra sống ở đây. Kế hoạch chăn nuôi, trồng cấy, đặc biệt việc chăm sóc, quản lý đồi cây, ông bà là người cắt đặt, chỉ dẫn. Việc thực hiện sẽ do sức khỏe, sự chịu khó và đức tính biết nghe lời của con trai út đảm nhận. Ngày chuyển ra nhà mới thật vui. Đệ xăng xái khuân vác, kê dọn. Đổ cám cho lợn, quãi thóc cho gà, thu dọn vật liệu thừa, quét gom lá cây, rác bẩn... Việc nào ra việc nấy, nhìn con, ông bà Huynh có cảm giác đôi chút yên lòng.
Chợ xã Mai Quế tháng họp hai phiên, mồng năm và mười bẩy theo âm lịch. Từ sáng sớm, người các làng xã, xóm bản xung quanh đổ về đây nườm nượp vì chợ này là trung tâm nơi tiếp giáp trung du và miền núi. Giao thông thuận tiện nên hàng hóa giữa miền ngược với miền xuôi không còn ngăn cách. Việc mua sắm vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng như tiêu thụ sản phẩm vật nuôi cây trồng do chính tay người nông dân làm ra không mấy khó khăn. Phiên chợ ngày mười bẩy tháng ấy, ông bà Huynh bàn bạc, quyết định bán năm yến gà lấy tiền mua vật liệu mở rộng khu vực chăn nuôi. Đệ được giao gánh hàng xuống chợ giúp mẹ. Hai lồng gà đồng đênh trên đôi vai lực lưỡng. Đệ rảo bước chân, miệng huýt sáo, mắt lơ đễnh nhìn dòng người từ các nơi đổ về chợ như nước chảy. Bỗng nhiên Đệ không tin ở mắt mình, Thương cũng đang vội vã bước đi trong dòng người lặng lẽ. Bây giờ Đệ mới nhớ ra, đã lâu lắm rồi, hôm nay mới gặp lại Thương, một phần vì trái nẻo đi về kể từ ngày Đệ theo bố mẹ chuyển nhà, một phần Đệ ngại ngùng vì Thương không thích gặp mình. Trong đầu Đệ còn nguyên những lần muốn gần gũi Thương, giúp đỡ Thương bị Thương lạnh lùng xua đuổi. Nhưng hôm nay không hiểu tại sao Đệ lại rất muốn được hỏi han, chuyện trò, tâm sự với Thương và ... Đệ cũng đã sẵn sàng đón nhận sự vô cảm, hắt hủi của Thương như mọi lần. Đầu nghĩ, chân bước, Đệ quay ngang đòn gánh, mặc cho những con gà chao đảo, ngả nghiêng, có con cất tiếng kêu quang quác trong bu, rẽ ngang dòng người đang cần mẫn bước để sang đường bên kia theo kịp Thương. Thương cũng rất bất ngờ khi nghe thấy Đệ gọi. Nhìn vóc dáng lêu đêu, so vai rụt cổ của Đệ tự nhiên Thương thấy mủi lòng và ân hận về cách ứng xử của mình trước đây. Bằng giọng không hẳn thân thiện nhưng cũng không hẳn bực bội, gắt gỏng, Thương quay lại phía Đệ "Chào anh, bán nhiều gà thế?". "Ừ, Thương đi một mình à?". Máu trong người Thương lại như muốn sôi lên, tự nhiên buột ra một câu vừa đủ mình nghe "Đồ ngớ ngẩn, chả một mình thì mấy mình". Thế nhưng hình như biết mình lỡ lời, giọng Thương to, rõ hơn, dụng ý cho Đệ nghe thấy "Tôi xuống chợ mua quàng vài thứ rồi về ngay nên không tiện rủ mấy chị trong xóm đi cùng". Cứ tưởng những lời đối thoại xã giao này chỉ xảy ra trên đường đến chợ, còn sau đó mỗi người mỗi việc, người bán, kẻ mua, nào ngờ khi Thương vừa ra khỏi cổng chợ với một túi hàng to thì Đệ đã đứng đợi ở đó. Nhìn thấy Thương, Đệ tỏ ra lúng túng, chân tay như thừa, giọng nói vốn đã không lưu loát, rõ ràng, giờ lại càng thêm lúng búng.
- Thương... để... để... tôi xách hộ kẻo nặng!
Lúc này Thương đã trở nên bình tĩnh, kiên nhẫn kìm nén những cơn bực dọc như trước đây, bước lại gần nơi Đệ đứng, đưa ánh mắt dịu dàng, ẩn chứa vẻ cảm thông, chia sẻ. Hình như Đệ cũng hiểu ra điều đó, mạnh dạn đưa tay đỡ túi hàng từ Thương. Cùng lúc, Thương cũng buông tay, túi hàng chuyển sang tay Đệ. Không ai nói gì thêm, họ thản nhiên đi bên nhau ra khỏi cổng chợ. Trên đường trở về nhà, mối quan hệ giữa họ dần trở nên thân thiện và từ những câu chuyện bâng quơ không đầu cuối, Thương thấy nảy nở trong lòng mình hình ảnh Đệ gắn bó, không gặp sẽ nhớ, không được nghe những lời nói vụng về, thiếu rõ ràng mạch lạc của Đệ sẽ cảm thấy thiếu hụt, trống trải... Cũng từ ngày đó, Thương lấy cớ khi mớ rau, lúc nải chuối, hoặc bắp ngô... Với lý do "Cây nhà lá vườn" đem biếu ông bà Huynh và đã có lần mạnh dạn nhờ Đệ đến thay hộ tấm ngói lợp nhà bị hỏng hoặc sửa lại hàng rào do mưa bão làm đổ. Dần dà mối quan hệ giữa Thương và Đệ trở nên sâu sắc, gần gũi. Ông bà Huynh cũng đã tính đến việc tác hợp cho mối tình giữa đứa con trai xấu xí với người đàn bà lỡ dở tình duyên, nặng gánh trên vai bởi hai đứa con, một hư hỏng, một yếu hèn.
Chiều mùa hạ, nắng gắt gao làm cho những tàu cau, tàu chuối như héo rủ. Gà mẹ dẫn đàn con mới nở vào tránh nắng ở góc vườn. Đôi cánh gà mẹ hình như đang cố xòe rộng để tạo ra bóng râm chở che cho những đứa con nhỏ, chân còn non nớt, yếu mềm. Đệ mặt mũi, đầu tóc nhễ nhại mồ hôi, đang cố sức nâng tấm phên vách đan bằng nứa thay thế bức tường vôi rơm vừa bị đổ ở phía chái bếp nhà Thương thì nghe tiếng quát tháo, hăm dọa dữ dằn của tốp thanh niên mặt mũi bặm trợn đang từ cổng tiến vào nhà. Thằng Mong vai và cổ xây xát, rớm máu, quần đùi, áo may ô, đầu trần, chân đất bị hai thanh niên cao to xốc nách, kéo lê xềnh xệch. Một thằng vẻ như là đầu sỏ, hai mắt trắng dã, môi thâm, khuôn mặt lưỡi cày, râu ria lởm khởm, giọng hách dịch:
- Ông là bố nó phải không? Hai trăm triệu, nộp ngay nếu không muốn nó bị cắt gân!
Vừa lúc đó Thương hớt hải từ cổng chạy vào, mặt cắt không còn giọt máu, quỳ xụp xuống, chắp tay van xin lũ đầu trâu mặt ngựa:
- Tôi xin các anh, tha cho nó, nợ nần bao nhiêu tôi sẽ bán nhà, bán đất trả đủ.
Nhìn Thương nước mắt lưng tròng, chân tay run rẩy, Đệ giậm chân, dướn người vung cao chiếc vồ đóng đầu cột, quát lớn:
- Lũ ăn cướp, chúng mày muốn ch... ết phải kho... ông... ?
Bọn đầu gấu bị bất ngờ, tất cả giật lùi ra cổng, cùng lúc đó có tiếng còi của tổ bảo vệ dân phố và công an khu vực. Chúng và Mong đều bị đưa lên đồn công an để làm rõ sự việc.
Còn lại hai người, Đệ đỡ Thương đứng dậy rồi cùng đi vào nhà. Nắng chiều hè chênh chếch, hai bóng người một cao một thấp đổ dài trên sân. Thương tựa hẳn vai vào người Đệ, bước thấp bước cao đến bên chiếc ghế ba nan cũ kê ở góc hè và ngồi xuống.
Mới thoáng đấy mà đã một năm. Thằng Mong với lũ thanh niên hư hỏng cùng chịu án mười hai tháng đi cải tạo vì tội cờ bạc gây mất trật tự trị an trở về. Nhìn con phần nào có sự thay đổi tính nết Thương thấy mình như được an ủi, giảm bớt nỗi đau. Nơi đầu tiên Thương nhắc con phải đến thăm và nói lời cảm ơn là gia đình ông bà Huynh và chú Đệ. Bởi trong những ngày nó sa vào vòng lao lý, mẹ và em được ông bà Huynh chăm sóc, hỏi han. Không những thế mà còn tạo cho công ăn việc làm ở nơi trang trại. Nhờ có chú Đệ mà mẹ nó trở nên thành thạo với việc chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt thằng Mong còn biết chú Đệ rất thương yêu, tôn trọng mẹ nó và coi con Nhớ tật nguyền như con gái mình. Đã mấy lần chú Đệ ngỏ lời cầu hôn nhưng mẹ nó còn lưỡng lự, bảo đợi nó về để hỏi ý kiến.
Còn với thằng Mong, cảm nhận lần đầu tiên được gặp gỡ, chuyện trò với chú Đệ nó rất ấn tượng. Chú là người tuy hình dáng bên ngoài nhìn cũ kỹ, có phần thô kệch, dữ dằn, nhưng tính tình rất tốt, sống độ lượng, bao dung, hết lòng giúp đỡ những người nghèo khó, sẵn sàng quyết liệt với những kẻ bạo ngược, hung hãn. Chẳng thế mà khi chú gợi ý sẽ thuê nó bảo vệ, chăm sóc đồi cây và phụ giúp chú ở khu chăn nuôi lợn, gà nó đồng ý nhận lời ngay. Nó rất xúc động khi được chú Đệ xiết chặt tay rồi ôm nó vào lòng. Hôm ấy là buổi sáng mùa thu trời cao trong, xanh ngắt, điểm xuyết những đám mây trắng như bông lặng lờ trôi. Nắng thu vàng nhạt, sóng sánh, lung linh trên những tàu cau, tàu chuối mỗi khi một làn gió mỏng sẽ sàng lướt qua tạo không gian thanh bình, yên ả. Tâm trạng nó xốn xang khi nghĩ tới ngày mai, ngày nó được sống trong gia đình ấm êm, hạnh phúc …
Q.B