Ông Vĩnh gạt vạt áo mưa xõa xuống tay cho khỏi vướng, cặm cụi bới đống rác trong xe đẩy rác tìm đồ phế liệu. Thói quen luyện đôi tay của ông có sự nhạy cảm đến điêu luyện. Không cần nhìn bằng mắt, tay ông vẫn cảm nhận rõ vật gì là thủy tinh, vật gì là giấy, vật gì là chai nhựa trong mớ hỗn độn của rác thải sinh hoạt để lôi nó lên cho vào bao tải. Có lẽ phải đến hơn chục năm nay ông làm công việc này. Chẳng phải ông không có lương để nuôi sống bản thân, tiền trợ cấp thương binh của nhà nước một mình ông tằn tiện cũng đủ. Nhưng ông không thể để tay chân thừa thãi được. Cái tính ông nó thế, xuất thân từ nông dân, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ tinh mơ đến nhọ mặt người. 20 năm ở chiến trường, ngay cả ngủ cũng vẫn trong tư thế chiến đấu đã luyện ông trở thành con người của công việc. Giờ già rồi, muốn làm cũng chẳng ai nhận nữa thì ông chọn công việc này làm vui. Nhặt hết đồ ở xe đẩy này, ông vắt chiếc bao tải lên vai mặc cho nó lăn lủng lẳng trên chiếc lưng bắt đầu cong về phía trước, thong dong sang chiếc xe đẩy khác tìm kiếm. Chiếc hộp bìa cát tông sạch sẽ, để ngay ngắn dưới chân xe rác hút ánh nhìn của ông. Chắc gia đình nào vứt đi những món đồ còn quý đối với ông nên cố ý để ngay ngắn ở đó cho ông bớt công bới tìm. Họ đã quen với sự có mặt của ông, yêu cái tính cách cởi mở của ông nên chẳng cần nhờ họ vẫn tự nguyện làm điều đó. Ông giật thột khi mở miệng hộp. Thứ trong hộp không phải là rác, nhưng sao lại nằm nơi bãi rác. Ai đó nỡ nào muốn nó thành rác thế này. Tội nghiệp. Thì có sao. Đời này vẫn thế, ông vốn đã bắt đầu quen dần với điều đó- những điều mà trước đây đã khiến ông bao đêm không ngủ. Rác của họ họ bỏ là việc của họ, rác của họ là đồ của ông là việc của ông. Thế thôi, cho nhẹ đầu. Nghĩ vậy nhưng ông vẫn thấy tim mình nghẹn lại như có ai bóp càng ngày càng mạnh. Ông vội vàng nâng “cuộn rác” trên tay. Ơn trời, nó còn sống, còn mở đôi mắt trong veo nhìn ông. Ông xúc động ôm nó vào lòng. Đôi bàn tay xinh xắn huơ lên mặt ông, cái mặt râu ria lởm chởm, nham nhở vết cháy do bom na pan đến dị dạng, chẳng ai dám dừng mắt mình lâu trên khuôn mặt ấy vì nó gọi sự sợ hãi xâm chiếm tâm hồn họ. Riêng thằng bé này thì không, nó đang khều bàn tay ngà ngọc lên mặt ông. Niềm yêu thương ùa về, ông ghì nấy nó, bỏ mặc mọi thứ mà chỉ cách đó vài phút ông đã mất bao công tìm nhặt chạy một mạch về nhà: “Nó sẽ là con ông. Từ nay ông sẽ có con. Chỉ của một mình ông thôi. Thỏa niềm khát khao ông mơ ngày trẻ”.
Cửa nhà ông Vĩnh khóa mà ông lại không muốn rời thằng bé khỏi tay để mở. Thời gian chạy từ bãi rác đến nhà ông chỉ chừng 10 phút. 10 phút được ôm một sinh linh bé nhỏ trong lòng, nó bỗng trở thành báu vật của ông. Ông sợ báu vật của mình biến mất nếu ông rời tay khỏi nó. Cứ thế, ông ôm thằng bé chạy sang nhà bà Thái ngay sát vách nhờ mở cửa. Bà Thái đang nhào một mớ hỗn độn nào sắn củ băm chừng đầu ngón tay, nào ngô, nào cám gạo cùng với nước đổ vào máng cho lũ gà trong lồng, giật mình bởi tiếng gọi nhỏ nhưng đanh gọn như ra lệnh của ông Vĩnh. Bà ngước lên nhìn ông Vĩnh, bắt gặp nét mặt đầy nghiêm trọng của ông, bà lẳng lặng làm theo. Chỉ khi cánh cửa nhà được khép kín sau lưng, bà Thái mới sấn đến ông Vĩnh hỏi dồn. Bà giáng cả cái thân hình khô quắt như chạc thừng xuống chiếc giường ọp ẹp duy nhất trong nhà ông Vĩnh thở hắt ra: “Ông nuôi sao nổi thằng bé mà nhận. Già xuống lỗ đến nơi…” Ánh mắt sáng quắc của ông Vĩnh nhìn bà khiến bà khựng lại. Bao nhiêu năm là hàng xóm sát vách nhà ông Vĩnh bà lạ gì tính ông. Bình thường thì hiền lành, bảo thế nào nghe thế ấy, nhưng đã quyết vấn đề gì thì đố ai lay chuyển nổi. Nhìn ánh mắt đầy cương quyết và cử chỉ đầy quyết tâm của ông bà đành kệ. Bà hiểu rõ khát khao được làm bố trong vô vọng của ông Vĩnh nó dằn vặt ông đến nhường nào. Bởi cũng từ bà đây, thanh niên xung phong dặt có hai năm, tưởng may mắn lành lặn hơn đồng đội ngày trở về quê nhà. Nào ngờ cái chất da cam da quýt gì gì đấy khiến bà không thể sinh ra những đứa con lành lặn. Sau lần đầu thất vọng, thời gian cho bà vơi đi nỗi đau và nhen nhóm hi vọng cho lần thứ hai. Lần thứ hai lại là thất bại. Khát khao làm mẹ nuôi trong bà một ý chị quật cường và tràn trề hi vọng để đến lần thứ ba nó hạ gục bà hoàn toàn. Bà bị nhà chồng hê ra đường như hê một con mái già tiệt đường sinh sản, kèm theo những tiếng rít qua kẽ răng “Cái loài cây độc.. còn bày đặt lấy chồng”. Bà bỏ xứ lên đây sinh sống, gây dựng được một căn nhà bé hệt như gian nhà trọ của sinh viên nghèo từ nghề mổ gà thuê. Có chút vốn liếng, bà chạy xe máy xuống những vùng nông thôn mua gà chạy đồi- thứ gà dân sành thành thị rất khoái về bán kiếm chênh lệch. Được cái bà thật thà, gà sạch là chỉ có gà sạch chứ không à uôm, nhập nhằng trắng đen thành thử nhà bà đông khách. Tiền lãi cũng nhiều hơn hẳn mổ gà thuê. Nhưng đối với những khách mổ gà quen đến, bà vẫn nhiệt tình chào đón. Thành ra người ta đến với bà còn cả vì cái tình bà dành cho họ. Khách càng đông thì cái sân rộng chừng một sải tay xoay một vòng trở nên chật chội. Ông Vĩnh gọi bà sang mời bà nới rộng cái quán bán gà sang sân nhà ông. Bà đắn đo, bởi trước cửa nhà ông cũng bề bộn đủ thứ trên đời ông gom về từ những xe rác thải. Bên này là chiếc cưa bàn đế đã gỉ hoẻn, cóc cáy cám cưa. Đó là vật dụng duy nhất để ông chế tác những miếng gỗ ông gom nhặt được thành ghế, thành bàn ăn cơm, bàn học, dát giường, hoặc bất kỳ thứ gì người dân xóm nghèo này cần đến ông nhờ vả hay do chính ông để ý thấy họ thiếu mà tận dụng làm cho. Dưới nền nào là gỗ ông tách ra từ những chiếc tủ tường cũ, từ những chiếc giường, chiếc ghế, thậm chí là chiếc bàn thờ người ta quăng bên đường. Ngắn thì bằng cánh tay, dài thì nguyên một cái dát giường, to thì là cái mặt ghế ba lan đã trơ màu gỗ, to hơn nữa là mặt bàn hay nguyên một cánh tủ. Tất cả được vứt ngổn ngang, lỏng chỏng. Góc sân bên kia là giấy. Giấy khô, giấy ướt, giấy bám đất, giấy dây thức ăn, tất tần tật được ông Vĩnh vứt ra sân nhờ nắng hong hộ. Mà không có nắng thì ông cũng vứt đấy, mặc chúng dầm mưa mãi rồi cũng có nắng đến hong khô. Sát tường nhà là hàng chục bao tải. Những phế liệu có thể bán được cho lái buôn đang chật căng trong đó. Ngổn ngang thế nên cái sân của ông Vĩnh rộng gấp tám cái “chuồng chim” của bà Thái thì cũng chẳng còn chỗ cho bà biện ra để mổ gà cho khách. Chả đợi bà gật đầu, trưa hôm sau ông cặm cụi chuyển hết những thứ trên sân trước ra sân sau của ngôi nhà, vui vẻ: “Thấy chưa, tha hồ mà rộng nhé. Bà cứ thoải mái đi. Tôi ra sân sau làm vừa đỡ ồn, vừa tha hồ mà bầy, chả sợ khách của bà chê luộm thuộm”. Từ dạo có sân của ông Vĩnh, khách của bà càng đông hơn vì họ có chỗ để xe, không phải chườn ra đường, hễ có xe to qua lại bị gọi giật cổ ra dắt, phiền hà, có khi còn bị đay là vô ý thức. Bà kiếm được ngày càng nhiều tiền hơn. Số tiền bà kiếm được tỉ lệ thuận với sự biết ơn của bà đối với ông Vĩnh. Thành thử những lúc dọn dẹp nhà cửa, hàng quán, tiện tay bà sang dọn nhà cho ông Vĩnh. Đàn ông đàn ang, ai chả vậy, không có bàn tay người phụ nữ, luộm thuộm thế chứ luộm thuộm nữa cũng là thường tình. Bà vô tư, còn ông lại ngại: “Bà làm thế, mang tiếng cho bà. Dẫu sao tôi với bà cũng là khác giới”. Bà bĩu môi, giơ cái mặt đen bóng hình chữ V, hai gò má nhọn như hai đít quả đào kẹ lanh chanh chòi lên ngay dưới mi mắt càng vót cho cái cằm vốn xương xẩu của bà thêm nhọn, bất chấp: “Ông lo cái gì, cái thứ tôi đây còn là đàn bà nữa đâu mà chúng thêu với cả dệt”. Ông Vĩnh quay đi, tránh ánh nhìn thách thức của bà.
Tiếng thằng bé khóc kéo bà Thái về thực tại. Thấy ông luống cuống, cánh tay thì khều khào, tưởng chừng như thằng bé sắp lọt đến nơi khiến bà ái ngại. Nhẽ ra bà mặc xác ông đánh vật với thằng bé, cho ông biết thế nào là không nghe lời bà nhưng nhìn ánh mắt cầu cứu của ông, bà bật dậy, chạy một mạch về nhà. Tiếng gọi của ông Vĩnh sau lưng như kéo diết lấy bà. Dăm phút thì bà lại sang, trên tay cầm chén sữa ông thọ mới pha thêm nước nóng. Chả có thìa cho trẻ sơ sinh, bà vơ tạm chiếc thìa hằng ngày bà vẫn pha cà phê đem theo. Bà kéo ông Vĩnh ngồi xuống, sát cạnh mình, cánh tay với qua mặt ông bón cho thằng bé. Cái lưỡi bé xíu, đỏ hồng của thằng bé cứ đưa ra, nún vào đều theo nhịp tay bà bón. No nê, nó ngủ như cún con trong lòng ông Vĩnh khiến bà vui sướng. Bà kéo lấy thằng bé từ tay ông Vĩnh vào lòng mình, hôn chùn chụt lên cái má bánh đúc hồng lên vì no sữa. Bản năng người mẹ thúc bà nằm xuống giường, co chân o thằng bé vào lòng, miệng cất tiếng ầu ơ nho nhỏ. Ông Vĩnh giữ ý lẳng lặng ra đầu hè ngồi đốt thuốc.
Bùm! Bùm! Bùm….u…m….! Từng cột khói cuộn vào nhau đen kịt phủ kín bầu trời phía trên đầu Vĩnh. Mặt đất rung chuyển, bê tông cùng đất đá rơi rào rào. Nằm sấp trong chiếc hào cá nhân vừa khít người, trên lưng ngụy trang bằng một lớp cỏ Vĩnh vui mừng khôn xiết. Cầu sập rồi, hoàn thành nhiệm vụ trên giao rồi. Giờ thì chúng mày tiệt được tiếp tế nhé, lũ cướp nước. Vĩnh ngóc đầu khỏi hầm bí mật, có những 3 xe hàng nằm chỏng chơ phía đầu cầu. Những xe còn lại đang quay đầu tháo chạy. Dường như đã hoàn hồn, chúng xông thẳng vào nhà dân trút giận. Những ngôi nhà ven đường đổ sập, những người dân xấu số nằm dưới bánh xe. Tiếng gào thét, tiếng la ó vang vọng cả cái xóm nhỏ vùng hậu địch. Bóng một phụ nữ ôm đứa trẻ nhỏ bé, liêu xiêu chạy trước bánh xe không xa. Trời ơi gần quá. Chúng định giết hai mẹ con họ hay sao. Dã man và tàn độc. Quên cả nhiệm vụ giữ bí mật, Vĩnh bật dậy lao lên, ôm lấy hai mẹ con người phụ nữ, lăn tròn. Không kịp. Bánh xe đã chèn dọc chân Vĩnh, lăn qua người đàn bà. Khuôn mặt của người đàn bà biến dạng, đầy máu đè lên ngực Vĩnh. Thằng Cu- con Vĩnh đầu ngoẹo sang một bên, lạnh ngắt. Vĩnh gào lên, điên loạn. Tiếng bà Thái đấm cửa thuỳnh thuỳnh kèm tiếng gọi thất thanh, kéo ông Vĩnh lơ mơ tỉnh dậy. Thằng Cu nằm bên cạnh bố khóc lặng từ lúc nào. Ông Vĩnh vội vàng bế con dậy, lập cập mở khóa cửa cho bà Thái. Giật thằng Cu khỏi tay ông Vĩnh, bà Thái cất giọng ầu ơ, vỗ về. Đợi nó ngủ say, bà cáu kỉnh: “Ông mơ cái gì mà gào thét kinh vậy? Định dọa cho thằng bé sợ đến chết à. Tội nghiệp thằng Cu bé bỏng của mẹ”. Ông Vĩnh ngồi bất thần trên giường, mồ hôi vã ra như tắm. Rõ là cái lần ông cứu hai mẹ con người phụ nữ ấy. Nhưng chỉ cứu được thằng bé, vì nó may mắn nằm phía tay phải ông. Duyên số thế nào, đó chính là vợ con của Cường, lính mới về tiểu đội của ông. Biết chuyện Cường vừa khóc vừa lạy ông như tế sao. Nó cứ khăng khăng nhận ông là bố của con mình. Suốt ngày gọi ông là bố của Huy à, bố của Huy ơi. Ban đầu ông ngượng. Chưa một mảnh tình vắt vai nào đã được làm bố, sau rồi thấy xúc động, tình yêu vô điều kiện của thằng Huy đã nảy mầm trong ông khát khao làm bố. Thế rồi, chất độc màu da cam chỉ cho ông làm bố được 1 lần duy nhất ấy thôi. Xuất ngũ, bố mẹ giục lấy vợ, ông gạt phăng. Bao nhiêu cảnh ngộ của đồng đội bị nhiễm chất độc như ông, khiến ông không cho phép mình làm khổ thêm bất kỳ người đàn bà nào nữa. “Ông làm sao? Tôi hỏi mà ông cứ như người mất hồn vậy?”. “Thì mơ lại chuyện ngày xưa. Nhưng cuối cùng lại ra thằng Cu”. “Thằng Cu làm sao?”. “Kinh hãi, kinh hãi lắm. May chỉ là mơ thôi. Bà đưa thằng Cu tôi ôm nó một tí. Tội nghiệp con tôi!” Bà Thái đặt thằng Cu vào lòng ông Vĩnh, nói như ra lệnh: “Suốt ngày mê mẩn chuyện chiến tranh thế này thì từ mai đi ngủ bỏ ngỏ cửa đấy, tôi còn chạy sang bế nó. Chứ không có ngày ông đè bẹp thằng bé!” Ông Vĩnh ngoan ngoãn gật đầu. Bà Thái đi rồi, ông Vĩnh nhẹ nhàng nằm xuống, tay vẫn ôm khư khư thằng bé, ông muốn khẳng định lại một lần nữa sự hiện diện của thằng bé trong cuộc đời ông, cũng là để đuổi cho kiệt sự sợ hãi đang vây chặt lấy mình. Ông nằm đó, nghĩ về những ngày đã qua, chợt nhớ ra, từ ngày ông có được thằng Cu, ông chưa báo tin vui cho ông Cường biết.
Ông Cường đến chia vui, còn mang theo lỉnh kỉnh bỉm, sữa, quần áo, nôi đưa bằng điện đến bày chặt nhà ông. Thằng Huy cũng từ Nam bay ra, tất cả những gì cần cho một đứa trẻ, Huy đánh ô tô chở đến hết. Trong vui vẻ, ông Cường vung tay đòi tài trợ sữa cho Cu, mặc cho ông Vĩnh giãy nảy. Thằng Cu có thêm một ông bố nữa, thêm một anh trai đã có vợ con nơi trời Nam, chả hiểu gì mà lại cứ lỏn lẻn cười. Nghe bố con ông Cường tư vấn, ông Thái bỏ hẳn nghề nhặt rác, ở nhà vừa trông thằng Cu vừa phụ đun nước, mổ gà cùng bà Thái. Nhà cửa có bàn tay bà Thái, sạch bong. Thằng Cu có bàn tay bà Thái trộm vía cứ ăn cứ lớn. Ngay đến cả ông, có bàn tay bà Thái, ông chẳng phải cơm niêu nước lọ, béo ra. Được làm những điều đó, bà Thái lại vui. Không biết từ khi nào thằng Cu trở thành con của hai ông bà. Được làm bố mẹ ở cái tuổi gần đất xa trời, tuy vất vả nhưng nó khiến ông bà hạnh phúc hơn bao giờ hết, hạnh phúc khiến ông bà trẻ lại. Những tiếng cười giòn tan, những cử chỉ ngộ nghĩnh, những lời nói ngây thơ như một liều thuốc thần gọi những tiếng cười đã vắng bóng lâu lắm rồi của ông bà. Niềm vui, hạnh phúc càng ngày càng kéo ông bà lại gần nhau. Nhiều người nói vui, giờ chỉ cần hai ông bà đập thông bức tường ngăn hai nhà là đẹp. Bà Thái, ông Vĩnh chỉ nhìn nhau cười. Nụ cười đầy ẩn ý của những người lớn tuổi cần bạn già nương tựa.
Nắng chiều quét một vệt dài trước sân nhà ông Vĩnh. Thằng Cu ngồi trên chiếc xe ba bánh ôm con lật đật cười khanh khách theo từng nhịp ú òa của bà Thái. Ông Vĩnh đang đẩy phía sau, xoa đầu con, mủm mỉm cười theo. Sau mỗi lần chọc cho con cười, bà Thái lại lom khom vừa nựng vừa đút từng thìa cháo cho con. Mỗi miếng ăn con nuốt, nụ cười lại nở trên môi cặp vợ chồng luống tuổi. Phía xa, khuất sau hàng rào ô rô, bố con ông Cường khoác vai nhau thủ thỉ: “Con của con đang hạnh phúc bên ông bà nội của nó. Con thấy không?” “Con thấy. Kể từ ngày biết bố Vĩnh đã cứu sống con, con đã nghĩ con của con sẽ trở thành cháu nội của bố Vĩnh rồi. Vợ chồng con cho thằng Cu ở đó là cách tốt nhất để bố Vĩnh được hạnh phúc nốt phần đời còn lại”.
H.K.Y