Mùa xuân đi hội Dềnh của người Cao Lan

QUANG ANH

 

Mỗi độ xuân về, khi hoa đào còn khoe sắ c thắm trên khắp các miền quê núi, người Cao Lan ở huyện Yên Bình lại tổ chức hội Dềnh- một lễ hội truyền thống đặc sắc, độc đáo và có tính nhân văn cao của đồng bào. Theo quan niệm của cộng đồng người Cao Lan ở Yên Bình, lễ hội là dịp để ôn lại sự tích, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ con cháu và cầu cho bà con dân bản được bình an, làm ăn thịnh vượng. Hàng năm, vào ngày 10 tháng Giêng, đồng bào Cao Lan tổ chức hội Dềnh, khiến cho không khí vui xuân càng trở nên sôi động, náo nhiệt. Hội thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày.

Để chuẩn bị cho phần lễ của ngày hội, bà con trong thôn, bản nhà thì góp gạo, nhà thì góp thịt, hoa quả để sắm lễ cúng. Ngày 9 tháng Giêng, các cụ bô lão trong làng cùng thanh niên và con cháu ra đình mở cửa, quét dọn vệ sinh, sửa sang và thắp hương. Sau khi dọn dẹp và thắp hương, những người có mặt sẽ ở lại đình, buổi tối tổ chức ẩm thực, đàn hát và ngủ tại đình một đêm để tạo thêm sự ấm cúng cho ngôi đình. Ngày 10 tháng Giêng là ngày chính của hội, được diễn ra giữa sân đình. Từ sáng sớm, bà con trong bản kéo nhau tập trung ra đình để trang trí cờ hoa rực rỡ. Mọi người cùng nhau chuẩn bị, người gánh lễ, người đánh trống, thổi sáo, kéo nhị báo hiệu buổi lễ sắp bắt đầu. Khi lễ được cử hành, có 7 người được tham gia chủ lễ. Người chủ tế mặc quần áo dài màu đỏ, một người xướng tế, một người đọc văn tế và 4 người chấp sự mặc quần áo dài màu xanh. Bắt đầu nghi thức tế lễ, người xướng tế nghiêm trang trước đàn lễ, người ta sẽ đánh ba hồi trống, chiêng, báo hiệu một mùa hội bắt đầu, đồng thời đánh thức các vị thần linh ở ngũ phương về đình khai hội. Sau ba hồi trống, chiêng là phần tế nhạc của các chủ lễ. Phần nhạc kết thúc là đến lễ “kiểm soát lễ vật”, ông chủ lễ chính cầm đuốc soi và kiểm tra tất cả các lễ vật, khi thấy đủ lễ ông sẽ hô to “Lễ túc”. Sau phần kiểm tra sẽ là một loạt các nghi lễ khác diễn ra theo thứ tự từ lễ “Mao tuyết” đến lễ “Quán tổng”, lễ “Tửu tiến”, lễ “Nghệ hương án tiến”, lễ “Phân hiến”. Nội dung các cuộc tế lễ đều mang ý nghĩa chúc cho dân làng có được cuộc vui xuân trọn vẹn, có một năm mùa màng tươi tốt.

Kết thúc phần lễ là phần chính hội. Bước vào phần khai hội, ông chủ lễ tung những quả còn báo hiệu hội làng bắt đầu. Chiêng trống nổi lên, những quả còn tua dài màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng được tung ra và các nam thanh, nữ tú, các em thiếu niên đồng loạt lao vào cướp còn để vào cuộc đua tài, cùng nhau ném còn lên mặt nguyệt trên ngọn cây nêu. Đồng bào Cao Lan có quan niệm rằng “cái còn là cái không mất”, hình mặt nguyệt mang yếu tố âm (tức là trăng), sinh ra vạn vật; quả còn có nửa xanh, nửa đỏ tượng trưng cho đàn chim phượng hoàng bay lên mặt trăng để lấy lúa về làm giống ban phát cho dân làng. Quả còn nào ném trúng mặt nguyệt thì quả đó lấy được giống lúa về. Quả còn đầu tiên và các quả còn khác ném trúng, xuyên qua mặt nguyệt đều phải mang vào đình làm lễ tế và khấn hai vị thần để phát giống lúa cho dân trồng cấy, mong mùa về sẽ bội thu. Sau khi tế lễ xong, quả còn đầu tiên xuyên qua mặt nguyệt sẽ được đem ra sân để tổ chức hội thi cướp còn. Hội cướp còn diễn ra rất sôi nổi, các thanh thiếu niên tham gia hội thi tuân thủ theo tiếng trống hiệu. Cuộc thi diễn ra rất vui vẻ nhưng cũng không kém phần căng thẳng, kịch tính. Người nào giữ được quả còn trong tay mình đến phút chót, dứt hồi trống thì sẽ được công nhận là người cướp được quả còn năm đó. Người cướp được còn sẽ là người hạnh phúc nhất, gia đình yên vui, khỏe mạnh và may mắn làm ăn phát đạt trong năm. Ngoài ném còn, trong hội còn diễn ra các trò chơi dân gian khác như: đánh đu, chọi gà, chọi chim, câu cá, văn nghệ, bóng truyền, bóng đá, đánh quay, nhảy dây và các hoạt động giới thiệu ẩm thực. Ngoài ra, lớp trẻ còn được nghe các cụ già kể truyện ngày xưa, rồi cùng nhau hát sịnh ca.

Không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày hội diễn ra trong 1 ngày, có năm kéo dài đến 2 ngày. Hội Dềnh của người Cao Lan ở Yên Bình hiện vẫn còn lưu giữ được chất mộc mạc, nguyên sơ của hội làng truyền thống. Nghi thức ném còn chính là sự phát triển của nghi thức thờ mặt trời và thờ mặt trăng của cư dân nông nghiệp. Lễ hội còn thể hiện những lễ thức và câu chuyện của người Cao Lan đã có và lưu truyền từ xa xưa. Bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa lễ hội của đồng bào chính là góp thêm phần đặc sắc, phong phú vào kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam.

                                                                                                            Q.A

 

 

Các tin khác:

1-5 of 44<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter