Truyện ngắn của DƯƠNG THU PHƯƠNG
Mưa rỉ rắc rồi đột ngột chuyển lớn, những hạt mưa từ tấm bro xi măng khô khốc cong vênh văng từ mái nhà va vào tay Hiên sắc như vết cắt thủy tinh. May mà thằng bé đang ngủ bên ông bà ngoại.
Tấm lưng dán lên trên chiếu sau một ngày còng lưng phơi ván, thu ván và trồng sắn trên đồi keo. Nhưng mắt thì không tài nào nhắm được.
Gió thông thống thổi từ tất cả các vách của ngôi nhà vốn thiếu hơi người càng trở nên rờn rợn. Những gốc củi cháy dở từ những hôm trước vẫn đang lăn lóc ở xó nhà. Cô cố tình để nơi có thể chạm tay nhanh nhất để ném mạnh vào những gã đàn ông đi đặt ống trúm lươn, hay cố tình đi soi ếch, nhái vào những ngày mưa gió để vào nhà.
Hiên trở dậy, nhón tay thắp một nén hương lên ban thờ cho chồng và nhóm một bếp củi. Tiếng mưa, tiếng gió và giọt sáng lấp lóe khiến Hiên sợ hãi. Chính bố đẻ Hiên với kinh nghiệm của người đàn ông đã qua 70 tuổi đã làm cái bếp giữa nhà này và dạy cho Hiên cách vừa làm ấm căn nhà vừa để tự vệ bản thân như thế này.
Hiên cời mãi, đốt hết cả bó đóm, dồn sức thổi đến nóng ran cả mặt nhưng lửa vẫn không lên nổi ngọn. Tự nhiên tủi thân, nước mắt Hiên cứ thế tuôn ra, hai bầu vú căng tròn rung lắc trên cánh tay đang ôm trước ngực. Gió rít từng cơn, cây vặn mình kêu răng rắc. Ánh chớp lóe lên phía chái nhà, con gà trống vỗ cánh bành bạch rồi kêu lên thảng thốt.
Hiên nhớ chồng cồn cào xen nỗi giận vô cớ, giờ này anh đang nơi đâu, một hũ tro nắm đất cho anh, một tiếng khóc đưa tiễn Hiên cũng chẳng có được thì làm sao Hiên cho phép mình tin là người chồng trách nhiệm và cần mẫn của mình đã không bao giờ còn có thể trở về nhà. Dự thương Hiên là thế, mong con đến vậy, sao nỡ ra đi không một lời từ biệt? Cô cũng muốn rít lên như gió.
Khi bụng Hiên chửa lên vượt mặt, Dự vẫn muốn dứt áo ra đi. “Bạn anh bảo trong đó đang cần người. Chịu khó tăng ca tháng cũng được 9, 10 triệu chứ chẳng đùa. Người ta còn đi xuất khẩu lao động tận trời tây cơ mà”. Dự nói câu nào Hiên cũng thấy đúng mà sao cô không thể ngước nhìn thẳng vào mắt anh được. Đầu ong lên và cặp mắt, khuôn mặt thì chỉ dán vào chiếc bụng nổi vồng lên sau áo. Ai cũng bảo, có thai không được buồn và khóc, sẽ ảnh hưởng đến em bé. Dự cũng nói với Hiên như vậy nhưng ngọn gió rào rạt từ dãy chuồng lợn bỏ không cứ như dồn hết sức nóng và mùi hôi thối tạt vào mặt Hiên ép cho hàng nước mắt chảy ra và kéo cho khuôn mặt Hiên lúc nào cũng nặng trĩu. Tiền vốn vay từ ngân hàng chính sách huyện, tiền cám từ các cửa hàng, rồi tiền chuồng trại. Những con số cứ chạy dài rối rắm trong cuốn vở ô ly Dự vẫn dắt trên cột giữa nhà như có chân cứ mải miết theo Hiên không biết mệt. Hàng chữ số không mệt, Hiên cũng không được mệt. Cô còn phải trèo đồi lên nương. Bước đi đã nặng nề nhưng không thể để Dự đi một mình được. Đàn ông mạnh mẽ đâu không thấy chứ nhìn vào mắt Dự lúc nào Hiên cũng thấy một bóng đen hun hút, vô định, anh còn yếu đuối và sợ cô đơn hơn cả cô. Ngày người ta mang đàn lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi đi tiêu hủy, Hiên gào lên muốn mình cũng nằm trong những bao tải ấy mang đi luôn. Nhưng Dự thì không, vẫn chôn chân ở đó, không nhúc nhích không xin xỏ, níu kéo. Có lẽ nào anh không nhìn thấy những gì cô thấy, là đàn lợn kêu rống lên rồi chìm dần, chìm dần, là chính bàn tay Dự ném tiền vào đống lửa như người ta đốt vàng mã, ngọn lửa bốc cao cháy rực cánh tay Dự, rồi nổ tan như pháo. Hiên run trong cái lặng thinh của Dự.
Ngày nào người ngoài cửa hàng bán thức ăn gia súc cũng vào rồi ra. Căn nhà gỗ mới dựng trống hoắc, chống chếnh làm cho Dự không biết quay gương mặt ửng đỏ ấy vào đâu. Toàn bộ tiền của vợ chồng trẻ sau đám cưới, tiền vay từ ngân hàng chính sách huyện cho dự án khởi nghiệp, là tiền chuẩn bị cho Hiên sinh nở đốt cháy Dự từng ngày. “Có thể nào đợi em sinh xong”, ý nghĩ đơn giản ấy mà chưa bao giờ Hiên nói được thành câu hoàn chỉnh. Mà Hiên có muốn giữ Dự lại cũng chẳng được “Đã bảo đừng lấy đứa trẻ con, cứ thấy chồng hiền là nhõng nhẽo. Ngày trước chúng tao chửa 5, 7 đứa chẳng phải ai hộ hàng. Bây giờ nội đây, ngoại ngay đó, thích ở riêng có nhà riêng lại còn bày vẽ”. Bố chồng nhiều lần bảo mẹ chồng Hiên bớt lời, tự chúng nó có sắp xếp. Cũng không biết mẹ chồng cô còn nói nữa không nhưng đi đâu, làm gì đặc biệt là đối mặt với Dự trong đầu Hiên bùng nhùng những câu nói đó và ánh mắt như tia lửa rượt qua nhưng không ấm nóng mà lạnh buốt chạy dọc sống lưng.
Dự ở cùng với 2 người nữa trong căn nhà 10m2 có cả bếp để nấu. “Ở đây ai cũng ở như thế cả. Cũng không chật chội lắm vì mấy anh em đều tranh thủ tăng ca nên ít ở nhà. Về đến phòng trọ tắm táp qua loa rồi ném người lên tấm nệm trải giữa nhà. Không sao hết”. Ngày nào Dự cũng bảo Hiên như thế khi chiếc điện thoại lia sang những góc nhỏ lộn xộn trong gian phòng, thỉnh thoảng thấy Hiên đang nói rồi đột ngột dừng lại, Dự lại càng cố giải thích. Câu chuyện còn lại là Dự hỏi Hiên có bị mệt không, ăn uống có đảm bảo không? Còn bảo Hiên không phải lo đến các khoản nợ, sắp tới các đơn hàng tăng lên, thời gian tăng ca cũng nhiều. Mà dự thì thừa thời gian và sức khỏe. Không có Hiên ở đây, ngoài lúc đi làm, dự cũng chẳng biết làm gì. Câu chuyện thường chỉ kết thúc khi có vài người bất chợt đi qua màn hình, ngáp dài và mỏi mệt.
Phải hàng tháng nữa mới đến ngày dự sinh nhưng sao dạo này Hiên thấy mệt. Chiếc bụng kềnh càng đến trở mình cũng khó khăn nên cô thường mất ngủ. Có hôm mẹ đẻ Hiên bảo hay khuyên Dự về nhà, sắp đến mùa khai thác gỗ và trồng cây vụ mới, rất nhiều công việc cần lao động. Hiên cũng nhiều lần định mở lời nhưng nghe Dự kể về những đơn hàng mới, về những buổi tăng ca liên tục, về cách thức làm ăn dây chuyền, có hợp đồng hẳn hoi, không phải muốn là đến thích là đi. Với lại không phải là bên cạnh Hiên còn có cả hai gia đình nội ngoại sao?
Lâu lắm rồi Hiên không xem ti vi. Đến thở còn mệt nữa là ngồi mãi chỉ để nghe người ta nói. Nhưng khi nghe Dự nói, công ty phải đóng cửa, công nhân nghỉ không lương, nhưng tuyệt đối không được đi ra ngoài, vì như thế sẽ mang con Covid đi khắp mọi nơi. Trên đường đi làm về Hiên cũng gặp từng đoàn xe máy, gắn cái loa to đùng sau xe, ra rả nói về đại dịch, về truyền nhiễm, phải hạn chế đi ra khỏi nhà, với rất nhiều những việc cần làm để phòng tránh một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm. Ngày nào xe loa cũng nói về F này, F nọ, về truy vết, phong tỏa, về phạt người không chấp hành lệnh cấm…
Dự ở nhà nhiều hơn, gọi điện nói chuyện nhiều hơn. Căn phòng trọ 10m2, có trần lợp mái tôn lúc nào cũng như một chiếc chảo rang, Hiên cảm thấy sức nóng trên cả màn hình điện thoại. Thỉnh thoảng Dự lại dừng lại, xách xô đi hứng nước tạt lên các bức tường khiến từng mảng vữa bong ra, loang lỗ những vết cũ và mới.
Dạo này Hiên mệt, có nằm xuống cô cũng không ngủ được, hình ảnh những vết bong tróc cũ và mới trên bức tường cứ lởn vỡn trong đầu khiến cô cảm thấy bất an. Mẹ chồng có hỏi đến cô cũng chẳng thể nở nụ cười trên mặt. Không chợ búa, không đi được đâu, bà mẹ chồng chỉ có thể đi qua đi lại trước nhà Hiên. Hết quát lũ gà ăn tốn bao nhiêu là ngô mà không biết đẻ trứng, lại cau mày nhớ xem hôm đầu năm đi lễ lời cầu xin có rành rọt không có lỡ quên gì không. Từ ngày biết Dự không thể đi làm, cũng không thể về nhà, bà như thân cây ngô bị người ta bẻ bắp, khô quắt và xác xơ. Hai người đàn bà thường va vào nhau trong sự im lặng và cam chịu.
Dự vẫn còn một ít tiền, muốn gửi về nhà cho Hiên sinh nở. Anh bảo thế nhưng Hiên gạt đi. Biết bao giờ mới đi làm lại, anh vẫn cần chi tiêu. Hễ cứ nghe ở đâu có đoàn xe thiện nguyện mang đồ ăn thức uống vào tâm dịch là ông bà lại có thêm tia hi vọng. Hôm trước Hiên nghe tin có người trốn lần theo hằng trăm km đường rừng, về gần đến nhà thì ngủ lại trên chòi người dân dựng tạm để trú khi đi bẫy chim, bẫy thú rừng. Cũng không biết ăn uống như thế nào nhưng hẳn nó phải tốt hơn căn nhà chưa đầy 10m2 cách nhà hàng nghìn cây số. Hiên đã mong đó là Dự, cô đã định đi thăm dò xem hành trình đó trải qua những gì? Dù biết là không đúng, là trái với quy định mà mấy cái xe loa thường ngày vẫn oang oang nhưng Hiên vẫn muốn biết để có thể kể cho Dự nghe. Cô không hỏi được, cái bụng đã sụt hẳn xuống, vướng vào hai chân khiến cô di chuyển khó khăn. Với lại, Hiên phải tập trung theo dõi, tự chuẩn bị mọi thứ cho cả bây giờ và ngày sinh. Người ta nói với Hiên, vì công tác phòng dịch nên các bác sĩ, y tá bị điều đi phân nửa. Ưu tiên lắm như đối với phòng sinh cũng chỉ được một người nhà thăm nom chăm sóc cho cả mẹ và con. Không nhìn thấy dịch đâu nhưng người ta đã nói như thế chắc chắn là như thế, không thể làm khác được. Liên tục sau đó, cuộc trò chuyện của hai vợ chồng ngắt quãng bởi những cơn ho kéo dài của Dự. Rồi nóng lạnh, rồi tiêu chảy, rồi khó thở… Hiên hoảng loạn đến mức cô ngất ngay sau khi sinh con. Thằng bé khóc ngặt vì khát sữa. Ba người nhà họ tạm quên nhau đi với những vật vã, đau đớn riêng.
Mẹ con Hiên về nhà, bốn con người co cụm vào nhau. Tiếng thằng bé khóc là thứ âm thanh duy nhất thay cho tiếng tivi, bố chồng Hiên đã đập nát sau một cuộc điện thoại. Thành phố ma quỷ, nơi cả nhà chồng và nhà đẻ Hiên chưa một lần ghé qua trở thành nỗi đau quặn thắt. Không ai đặt bẫy, không ai chăng giây mà giờ đây những cây gai nhọn với mũi tên tẩm thuốc độc như đang cắm trên da thịt, trong đầu của những người nhà Hiên. Cây bạch đàn xoan to nhất đồi, phía sau nhà bỗng nhiên bị sét đánh đỏ rực, cháy trụi. Hôm người ta ngả xuống hình như Hiên nhìn thấy dòng nước đỏ bầm như máu loang ra rồi thấm nhanh vào đất.
Hiên mang thằng bé về lại căn nhà của mình, mẹ chồng Hiên lên cơn co giật với mọi âm thanh mạnh và cũng không chịu nổi tiếng thằng bé khóc. Bố chồng thì nói với Hiên từ đằng sau, một ngày nào đó ông sẽ vào thành phố mang Dự về. Người ta đang để Dự lại ở một ngôi chùa nào đó cùng với nhiều người vô gia cư bị chết vì covid. Căn nhà gỗ thông thống. Giường hai mẹ con ngay bên cạnh bàn thờ dành cho người mới. Trong những đêm ôm con không ngủ, Hiên vẫn chăm chăm nhìn vào giọt đỏ le lói sắc lạnh và rất nhiều lúc như thế, Hiên không nghĩ gì.
Đêm nay, bên ngoài, gió vẫn rít lên từng cơn, thỉnh thoảng lặng đi một giây rồi dồn sức thúc mạnh vào chái nhà nghe rõ tiếng nứt toác của khối bê tông ở khu chuồng trại. Không thấy đau, không thấy lạnh cũng chẳng thấy sợ hãi, Hiên thấy mình nổi lên trong dòng nước đỏ ngầu, nhưng không rác rưởi, hôi thối mà rất êm, xung quanh còn có những bông hoa tím rịm mà cô chưa thấy bao giờ. Bất chợt tay cô chạm vào một bàn tay, Hiên rụt tay ngay sau đó nhưng cũng thoát hẳn khỏi những mê man. Không biết mơ hay tỉnh nhưng khoảng khắc đó rất chân thật, giống như cánh tay chiều nay vừa mới cho cô bám vào để vượt qua con suối lũ. Anh ta chính là người đàn ông vi phạm lệnh cấm cách ly để đi bộ đường rừng và dừng lại đây nơi có lán trọ bỏ hoang để bẫy chim và săn thú, nuôi ong lấy mật. Hiên vẫn nhớ, anh ta chắc chắn, vững chãi và bình tĩnh, giống như anh đã đứng đó từ rất lâu trước khi cơn mưa lũ về. Bình yên như những ngày Dự đưa Hiên qua suối.
D.T.P
Tin khác