Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ THANH
Mới năm giờ chiều mà sương mù đã giăng đầy khe núi, sương dày đặc kéo màn trời thấp xuống rồi nhả ra từng làn mưa dây dây làm con đường mòn trước cửa lớp ướt nhẫy. Mận thận trọng bấm chặt mười đầu ngón chân xuống nền đất nhão nhoẹt và dắt tay mấy đứa học trò ra về. Nhưng không, những đứa trẻ lớp một lộc ngộc chênh nhau đến dăm bảy tuổi vùng khỏi bàn tay Mận, chúng chạy lao xuống dốc bằng bàn chân xoay ngang bặm xuống mặt đất trơn như đổ mỡ, người nghiêng nghiêng, hai tay dang ra lấy thăng bằng y như những con diều hâu liệng trên nền trời vậy. Loắng một cái chúng đã ở bên kia sườn dốc. Mận chỉ nhận ra chúng từ tiếng cười nói, tiếng hú chào nhau để mỗi đứa tản về một hướng.
Quay lại căn nhà ba gian dành cho tập thể giáo viên mái lợp cỏ gianh, tường ken phên nứa, giường ngủ được đóng bằng bốn chiếc cọc tre và đặt lên đó tấm dát phên đan cũng bằng nứa, phía đầu hồi lai ra hai hàng gianh làm bếp đun nấu. Mới sang thu nhưng trời đã lạnh, hơi gió, hơi sương hun hút nên cứ từ độ khai giảng năm học là bếp được chuyển vào phòng ở vừa để lấy hơi ấm, vừa đỡ tạt gió. Tiện chân đất, Mận men ra khe suối ngắt vội nắm rau rớn non câng cấc rồi với tay hái nắm lá đu đủ đực bên đường đem về làm món rau xào tỏi. Ngày mới lên nhận việc được thầy Thái, cô Na chiêu đãi món này Mận vừa bỏ vào miệng nhai đã vội nhả ra vì vừa đắng, vừa hôi, vừa nhớt. Nhưng ở nơi này đâu có gì khác hơn ngoài rau cải đắng, lá đu đủ đắng, rau rớn nhớt và cả loại rau hái bìa rừng cũng đắng. Lâu dần thành quen, bây giờ cứ sắp đến bữa lại thấy thèm và còn thèm cả ớt cay nữa, ở xứ lạnh không ăn ớt dễ bị cảm lạnh lắm, thầy Thái bảo vậy. Lụi cụi cời than vần nồi cơm xuống rồi bắc nồi rau lên bếp cũng là lúc hai thầy cô xuống núi từ sáng sớm mua lương thực, thực phẩm trở về. Cô Na đỡ chiếc lù cở trên vai thầy Thái đặt xuống nền rồi lôi ra bọc cá khô, loại cá chuồn muối mặn được treo trên gác bếp làm thức ăn dự trữ. Đoạn cô Na nhúp hai con cá khô đưa cho Mận và hướng dẫn kẹp vào thanh tre nướng trên than hồng. Xong bữa tối. Thầy Thái chạy luôn ra mó nước vục rửa chân tay, tắm thật nhanh rồi trở về phòng. Hai chị em rửa bát đũa xong cũng lịch kịch lấy đồ ra mó tắm. Nước mó từ khe núi chảy ra trong vắt, trời càng lạnh thì nước càng ấm và mùa hè càng nóng thì nước lại càng mát. Liệu có phải nhờ đó mà con người ở đây mới bám đất, bám rừng đời này qua đời khác không thể rời xa? Nước thở ra hơi ấm bốc lên như làn khói. Mận từ chỗ rụt rè, sợ sệt đã nhanh chóng thích nghi, cô tủm tỉm cười khẽ té vài giọt nước lên khuôn ngực đầy đặn của chị Na rồi hỏi "Ba mươi tuổi rồi mà chưa lấy chồng hả chị?". "Ừ…! Chắc phải lấy ông ba mươi chúa tể rừng xanh mới xứng!". Cả hai chị em phá lên cười. Tiếng cười xé rách cả màn sương… Ba tháng sau, dịp gần đến tết của đồng bào vùng cao, trong bữa cơm tối vẫn cá khô nướng, rau đắng luộc chấm muối ớt, chỉ khác hơn là có con gà chân đen luộc còn rất nóng được thầy Thái bày ra. Mận thích thú reo lên "Anh Thái cho chúng em ăn tết sớm thế!". "Không phải tết nhưng cũng vui hơn tết đấy! Anh đến nhà bác trưởng bản báo cáo công việc hệ trọng và được tặng chú gà trống béo nhất trong đàn. Anh nói luôn nhá! Từ hôm nay anh và chị Na là vợ chồng. Em hiểu không? Là vì anh chị đã có con!". Thế rồi ngay đêm hôm đó chị Na bê chăn gối sang phòng anh Thái. Họ là vợ chồng. Anh Thái bảo đường đất xa xôi, thời bao cấp xe cộ khó khăn, kinh tế khó khăn, xin mua vài bao thuốc lá, mấy gói kẹo cũng đâu dễ nên anh chị chỉ biên thư về báo cho gia đình ở quê biết là được rồi. Trên này trưởng bản nói với dân bản là được rồi. Ở trường anh là phụ trách thì toàn quyền rồi, có em chứng giám cho là được rồi! Cho nên vài tháng nữa con anh ra đời dù trai hay gái anh cũng sẽ đặt tên là Được! Và trời thương, thằng Được đến với ngôi nhà nhỏ trên núi cao vào một ngày nắng xuân ngập tràn, rừng hoa tớ dày bung nở nhuộm đỏ cả dải rừng xanh. Không hiểu từ hoàn cảnh hay từ bản năng mà tự tay anh Thái cắt rốn cho thằng bé, tự tay quấn nó gọn gàng trong chiếc áo sơ mi cũ đã ố vàng của bố. Ồ… thì ra đây không phải là lần đầu, anh nói đã từng giúp mấy bà đẻ rơi trên nương rồi. Ôi cha! Người thầy giáo vùng cao rốt cuộc đành phải biết tuốt mọi thứ, làm thầy giáo, làm thầy thuốc, làm bà đỡ, làm dân vận, làm tuyên giáo, làm tổ chức, cái gì dân nhờ đến thầy là thầy khắc phải biết. Đấy là lời của anh Thái mỗi khi họp hội đồng giáo dục mặc dù chỉ có ba thành viên. Năm tháng trôi nhanh, đã bao lứa học trò rời ghế nhà trường đem con chữ về nhà để tính toán việc gieo lúa, tra ngô sao cho đúng thời vụ, sao cho bắp to, bông lúa chắc hạt. Có mấy đứa được vận động xuống núi học trường nội trú trở về làm cán bộ xã, làm cô đỡ đẻ ở trạm xá…
Trăng mùa thu mờ ảo lúc ẩn, lúc hiện giữa trời. Cởi hết áo quần, một mình Mận dìm cả tấm thân với làn da khô ráp và hai bàn tay dạo này hay nổi gân xanh xuống mó nước chứ không ngồi trên bờ khỏa nước như mọi khi. Đang thẫn thờ, lơ đãng chẳng biết mình đang nghĩ gì thì tiếng chị Na nhỏ nhẹ phía sau lưng "Ba mươi tuổi hơn rồi mà không lấy chồng à?". "Hị hị…! Em có mà lấy ông ba mươi chúa tể rừng xanh mới xứng!"… Nếu hơn chục năm về trước sẽ có tiếng cười xé rách màn sương nhưng lần này chỉ có tiếng gió rừng lay động trong không gian như đang quánh đặc giữa hai người phụ nữ. Bỗng Mận nhoài người lên ôm chặt chị Na mặc cho thân thể vẫn ở trần như thế. Mận không khóc, không cười. Giọng khô khốc nói cho Na đủ nghe "Mai em về quê lấy chồng! Chị trông lớp cho em! Em hứa sẽ lên với chị!". Na cũng không nói gì hơn, đẩy Mận ra và nhìn thẳng vào mắt nó. Mận vội lảng tránh cái nhìn của người phụ nữ đang đối diện với mình rồi vơ vội quần áo cứ thế chạy về phòng. Gió hun hút len qua vách nứa. Cả phòng bên cũng kèn kẹt tiếng dát giường ai đó không ngủ được.
Mận về quê lâu lắm, đã mấy lá thư viết cho Na kể về những ngày hạnh phúc bên chồng của Mận ở quê, rồi lý do chồng bị tai nạn bất ngờ không qua khỏi nên chưa lên miền ngược được, nhờ chị Mận đứng lớp giúp. Và rồi Mận đã trở lại như lời hứa. Mận gầy xanh hơn, mấy sợi tóc mai đã điểm bạc. Họ bảo có người chỉ sau một đêm mất ngủ mà tóc còn bạc trắng cơ. Mận nói rằng em chỉ vài ba sợi như này là còn nghị lực lắm a! Vào những ngày cả bản, cả xã tất bật chuẩn bị cho ngày tết sau khi lúa nương đã gặt xong, ngô đã chắc hạt treo đầy xà nhà, xà bếp thì Mận trở dạ sinh được thằng cu Núi kháu khỉnh mặc dù sinh thiếu tháng! Bà con dân bản cùng vui đem đến cho nào gạo, nào ngô, nào thịt sấy, cá sấy, trứng gà để cô giáo bồi bổ. Cu Núi lớn lên trong yêu thương đùm bọc của mẹ Mận, bác Na, bác Thái và anh Được. Lạ thay cả mẹ Mận và bác Na không ai sinh thêm được em nào nữa. Năm thành viên trở thành người của bản sớm tối nương tựa nhau, anh Được em Núi cứ lớn nhanh như cây rừng và cũng sớm thành thạo việc đi kiếm củi, đi mò cá dưới khe như những đứa trẻ miền sơn cước. Trường lớp ngày càng được mở rộng và đã có thêm mấy giáo viên về dạy học. Thầy Thái được lên phòng Giáo dục làm cán bộ chuyên môn rồi dần dần lên chức phó phòng, trưởng phòng Giáo dục, vợ con cũng được ưu tiên chuyển vùng xuống thị trấn huyện lỵ. Vào thời khắc cơn lũ quét ào ào đổ xuống vùi lấp cả khu huyện ủy khi cuộc họp Ban Thường vụ đang diễn ra. Chỉ có ba người thoát nạn. Ngày tang thương đó đã cướp đi sinh mạng của bốn vị lãnh đạo trong đó có chủ tịch ủy ban. Sau thời gian củng cố tình hình, rất nhanh chóng thầy Thái được bổ nhiệm thẳng lên làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Cũng nhờ vị trí đó thằng Được có tiêu chuẩn học trường nội trú cấp ba trên tỉnh, đi đại học Nông Lâm và lại trở về công tác ở phòng Nông nghiệp huyện. Trước khi chủ tịch Thái nghỉ hưu đã kịp bố trí thằng Được lên chức Trưởng phòng Nông nghiệp.
Lại nói về cu Núi, hai mẹ con ở lại bên ngôi trường ngày một khang trang hơn, rồi nhờ hơi hướng của ông Thái nên nó cũng được lên tỉnh học trường nội trú, được cử tuyển vào trường Đại học Lâm nghiệp bên Thái Nguyên. Ra trường Núi không trở về xin việc mà tự một mình liên hệ vào làm ở một công ty ở Hà Nội. Gặp thời, công ty phát triển ngày càng lớn mạnh với đa ngành nghề, trong đó có lĩnh vực bất động sản và khai thác khoáng sản. Lương nó khá cao nên chẳng mấy chốc nó chắt bóp dành dụm mua được căn chung cư ở thủ đô. Nó năn nỉ đón mẹ Mận về Hà Nội ở nhưng bà nhất quyết không theo. Bà nói nghỉ hưu ở trên vùng cao dưỡng già thích hơn, không khí thoáng đãng hơn, chứ về chung cư như con chim bị nhốt trong lồng, khó chịu lắm, mà không dễ còn bị tổn thọ nữa. Núi lấy vợ người cùng quê Thái Bình, cùng làm một công ty nên chung tay tậu được ngôi nhà đất nền ba tầng khá đẹp. Mặc dù vậy bà Mận vẫn không thích, thỉnh thoảng xuống chăm cháu dăm bữa nửa tháng là lại nhoi lên phố núi một thân một mình. Bà thường bảo không có gì quý hơn độc lập tự do. Thời kỳ về chăm cháu bà biết rồi, việc xung khắc với con dâu như cơm bữa. Bà vừa quấy xoong bột tra mỡ lợn với nước mắm thơm lừng, béo ngậy thì bị con dâu đem bỏ đi rồi nấu lại đĩa bột nhạt toẹt, không dầu mỡ, không muối mắm, đớ ơi là đớ. Cho cháu ăn, bà thường nếm đầu lưỡi xem bỏng nguội mức nào thì nó chê bà mất vệ sinh. Nó bảo cho ăn mặn, ăn dầu mỡ không tốt. Không tốt à? Mất vệ sinh à? Vậy tại sao bà nuôi thằng bố nó bằng cơm nhai cơm búng mà vẫn lớn như thổi, vẫn học hành đến cử nhân hẳn hoi. Ừ thì bà buông, cho nó thuê người chăm con, bà càng nhàn thân. Nghĩ vậy thôi… nước mắt chảy xuôi, nhớ con nhớ cháu bà lại lỉnh kỉnh gạo ngon, thịt ngon, trứng sạch, rau sạch túi lớn bao bé lên xe khách về Hà Nội. Chỉ có thời gian thằng Núi cùng anh em công ty lên làm việc trên huyện lâu lâu thì bà mới ở lại nhà lâu hơn. Được con trai về ở cùng ngày nào là bà như trẻ ra ngày đó. Năm tháng trôi nhanh, thằng Được đã lên chức Phó Chủ tịch huyện phụ trách khối kinh tế, còn thằng Núi cũng được chân Trưởng phòng kinh doanh của công ty, anh em nó quấn nhau lắm. Từ khi biết thông tin trên phạm vi núi Pú Lung có mỏ sắt thì rất nhiều công ty lên xin cấp phép thăm dò, nhưng nhờ có mối quan hệ thân thiết nên việc thăm dò khai thác khoáng sản của thằng Núi trở nên thuận lợi hơn, kinh tế hai gia đình ngày càng khấm khá hơn. Chúng còn tổ chức cho ông Thái, bà Na và bà Mận đi du lịch nước ngoài bù đắp những ngày gian khó xưa.
Sau chuyến du lịch dài ngày về, bà Mận mệt mỏi, ho dai dẳng, sút cân. Núi lo lắng gửi mua toàn những loại thuốc bổ của ngoại cho mẹ uống nhưng không cải thiện được. Đưa mẹ về Hà Nội khám thì phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Núi giấu mẹ tin dữ này nhưng bà Mận biết cơ thể mình đang nói gì. Bà kéo Núi vào lòng ôm thật chặt như ngày nó còn thơ bé, hai dòng nước mắt đổ xuống má không phải nóng hổi mà hôm nay nó cảm thấy lạnh buốt. Không ổn rồi. Nguyện vọng của mẹ là được về phố núi, đó là quê hương thứ hai, là cả cuộc đời… Lo tang sự xong, vợ chồng Núi dọn dẹp sắp xếp lại đồ đạc, vệ sinh nhà cửa. Mở khóa chiếc hòm gỗ sơn đỏ đã bong tróc theo thời gian, trong đó có mấy sổ tiết kiệm, có sổ gửi cách đây tới chục năm. Núi lật đống giấy tờ lôi ra một cuốn sổ tay đã sờn góc, giấy đổ màu ố vàng. Anh lật từng trang, từng trang… Hình ảnh một cô gái trẻ từ miền quê Thái Bình lên dạy học vùng cao, từ lạ thành quen và hồ hởi như thanh niên thời chiến được lên đường đánh giặc. Rồi những lúc nhớ nhà, nhớ quê da diết cùng những tâm trạng, suy tư, thèm khát của thời con gái.
Đêm lạnh, ngày… tháng… Thời con gái đặt mình là ngủ, nhưng đêm nay không sao ngủ được. Phòng bên tiếng rên hạnh phúc của Na… tiếng cọt kẹt dát giường cứ khiến con tim mình thổn thức. Con gái mà. Thôi hãy ngủ đi nhé!...
Một chiều mưa ngày... tháng... Ôi sáng nay thằng A Chua học trò lớp 3 cũ kém mình có hai tuổi tự dưng cầm tay mình lôi vào rừng đào và nói thẳng luôn "Tao muốn lấy cô giáo làm vợ!...". Buồn cười quá đi mất. Dăm tuổi nữa không lấy được chồng chắc cũng phải chiều theo hoàn cảnh thôi nhỉ?... Trên này nhiều cô giáo người Kinh làm dâu ở bản vùng cao rồi đấy!...
Một đêm mưa, ngày... tháng... Hôm nay chị Na lên bệnh viện huyện chăm thằng Được bị viêm phổi cấp. Mình dọn dẹp nhà cửa, giặt rũ quần áo giúp anh chị, nấu cơm chờ anh về ăn... anh Thái thật đẹp trai, phong nhã... ước gì mình có một người bạn trai như thế. Hai anh em ngồi ăn cơm với nhau mà mình cảm thấy lòng dạ rối bời... chẳng hiểu vì sao?...
Đêm lạnh, ngày...tháng... Mình không kìm lòng được nữa... Hơn ba mươi tuổi rồi Mận ơi! Tại sao không nhận lời lấy thằng A Chua, thằng A Páo hay lời cầu hôn của những trai bản lực lưỡng kia mà lại đi làm cái chuyện dại dột ấy...? Mình có lỗi thật rồi. Không! Mình không có lỗi. Mình có quyền được yêu!
Chủ nhật buồn, ngày... tháng... Thấy trong người khác quá! Hay là... Hay là mình đã có thai? Tội lỗi, mình gây ra tội lỗi thật rồi! Biết làm sao đây? Hay là hỏi chị Na cách giải quyết nó? Không, không thể!
Ngày... tháng... Mình đấu tranh tư tưởng rất nhiều... Chiều nay lên rừng ngắt một nắm lá ngón... Hoa cây ngón đẹp lạ lùng, rập rờn sắc màu như đàn bướm, lá cây ngón xanh mỡ màng đến thế mà sao độc đến thế? Nó có sức mạnh giúp con người giải thoát một cách dễ dàng... và mình đang cần sự giải thoát...
Ngày... tháng... Hôm nay mình lén đi gặp bà Giàng Thị Pàng là người biết lấy thuốc chữa bệnh, mình nói dối có chị bạn ở quê sinh con nhiều quá, giờ lỡ kế hoạch muốn phá. Già nói "Người Mèo ta không được làm cái việc đó đâu, làm ra con người cũng khó khăn lắm đấy! Về đi!". Trên đường về mình nghĩ lung mung... đúng là làm ra con người thật khó, đứa bé này đến với mình trải qua biết bao nhiêu khó khăn chứ dễ gì đâu. Con ơi!... Con là hoa của đất!
Ngày... tháng... Hôm nay tại sao chị Na tự dưng hỏi mình "Đã ba mươi tuổi hơn mà chưa lấy chồng?". Mình nhắc lại câu nói năm xưa của chị "Có mà lấy ông ba mươi chúa tể rừng xanh mới xứng!". Ô mình hớ quá, cái ông chúa tể rừng xanh ấy chị Na đã làm chủ rồi mà. Nhìn ánh mắt của chị, mình hiểu chị đã biết mọi chuyện. Quyết định của mình là xin về quê lấy chồng. Mình phải chạy trốn thôi…
Ngày... tháng... Mình đã quay trở lại, nghị lực hơn. Mình không thể chạy trốn sự thực bởi mình không thể bỏ rơi giọt máu của mình. Mình đã dựng chuyện về quê lấy chồng, rồi chồng mất đột ngột để che lấp tội lỗi vì mình phải sống, phải sinh con... làm mẹ đơn thân trong vỏ bọc góa chồng... Mình đã lừa dối thành công chăng? Lạy trời cho mọi sự trôi chảy. Chị Na ơi! Em là người có lỗi với chị nhưng con của em không có lỗi phải không? Tha lỗi cho em.
Núi buông thõng cuốn sổ nhật ký xuống. Hai mắt cay xè. Thì ra không phải mình là đứa trẻ mồ côi khi còn trong bụng mẹ. Mình có lỗi, mẹ có lỗi, người cho mẹ đứa con này có lỗi hay hoàn cảnh có lỗi? Mà tự vấn để làm gì nữa, mẹ đã cống hiến một thời tuổi trẻ ở nơi đây, mẹ xứng đáng được làm mẹ bằng bất kỳ cách nào! Và mẹ đã sinh ra ta, dạy dỗ ta, cho ta sự nghiệp và cho ta cuộc sống như hôm nay. Cuốn nhật ký còn dày lắm những dòng tâm sự, những lo âu đêm ngày mong cho đứa con của mình nên người. Mấy trang cuối mẹ viết "Núi ơi! Nhiều người bảo đặt tên con là Sơn hay hơn, nhưng mẹ gọi con là Núi. Giờ duyên trời cho con cái nghề khám phá lòng núi. Con hãy biết giữ mình con ơi! Tài nguyên khoáng sản là của Quốc gia mà mẹ thấy các con cứ cho đào quặng chở kìn kìn hết xe nọ xe kia đem đi bán là sao? Những chuyến đi xe khách về Hà Nội chăm cháu đường xóc chồm chồm, nghe hành khách than vãn "tại xe chở quặng nó tàn phá mặt đường" là mẹ lại thấy ruột đau như sát muối. Mẹ phải lấy khăn che mặt"…. "Nghe thấy con và thằng Được bàn việc chạy chọt đút lót này nọ để khai thác quặng, mấy lần mẹ định tham gia, định gàn các con nhưng mẹ làm gì được cho con bây giờ. Thời đại của các con khác rồi… Mẹ đành thôi, chỉ cầu mong cho các con gặp nhiều may mắn".
Tiếng chuông điện thoại reo. Núi mở máy nghe một hồi lâu rồi trả lời "Anh Được ơi! Vậy thì từ từ đã anh!". Giọng Được như ra lệnh "Trên báo sắp có đợt thanh tra đấy! Làm nhanh chuyến này đi rồi tạm nghỉ, sau tính tiếp!". "Anh à… Việc nhà em còn đang rối bời, còn bộn bề lắm, em tạm ngừng công việc một thời gian. Anh nghe em đi!". Bên kia Được cúp máy vẻ không hài lòng. Núi đăm chiêu cầm cuốn sổ nhật ký của mẹ đứng dậy đi tới trước bàn thờ, anh kính cẩn đặt lên và vái ba vái. Ngoài trời nắng đã dần tắt, một vài đám mây còn sót lại đang quấn quýt kết thành chùm hoa màu xám, tia nắng cuối ngày chiếu lên làm chùm hoa bung ra từng cánh xám viền vàng lãng đãng…
N. T. T