Truyện ngắn của Dương Thu Phương
Hảo kể với mọi người rằng, hôm vừa rồi cô đã đi xem hí kịch. Vé không rẻ, mọi thứ chuẩn bị khá ổn, đặc biệt là một lượng khán giả đông ngoài sức tưởng tượng. Có nhiều tuyến nhân vật được xây dựng, chính diện có, phản diện có những người buộc phải phản diện cũng có, rất đông những người bảo vệ công lý, các quan sát viên và cả diễn viên quần chúng nữa. Nhưng biên kịch thì lại quá chán, rất nhiều sạn được nhặt ra, mặc dầu diễn trực tiếp nhưng cô cứ cảm giác như đang xem một cái đĩa liên tục bị chầy xước. Đến hơn nửa buổi thì cô ra khỏi đó để lên một chuyến xe đến với sân khấu phụ cách đó chưa đến trăm mét nhưng ngày càng đông và mọi thứ nuột nà hơn. Chỉ còn lại 2 phía với một ban ơn, một quy phục nhưng trật tự và nghiêm khắc thấy rõ.
Mọi người vẫn tập trung lắng nghe câu chuyện, đồng tử mắt nhiều khi giãn ra hết cỡ, thỉnh thoảng có những nụ cười mỉm và cả cái cười thành tiếng xuất hiện phụ họa. Nhưng sau nốt, mọi người nhìn nhau và cùng lúc đi ra về. “Bây giờ còn ai diễn hí kịch, cô ta đang nói về cái gì ý nhỉ”, rất nhanh những màn hình sáng lên gõ vào dòng tìm kiếm “hí kịch là gì”. “Con gái lại đi đặt những cái tên có thanh trắc thì chả đanh đá. Cái gì qua cái miệng cô ta mà chẳng thành kịch, thành tuồng. Sắc sảo quá cũng khổ chứ hay ho gì”. Những người cẩn thận hơn bắt đầu điểm lại trong đầu mình những sự kiện thường diễn ra sôi động vào dịp cuối năm, trong đó không tránh khỏi cả những cuộc đấu giá cho những vùng đất “ngon, bổ, rẻ” để tận thu ngân sách.
Hảo chăm chú nhìn vào mình trong gương. Thỏi son mới lên mầu thật vừa vặn với ý muốn của cô. Cả hàng lông mày dài và đậm như một con sâu. Đó là phong cách cô vừa mới up date được trên mạng và cô thấy thật hào hứng. Cô dặm thêm ít phấn cho đôi gò má bớt ửng đỏ. Không cần quá nhiều điểm nhấn cho một khuôn mặt. Lắc lắc chai nước hoa, mùi này không phải ai cũng thích được, có thể là nó hơi nồng hơn cho những buổi thường nhật lên cơ quan. Nhưng cô chẳng suy tính lâu, ưu điểm lớn nhất của Hảo là yêu thương bản thân, và đó gần như là thứ thuộc về bản chất duy nhất mà người khác nhìn thấy được.
Cô vừa trở ra từ phòng sếp. Không quá lâu nhưng đủ để làm những việc quan trọng. “Đã là nhiệm vụ thì nhất định em phải thực hiện và cố gắng hết sức. Xin anh tin tưởng em”. Một chút giãn cơ mặt thôi đôi khi đã là sự chờ đợi to lớn ở nhân viên đối với sếp. Hảo khá thường xuyên được nhìn thấy sếp cười nhưng vẫn không thôi cảm giác hồi hộp, lo lắng. “Em cũng không cần quá căng thẳng. Vẫn như mọi khi thôi”. Kết luận kiểm tra có thể không thay đổi quá nhiều nhưng sẽ không có lần sau. Người ta đã buộc lòng phải nợ Hảo, nợ cái đơn vị này món nợ ân tình.
“Lúc nào cũng lúng liếng. Mồm nói, mắt nói, tóc nói, lông mày cũng nói. Cứ chạy theo xun xoe sếp là giỏi. Việc gì ngon cũng đến phần. Chả mấy chốc mà lên ngồi trên đầu trên cổ chúng ta”.
Họ chẳng cần phải lo xa, vì khi cô chuẩn bị được cất nhắc sẽ có muôn vàn thông tin được vô tình bắn đến kiểu như là chảnh chọe, chỉ biết nịnh hót chứ không làm được gì. Chỉ giỏi copy, paste chứ chả có tí sáng tạo nào, ngày càng ít tham gia các buổi thiện nguyện cùng công đoàn, đoàn thanh niên. “Cần phải có nhiều thời gian nữa để phấn đấu và rèn luyện…”. Chả cần nhìn ngắm soi xét gì thì cô cũng biết họ chính là những người vừa mới đi ngang qua cô, vừa mới thả một like hay vừa mới để lại một dòng commet đáng cho người khác phải ghen tỵ trên dòng trạng thái của cô. Những buổi thiện nguyện mà họ nói, chao ôi, một chiếc hộp to với hàng tên đơn vị nổi bần bật, chụp vài tấm ảnh, sau đó thì đơn vị sở tại mời cơm và mời anh chị em đi một số nơi cho biết tình hình cơ sở.
Hảo không hay thanh minh. Họ nói cũng không hẳn là sai. Cô có cả một tủ quần áo, giầy dép, khăn mũ nhưng đi đâu cô cũng tranh thủ sưu tầm thêm vài thứ mới. Mà đã có chã nhẽ lại cất vào tủ. Cô phải mặc, phải đi lại. Cô thích tập Yoga, cô thích nhìn anh huấn luyện viên người Ấn Độ ấy, vậy nên người cô chẳng thể đầy ngấn mỡ những nơi cần thon gọn và xẹp lép ở những nơi cần phình ra. Cô nịnh bợ xếp ư? Ơ thì mọi người cứ hay nhờ cô làm việc này việc kia mà cô thì chẳng thể từ chối. Có những người lại nghĩ dù là cô bị làm, phải làm, tự nguyện làm thì tất cả đều là bổn phận. “Người vốn muốn hướng đến nơi cao, nước vốn chảy xuống nơi thấp”.
- Sao mày không còn như xưa. Sao mày không đối xử bình thường với các bà ấy một tí. Vui vẻ cùng nhau đi vài buổi shopping, thỉnh thoảng mang túi hướng dương ngồi gặm nhấm, rồi cả cùng đoàn thanh niên đi vài buổi thiện nguyện. Có khó gì đâu chứ. Chả ai bận đến mức không thể sắp xếp được. Cuộc đời là sân khấu lớn, đã diễn thì diễn cho tròn vai. Các bà ấy nói cũng có cái lý của họ đấy.
- Thôi, thôi được rồi. Cứ ăn đi. Tao coi đây là gợi ý mang rất nhiều IQ được chưa. Nóng giận là vô hình nhưng những cục mụn to đùng trên gương mặt xinh đẹp là hiện hình thật đấy .
- Tao nghĩ mãi mà không hiểu. Bọn tao làm bên ngoài xù lông lên mà sống khỏi bị bắt nạt, phải khẳng định cái này cái kia đã đành. Mày rơi vào thảm nhung sao vẫn cứ xù lên.
- Chúng ta đều chưa đến 30, tự do tự tại, tranh thủ sống những ngày vui tươi đi, sống đúng với bản chất đi. Không có được nhiều thời gian như thế nữa đâu.
- Nhưng đó cũng không phải là bản chất của mày mà sao phải làm quá lên. Không cần bất cứ sự chiếu cố nào thì mày vẫn sống đường hoàng với năng lực của mày mà. Không nói gì ngày xưa, đến nay đã 10 năm trôi qua, mày đã chuyển bao lần công tác, mỗi khi sắp thao giảng hay kiểm tra chuyên môn bọn con Tú, con An vẫn phải hỏi mày đấy thôi.
- Thôi không đùa nữa. Không hoàn hảo, bật mọi sự chú ý sang một hướng khác đôi khi cũng là một vai diễn mày ạ.
Quỳnh chẳng hiểu mấy nhưng tình bạn 20 năm có lẻ đã giúp cô an lòng và ra về.
Thành thật mà nói Hảo chưa bao giờ thấy mình là kẻ thích chạy theo đám đông và mong muốn gây sự chú ý. Đa phần những người thân thiết vẫn nói rằng cô sống nội tâm nhưng điều đó chưa bao giờ ngăn cản việc cô thích ngồi hàng giờ đồng hồ để tạo nên những sắc màu hình khối, đường nét, trộn lẫn cái thật giả để làm nên hình mẫu thẩm mỹ theo khuôn tưởng tượng. Sở thích ấy được hình thành từ khi cô đi làm, từ khi mong muốn được cất dấu những suy tư cho riêng mình và tránh mọi sự dò xét suy đoán của người đối diện. Trong những lúc đấy cô vẫn chỉ đi tìm lời giải cho đúng một câu hỏi “Những người không trang điểm, họ dấu ánh nhìn vào đâu”.
***
Hảo có vài ngày nghỉ tranh thủ trước khi chuyển sang công việc mới. Cũng chẳng biết rủ ai đi đâu, Hảo ra chợ phụ mẹ bán hàng. Mẹ cô có một gian bán hàng sắt ở chợ huyện. Mẹ cô, tay thường miết trên con dao, mắt nhìn vào người đối diện và luôn miệng kêu ca cảnh hàng ế ẩm.
Hôm nay, mẹ Hảo không đi chợ. Bà đi thăm người bà con đột ngột ra đi.
“Kỳ lạ, ai lại chẳng ốm lấy một lần để người ta còn đi thăm nom”. Bà dằn từng chữ như giấu đi nỗi uất nghẹn, day dứt nhưng giọng nghe vẫn khục khặc, tức tưởi làm sao. Quả là đời người vô thường.
Đã mấy lần rồi, Hảo thấy bà lão đi qua gian hàng. Có khi đi qua rất chậm, có khi dừng lại để xem một vài thứ, cũng có những khi đã hỏi giá nhưng rồi lặng thinh qua đi. Hôm nay, không đừng được, Hảo cất tiếng gọi bà lại. Lúc này Hảo mới có cơ hội nhìn kỹ khuôn mặt đó. Thực ra chưa quá già để gọi là bà lão, chỉ có khuôn mặt u uất và dáng đi luôn oằn mình cúi xuống ấy mới đánh lừa con mắt Hảo và nhiều người khác. “Cháu tặng bà con dao này. Nó cũng không đáng bao tiền, bà cứ cầm về dùng đi ạ”. Bà lão cầm con dao bước đi nhanh nhất từ trước đến nay mà Hảo thấy, đánh rơi cả tiếng cảm ơn vốn chỉ nằm trong cổ họng. Đã đi một lúc mà Hảo vẫn còn thấy bóng dáng đi như cố nhoài về phía trước.
Khá lâu Hảo mới lại ra chợ. Vẫn phiên chợ vắng và hiu hắt buồn như cái sự già nua cũ kỹ của nó. Có đứa trẻ bé nhỏ, rụt rè đến bên cạnh. “Cho chị này, bà bảo cho”. Hảo hơi ngạc nhiên nhưng khuôn mặt phảng phất quen khiến cô liên tưởng ngay đến bà lão mà cô đã tặng cho chiếc dao hôm nọ. Điều làm Hảo ngạc nhiên hơn là vì sao nó lại đến ngay tức khắc như thế. Rất có thể là nó đã chờ Hảo từ bao nhiêu hôm nay. Nhìn những nải chuối với các quả chỉ to hơn ngón tay như muốn rũ ra khỏi buồng, mà những quả dưới cùng gần như nát ra, mòn đi đến tận phần cuống và bám đầy bột đất đá. Hảo nghĩ đến cảnh nhiều hôm nay con bé đã phải kéo đi kéo lại buồng chuối này. Bất chợt Hảo nghĩ, rốt cuộc là điều cô đã làm là tốt hay đang làm đầy thêm nỗi vất vả của con bé. Nó ngước lên, cố cười với Hảo nhưng miệng chỉ hơi hé vì dưới cái lạnh mọi thứ như co rúm vào với nhau để chống đỡ.
- Em học lớp mấy rồi?
Nó im lặng, Hảo lấy ra cái biển tên. Nó đánh vần một lúc rồi đọc lý nhí trong cổ họng “Nguyễn Minh Hảo”.
Hảo đưa mảnh giấy và bút. Em viết tên và địa chỉ nhà vào đây, hôm nào rảnh chị qua thăm. Nó lại nhìn lên, “chỉ biết tên thôi”. “Em không biết địa chỉ nhà à?”. “Không biết”. Hảo cũng không biết là con bé không biết địa chỉ nhà hay không biết viết những thứ khác ngoài tên mình nữa.
Có một sự xô đẩy nhẹ trong cô. Tiếng khách mua hàng làm cô dứt ra khỏi sự rung lắc và khi tỉnh người lại thì con bé đã đi ra phía đằng xa. Thế mà cô đã định bảo nó về nhà mình.
Mẹ Hảo bảo, bà đoán biết được bà cháu nhà đó. Họ ở trong một căn nhà mới dựng ở làng ven. Chỉ thấy một già một trẻ, nghe đâu là bố con bé, người con trai duy nhất của bà ấy bị nghiện từ những năm đi làm công nhân đào đá quý, mới chết hồi năm ngoái, người mẹ thì chưa bao giờ nhìn thấy cũng chẳng ai nói đến cả.
- Họ sống đến già đời người mà bây giờ vẫn ở làng ven hả mẹ?
- Cô thì biết cái gì- Mẹ Hảo lườm cô rõ dài- Vốn là sống trong làng, cũng có căn nhà lá chờ anh con trai có tiền về rồi sửa sang lại. Nhưng bây giờ thì nghe đâu người hàng xóm bên cạnh họ đổi rồi, mảnh đất dù có giá trị với bà lão cũng chỉ là một nơi để ở, người ta bảo thế nên đổi cho ra khu làng ven rồi dựng cho bà cháu một căn nhà chắc chắn hơn.
Suốt ngày chỉ biết học, sau này là đi làm và lên mạng, Hảo có vẻ không hiểu hết lời mẹ nói.
- Ra vùng ven, khó khăn điện nước, đường sá nhưng đổi lại mùa nước lũ đến còn vớt được củi đuốc mà đun, cũng lại có phù sa mà trồng rau cỏ. Chăn nuôi thì cần giống, thức ăn, chuồng trại; trồng rau thì cần giống, phân bón như bà cháu nhà đấy thì lấy đâu ra những thứ đấy. Chỉ có nơi đây, nếu may mắn cứ quãi hạt xuống là rau lên. Thôi thì nhờ trời thương, những năm trước cũng tạm được, con trẻ vẫn đến trường đấy. Con bé không khô quắt như bây giờ.
Tiếng thở buông ra thườn thượt, người có tuổi vẫn hay thế.
- Năm nay, trông đợi từ đầu năm mãi cũng chẳng thấy có con lũ nào về, rau cỏ trồng lên cứ lụi đi chỉ tổ tốn tiền giống nào bán được cho ai. Trường học cũng không có cơm bán trú nữa, thế là con bé ở nhà. Nhưng lâu lắm nó mới lại gian hàng nhà mình đấy, chả biết nó đã đi những đâu.
Gió cuộn lên từng cơn, đổ thứ hơi lạnh ẩm ướt vào Hảo, tự nhiên cô thấy khó chịu cả với mùa đông mà cô vốn rất thích.
Năm nào trong những báo cáo mà cô đọc, thông tin cũng là các trường tiểu học chuẩn phổ cập theo đúng độ tuổi đạt 100%. Trước đây (khi mới cắt cơm bán trú) tỉ lệ chuyên cần có giảm nhưng sau khi có sự vào cuộc của nhà trường và các cấp ngành địa phương lượng trẻ trở lại lớp đạt cao và ổn định. Cô không còn nhớ rõ là mình lập bao nhiêu hồ sơ hằng năm để vinh danh những điển hình tiên tiến về vận động học sinh trở lại trường lớp.
***
Hảo vẫn có một thói quen tốt là dậy sớm. Nhưng cô đã không còn ngồi ngay vào bàn trang điểm tìm kiếm cây cọ, suy nghĩ mảng màu và tự huyễn hoặc mình trong một khuôn hình tưởng tượng, cô dành thời gian tỉnh táo nhất trong ngày để lên lịch cho những công việc cụ thể. Thường thì cô sẽ bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin, liên hệ bọn trẻ, cô tự học hỏi nâng cao các kỹ năng sống cơ bản, kỹ năng hội nhập thời đại công nghệ để trợ giúp và chỉ dạy cho bọn trẻ thứ chúng cần. Cô bắt đầu kết nối các ý tưởng gần nhau và tìm kiếm nguồn tài trợ; cô lên lịch cho những chuyến đi, chuẩn bị vật chất, bố trí nhân lực... sẽ còn rất nhiều việc nhưng cô sẽ làm từng việc, từng việc một.
Trước mắt cô là hình ảnh bọn trẻ da đỏ hồng, tóc buộc sừng trâu ngượng nghịu gieo cây rau lên những luống đất tím thẫm, chạy đá bóng và thi nhau nhảy dây nơi bãi bồi sau giờ học. Tiếng cười lanh lảnh vang dài khi có xe của Quỳnh đến thăm chơi, chúng ùa đến, ngọng nghịu vừa nói vừa động tác với cả những cô, chú da trắng tinh cao lêu nghêu, lạ lẫm. Cả đoàn thanh niên, nơi mà cô đang làm bí thư cũng có thêm những hoạt động cụ thể thiết thực trong kế hoạch công tác hằng tháng của mình. Bây giờ thì cô đã biết mình phải viết gì trong phần kiến nghị của mỗi báo cáo công tác đề xuất lên cấp trên.
Bọn trẻ cứ lớn lên mang theo mong ước dựng xây nối dài giấc mơ thanh xuân tươi đẹp. Đó là bức tranh nhiều sắc màu nhất mà cô đang nhiệt tâm tô vẽ. Cảm giác và gọi tên cảm giác là hai thứ khác nhau nhưng rõ ràng là cô đã nhìn thấy rõ hơn từng bước trên hành trình mà cô đang theo đuổi.
Chút nắng đông hiếm hoi len lách rồi đổ cả lên khoảng đất trống ven sông. Chiếu sáng khuôn mặt Hảo đang rạng lên trong nắng.
D.T.P