Nghệ thuật múa Xòe của người Thái Tây Bắc

QUANG ANH

 

Múa Xòe là hình thức sinh hoạt dân gian truyền thống, có lẽ đã gắn bó với đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc từ thuở khai sơn khởi thủy. Xòe vốn là điệu múa dân gian được hình thành từ múa tín ngưỡng trong các nghi lễ, phần nào thể hiện quan niệm của người Thái về vũ trụ, về nhân sinh, thông qua các hoạt động nghi lễ. Sau nhiều quá trình biến đổi của lịch sử và đời sống xã hội, Xòe đã trở nên phổ biến, rộng rãi và gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào; trở thành hoạt động quan trọng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có sức hút mãnh liệt, thu hút mọi người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi tham gia. Nhất là những năm gần đây, với tính gắn kết cộng đồng cao và những giá trị trong cộng đồng người Thái cũng như các dân tộc anh em cùng chung sống, múa Xòe của người Thái đã nhanh chóng được khôi phục và không những không bị mai một như nhiều điệu múa truyền thống của nhiều dân tộc khác, mà nó còn âm thầm phát triển và ngày càng được nhiều cộng đồng biết đến và đón nhận.

Do sự giao lưu kinh tế- văn hóa giữa các địa phương ngày càng phát triển, đồng bào Thái ở các tỉnh Tây Bắc đã dần tìm hiểu để phục hồi các điệu Xòe truyền thống vốn đã bị mai một, lãng quên. Từ các điệu Xòe cổ còn được lưu truyền từ xa xưa, đồng bào đã sáng tạo và thực hành thêm nhiều điệu múa Xòe có sử dụng các phương tiện quen thuộc của người Thái để làm đạo cụ diễn xướng. Tên các loại đạo cụ đó trở thành tên gọi cho từng loại múa Xòe, theo những nội dung diễn xướng mang ý nghĩa nghệ thuật và giá trị văn hóa khác nhau.  Có 3 loại Xòe chính là Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe biểu diễn. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của đời sống cộng đồng, các tri thức của các mường đã sáng tạo thêm các điệu Xòe biểu hiện nội tâm phong phú của con người, một số điệu Xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai, Xòe tính tẩu. Theo nhiều tư liệu thống kê cho thấy, người Thái ở Tây Bắc có trên 30 điệu Xòe, nhưng đều bắt nguồn từ 6 điệu Xòe cổ, gồm: Xòe Khắm khăn mơi lẩu (Nâng khăn mời rượu), Xòe Phá xí (Bổ bốn), Xòe Đổn hôn (Tiến lùi), Xòe Nhôm khăn (Tung khăn), Xòe Ỏm lọm tốp mư (Vòng tròn vỗ tay) và Xòe Ỏm lọm khắm khăn (Nắm tay vòng tròn) và đến nay, người Thái ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái vẫn chủ yếu thực hành 6 điệu Xòe cơ bản này. Tuy nhiên, các động tác Xòe và các điệu Xòe đã được biến hóa từ những động tác chủ đạo thành những đường nét mới. Lớp thanh niên trẻ được truyền dạy nhưng khi thực hành đã đưa vào nghệ thuật múa Xòe sự năng động, sáng tạo, mang lại cho sinh hoạt Xòe những sắc thái mới, tiết tấu mới qua nhiều hình thức và điệu bộ.

Thực hành Xòe Thái luôn mang tính tập thể, được tổ chức ở hầu khắp các làng bản của người Thái cư trú. Nghệ thuật Xòe Thái ở Tây Bắc Việt Nam chủ yếu dành cho nữ, nhưng người tham gia thực hành Xòe Thái nói chung không phân biệt lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp, giới tính, địa vị xã hội và niềm tin tôn giáo. Mặc dù chủ thể của nghệ thuật Xòe là cộng đồng người Thái, song những năm gần đây, thực hành Xòe Thái không giới hạn trong cộng đồng một địa phương mà luôn sẵn sàng mời gọi người ở nơi khác hoặc các dân tộc khác cùng tham gia. Nghệ thuật Xòe được người Thái thực hành trong mọi cuộc sinh hoạt văn hóa, từ các lễ hội trong phạm vi gia đình như các nghi thức cúng vía “tám khuôn”, các lễ cúng ruộng “tám tế na”, cúng vía trâu “tám khuôn quai” hay các nghi thức khác liên quan tới thờ cúng tổ tiên và các nghi thức gia đình cho đến các lễ hội lớn mang tính chất cộng động làng bản như: Lễ xên bản, xên mường, xên hươn, Lễ hội cầu mưa, Lễ hội xuống đồng, Lễ hội xên lẩu nó, Lễ hội xé then, lễ “kin pang”, hội hoa ban…

Sự giao thoa văn hóa trong các lễ hội dân gian cùng với sự phát triển, hoàn chỉnh về mặt nghệ thuật của múa Xòe đã đưa Xòe Thái trở thành một điển hình của múa tập thể theo kiểu truyền thống, gắn kết và thêm thắt chặt mối quan hệ, tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Ngày nay, không gian thực hành nghệ thuật Xòe Thái ngày càng được phát triển và mở rộng, được tổ chức tại hầu khắp các làng bản của người Thái cư trú ở nhiều địa phương. Các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên) là nơi có cộng đồng người Thái cư trú đông nhất, trong đó có những địa bàn được coi là các trung tâm sinh hoạt Xòe như Mường Lò (tỉnh Yên Bái), Mường So (tỉnh Lai Châu), Mường Lay và Mường Thanh (tỉnh Điện Biên). Theo hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại tỉnh Yên Bái, Xòe thực hành tại 4 huyện, thị với 15 xã, phường và 102 thôn, bản người Thái. Tổng số người thực hành tại 180 đội văn nghệ là 1.200 người ở các lứa tuổi và thành phần khác nhau. Năm 2015, đã có 2 nghệ nhân ở thị xã Nghĩa Lộ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú là Lò Văn Biến và Điêu Thị Xiêng. Tỉnh Sơn La hiện có 1.471 người thực hành Xòe tại 119 thôn bản của 6 huyện, thị. Năm 2015, tỉnh Sơn La có 6 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân Xòe Thái. Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 1.200 người tham gia thực hành Xòe tại 100 đội văn nghệ thôn bản. Năm 2015, Lai Châu có 4 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tỉnh Điện Biên hiện có 1.273 đội văn nghệ thực hành Xòe Thái tại 150 thôn bản của 10 huyện, thị trong tỉnh. Tính đến tháng 8/2018, Điện Biên có 3 nghệ nhân Xoè Thái được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Với những động tác múa nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc, trang phục truyền thống tạo cho Xòe trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Ngày nay, với sự nỗ lực trong việc trao truyền cho lớp trẻ của các thế hệ cao niên của đồng bào Thái, ý thức của cả cộng đồng cùng sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các địa phương và Nhà nước trong việc bảo tồn, duy trì và khai thác các hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống nói chung, múa Xòe nói riêng, Xòe Thái đã trở thành một thứ tài nguyên văn hóa để cộng đồng người Thái góp phần phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và quan hệ giao lưu với các dân tộc anh em, trong và ngoài nước; đồng thời góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian, đóng góp cho quá trình sáng tạo, đa dạng hóa nguồn vốn di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

                                                                                                        Q.A

 

 

Các tin khác:

1-5 of 44<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter