Ký của Nguyễn Tâm
Trong lần về thăm cách đây tròn 5 năm, tôi được chứng kiến một Đại Lịch đang rạo rực khí thế thi đua chạy nước rút trên chặng đường về đích xây dựng nông thôn mới. Lần này trở lại, tôi gặp một Đại Lịch nông thôn mới đã và đang từng ngày khởi sắc. Phố xá sầm uất, nhộn nhịp, đường bê tông trắng xóa, uốn lượn vào từng ngõ xóm. Những ngôi nhà xây to đẹp, khang trang đã xóa đi dấu vết của những mái nhà lá bé nhỏ. Khu chợ trung tâm thay vì bịt kín cả lối vào Trụ sở ủy ban xã thì nay đã được chuyển đến một khu đất riêng biệt, rộng rãi cách đó không xa. Có lẽ hôm nay là phiên họp chợ chính nên mới sáng sớm, những chiếc xe tải nhỏ, xe máy chở lặc lè hàng hóa từ khắp các ngả đường hối hả đổ về chợ. Từ xa nhìn lại, cả khu chợ như một rừng hoa muôn sắc màu đang lay động, rung rinh trong nắng sớm. Vì đã hẹn trước nên vào ủy ban, tôi đến thẳng phòng Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Hữu Lợi. Vẫn là cảnh quan ấy, vẫn là những con người ấy mà lần này gặp lại, tôi không còn thấy nét đăm chiêu, căng thẳng, lo lắng của 5 năm về trước. Đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay rất chặt, anh Lợi phấn khởi trao đổi nhanh thông tin về Khe Đồng trước khi đưa tôi xuống thăm thôn. Anh bảo: “Nói về điển hình, tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hay Dân vận khéo thì nhiều năm nay, Khe Đồng luôn là đơn vị đi đầu của xã. Từ những ngày đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, dù đời sống còn rất nhiều khó khăn nhưng Khe Đồng đã có được sự đồng thuận, đoàn kết và chung tay vào cuộc rất cao của nhân dân trong thôn. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, Khe Đồng đã vận động nhân dân trong thôn đóng góp làm mới hơn 2,8km đường bê tông; 2,1km đường cấp phối với tổng trị giá 2,2 tỷ đồng, trong đó vận động nhân dân đóng góp hơn 1,7 tỷ đồng; Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn trị giá 28 triệu đồng; 98% đường ngõ xóm được nhân dân bê tông hóa. Quan tâm đến vệ sinh môi trường, thôn xây dựng những khu xử lý rác tập trung như: xây dựng các hố chứa rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng, 95% số hộ đào hố hoặc xây dựng khu xử lý rác thải của gia đình, công tác tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm hàng tuần được duy trì phát huy khá hiệu quả, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ năm 2008, thôn đã xây dựng được hương ước và ra mắt xây dựng làng văn hóa, nhân dân phấn khởi yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo từ 12,64% (năm 2016) đến nay còn 2,69%, tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa hàng năm là 89%, trong đó hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền là 84%. Sau khi xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng năm, nhân dân trong thôn vẫn tiếp tục tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình của thôn như làm đường giao thông, hội trường thôn. Không chỉ giữ vững thôn đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới mà Khe Đồng còn đang phấn đấu là thôn đạt các tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021...
Lãnh đạo xã và thôn Khe Đồng trao đổi với bà con về mô hình phát triển kinh tế
“Có được kết quả này, công đầu phải kể đến là sự nhạy bén, quyết liệt của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là vị trưởng thôn luôn hết lòng tận tình và tâm huyết với bà con trong thôn. Trong mọi công việc, ông luôn có những cách làm hay, mới và đặc biệt hiệu quả, tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân...”- Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Hữu Lợi nhấn mạnh rồi nhanh tay sắp xếp tài liệu trên bàn làm việc để đưa tôi xuống thôn.
Mải nghe chuyện về Khe Đồng và người Trưởng thôn nhiệt tình, tâm huyết mà tôi quên bẵng đi những thắc mắc về cái tên thôn “Khe Đồng”. Chỉ đến khi anh Lợi đưa tôi xuống đến đầu làng Khe Liền, rồi lại gặp được ông Tạ Quang Đoàn, người Trưởng thôn của Đồng Mè mà tôi từng biết 5 năm về trước thì tôi đã tìm được cho mình lời giải đáp. Hóa ra cái tên Khe Đồng là kết quả của việc thực hiện sáp nhập 2 thôn Khe Liền và Đồng Mè làm một từ đầu năm 2019theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của tỉnh. Giới thiệu thêm về cái tên Khe Đồng, ông Đoàn và anh Lợi cùng tỏ vẻ hào hứng, tự hào khoe với tôi: “Cái tên Khe Đồng nghe thì có vẻ đơn giản, chỉ là ghép 2 từ đầu của tên 2 thôn cũ lại nhưng cũng phải trải qua bao suy tư, đắn đo, bàn bạc mới thống nhất được. Khi bàn để thống nhất tên cho thôn mới, chúng tôi có xin ý kiến tư vấn của Nhà văn Hà Lâm Kỳ- một người con nặng lòng với quê hương Khe Liền, với Đại Lịch. Nhà văn Hà Lâm Kỳ đã nêu lên cái tên Khe Đồng và phân tích rằng, thứ nhất, Khe Liền được hình thành tên làng Bản Liền khoảng giữa thế kỷ XIX, còn Đồng Mè ra đời sau, có tiền thân tách ra từ làng Thanh Bồng, đến nay được khoảng 90 tuổi; Thứ hai, con suối chảy dọc xã Đại Lịch khởi nguồn thừ Khe Cái (làng Khe Liền), được hàng chục dõng khe hợp lại thành con suối làng Khe Liền, chảy qua làng Đồng Mè đổ ra Thanh Bồng, Khe Tú về Bằng Là, tuôn ra Ngòi Lao; Thứ ba, cái tên Khe Đồng vừa cảm giác khỏe mạnh, vừa cảm giác vững chãi và luôn gợi nhớ cho các thế hệ con cháu hai làng Khe Liền- Đồng Mè. Ý kiến của Nhà văn cũng trùng với ý kiến của nhiều lão niên trong hai làng và được sự đồng tình rất cao của bà con 2 thôn. Bởi thế, cái tên Khe Đồng chính thức được hình thành và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2019.
Ngày đầu mới sáp nhập, điều khiến lãnh đạo xã và nhất là ông Đoàn lo lắng, băn khoăn nhất là làm sao tập hợp, gắn kết người dân 2 thôn lại thành một khối thống nhất. Bởi từ xưa đến nay, đồng bào ở nơi đây vốn sinh hoạt theo hình thức làng bản, mỗi làng có một quy ước, tập quán riêng nên muốn đưa họ về chung trong một cộng đồng là điều rất khó. Đó là chưa kể địa bàn thôn khá rộng (có chiều dài gần 7 cây số), dân cư thưa thớt, trình độ nhận thức còn chưa đồng đều… Những cái khó ấy không những không làm vị trưởng thôn già chùn bước, mà càng thôi thúc ông phải nhanh chóng tìm ra giải pháp, xứng đáng với niềm tin bà con đã trao gửi cho ông. Giữ vững lập trường quan điểm trong suốt hơn 20 năm làm công tác Trưởng thôn, bất cứ công việc nào, dù lớn dù nhỏ đều phải có sự định hướng và trở thành Nghị quyết của Chi bộ Đảng. Khi nhiệm vụ đã được thống nhất bằng Nghị quyết thì vai trò của người đảng viên cũng được phát huy, mỗi đảng viên luôn là người nắm rõ nhất chủ trương và phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cho quần chúng nhân dân xung quanh mình, vào đến cuộc họp với dân dứt khoát chỉ được bàn làm, không được bàn lùi. Cho nên hễ nhận được nhiệm vụ nào là ông đề nghị Bí thư Chi bộ cho họp để bàn bạc, cùng tìm ra giải pháp thực hiện, thống nhất đưa vào Nghị quyết và cũng chính bởi thế mà nhiệm vụ của ông không bao giờ thất bại. Cùng với đó, ông Đoàn cho thành lập 9 nhóm tự quản ở 9 khu dân cư ngay từ khi mới sáp nhập thôn. Các nhóm tự quản không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ ông trong việc xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề, công việc nhỏ trong dân, mà còn tạo được sự đồng thuận, đoàn kết cao trong cộng đồng dân cư.
Là một cán bộ ngành Kiểm lâm, cả cuộc đời gắn bó với công việc nông lâm nghiệp nên ông Đoàn hiểu được những khó khăn của bà con. Trở về địa phương từ những năm 1990, được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ông Đoàn càng thêm đau đáu, trăn trở tìm cách giúp bà con có được cuộc sống ấm no bằng chính nghề nông, lâm nghiệp truyền thống của quê hương mình. Khi chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai về xã, ông Đoàn mừng như bắt được của. Dù biết bà con mình còn nghèo, việc vận động đóng góp xây dựng là rất khó, nhưng xác định muốn phát triển được kinh tế thì trước tiên đường xá đi lại phải được nâng cấp, cải tạo nên ông vẫn mạnh dạn xin xã được đầu tư làm đường. Để thuyết phục được bà con, ông thường xuyên tổ chức họp dân để bàn. Trong mỗi cuộc họp, ông luôn đưa ra những dẫn chứng cụ thể, gần gũi với chính cuộc sống của dân, nào là những đám cưới, đám hỏi rơi vào cảnh dở khóc, dở cười vì đường trơn, lầy lội mà cô dâu, chú rể, những nam thanh nữ tú bưng tráp lễ và khách khứa phải lội bùn đi bộ hàng cây số, lấm lem, nhếch nhác như đi lội ruộng; nào là cây keo, cây quế, quả cam, quả bưởi, con lợn, con gà của nhà ông A, bà B không bán được chỉ vì đường vào nhà khó quá, không có ai vào mua… Mưa dầm thấm đất, kiên trì vận động cuối cùng năm 2013, tuyến đường bê tông đầu tiên của thôn cũng được hoàn thành. Khi làm đường, vai trò chủ thể của người dân được phát huy cao, việc gì bà con cũng được biết, được bàn và được trực tiếp tham gia nên rất phấn khởi. Con đường bê tông đầu tiên được hoàn thành chính là sự khởi đầu của cả một phong trào xây dựng đường giao thông rầm rộ ở Khe Đồng và các thôn khác trong xã. Cái lợi mà bà con được hưởng đã rõ ràng như ban ngày, đường làng sạch sẽ, đi lại thuận tiện, đời sống, sinh hoạt ngày càng được nâng lên, người Khe Đồng không cần đợi vận động mà đã chủ động xin được làm đường. Cái khó ló cái khôn, kinh tế còn nghèo, ngay một lúc mà phải đóng góp một khoản tiền lớn để làm đường là điều rất khó với bà con nông dân. Ông Đoàn cùng bà con trong thôn lại nảy ra ý tưởng góp gió thành bão, gây quỹ làm đường, mỗi tháng nộp một ít rồi gửi tiết kiệm vào Ngân hàng. Đợi khi được cấp trên duyệt cho làm đường là rút quỹ ra, thiếu bao nhiêu thì đóng góp thêm. Xác định sẽ còn nhiều tuyến đường phải làm, bà con trong thôn còn góp tiền mua cả máy trộn bê tông, vừa chủ động, vừa tiết kiệm được chi phí. Chuyện làm đường trở nên đơn giản hơn, xóm nào, ngõ nào cũng muốn được bê tông hóa; gia đình nào cũng muốn trải bê tông vào đến tận sân. Vậy nên đến giờ, có 100% đường làng, ngõ xóm của Khe Đồng đã được bê tông hóa.
Là người luôn rạch ròi, minh bạch trong tất cả mọi việc, nhất là những việc liên quan đến tiền nong, thu nộp của bà con cho nên suốt hơn 10 năm nay, ông Đoàn luôn được nhân dân tin tưởng và Khe Đồng vẫn luôn giữ vững vị trí đứng đầu trong thu nộp ngân sách của xã. Nhắc đến thành tích trong việc thu nộp ngân sách, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Hữu Lợi vui vẻ nói như khoe với tôi: “Bác Đoàn không xuất thân từ quân đội nhưng làm việc kỷ luật, thưởng phạt rõ ràng, phân minh lắm. Chỉ là việc thu các khoản quỹ đóng góp đầu năm thôi nhưng bác ấy cũng đề nghị đưa vào Nghị quyết Chi bộ. Những khoản quỹ phải thu không bao giờ là con số của xã giao xuống, mà thường được nâng lên ít nhất 50.000 đồng/ hộ, đồng thời quy định luôn thời gian thu nộp. Số tiền 50.000 đồng được quy định đưa vào quỹ thi đua khen thưởng của thôn. Hộ nào nộp đúng hoặc trước thời gian quy định sẽ được thưởng luôn 20.000 đồng, có nghĩa là ngoài khoản đóng vào quỹ của xã, sẽ chỉ phải nộp thêm 30.000 đồng vào quỹ thôn. Trái lại, nếu hộ nào nộp chậm dù chỉ một ngày thì không những sẽ phải nộp đủ mà còn bị phạt thêm 20.000 đồng. Việc thu nộp chỉ diễn ra trong thời gian quy định và được thực hiện tại Nhà văn hóa của 2 làng. Người nào nộp muộn phải đến tận nhà Trưởng thôn để vào sổ sách đầy đủ. Chỉ như vậy thôi nhưng cũng tạo thành cái lệ, cứ đến ngày là bà con bảo nhau răm rắp thực hiện. Bởi thế nên năm nào Khe Đồng cũng là thôn hoàn thành thu nộp sớm nhất xã. Nhiều thôn trong xã thấy cách làm hay cũng đã học theo, nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào làm được”.
Sau 5 năm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Khe Đồng không chỉ làm tốt công tác duy trì các tiêu chí, cùng với xã xây dựng xã nông thôn mới bền vững mà còn tích cực phấn đấu xây dựng thôn trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy truyền thống cách mạng, luôn đoàn kết, yêu thương, gắn bó, bảo bọc lẫn nhau, người Khe Đồng giờ đây không chỉ biết chăm chỉ làm ăn, mà còn giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Những người làm cán bộ thôn, là đảng viên, hay các đoàn thể được nhân dân tín nhiệm trao gửi niềm tin như ông Đoàn thì phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hô hào, vận động, tập hợp nhân dân; còn những người dân cùng là cựu chiến binh, cùng là chị em phụ nữ hay cùng là những người nông dân thì cùng nhau góp công, góp của, san ngọt sẻ bùi. Trong câu chuyện của mình, ông Đoàn có chia sẻ với tôi rằng, nhiều khi chỉ là mảnh ruộng bé thôi mà có đến 15, 20 chị em phụ nữ được huy động để cấy giúp một chị em có hoàn cảnh khó khăn; hoặc có những khi cả một tổ cựu chiến binh được huy động để giúp một gia đình chính sách neo đơn lấy củi, phát rừng... Nhờ thế mà Khe Đồng giờ đã không còn hộ nào phải thiếu đói; các mô hình phát triển kinh tế ở thôn ngày càng nhiều, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt hơn 30 triệu đồng/ người/ năm; tổng số hộ nghèo trong thôn còn 5 hộ thì có tới 4 hộ là người già neo đơn, còn 1 gia đình do chủ hộ có sức khỏe yếu, nhưng cũng đang phấn đấu thoát nghèo trong năm nay. Còn về đời sống tinh thần thì khỏi phải nói, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã trở thành phong trào sôi nổi ở trong thôn. Tối tối, các sân bóng chuyền hơi của thôn đều rôm rả, sáng đèn đến tận 22 giờ còn chưa muốn nghỉ...
Theo kế hoạch, Khe Đồng sẽ trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021. Thực tế tại thời điểm này, cả 5 cụm tiêu chí đều đã đạt và vượt so với yêu cầu, song tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn đều thống nhất chưa đề nghị cấp trên công nhận. Bởi Khe Đồng vẫn muốn phấn đấu hơn nữa để các cụm tiêu chí đạt cao hơn, để Khe Đồng trở thành một nông thôn mới kiểu mẫu thực sự bền vững, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
N.T
Tin khác