Ký của NGUYỄN PHƯƠNG THÙY
Trong tiết thu tháng 11 tôi trở lại Làng Nhì, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu. Những cô giáo mầm non đã qua thời xuân sắc nhưng nụ cười vẫn luôn rạng rỡ, một mình một xe chèo lái chuyên nghiệp qua những khúc cua tay áo, hay những đoạn đường gập ghềnh đang thi công dở. Mặc dù con đường bê tông huyền thoại vươn thẳng lên đỉnh núi đã giúp các thầy cô giáo về Làng Nhì gieo chữ không còn cảnh phải trèo đèo lội suối cuốc bộ đường rừng, hai tay bám cây chân trèo đá về nơi rừng xanh núi đỏ gieo chữ nhưng trong những ngày mưa đầu thu vẫn như thách đố những tay lái đường rừng. Vậy mà suốt chặng đường đi cô giáo Nguyễn Thị Thanh ở điểm trường Đề Chơ xã Làng Nhì vẫn ríu rít chỉ cho tôi những cảnh đẹp hùng vĩ của miền đất này đang làm say lòng du khách.
Đây những rừng hoa xuyến chi nở trắng muốt, chạy dài miên man, bung ra hương sắc của vùng cao giản dị, trong sáng mà mê đắm lòng người, đây những triền đồi ngập màu tím đỏ của hoa mào gà đơn và hàng trăm các loại hoa rừng đang đua nhau khoe sắc. Trong tiết thu, chúng tỏa hương thơm dịu dàng xóa tan những bon chen đời thường nơi phố thị. Và bất giác tạo nên những hạnh phúc giản dị mà cao cả, đó là tình người, tình cô trò và sự hy sinh của những cô giáo mầm non đã dùng hết những năm tháng tuổi trẻ để gắn bó với mảnh đất này. Các cô cũng như những bông hoa rừng giản dị thanh khiết khiến bất cứ ai tiếp xúc cũng ngưỡng mộ luyến tiếc và bứt rứt trong lòng.
Qua những cung đường ngoằn ngoèo chúng tôi dừng lại ở điểm trường mầm non Đề Chơ, mái trường nhỏ giản dị giữa chòm dân cư quây quần ấm áp. Hơn 7 giờ sáng nhưng sương núi vẫn dày đặc bao phủ bản làng, những em bé 3- 5 tuổi ríu rít nô đùa ở sân dừng lại như bầy chim non chào cô giáo. Cô Thanh nhanh nhẹn đưa đám trò nhỏ đi rửa lại mặt buộc lại mớ tóc rối bù của đám trẻ.
Đám trò líu ríu chào tôi rồi túm tụm xung quanh cô giáo líu lo kể chuyện đúng như bầy chim rừng gặp mẹ. Cô Thanh cười bảo rằng cứ sau 2 ngày nghỉ hàng tuần lên với trò là y như rằng cái mặt chúng đã thay đổi. Ở nhà bố mẹ đi làm sớm nên không mấy để tâm đến mặt mũi quần áo đám trẻ. Cuộc sống đồng bào Làng Nhì khó khăn, cả thôn Đề Chơ 44 hộ thì cả 44 hộ nghèo nên đồng bào còn vất vả mưu sinh chưa có điều kiện chăm lo chu đáo cho đám trẻ. Cũng may các con còn có chế độ học tập nên bữa trưa được cải thiện về dinh dưỡng cô cũng vui lòng.
Những đứa trẻ như Hờ Thị Duyên, Hờ Thị Linh mới 5 tuổi nhưng kháu khỉnh thông minh. Các em lanh lẹ giúp cô giáo k&eci