Ký của Thu Hạnh- Hoài Anh
Sinh ra từ núi, lớn lên trên núi, rời núi, ra phố, về thành, lăn lộn mưu sinh, để rồi lại tìm về với núi, bởi thấy đất khách dẫu muôn trùng mà nhỏ hẹp đường đi, quê nhà dầu một góc vẫn rộng mở lối bước, khi lòng đã sẵn khát vọng trở về để lập thân, lập nghiệp. Họ- những thanh niên người dân tộc thiểu số ấy đã, đang và sẽ còn viết những câu chuyện về con đường đầy ắp khát vọng, dày đặc chông gai mà cũng ngập tràn cảm hứng trên chính đất này- những câu chuyện không mới nhưng chẳng bao giờ cũ cho rất nhiều thanh niên sinh ra từ núi như họ.
Tìm về với núi
Đất núi đúng là nghèo khó nhưng vẫn luôn ẩn chứa cơ hội mở lối cho những thanh niên biết kiếm tìm, tư duy và thực sự quyết chí khởi nghiệp, sau những cuộc “phiêu lưu” bươn bả mưu sinh trong phố, ở thành.
Đặng Văn Thuật- thanh niên người Dao ở xã Lang Thíp, Văn Yên sau vài năm học hành và làm ăn nơi đất khách, muốn khởi nghiệp trên đất quê nhà nhưng Lang Thíp chủ yếu đồi rừng kém mỡ màu. “Đất khó thì sẽ chọn thứ gì ở ngay trên đất khó này, bất lợi sẽ thành lợi thế”- tư duy nảy nở ý tưởng, Thuật nhìn ra cái thứ vốn sẵn trên đất rừng Lang Thíp cho dự định của mình, ấy chính là rau rừng- thứ rau có vị ngăm ngăm mà lại ngòn ngọt ở rừng Lang Thíp chỉ cần tranh thủ lúc kiếm củi hay chăm sóc đồi cây, hái nhanh cũng được một gùi rau xanh ăn cả tuần chẳng hết ấy lại cũng là thứ đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Việc xây dựng mô hình sản xuất đặc sản rau rừng theo hình thức bảo vệ, phát huy và nhân rộng trên những diện tích sẵn có không những tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu mà còn đảm bảo cây phát triển tự nhiên, giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị dược học. Bằng cách làm đó, Thuật cùng những người bạn đã tìm kiếm, khoanh vùng nguyên liệu, ban đầu lựa chọn sản xuất trong diện tích 2.500 m2 để tiện việc chăm sóc. Sản xuất dựa trên tự nhiên, nghĩa là không bón phân, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích, tất cả chỉ là tưới nước, nhổ cỏ, chờ đợi và thu hoạch. Bỏ công làm lãi, năm đầu tiên thực hiện, nhóm của Thuật thu được gần tấn rau rừng, lợi nhuận chừng 40 triệu đồng.
Triệu Ngọc Hoài- thanh niên người Nùng ở xã Vĩnh Lạc (Lục Yên) từng có một cửa hàng buôn bán đá quý nhỏ khá có tiếng ở khu vực thị trấn Yên Thế vẫn quyết chí trở lại quê nhà làm nông dân. Hoài muốn được lập thân trên chính mảnh đất của gia đình. Năm 2015, Hoài vay mượn đầu tư đến gần 1 tỷ đồng, cần mẫn từng ngày gây dựng lên vườn cam 7 ha, 3.000 gốc. Trong lúc chờ cam cho quả, dẫu nợ cũ chưa trả hết, nhưng nắm được thông tin xã Vĩnh Lạc không quy hoạch xây dựng chợ, Hoài mạnh bạo tiếp tục vay mượn hơn 600 triệu đồng để mở thêm một cửa hàng tạp hóa với đa dạng các mặt hàng từ phục vụ tiêu dùng sinh hoạt đến vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… Chẳng liều chút nào bởi cửa hàng ấy là nơi duy nhất gần như đầy đủ các mặt hàng mà trước nay người dân có nhu cầu phải lên thị trấn cách đó 12 cây số để mua. Thậm chí, cửa hàng của Hoài cũng là địa chỉ đầu mối của nhiều người dân các xã lân cận bởi sự thuận tiện về đường xá. Đến giờ, trung bình, Hoài thu về 20 triệu đồng từ cửa hàng mỗi ngày. Còn vườn cam 3.000 gốc đã có 1.000 gốc cho quả lứa đầu năm 2018, sản lượng 15 tấn, thu về trên 200 triệu đồng. Hoài tính sơ, chỉ 2- 3 năm nữa thôi, khi tất cả 7 ha cam cho thu ổn định, thu nhập của Hoài chỉ riêng từ cam sẽ đạt tiền tỷ.
Giấc mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao của Nông Thị Thắm cần đến đồng vốn tiền tỷ.
Cô gái Tày Hoàng Thị Xới lại chọn làm du lịch cộng đồng để khởi nghiệp. Xới nằm trong số ít người đồng trang lứa ở xã Lâm Thượng (Lục Yên) có nhiều trải nghiệm với thế giới ngoài bản làng mình bởi từng là hướng dẫn viên du lịch. Đi nhiều, chứng kiến nhiều cách làm du lịch, gặp gỡ nhiều du khách, Xới cứ ấp ủ khát vọng làm du lịch ở quê mình. Cách đây 2 năm, Xới quyết định cải tạo căn nhà sàn truyền thống của gia đình, thêm tiện nghi, quy hoạch không gian thoáng đãng, ngập tràn hoa và rau xanh để xây dựng homestay mang tên Xôi. Xới làm du lịch khá bài bản: đó là cách Xới làm homestay mang đúng nghĩa của từ này để du khách được trải nghiệm chân thực nhất cuộc sống người bản địa; là cách Xới tự hình thành các tour du lịch nội bản như: đạp xe quanh bản, đi chợ quê, leo núi, tắm thác, câu cua…; là cách Xới quảng bá, xây dựng các trang web, mạng xã hội và các phần mềm tìm kiếm homestay trên điện thoại thông minh… Homestay Xôi dần hút khách. Sự khởi xướng của Xới đã truyền cảm hứng cho cô gái Hoàng Thị Ngọt cùng là người Tày ở Khéo Lẹng bản bên. Cũng làm du lịch nhưng Ngọt chọn cách bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày để xây dựng không gian du lịch cộng đồng. Ngọt tự mình tìm đến các cụ cao niên, tìm hiểu, khôi phục nghề dệt thổ cẩm bằng khung cửi và nhuộm màu tự nhiên rồi hình thành và sáng tạo ra các sản phẩm như: ga trải giường, gối, khăn quàng, khăn trải bàn, túi, vòng tay… Khi những sản phẩm ấy đủ sức cạnh tranh sẽ không chỉ là sản phẩm du lịch trong bản mà còn vươn tới các công ty trang trí nội thất, các địa điểm du lịch trong toàn quốc- Ngọt ấp ủ, khát mong hướng tới điều đó. Ngọt còn vận động, liên kết người dân trong bản đóng góp lắp đặt bóng điện chiếu sáng, trồng hoa ven đường, tập luyện văn nghệ… Tương lai không xa, bản Khéo Lẹng sẽ được quy hoạch du lịch hợp lý với một chuỗi các hoạt động cộng đồng đậm bản sắc của người Tày nơi này. Cách làm của 2 cô gái Tày ấy đã đưa Lâm Thượng trở thành một địa chỉ trên bản đồ du lịch cho du khách tìm đến khi đến Yên Bái.
Hờ A Vàng ở xã Chế Cu Nha khởi nghiệp thực sự chẳng dễ dàng gì trên đất huyện nghèo Mù Cang Chải. Vướng vòng lao lý, tách biệt xã hội tới cả nghìn ngày, thanh niên người Mông ấy trở về quê nhà, tái nhập cuộc sống đời thường trong nghèo khó bủa vây gia đình. Muốn làm “cái gì đó” thoát nghèo, Vàng “xuống núi” học cách làm ăn. Chuyến ấy, Vàng đi cùng 2 người anh em xuống Nghĩa Lộ. Hai người bạn đồng hành cùng Vàng có vốn liếng nên nhanh chóng chọn nghề vận tải. Vàng tình cờ được tham quan một cơ sở sản xuất gạch ba vanh. Tính đi tính lại, ở huyện chưa có ai làm loại gạch này, 2 người anh em kia lại đầu tư làm vận tải nghĩa là có khả năng liên kết, Vàng quyết định mở xưởng gạch ngay tại Chế Cu Nha, tận dụng được lợi thế nhà mặt đường của mình. Chẳng có chút vốn nào, Vàng vay mượn hoàn toàn đầu tư sắm máy móc làm xưởng. Cả quá trình bắt tay vào sản xuất, Vàng thậm chí chỉ biết vừa làm vừa rút kinh nghiệm bởi không một nơi nào Vàng tìm đến chịu chia sẻ bí quyết. Từng lỗ tới 30 triệu đồng, Vàng mới tìm ra công thức pha trộn tỷ lệ của mình cho ra những viên gạch chất lượng. Vất vả, gian nan mãi, giờ, mỗi năm Vàng xuất được trên 20.000 viên gạch, thu về 50 triệu đồng. Sản lượng ấy còn khiêm tốn lắm so với công suất máy móc song cũng bước đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên cho con đường Vàng mong ước.
Còn những Hoàng Văn Chuyến nuôi dế ở Nghĩa Lộ, Nông Thị Thắm làm nông nghiệp công nghệ cao trên đất Lục Yên, Hứa Văn Quang nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà… Những thanh niên dân tộc thiểu số ấy vốn hiểu hơn ai hết nghèo khó đất núi, càng hiểu hơn ai hết những khó khăn từ chính bản thân mình như đồng vốn, kiến thức, kinh nghiệm… nhưng vẫn quyết tìm về lập nghiệp bằng khát vọng vươn lên trên chính đất quê mình. Ý tưởng cho một sự bắt đầu luôn tồn tại, nảy nở, thậm chí là không hề ít mà các cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp do các cấp bộ Đoàn tổ chức thời gian qua đã chứng minh. Cần một khát vọng để bắt đầu đặt chân và càng cần hơn một sự dũng cảm, kiên gan để bước đi, đương đầu thách thức trên con đường chưa bao giờ là trơn tru ấy. Ở đó, sẽ có những bàn chân dẫm gai…
“BÀN CHÂM DẪM GAI”
Khởi nghiệp- con đường chưa bao giờ bằng phẳng. Ở đó, có vấp ngã, có đớn đau, có những “đá tảng” ngáng đường…
Nông Thị Thắm- cô gái Tày từng 9 năm học tập rồi làm việc tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên vẫn trở lại thôn Thóoc Phưa, thị trấn Yên Thế, Lục Yên để trồng cây trên đất quê nhà vào năm 2018. Lớn lên trên đất Lục Yên, Thắm biết, quê mình có nhiều loài cây quý mà lan kim tuyến, còn gọi cỏ nhung là dược liệu đắt đỏ, vốn mọc tự nhiên nơi rừng núi, giờ có tên trong sách đỏ Việt
Thắm trồng lan kim tuyến theo phương pháp nuôi cấy mô trong nhà lưới. 500 m2 nhà lưới (nhà màng) công nghệ
Nhiệt huyết khởi nghiệp từ cây và đất của Thắm thêm độ nóng nồng khi nên duyên chồng vợ cùng người thanh niên yêu nông nghiệp. Bằng một sự táo bạo và nỗ lực ngoài sức tưởng tưởng của nhiều người, Nông Thị Thắm và Nguyễn Thế Trọng đã biến 2,4 ha đất lầy hoang hóa thuê lại từ đất 5% của xã Liễu Đô, Lục Yên thành diện tích sản xuất nông nghiệp mỡ màu. Đầu năm 2019, Hợp tác xã rau, hoa quả công nghệ cao Trọng Thắm hiện hữu ở đây, với 2,4 ha đất của Hợp tác xã và 17 ha đất thành viên, khởi động rõ nét đường hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn của vợ chồng Thắm. Trên 2,4 ha đất đã được cải tạo, vợ chồng Thắm bắt tay ngay vào ươm giống và trồng phong phú các loại cây ăn quả, giống hoa, cây cảnh, nuôi cua, cá, sản xuất rau hữu cơ. Quy hoạch gọn gàng, tận dụng được tối đa diện tích sản xuất; kỹ thuật trồng trọt hay chăn nuôi không thành vấn đề; thị trường cho các sản phẩm được vợ chồng tìm hiểu và móc nối trước khi sản xuất; chỉ có tiền vốn là mối lo nhiều nhất, lớn nhất, khó nhất của hai vợ chồng. Đầu tư cho diện tích này đến cả 2 tỷ đồng- hai vợ chồng trẻ gồng mình quá sức tìm vốn. Họ gõ cửa mọi chỗ để xoay xỏa. Nhiều thời điểm, chỉ riêng tiền lãi tháng phải trả có khi cả mười mấy đến hai chục triệu đồng. Ấy vậy, dự định trên đất của Thắm và Trọng còn ăm ắp bởi điều hướng đến là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, qui mô lớn. Họ cần xây dựng nhà vòm trồng cây ăn quả, nhà màng trồng 1.000 m2 hoa, làm hệ thống tưới tự động- chúng sẽ ngốn khoảng cả tỷ đồng nữa. Ý tưởng, dự tính chưa bao giờ biết “cạn” nhưng vợ chồng Trọng Thắm đang “mắc cạn” trong cơn khát vốn.
Vốn không phải vấn đề quá lớn đối với Đặng Văn Thuật khi chọn rau rừng làm sản phẩm để khởi nghiệp nhưng cũng chính bởi thứ rau đặc sản ở rừng mà đoạn đường tiêu thụ sản phẩm gập ghềnh như bước đường khởi nghiệp vốn lắm chông chênh. 9 cây số đường đất nhỏ hẹp, di chuyển chật vật bằng xe máy là con đường duy nhất từ khu vực sản xuất rau đến trung tâm xã. Ngày mưa gió, đừng nói chuyện đi lại. Bữa nắng ráo, chở được rau ra chừng gần tiếng đồng hồ. Từ trung tâm xã Lang Thíp, rau theo xe khách gửi xuống Hà Nội, hôm nào chỉ nhỡ mất chút thời gian là phải đợi đến chuyến xe kế tiếp. Bởi mất thời gian trong điều kiện không được bảo quản đúng quy chuẩn nên có khi rau về đến nơi nhận đã mất độ tươi ngon. Mối khách duy nhất cũng dần đặt hàng thất thường. Chưa có đầu ra quy mô lớn, không thể mở rộng được sản xuất, lại càng chẳng bõ sức đầu tư phương tiện vận chuyển, vẫn phải trung thành với cách chuyển hàng như vậy, đơn đặt hàng lại giảm dần- Thuật luẩn quẩn trong vòng sản xuất cầm chừng, tiêu thụ bị động. Thế nên, giờ mỗi tháng chỉ xuất bán được vài chục cân rau, thu về không quá 2 triệu đồng. Hai trong số ba người bạn làm chung mô hình dừng bước đồng hành với Thuật. Nhưng Thuật chưa muốn từ bỏ. Thuật và Bình- người bạn còn kiên trì cùng mình quay ra trồng thêm dược liệu, bài chế thành bài thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh vốn nổi tiếng của người Dao đỏ. Tuy nhiên, hiện sản phẩm mới được tiêu thụ cho người dân trong xã và một số xã lân cận. Thuật biết, mơ ước đặc sản rau rừng và cây dược liệu sản xuất quy mô lớn trên đất Lang Thíp của mình hẳn còn lắm gian nan, như đoạn đường rừng trắc trở không thể một lần đi mà đã thành lối.
Tốt nghiệp đại học, có công việc trong ngành nông nghiệp huyện quê nhà, sự ổn định của Thào A Phềnh đã là niềm mong ước của nhiều thanh niên người Mông ở Mù Cang Chải. Nhưng Phềnh không muốn dừng lại ở sự ổn định. Năm 2016, Thào A Phềnh quyết chí chọn lợn đen bản địa để thỏa quyết tâm làm giàu khi nhận thấy nhu cầu mặt hàng này của thị trường. 600 triệu đồng mà phân nửa là vay mượn là số vốn Phềnh đầu tư khởi nghiệp- một quyết định đầy táo bạo với thanh niên người Mông như Phềnh ở đất nghèo khó này. Vốn ấy, Phềnh mua mảnh đất đồi rừng gần 2 ha ở khu vực thị trấn Mù Cang Chải và đầu tư hệ thống chuồng trại với 12 chuồng khép kín, mở đường, sắm máy móc, con giống. Trang trại của Phềnh quy hoạch quy củ, liên hoàn từ khu chăn nuôi đến khu chăn thả cả nghìn mét vuông và khu vực trồng rau củ làm nguồn thức ăn sạch cho lợn.
Quyết tâm đầy, tư duy được nhưng kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi chưa đủ, lứa đầu, một phần ba số lợn chết. “Có chán nản nhưng mình nghĩ không được phép buông bỏ”- Phềnh vẫn nghĩ được thế để rồi quyết tự tìm cách khắc phục. Thắp điện sưởi ấm cho lợn vào buổi tối, học hỏi người có kinh nghiệm chăn nuôi, sách báo, internet và cán bộ thú y địa phương để chăm sóc đàn lợn, rồi Phềnh đã có những lứa lợn phát triển, sinh sản và được xuất bán. Phềnh chọn lọc một số con để tiếp tục làm nái, còn lại mới bán thương phẩm, cho dự tính, mong ước mở rộng quy mô trang trại của mình. Chẳng ngờ, trận lũ lịch sử đầu tháng 8 năm 2017 cuốn sạch bao công sức của Phềnh. Trang trại hoang tàn và 10 con lợn mà Phềnh thậm chí bất chấp cả hiểm nguy tính mạng nỗ lực cứu được trong lũ dữ là những gì còn lại khi cơn lũ đi qua. “Tuyệt vọng đến cùng cực, mình trở về quê nhà Nậm Khắt. Những lời động viên của gia đình vực dậy trong thâm tâm suy nghĩ không thể buông tay. Vậy nên, chỉ hai ngày sau cơn lũ dữ, mình nhất quyết bắt tay vào dựng lại chuồng trại y như lúc trước tại Nậm Khắt dù có khó khăn đến thế nào”- Phềnh nhắc chuyện bằng giọng chắc quyết như lời nói từ tâm thức và hành động ngày ấy. Nghị lực và công sức, cộng với khí hậu phù hợp cho chăn nuôi, Phềnh phát triển lại được đàn lợn. Có thời điểm, trang trại lợn của Phềnh lên đến 70 con. Phềnh dần trả được nợ. Nhưng rồi, ngày vui ngắn ngủi, “sóng gió” chưa buông, tháng 4 năm nay, lợn mắc dịch bệnh, chết dần. Phềnh lại trắng tay. Sau 3 năm tâm sức khởi nghiệp với chăn nuôi, thứ thanh niên người Mông ấy còn lại là khoản nợ chưa trả hết.
Hờ A Sênh- thanh niên người Mông ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, Trấn Yên là người đầu tiên được lựa chọn hỗ trợ theo Dự án khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số do Tỉnh đoàn phối hợp với Hội doanh nhân trẻ tỉnh triển khai. 100 m2 diện tích chuồng trại, bể chứa thức ăn cho lợn, 30 con lợn rừng giống, 2 hươu sao, 400 gốc gáo vàng, 2.000 gốc sa nhân, 6 tạ nghệ đỏ trồng dưới tán trên diện tích 2.000 m2 cùng một ngôi nhà cấp bốn để tiện bề trông coi trang trại với nguồn đầu tư 500 triệu đồng là những gì Hờ A Sênh được hỗ trợ để khởi nghiệp trên chính diện tích đồi rừng gia đình. Thậm chí, nguồn thức ăn cho lợn trong vòng 3 tháng, cách tạo nguồn thức ăn cho lợn, cách chăn nuôi lợn, nuôi hươu, lấy nhung hươu sao, cách chăm sóc gáo vàng và sa nhân đều nằm trong “gói” hỗ trợ cho Sênh. Đó hẳn là một sự hỗ trợ đáng mơ ước đối với nhiều thanh niên dân tộc thiểu số muốn khởi nghiệp. Nhưng… có một điều gì đó khiến chuyện làm ăn của Sênh sau hơn một năm vẫn cứ lừng chừng, kết quả chẳng được như đáng nhẽ ra nó có thể. Và đó chính xác là sự quyết tâm của Sênh. Hẳn nhiên, đó cũng là điều chẳng ai có thể “hỗ trợ” được, trừ chính bản thân mình.
Luôn phải đối mặt khó khăn về vốn, về kỹ thuật, về thị trường tiêu thụ hay bất lợi khách quan…, bởi vậy, hỗ trợ, đặc biệt là về tài chính luôn là điều cần thiết và quá có ý nghĩa với người trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là người trẻ dân tộc thiểu số. Nhưng, để đi đến thành công, quan trọng nhất vẫn là bản thân người khởi nghiệp. Biết cách vượt qua chính mình, họ vẫn có thể viết lên những câu chuyện đáng nể, trong muôn vàn thử thách, gian nan. Con đường phía sau “bàn chân dẫm gai”, “hoa hồng sẽ nở”…
“HOA HỒNG ĐÃ NỞ”
Bước đường khởi nghiệp, sau những thất bại, có người từ bỏ tiếp tục con đường, nghĩa là chọn thất bại; có người tiếp tục con đường, theo một lối khác, dù có phải rẽ rất nhiều lối…
Sau những bền bỉ, kiên gan vẫn trắng tay với lợn, nợ chất đôi vai, không chỉ định bỏ buông mà Thào A Phềnh từng muốn ngã gục. Nhưng cũng chính thời điểm đó, hiện hữu trước mắt Phềnh những cây hồng xanh tốt cao hơn đầu người, điểm những quả hồng chín to bằng cả cái bát con- cả một vườn hồng hàng thẳng hàng, đều đặn, tăm tắp như ô bàn cờ trên mảnh đất của gia đình ở quê nhà Nậm Khắt. Thì chính tay Phềnh trồng những gốc hồng ấy, là 200 gốc giống hồng không hạt Fuyu Nhật từ bốn năm trước, theo dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa về, rồi để lại cho bố mẹ chăm sóc. Bận rộn, mải mê với lợn, Phềnh thậm chí quên mất những gốc hồng. Năm 2018, vườn hồng cho trái thương phẩm đầu tiên- Phềnh ngỡ ngàng, rồi phấn khích, rồi hứng thú, rồi biết mình phải đứng lên, tiếp tục thế nào. Phềnh chăm bẵm, nâng niu từng trái hồng nhưng là để cho chúng phát triển tự nhiên nhất: không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích trong suốt thời gian từ khi đậu quả đến thu hoạch, tất nhiên là dày công chăm lắm chứ. Chất lượng sạch, thời điểm thu hoạch lại trùng với dịp Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm đó, hồng Nhật của Phềnh lần đầu ra mắt thị trường được đón nhận ngay. Chẳng quảng cáo rầm rộ vậy mà thương lái từ huyện đến tận vườn thu mua. Có nhiều người chả phải tay buôn cũng đến vườn hồng quay hình, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội để bán. Cứ mỗi cây cho trung bình 25 kg quả, bán lẻ 40.000 đồng/kg, sỉ thì 35.000 đồng/kg, vụ hồng ấy cũng thu về gần trăm triệu đồng. Năm đó và năm nay cũng vậy. Ít công chăm sóc, ít bệnh hại, lại có thị trường, hồng không hạt Fuyu Nhật “ươm” lại khát vọng lập nghiệp của Phềnh. Sẽ nhân giống bằng phương pháp chiết ghép để mở rộng diện tích, phục vụ cả những ai cùng muốn trồng hồng như mình- Phềnh dự là như thế, sẽ làm ngay trong năm tới, bằng niềm tin mới, quyết tâm mới!
Hoàng Văn Chuyến- thanh niên người Thái ở bản Tông Co 2, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ chọn một loại vật nuôi không mấy phổ biến cho một hướng đi khác biệt để lập thân. Từng bươn chải đủ nghề, đủ nơi mưu sinh, rồi tình cờ làm thuê gần một trang trại nuôi dế ở Hà Nội, học lỏm rồi ấp ủ giấc mơ dế mèn, để năm 2016, Chuyến về quê nhà mang theo 3 khay trứng dế. Chuyến nuôi dế giữa mùa đông, trong khi đây là loài không ưa lạnh, bởi cái lý của mình: “Nếu giữa lúc thời tiết khắc nghiệt nhất với chúng mà có thể nuôi được nghĩa là thành công”. Anh thắp điện gần như 24/24h, ngốn đến cả triệu bạc. Vợ sốt ruột, cho anh là phiêu lưu. Anh bình tâm, bởi tin vào mình. Nuôi dế non trong hộp xốp, sau chuyển chúng qua bìa cát tông. Nhưng, lứa đầu tiên, dế chết tất thảy. Hóa ra, chính bìa cát tông hút ẩm, đặc biệt trong mùa mưa là nguyên nhân. Thất bại, nhưng Chuyến nghĩ chỉ là theo cách nuôi này. Anh trở lại Hà Nội, làm thuê công việc cũ, chủ yếu để tiếp tục học lỏm ngón nghề trang trại dế kia. Đầu năm 2017, Chuyến lại về quê với 5 khay trứng dế, đầu tư 6 bể nuôi. Vừa làm vừa đúc rút, điều chỉnh các yếu tố liên quan, đặc biệt là nhiệt độ và thức ăn, anh dần bỏ túi bí quyết riêng, như dế 45 ngày mới được chuyển từ hộp xốp sang bể, như công thức thức ăn cho dế... Anh còn thuê 2.000 m2 ruộng trồng rau nuôi dế. Kiên trì dẫn lối, cần mẫn đưa đường, một, hai rồi nhiều lứa dế 45- 60 ngày tuổi đạt chuẩn đã không còn là điều khó làm với Chuyến.
Qua bước khởi đầu tạo thành phẩm, đưa thành phẩm thành sản phẩm cần nhiều hơn những kiên trì và cần mẫn. Chuyến không ngại vào vai một người đầy năng động để đưa những chú dế mèn từ bể nuôi lên bàn ăn của thực khách: nào lập facebook “Dế mèn Mường Lò”, nào tận dụng ưu thế MC của mình mời những gia đình có cỗ tân gia hay đám cưới dùng miễn phí một số món dế, nào sáng tạo món mới từ dế… Những đơn hàng dần đến. Cứ vậy, từ 5 khay trứng, anh nhân lên 50 khay, nuôi gối 1 năm 10 lứa, cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi năm. Giờ, anh đã là người nuôi dế thành công đến thời điểm này ở Mường Lò, cũng là mối cung cấp dế uy tín đất này- nơi mà dế mèn là một trong những đặc sản ẩm thực của người Thái bản địa- những người đang phát triển mạnh du lịch cộng đồng ở đây. Thế nên, đó có lẽ chỉ là sự khởi đầu cho con đường tốt đẹp hơn, để những chú dế mèn của Chuyến không còn là những cuộc “phiêu lưu” không đích. Nhưng Chuyến thì vẫn còn nhớ mãi những ngày: “Đi xin bìa cát tông trông như kẻ buôn đồng nát trong con mắt coi thường của nhiều người hay những khi gia đình thiếu thốn vì bao nhiêu thời gian, tiền bạc dồn cả cho dế mà chưa thu được gì. Không vì tự ái mà từ bỏ, không vì túng quẫn mà buông tay. Mừng vì mình đi qua những phút giây ấy, mới đến được ngày hôm nay”- Chuyến vui hơn vì điều ấy.
10 năm sau làm thuê đất Hà thành, Hứa Văn Quang- thanh niên người Tày ở Phúc Ninh, Yên Bình có vỏn vẹn 40 triệu đồng để về quê nhà trong khao khát được “làm thuê” cho chính mình. Ngày ở Hà Nội, rong ruổi bên sông Hồng, thấy người ta nuôi cá lồng; quê nhà Phúc Ninh- nơi ven hồ Thác Bà, đất ít, nước nhiều; cá lồng trên hồ là điều duy nhất thanh niên ấy nghĩ được lúc trở về năm 2016. Đến thời điểm ấy, ở Phúc Ninh, chưa ai nuôi cá lồng.
Quang nghĩ đơn giản thế này: “Phải bắt đầu từ những con số không”. Không kiến thức, không kinh nghiệm thì tìm đến người đang nuôi cá để nắm điều cơ bản nhất: địa điểm đặt lồng, làm lồng, con giống, chăm sóc… Ít vốn, thì làm nhỏ thôi: 2 lồng, và tự tay ghép lồng, việc này Quang làm được, bởi tay nghề 10 năm từng ở xưởng sửa chữa cơ khí, chi phí bớt được 7 triệu đồng mỗi lồng. Vẫn bởi ít tiền, Quang đương nhiên phải vay vốn, chừng phân nửa trong số 80 triệu đồng ban đầu. Quang chọn nuôi cá nheo, vì thấy bảo cá này lớn nhanh. Đúng vậy, nhưng chúng cũng nhanh đói, đánh nhau, rồi thiếu ô xy bởi Quang “tham” làm nên thả những 3.000 con hai lồng. Sau lứa đầu tiên mà cá chết đến 2/3, Quang mới có kinh nghiệm về những điều này. Lứa này, Quang bán lặt vặt suốt, chẳng nổi tấm món, mãi đến cuối lứa mới thu được 20 triệu một lúc, chắt chiu làm vốn cho lứa sau.
Lứa tiếp, làm thêm 2 lồng, bỏ nheo nuôi lăng, cần mẫn theo các lớp kỹ thuật chăn nuôi liên quan ở xã; chịu khó lần mò nguồn giống tốt, rẻ; chăm chỉ hỏi thăm địa chỉ thương lái, cuối vụ, Quang có lời hơn trăm triệu đồng, mừng biết mấy vì có lực tái đầu tư lớn hơn. 6 lồng, Quang dự là nuôi tất nheo tiếp nhưng bỗng dưng muốn trải nghiệm với cá ngạnh- loài vốn sống trong môi trường tự nhiên của hồ Thác Bà, trước nay đất này chưa ai nuôi bao giờ. Quang luận: “Cá ngạnh nuôi lồng, việc chăm sóc sẽ đơn giản, vì vẫn là môi trường chúng vẫn sống; chúng ăn ít, nguồn chính là tôm cá nhỏ của hồ dễ dàng thu gom được nên chi phí đầu tư sẽ không lớn mà đây là loại đặc sản của vùng hồ này”. Thế là mua lẻ lúc vài chục con, khi cũng được nghìn con, từ những người đánh bắt cá ở hồ, khá mất công sức và thời gian, để 3 tháng sau, Quang có cá thả kín cả 10 lồng, cả ngạnh và lăng. Mới vậy, đã có thương lái ngấp nghé hỏi han. “Sang năm, không bất trắc gì, toàn bộ cá lăng và 50-70% cá ngạnh sẽ xuất bán được, dự tính cũng lãi tầm 300 triệu đồng” - Quang cười mong đợi.
Quang kể chuyện về cá, về hồ cái giọng lơi chơi như không nhưng đáy mắt đầy lúc vẫn chầng chậng khi nhắc những đêm hồ Thác. Hồ Thác mênh mông, miên man ì oạp tiếng nước vỗ mạn thuyền và xoàm xoạp lũ cá quẫy đạp giữa muôn trùng thăm thẳm đêm buông, chỉ tiếng người từ chiếc radio làm bạn - gần nghìn đêm như thế Quang đã đi qua. Tận cùng cô quạnh trong những đêm hồ Thác, có lúc thanh niên đương độ 30 ấy muốn bỏ cá, bỏ hồ. Nhớ những nhọc nhằn lúc làm thuê xứ người, nhớ những “khát khao dữ dội” lúc bắt đầu trở về, ý định từ bỏ lại chìm xuống, như con nước mặt hồ lúc lặng yên không sóng, để sáng mai ra, lại lụi cụi với ba bữa ăn tự nấu trên chiếc thuyền nhỏ, lại cần mẫn với mấy nghìn con cá… Giờ, thêm 3 thanh niên khác cùng đặt lồng nuôi cá quanh đó, vì Quang rủ làm cùng và thấy Quang làm được. Quang có thêm niềm vui để kiên trì với cá, với hồ. Quang còn muốn thử cả nuôi cá eo ngách, trên diện tích cỡ tầm 3 ha mặt nước… Và hình như, Quang nỗ lực như để chứng minh điều này: “Làng mình, chừng 80% thanh niên ly hương tìm việc, bởi nghĩ ở quê nhà vất vả mà khó lòng khấm khá. Mình thì thấy trở về là điều đúng nhất từng làm. Có thử thách, vấp váp nhưng được làm chủ cuộc đời mình”.
Chọn lựa tiếp tục bước đi sau thất bại, dù có phải rẽ theo rất nhiều lối để đến một ngày, những con người ấy có quyền định nghĩa lại khái niệm “thất bại” đã đi qua. Họ gọi nó là những lần chưa thành công. Đâu đó nơi những góc quê nhà của những thanh niên chọn trở về để lập nghiệp đã chứng kiến những lần chọn lựa như thế, để sau những “bàn chân dẫm gai”, ở nơi “hoa hồng đã nở”, họ biết và họ chứng minh: Quê nhà luôn là chốn đón đợi để họ có thể trở về, bắt đầu và đứng vững, nếu biết cách chọn lựa, đối mặt, đương đầu và kiên gan.
T.H - H.A